Người của “Trăm Năm Cô Đơn”

Share:
Minh họa: aaron-burden-unsplash

Nếu con gái và con rể chúng tôi không chuyển đến đó làm việc thì chắc chúng tôi không bao giờ nghĩ đi đến nơi đó…

Khi chúng tôi báo cho bạn bè biết là chúng tôi sẽ đi thăm gia đình con gái ở Colombia thì có nhiều người lo ngại vì xứ đó là một nơi hỗn loạn, chiến tranh ma túy giết người như ngóe, nhưng cũng có người gây hứng thú cho chúng tôi, đó là Grabiel Garcia Marquez, nhà văn được giải Nobel với tác phẩm “Trăm Năm Cô Đơn”, tên truyện hấp dẫn được cả thế giới biết đến.

Trong thời gian nhiệm kỳ ba năm của con rể tôi, chúng tôi đã đến thủ đô Bogota, của Colombia hai lần. Lần nào cũng ở đó đến mấy tuần, tạm đủ để đi thăm nhiều nơi trong thành phố và một vài vùng lân cận. Bogota nằm trên cao độ 8,660 ft so với mặt biển, nên khí hậu lúc nào cũng êm dịu. Là một trong những thành phố lớn nhất của châu Mỹ Latin, dân số hiện nay ước chừng tám triệu người, từng được mệnh danh là “The Athen of South America”.

Dân số Colombia trên 50 triệu người. Diện tích khoảng 440,000 square miles (so với Việt Nam dân số trên 97 triệu và diện tích là 127,882 square miles). Hầu hết theo đạo Thiên Chúa. Tỷ số đô thị hóa khá cao 80%, còn lại 20% sống tại nông thôn. Lợi tức cá nhân rất xa cách. Thành phố mở rộng ra ngoài ven đô với nhiều cao ốc, trong khi đó, nhiều nơi đồng ruộng bỏ hoang, xác xơ. Colombia sản xuất dứa, thơm đứng hàng thứ 10 thế giới, avocado hàng thứ năm, về hoa xuất cảng sang Mỹ khá nhiều thường thấy trong các siêu thị lớn.

Một góc Bogota (ảnh: ricardo-gomez-unsplash)

Trong thập niên 1990, Columbia từng bị liệt là một thành phố có nhiều tội phạm nhất thế giới, với tỉ lệ 81 người bị giết trên 100,000 người. Nhờ chính sách “Communidad Segura” (safe community) thành công, tỉ lệ này ngày càng hạ xuống thấp chỉ còn là 25 trong năm 2018. Tại Mỹ, đứng đầu là Delaware 11.7, Louisana 11.4, California 4.4. Trên thế giới đứng đầu là Lesotho 41.25, Hondura 38.93, South Africa 36.40. Tuy nhiên, đối với nhiều người bên ngoài, nỗi ám ảnh về hình ảnh cũ của Colombia vẫn chưa tan hẳn. Ma túy vẫn là nỗi bất an, đồng thời cũng là nguồn thu nhập của xứ này.

Đối với chúng tôi trong những ngày viếng thăm, Bogota là một thành phố an bình, mọi người ngoài phố ăn mặc lịch sự, chỉnh đốn. Phố xá không có rác. Trong một chuyến xe bus ở phi trường, vừa thấy chúng tôi lên, hai người đã đứng dậy nhường ghế. Chỉ phiền một nỗi là rất ít người nói tiếng Anh. Giao thông cũng có giờ kẹt xe, nhưng không đến nỗi gây tắc nghẽn. Họ giải quyết bằng cách chia xe số chẵn số lẻ, cách một ngày mới được phép chạy trong thành phố. Họ đã giảm được nửa số lượng xe lưu thông trong một ngày cho thành phố. Một số người có khả năng đã mua hai xe giữ hai số chẵn lẻ.

Xe cộ không bóp còi inh ỏi, phương tiện di chuyển hầu hết bằng xe hơi. Vỉa hè nhiều chỗ của họ rất rộng, nhiều khu hai bên bằng hai làn xe, thế mà chỉ có hai ba làn xe mỗi chiều dành cho xe hơi, nhưng không thấy có một xe gắn máy nào chạy trên lề, cũng không thấy hàng quán chiếm lề đường. Phương tiện công cộng xe bus và xe van của tư nhân chỉ vài phút là có một chuyến. Ngoài xa lộ, nhiều nơi khoảng giữa chia hai chiều nhiều nơi rộng như một công viên trải dài, cây cối xanh tươi được chăm sóc cẩn thận.

Ảnh: ricardo-gomez-unsplash

Chúng tôi nói với nhau sao họ không thu hẹp vỉa hè và khoảng cách giữa hai chiều để nới rộng thêm làn cho xe hơi thì giao thông sẽ thoải mái hơn nhiều. Chắc hẳn họ đã nghĩ hi sinh cái này để giữ cái kia, cho người đi bộ được an toàn và thành phố thêm được nhiều cây xanh.

Tại những địa điểm du lịch, cũng có người bán hàng rong đến mời chào, nếu không muốn mua chỉ cần nói một tiếng cám ơn gracias là họ đi ngay, không đeo lằng nhằng, co kéo. Có một số nhỏ tiệm fast food như McDonald’s, Starbucks mới xen vào mở một vài tiệm đầu tiên, nhưng họ phải dùng cà phê bản xứ. Tiệm ăn Á châu rất ít. Các tiệm ăn của họ phần đông trang trí trang nhã và tiếp đãi lịch sự đúng tiêu chuẩn mà giá chỉ bằng một phần ba so với ở Mỹ. Tại các siêu thị thực phẩm nhập cảng cũng khó tìm thấy và rất đắt.

Chúng tôi có đi thăm đồn điền “Café Plantation Hacienda Coloma” cách Bogota hai giờ lái xe. Đường đồi núi quanh co như cao nguyên Việt Nam. Trên đường đi, có các quán bán thịt nướng mà không phải thịt rừng, vì chính quyền chủ trương bảo vệ thiên nhiên. Tại đồn điền này, ngay khu mới vào, họ trồng rất nhiều lan treo dính vào các cây cổ thụ, bên cạnh đó là những nhà cổ tích như trong truyện Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn. Chúng tôi được dẫn đi và giảng giải qua mọi giai đoạn từ khi ươm hạt trồng cây cho đến giai đoạn chót xay thành bột cà phê, và cuối cùng được nếm hương vị của ly cà phê mới xay, tưởng như mình đang lạc vào một thiên đường cà phê.

Cà phê Colombia là một loại cà phê nổi tiếng thế giới, thuộc loại Arabica có hương vị đặc biệt và được nhiều người ưa thích, khác với cà phê Việt Nam là Robusta vị đắng hơn. Arabica cần một khí hậu thích hợp, ít mưa hơn và giá cao gấp đôi Robusta. Ngẫu nhiên có một mẫu cà phê Việt Nam ở đó, tôi hỏi thì được biết, cà phê này được nhập cảng để chế biến cho dân chúng dùng, còn cà phê Colombia để xuất cảng. Tự nhiên, tôi thấy thương cho Việt Nam chỉ cố chạy theo số lượng mà quên mất phẩm chất như gạo, cà phê, tiêu, nước mắm, thủy sản… đã không những đánh mất thương hiệu và còn mất giá thảm thương.

Trong thời gian ở đó, chúng tôi đã đi thăm một thị trấn cổ “Villa de Leyva”, ba giờ lái xe, được tìm thấy năm 1572. Những đường phố ở đó trải đá tảng cobblestones, người và xe đã đi qua mấy trăm năm nên mặt đá nhẵn thín. Có cả một nhà thờ cổ và một quảng trường lớn.

Thị trấn cổ Villa de Leyva (ảnh: juliana-morales-ramirez-unsplash)

Đi thăm trung tâm thủ đô Bogota, trong khu phố cổ của thành phố, ở đó có một quảng trường rộng hơn St. Mark Square ở Venice, cũng có hàng ngàn chim bồ câu và có những con thú nhỏ nhưng hình dáng giống như lạc đà. Trong khu này có Trung tâm Văn Hóa Marquez và hai viện bảo tàng. Bảo tàng vàng là nơi hấp dẫn hàng đầu của du khách, trưng bày 55,000 hiện vật được chế tác từ vàng; nổi tiếng nhất là tác phẩm kiệt tác “Muisca Boat”, chiếc bè bằng vàng bên trên là những người Muisca đang làm lễ tế thần. Còn viện bảo tàng của họa sĩ Fernando Botero, đặc biệt nổi danh thế giới về những họa phẩm cùng điêu khắc vẽ những người đàn bà, đàn ông mập căng tròn.

Trung tâm văn hóa Garcia Marquez gần đó gồm một tiệm sách lớn, trưng bày tại quầy chính các ấn phẩm tái bản mới nhất của Marquez. Bên ngoài sân trước là những cột xây kỷ niệm về Marquez và một tiệm cà phê. Nhớ nhất là có mấy người nhạc sĩ vỉa hè, mặc đồ bộ đuôi tôm đen, đội mũ cao như kiểu Ănglê, đứng nghiêm chỉnh chơi các đàn dây như đại hồ cầm, vĩ cầm… Chúng tôi đứng lại nghe một nhạc sĩ lục huyền cầm, anh ta chơi khá điêu luyện, tôi cố nói chuyện và yêu cầu anh cho nghe thêm mấy bản nhạc quốc tế quen thuộc nữa như Come Back to Sorrento, La Paloma… Tôi đưa tặng anh một số tiền nhỏ và bắt chặt tay anh giã từ…

Ảnh: leandro-loureiro-unsplash

Chúng tôi lấy chuyến bay từ Bogota, khoảng 45 phút để đến thành phố ven biển Cartagena, nơi mà Marquez, để lại nhiều ghi dấu của cuộc đời và sự nghiệp văn chương trên quê hương của ông. Marquez đoạt giải Nobel Văn chương năm 1982, qua đời năm 2014 tại Mexico, nơi ông đã trú 30 năm trong đoạn cuối cuộc đời.

Cartagena xưa là thuộc địa của Tây Ban Nha, thành lập năm 1503, nằm trên bờ biển Carabian, được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Đặc biệt có những đồn lũy cổ, xưa kia để chống lại cướp biển. Hiện nay là một thành phố du lịch, với gần một triệu dân. Bãi biển khá rộng và dài đến chục miles.

Chúng tôi đến thăm ngôi nhà của Marquez, nhưng đến muộn họ đã đóng cửa. Đến thăm quán Café Havana, nơi mà Marquez đến hàng ngày trong lúc còn sống, nay cũng đóng cửa để tân trang. Sau đó, chúng tôi được giới thiệu đến một quán ăn mà Marquez thường đến, vị chủ quán là bạn ông. Quán này được một tờ báo ở New York cho vào mục food critic, là quán ăn nổi tiếng của Colombia.

Grabriel Garcia Marquez sinh năm 1927 tại Aracataca, một ngôi làng hẻo lánh ở miền Bắc Colombia. Marquez là con cả trong một gia đình có tới 12 anh em. Cha mẹ ông sớm rời đi nơi khác kiếm sống và Marquez chủ yếu được ông bà nuôi dưỡng. Làng Aracataca, cũng như bà ngoại ông với cá tính mạnh và một chút gì huyền bí, với hình dáng hơi giống một bà phù thủy, chính là nguồn cảm hứng để Marquez sau này tạo ra bối cảnh cho tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông: “Trăm Năm Cô Đơn, mà bà ngoại ông là hình bóng cho nhân vật nữ chính trong gia đình Buendia trong truyện.

Gabriel Garcia Marquez (ảnh: Ulf Andersen/Getty Images)

Marquez theo học luật khoa tại Bogota. Trường đóng cửa, ông về Cartagena làm báo, và là một nhà báo tranh đấu, viết truyện ngắn, truyện phim và truyện dài. Ông quen biết Hemingway, và chịu ảnh hưởng của Faulkner, Kaffa. Ông viết theo cách “Hiện Thực Huyền o” (Magic Reality).

Những tác phẩm được nhắc đến nhiều là:

Ngài Đại Tá Chờ Thư (El coronel no tiene quien le escriba, 1959)

Trăm Năm Cô Đơn (Cien años de soledad, 1967)

Mùa Thu Của Trưởng Lão (El otoño del patriarca, 1975)

Mối Tình Trong Thời Dịch Tả (El amor en los tiempos del colera,1985)  

Trăm năm cô đơn viết bằng tiếng Tây Ban Nha, được nhà xuất bản Sudamericana cho in lần đầu vào năm 1967 tại Buenos Aires (Argentina). Năm 1970, truyện được tái bản hơn nửa triệu bản, chưa kể hai lần in ở Cuba với một trăm nghìn bản.

Cho đến nay, tác phẩm nổi tiếng của ông đã chuyển dịch qua hơn 35 ngôn ngữ trên thế giới trong đó có Việt Nam với tổng số là 50 triệu cuốn. “Trăm Năm Cô Đơn” được tặng giải Chianchiano của Ý, được Pháp công nhận là cuốn sách hay nhất trong năm và được giới phê bình văn học Mỹ đánh giá là một trong 12 cuốn sách hay nhất trong thập niên 1960. Đây là một kiệt tác của Marquez, đã mang đến cho tác giả vinh dự đoạt giải Nobel Văn học vào năm 1982.

Bản dịch tiếng Việt của dịch giả Nguyễn Trung Đức, với sự cộng tác của Phạm Đình Lợi và Nguyễn Quốc Dũng, xuất bản ở miền Bắc, họ dịch thẳng từ nguyên bản tiếng Tây Ban Nha, cố giữ nguyên ý nên đọc hơi khúc mắc, dễ bị bỏ ngang. Họ đã dịch thêm nhiều tác phẩm khác bằng tiếng Tây Ban Nha và đã có công đưa văn học Latin đến độc giả Việt Nam. Tuy vậy, Nguyễn Trung Đức trong khi dịch chỉ chú trọng giới thiệu các tác phẩm văn chương nổi tiếng thế giới của Marquez, mà không đề cập đến Marquez là người mê chủ nghĩa Cộng Sản có hạng, nên bị chính quyền có ác cảm nặng với dịch giả.

Trong khi đó ở miền Nam, nhà văn Trùng Dương trong một bài được đăng trên Thế Kỷ 21 có viết, nhà văn Hoàng Hải Thủy đã dịch xong cuốn này, lấy tên là “Trăm năm Quạnh Hiu”. Đem đưa kiểm duyệt, chính quyền miền Nam lúc đó đã không cho phép in vì cho là Marquez theo Cộng Sản. Tôi rất thích đọc văn và văn dịch phóng tác của Hoàng Hải Thủy, như cuốn “Jane Eyre” qua bản dịch “Kiều Giang”, Wuthering Heights “Đỉnh Gió Hú” vừa văn chương, vừa lãng mạn lại dễ đọc. Không hiểu bản dịch “Trăm Năm Hiu Quạnh” này nay ở đâu?

Ảnh: webdocsach.com

Tìm hiểu tính cách ưu việt nổi bật của tác phẩm này, theo dịch giả Trương Duy Đức:

Trăm năm cô đơn là câu chuyện về dòng họ Buênđya tồn tại bảy thế hệ, có tới 60 nhân vật. Người đầu tiên bị trói vào gốc cây và người cuối cùng bị kiến ăn. Một dòng họ tự lưu đày vào cõi cô đơn để chạy trốn tội loạn luân.

Điều gì khiến “Trăm năm cô đơn” – một tiểu thuyết theo chủ nghĩa Hiện thực huyền ảo”, dày tới hơn 600 trang, chỉ kể về câu chuyện loạn luân của một dòng họ ở một ngôi làng “huyền thoại”, giành được giải Nobel phải chăng tác phẩm đã đạt tới hai mục tiêu cơ bản của giải thưởng. Đó là bút pháp độc đáo, mới mẻ và ý nghĩa nhân văn của thông điệp tác phẩm gửi tới người đọc.

Trăm năm cô đơn” được đánh giá là sản phẩm tuyệt vời của hư cấu nghệ thuật. Với bút pháp “Hiện thực huyền ảo”, Marquez đã dựng nên một ngôi làng có tên gọi Macondo. Đó là ngôi làng không một người dân nào sống quá ba mươi tuổi và chưa có nghĩa địa, đã từng xảy ra những chuyện hoang đường như cơn mưa hoa trong một đám tang, những con người được hoài thai bởi bướm và bọ cạp, những người có đuôi, có người bay lên trời không trở lại… Ở ngôi làng đó, những người con trai và con gái cùng huyết thống đã yêu nhau, lấy nhau, sinh ra những đứa con dị tật có đuôi như lợn hoặc như khỉ!

Nỗi ám ảnh về tội loạn luân đã đẩy những con người nơi đây chìm sâu vào nỗi cô đơn. Họ cô đơn trong ngôi nhà của mình. Cô đơn giữa những người thân thuộc. Cô đơn trên chiếc giường của mình, trong giấc mơ của mình… Cuối cùng, sau một trăm năm sống trong cô đơn, làng Macondo bị một cơn cuồng phong cuốn mất khỏi thế giới.

Rõ ràng là về phương diện xã hội, Marquez muốn viện dẫn một vấn đề có tính quy luật. Đó là, nếu đơn lẻ trong cuộc đấu tranh đối đầu với thiên nhiên và con người, thì sẽ bị thất bại. Nếu cố khép mình, đóng kín, quay lưng lại với thế giới, đi ngược lại những quy luật vốn có, thì sẽ bị hủy diệt. Tương tự như thế, đất nước Colombia cùng với lục địa Mỹ Latin nếu đóng cửa, tuyệt giao với thế giới bên ngoài, sẽ vĩnh viễn bị giam cầm trong lạc hậu, đói nghèo.

Còn về thông điệp, Marquez muốn nhắn nhủ một điều giản dị, nhưng sâu đậm tính nhân văn: Mọi người hãy sống đúng bản chất người, hòa hợp với các mối quan hệ xã hội của mình, hãy vượt qua mọi định kiến, thành kiến cá nhân, hãy lấp bằng mọi hố ngăn cách cá nhân để cá nhân tự hòa đồng với gia đình, xã hội.

Gabriel Garcia Marquez khởi sự nghiệp sáng tác rất sớm, khi đang là sinh viên của Trường đại học Quốc gia Colombia. Bắt đầu là những bài viết gửi đăng trên tờ El Espectador. Tiếp đến là hơn một chục truyện ngắn. Năm thứ hai ở đại học, Marquez quyết định bỏ học để theo nghề báo và viết văn. Nhờ nghề báo, Marquez được gửi đến Thụy Sĩ, Pháp, Anh, Venezuela, Cuba, Nga, Mỹ… để viết nên những thiên phóng sự nổi tiếng và một số tiểu thuyết khi tuổi đời còn rất trẻ.

Sau mấy chục năm có mặt ở tất cả những “điểm nóng” trên thế giới, năm 1961. Nhà văn Marquez đã viết gần hai chục cuốn tiểu thuyết, một trăm truyện ngắn và một số kịch bản phim truyện. Song ông vẫn cho rằng, cuốn sách cuộc đời ông là cuốn sách về “cái cô đơn”, đã miêu tả, mổ xẻ, huyền ảo hóa “cái cô đơn” để gửi gắm một thông điệp cho cuộc sống.

Marquez trở về quê hương, sử dụng tất cả vốn liếng tích cóp trong gần hai chục năm để viết cuốn sách để đời, cuốn “Trăm Năm Cô Đơn”. Netflix đang dựng tác phẩm này thành bộ phim nhiều kỳ trên màn ảnh nhỏ.

Trăm Năm Cô Đơn” được Marquez chính thức viết năm 1965, đến năm 1967 thì hoàn thành và đưa đi xuất bản. Nhưng theo như lời ông nói, “Trăm năm cô đơn” đã được ông “hoài thai” từ gần hai mươi năm trước. Đó là quãng thời gian ông làm nghề báo và viết các tiểu thuyết đầu tay, như: “Ngôi nhà”, “Bão lá”, “Một trong những ngày này”, “ Ngài đại tá chờ thư”, “Đôi mắt chó xanh”, “Đám tang bà mẹ vĩ đại”… Ông cho rằng, việc viết các tiểu thuyết trên là bản thảo lần đầu cho “Trăm năm cô đơn”.

Sau khi đoạt Nobel Văn học, năm 1985, Marquez tiếp tục chứng tỏ khả năng bứt phá bằng “Tình Yêu Thời Thổ T”, cuốn tiểu thuyết được ông xây dựng trên nguyên mẫu mối tình của cha mẹ mình. Truyện này đã được dựng thành phim. Đó là một mối tình bền vững, dẫu người cha có con ngoài hôn nhân! Tác phẩm được đánh giá là “Một trong những cuốn tiểu thuyết hay nhất về tình yêu mà con người có thể viết nên”. 

Không chỉ là một người có tài kể chuyện xuất chúng, Marquez chinh phục độc giả nhờ lối viết hiện thực, lồng trong bối cảnh lịch sử, chính trị, của đất nước, của châu Mỹ Latin, của thời cuộc. Đồng thời những tác phẩm của ông có thể đọc như một bài ngụ ngôn, trong đó cái “thực” luôn kèm cả với những truyền thuyết dân gian, những mê tín dị đoạn, với những lời nguyền, cộng thêm với một chút gì huyền bí. Marquez được tôn vinh và làm mê hoặc cả thế giới do ông là một trong những nhà cầm bút hiếm hoi thành công trong việc đưa lịch sử, văn hóa, đời sống không chỉ của một dân tộc mà là của cả châu Mỹ Latin đến với độc giả.

Ảnh: sites.utexas.edu

Nhưng bên cạnh sự nghiệp văn chương đồ sộ, Marquez còn là một nhà báo. Chính tác giả của “Ký Sự Về Một Cái Chết Được Báo Trước” từng nói: “Làm báo là cái nghề đẹp nhất trần gian”. Từ giữa thập niên 1940 Marquez đã bước vào nghề, cộng tác tờ El Espectador, rồi điều hành tạp chí Venezuela Grafica tại Caracas.

Ông được phái đi nhiều nước, nhất là Âu châu. Ông sống dưới chế độ độc tài Nam Mỹ, nên ông không chỉ là một nhà báo thiên tả, mà còn thiên cộng. Năm 1986, ông viết một bài báo tố cáo chiến hạm hải quân chở ma túy, bị chính quyền truy lùng, may trốn được vào Tòa đại sứ Mexico; sau dó ông được tị nạn và qua đời ở đó sau gần 30 năm.

Sau cuộc cách mạng Cuba, Marquez là một người rất hâm mộ và là bạn của Fidel Castro, được Castro cấp cho nhà ở. Ông có những bài viết bênh vực Castro và hỗ trợ các hoạt động du kích cộng sản ở Nam Mỹ. Ông đã hợp tác với hãng thông tấn Prensa Latina tại La Habana. Ông sống một thời gian ở Cuba, sau đó Marquez rời khỏi Cuba về định cư hẳn tại Mễ Tây Cơ, và cũng tại đây ông đã đóng cửa với thế giới bên ngoài trong 18 tháng liền, để hoàn tất tác phẩm để đời “Trăm Năm Cô Đơn”.

Ông đến thăm nhiều nước cộng sản của Liên Xô. Ông bị mê hoặc và tin tưởng vào chủ nghĩa xã hội. Ông có đến thăm Việt Nam hai lần, lần đầu trong chiến tranh và lần sau năm 1980. Ông bị chính phủ Mỹ cấm nhập cảnh, mãi đến thời kỳ Clinton mới bãi bỏ. Năm 1991, Cộng Sản Liên Xô tan rã là một thất vọng não nề cho Marquez. Không hiểu sau đó ông có phản tỉnh không, khi nhìn lại còn một vài nước còn theo chế độ cộng sản như Cuba, Triều Tiên, Việt Nam, Trung Quốc, độc tài và tham nhũng còn gấp trăm lần so với chế độ mà ông sống thời ông còn ở Colombia

Dù Marquez phải sống lưu vong ở Mễ Tây Cơ 30 năm cuối cuộc đời vì chống độc tài tham nhũng, dù ông bị thuyết Cộng Sản mê hoặc, dù Colombia và cả đại lục Nam Mỹ không nước nào theo Cộng Sản, nhưng khi ông mất năm 2014, ông vẫn là niềm hãnh diện của họ. Tổng thống Colombia là Juan Manuel Santos tuyên bố ba ngày quốc tang và đã viết: “Sự ra đi của tác giả Trăm Năm Cô Đơn, người con vĩ đại nhất mọi thời đại của Colombia để lại Một ngàn năm cô đơn và đau buồn cho đất nước”. Tro cốt của Marquez được mang về Cartagena cất giữ, thành phố nơi ông khởi nghiệp và hoàn thành những tác phẩm trứ danh.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: