Nhạc trẻ Sài Gòn trước 1975, từ pop Pháp đến pop-rock Mỹ

Minh họa: surya-urs-unsplash
Share:

Từ đầu thập niên 1960 trở đi, giới yêu nhạc pop (hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm mọi thể loại folk, pop, blues, rock, soul, country…) ở Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung bắt đầu làm quen rồi kết tình với những âm thanh mới của các nghệ sĩ Anh-Mỹ được phát tỏa từ radio. Nhưng không vì thế mà âm thanh quen thuộc của những bài tình ca Pháp bị bỏ quên. Đó là thời mà thú vui nghe nhạc của dân Sài Gòn lưỡng lự theo dòng pop Pháp hay pop-rock Anh Mỹ. Tuy nhiên thưởng thức nhạc không hề có ép chọn nên nhiều người vừa mê La vie en rose vừa thích What a wonderful world, có thể ngân nga La plus belle por aller danser rồi chuyển sang Michelle

Elton John trên con đường dài lát gạch vàng

Mai này chúng ta nghe nhạc, xem phim kiểu gì?

50 năm thăng hoa của pop-rock Mỹ

45 năm tuyệt tác pop-rock ‘Hotel California’

Hoài cảm từ một căn phòng khách xưa

Gần cuối năm 1957, bố tôi trở về Sài Gòn sau thời gian du học ở tiểu bang New Jersey. Hành lý nặng ký nhất ông mang về là cỗ máy pick-up và chồng đĩa nhạc. Khi ấy tôi còn nhí lắm nhưng đã đê mê mỗi khi gia đình để đĩa của Nat King Cole (Mona Lisa; Around the world; Unforgettable…); Frank Sinatra và nhóm Rat Pack (Dean Martin, Sammy David Jr.); Doris Day (How much is that dog in the window)… Và càng hào hứng khi nghe Diana (Paul Anka); Let’s twist again (Chubby Checker); The young ones (Cliff Richard) và Don’t be cruel (Elvis Presley)…

Bây giờ nhớ lại thấy ngỡ ngàng vì bố mẹ và cô dì chú bác của tôi trước đó chỉ nghe toàn nhạc Pháp của những ngôi sao Édith Piaf (La vie en rose, Sous le ciel de Paris, Non je ne regrette rien); Charles Trenet (La Mer); Charles Aznavour (Et pourtant, La Bohême); Dalida (Bambino); Yves Montand (Les Feuilles mortes)… Mà nào chỉ có bố mẹ tôi đâu, hầu như những người trẻ cùng thế hệ với họ đều trải qua những năm tháng bồng bềnh giữa hai dòng nhạc, một bên là Pháp và một bên Anh-Mỹ. Những người trung thành với nhánh này vẫn không thể không hiếu kỳ muốn khám phá nhánh kia, hay nhất là bơi ở cả hai dòng vậy. Và thế là họ cũng bị chinh phục bởi những bài pop rock Anh-Mỹ phát từ radio, nghe nhạc theo yêu cầu… Khi đoàn quân viễn chinh Mỹ tràn qua, nhạc trẻ Mỹ càng lan tỏa mạnh hơn qua AFRTVN (viết tắt của American Forces Radio and Television in Vietnam).

Dalida – một thời là giọng ca vàng được giới trẻ Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung rất yêu mến (ảnh: REPORTERS ASSOCIES/Gamma-Rapho/Getty Images)

Giữa thập niên 1960, tôi lên Đà Lạt học. Vài ba tuần, bố tôi lại chở đến tiệm hớt tóc. Thấy mái tóc dài, dày của tôi, các chú thợ cười đùa, “Ai cha, để tóc Bít-tơn hả!”. Hồi ấy tôi ghét nghe thế lắm vì thực ra chẳng biết “Bít-tơn” là ai, là gì! Nào ngờ lúc ấy, những đàn anh, đàn chị ở các lớp trung học đệ nhị cấp trường Pháp đã bị “Bít-tơn” bỏ bùa mê tít thò lò rồi. Họ đang dần bye-bye nhạc Pháp. Tôi và các bạn cùng trang lứa thì chưa, riêng tôi vẫn chịu ảnh hưởng nhạc nghe từ pick-up và chồng đĩa bố tôi mang về.

Thế mà chỉ ba bốn năm sau, như rất nhiều bạn nam để tóc dài, bạn nữ tóc ngắn kiểu “à la garçonne“, lứa chúng tôi rạo rực hẳn lên khi giới thiệu cho nhau những ca khúc mới nhất của The Beatles (Hey Jude; Get back; Come together; Don’t let me down…); Rolling Stones (Paint it black; Gimme shelter; Brown sugar; Honky tonk woman…) và Bee Gees (I started a joke; Massachusetts; Words; First of May…). Đúng vậy, vào những năm cuối 1960, đây là ba ngôi sao sáng nhất, được giới trẻ Sài Gòn hâm mộ nhất. Các ca sĩ, ban nhạc khác dù có ca khúc hay nhưng cũng chỉ được xem là hàng thứ. Thỉnh thoảng chỉ thoáng mê vài bài thật sự xao xuyến, chẳng hạn He ain’t heavy he’s my brother của The Hollies.

Christophe với những ‘Oh mon amour!’, ‘Main dans la main’, ‘La vie c’est une histoire d’amour’… đã làm bao con tim cô gái Sài Gòn thổn thức (ảnh: Patrice PICOT/Gamma-Rapho/Getty Images)

Chuyển sang những năm đầu thập niên 1970, có thể nói đây là thời huy hoàng của loạt ngôi sao bất ngờ sáng lên bên trời Âu-Mỹ. Nếu như The Beatles nổi bật với Let it be, album studio cuối cùng (tung ra sau khi họ đã tan rã) với những tuyệt tác Let it be; Get back; The long and winding road thì sau đó không lâu các fan đã kháo nhau nghe các đĩa solo của Paul (Another day); John (Imagine); Ringo (It don’t come easy) và George (My Sweet Lord).

Tứ Quái tan rã thì buồn đấy nhưng may sao một điều là ngay từ năm 1969 đã có những tuyệt tác ru hồn thay dần cho The Beatles. Đó là Reflections of my life của nhóm rock The Marmalade đến từ Scotland; là I’d love to change the world của Ten Years After (Anh); These Eyes của The Guess Who (Canada); và từ năm 1970 có thêm It don’t matter to me của Bread (Mỹ).

Đó là những năm chinh chiến, bom đạn rền vang ngày đêm, và giới trẻ Sài Gòn vừa học vừa lo rớt tú tài (chỉ có nước vào quân trường). Đó cũng là lúc họ mê bộ tứ blues rock Mỹ là CCR (Creedence Clearwater Revival). Những bài Suzi Q; Proud Mary; Who’ll stop the rain; Have you ever seen the rain; Looking out my back door; Long as I can see the light; Blue Bayou… được nghe đi nghe lại không biết chán. Và nay, hơn nửa thế kỷ sau, nghe lại vẫn thích. Còn nhạc phản chiến thứ thiệt của Bob Dylan thì thú thật hồi đó còn quá trẻ để nghe và cảm được, khác hẳn với việc thích những bài folk pop trầm buồn mà cuốn hút của Simon & Garfunkel, từ Bridge over troubled water, Sound of silence, Mrs. Robinson… đến I’m a rock!       

Carlos Santana (phải) và tay bassist David Brown tại Đại hội nhạc trẻ Woodstock (1969) – một trong những sự kiện âm nhạc có sức ảnh hưởng rất mạnh đến phong trào nhạc trẻ Sài Gòn trước 1975 (ảnh: Tucker Ransom/Hulton Archive/Getty Images)

Sự đổ bộ ào ạt của pop-rock Mỹ

Thời còn là học sinh, tiền đâu mà mua đĩa nên hồi ấy đa số bạn trẻ chơi băng cassette với máy mono. Nhà nào khá giả thì mua cho con dàn máy chạy băng cối, quen gọi là băng Akai với loa Teac, Pioneer là của quý. Chiều nào không có lớp học là cả đám kéo nhau về nhà bạn ấy mà thưởng thức, tập tành thuốc lá, cà phê. Những bạn bạo hơn và thích mạo hiểm thì làm quen với nàng “Marie-Jane” và ai lì hơn nữa thì kết thân luôn với heroin.

Bàn học nào cũng thấy đục khoét, vẽ chữ kiểu hippie các tên ca khúc yêu thích và dán kín poster các ngôi sao trên tường. Hồi đó, hình ảnh nghệ sĩ ca nhạc và điện ảnh in giấy màu khổ lớn là hàng quý hiếm, chủ yếu là tách ra từ các tạp chí tiếng Pháp dành cho giới “teen” như Salut les Copains hoặc Mademoiselle Age Tendre. Hồi ấy cũng chẳng có karaoke, YouTube hay Lyrics.com để có lời những bài ca mà hát theo. Hiếm hoi lắm mới mua được cuốn Hit Parade có in cả lời và nốt nhạc.  

Sinh hoạt văn nghệ của quân đội Hoa Kỳ kéo theo làn sóng mê nhạc Mỹ tại miền Nam (trong ảnh là diễn viên Gloria Loring trong chuyến lưu diễn cùng Bob Hope tại Đà Nẵng mùa Giáng sinh 1970 – ảnh: Bettmann Archive/Getty Images)

Nhạc pop Pháp những năm ấy chỉ còn được theo dõi bởi một thiểu số thôi, do nhạc Anh-Mỹ phát qua radio lấn lướt hẳn. Thực ra chuyện ấy cũng hợp với tình hình thực tế miền Nam thời ấy. Pháp đã “adieu” và ra đi lâu rồi; nay là thời Mỹ, cái gì cũng dính líu Mỹ. Nhạc Mỹ chiếm sóng phát thanh và phim Mỹ tỏa sáng màn ảnh các rạp Rex, Văn Hoa Sài Gòn, Eden… Tài tử Clint Eastwood và Charles Bronson thay Alain Delon và Jean-Paul Belmondo; cô đào văm Raquel Welch thay những bom sex “B.B.” (Brigitte Bardot) và “C.C.” (Claudette Colbert)…

Nhạc Pháp vẫn còn người nghe nhưng không nhiều. Từ lúc này, không phải không có những cái nhíu mày khó chịu và nhếch mép mỉa mai khi nghe ai đó yêu cầu bài nhạc Pháp nào đó! Sao lại lạc hậu thế? Sao còn bị mê mẩn với những “chanteurs de charme” này thế (nam ca sĩ hát nhạc trữ tình). Tuy nhiên, nhạc Pháp thực ra vẫn phát ra ở những ngõ hẻm Sài Gòn. Không chỉ bài Aline và những ca khúc tình tứ của Christophe, còn có những bài rất hay của Joe Dassin (Les Champs Élysées); Michel Polnareff (Holiday); Serge Gainsbourg và Jane Birkin (Je t’aime moi non plus); Jean-Francois Micheal (Adieu jolie Candy, Adios quérida luna;  Je veux vivre auprè de toi, Coupable, Si l’amour existe encore); các bài vui nhộn hào hứng của Patrick Juvet (La musica; Sonia; Toujours du cinema; Rappelle-toi minette).

Cùng với sự xuất hiện của quân đội Mỹ tại chiến trường miền Nam, nhạc Mỹ đã tạo ra sức cuốn hút dữ dội đối với giới trẻ Sài Gòn (Getty Images)

In the year 2525

Dòng sông pop đã tách hẳn hai nhánh – với nhánh lớn, ào ào trôi là pop rock Anh-Mỹ và nhánh nhỏ chảy chầm chậm là pop Pháp, có phần bị hãm trong “ao tù” (do không còn nhiều thông tin cập nhật; không thể nào biết bên Pháp ca khúc nào đang lên top hit, khác hẳn với những Top 14, Top 30 nhạc Mỹ được nghe biết đầy đủ mỗi tối thứ sáu và chiều thứ bảy).

Những năm ấy, giới trẻ Sài Gòn nhận ra rằng không có The Beatles cũng chẳng sao vì nay là thời của những America (The Horse with no name; Ventura Highway; Don’t cross the river); Bread (Everything I own; If; Guitar Man); Bee Gees (How can you mend a broken heart; Run to me); The Hollies (Layla; Long cool woman in a black dress); Lobo (California Kid and Reno; Me and you and a dog named Boo; I’d love you to want me; How can I tell her); Gildbert O’ Sullivan (tuyệt tác Alone again (Naturally); Get down) và đặc biệt là…

… Eagles. Đúng vậy! Không thể không nhắc Eagles! Những năm ấy, dân nghiền nhạc trẻ Sài Gòn mê mệt âm thanh country rock của nhóm này (Take it easy; Peaceful easy feeling; Witchy woman; Desperado; Tequila sunrise; The best of my love) và sau này Eagles còn làm Sài Gòn xao động dữ dội với Hotel California

Eagles, 1979 – trái sang: Glenn Frey, Don Henley, Joe Walsh và Don Felder (ảnh: Fotos International/Getty Images)

Một năm trước ngày định mệnh đứt ruột 30 Tháng Tư, các bạn yêu nhạc Pháp được dịp mừng rỡ với Paroles paroles qua trình bày của Dalida và Alain Delon; rồi L’Aventura của Stone & Charden; trong khi những bạn thích nhạc Anh-Mỹ lại cười mỉa khi nghe Waterloo (ca khúc giúp ABBA đoạt danh hiệu vô địch Eurovision 1974). Hồi ấy ai cũng nghĩ rằng ABBA rồi sẽ nhanh chóng qua đi như ngôi sao xẹt. Nào ngờ!…

Đó là những năm tháng chúng ta còn trẻ và nghe nhạc không chỉ là thú vui mà còn là đam mê. Đó là thời son trẻ, với những tiếng gào “đẫm ướt” “triết học siêu hình” rằng, “hỡi nhân loại và thế gian, còn chờ gì mà không yêu nhau”… Đó là thời chúng ta yêu Lulu với To sir with love; và chúng ta trầm mặc về quá khứ cùng Mary Hopkins với Those were the days. Đó là thời mà nhiều thanh niên Sài Gòn rất thích cặp song ca Zager and Evans với ca khúc thành công duy nhất In the year 2525. Thích nghe chứ chẳng màng bận tâm cái năm xa lắc ấy mình có còn trên cõi đời này không, để ngày nào đó lại lẩm nhẩm một mình Paroles paroles

___________

Elton John trên con đường dài lát gạch vàng

Mai này chúng ta nghe nhạc, xem phim kiểu gì?

50 năm thăng hoa của pop-rock Mỹ

45 năm tuyệt tác pop-rock ‘Hotel California’

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Chứng hôi miệng
Chứng hôi miệng là một tình trạng phổ biến, gây khó chịu cho bản thân, những người xung quanh và thậm chí cô lập xã hội, ảnh hưởng đến mọi…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: