Đường Hải Thượng Lãn Ông không phải là chợ thuốc bắc duy nhất ở quận 5 vì cách đó không xa còn có đường Phùng Hưng, đoạn nối giữa Soái Kình Lâm và đường Nguyễn Trãi cùng với đường Lương Nhữ Học, cũng chuyên kinh doanh dược liệu Đông y.
Phố cổ của Chợ Lớn
Tuy nhiên, Hải Thượng Lãn Ông có thể được xem là vựa thuốc bắc lớn nhất của Chợ Lớn với nhiều tiệm thuốc bắc tồn tại hơn hàng trăm năm từ khi Chợ Lớn mới hình thành. Ký ức rõ ràng và khó phai nhất của tôi về đường Hải Thượng Lãn Ông là mùi thảo dược khô rất nồng tỏa ra từ những chiếc bao xác rắn to đựng thảo dược bày trên vỉa hè trước những tiệm thuốc. Lúc còn nhỏ, mỗi lần ra đường Lưu Xuân Tín xem cá cảnh, chỉ cần đi tới cuối đường là tôi đã có thể ngửi được mùi dược liệu khô từ đường Hải Thượng Lãn Ông phảng phất từ xa.
Hải Thượng Lãn Ông để lại cho tôi nhiều ấn tượng khó phai vì nó quá đặc biệt. Ngoài mùi thảo dược khô đặc trưng, nhà cửa ở đây cũng thuộc hàng “độc nhất vô nhị” ở Sài Gòn-Chợ Lớn. Hầu hết ngôi nhà trên đường Hải Thượng Lãn Ông đều là nhà cổ được xây từ thời Pháp mang phong cách kiến trúc thuộc địa “authentic” kết hợp với những nét kiến trúc cổ của người Hoa rất độc đáo. Có thể nói Hải Thượng Lãn Ông là con đường có những ngôi nhà cổ được bảo tồn tốt nhất và ít bị pha tạp nhất khắp cả Sài Gòn-Chợ Lớn.
Mỗi lần đi trên đoạn đường này, tôi luôn có cảm giác mình du hành ngược thời gian và không gian để về với Sài Gòn-Chợ Lớn của những năm 1940-1950. Quả thật, chỉ cần thay đổi một chút về xe cộ và trang phục thì khúc đường này có thể trở thành bối cảnh thích hợp để quay những cảnh phim về Thượng Hải hoặc Hong Kong thời xưa.
Theo những gì tôi được biết thì nghề bán thuốc bắc ở đây đã có từ hàng trăm năm trước khi Chợ Lớn mới bắt đầu thành lập và cứ thế mà cha truyền con nối từ đời này sang đời khác. Những người Hoa sống lâu năm ở Chợ Lớn – quen gọi đường này là “đường Khổng Tử” theo tên cũ trước năm 1975 – đều nói có những tiệm thuốc bắc còn lớn tuổi hơn cả cha mẹ họ.
Phần lớn các tiệm thuốc bắc ngày nay trên đường Hải Thượng Lãn Ông dùng bảng hiệu nhôm và tên chỉ có hai chữ chẳng hạn “Hòa An”, “Thịnh Đức” viết bằng cả hai thứ tiếng Hoa và Việt, nhưng nhiều tiệm lâu đời vẫn còn giữ được bảng hiệu bằng gỗ thếp vàng từ thời mới khởi nghiệp mặc dù màu vàng son tên hiệu đã bị màu thời gian làm phai mờ.
Chính “màu thời gian” lại là dấu hiệu đảm bảo uy tín và chất lượng đáng tự hào của chủ tiệm. Nếu như các quán ăn hoặc cửa hàng buôn bán người Hoa thường có chữ “ký” trong tên chẳng hạn “Thuận Ký”, “Minh Ký”… thì các cửa hiệu thuốc bắc thường có tên ba chữ và chữ cuối luôn là “Đường” như “Vĩnh Hòa Đường” hay “Xương Tín Đường”. Những cái tên này không phải tùy tiện mà đặt và chữ được dùng khắc trên bảng hiệu cũng không phải là tùy tiện mà đưa cho thợ làm mà phải là do một người có đạo đức và giỏi thư pháp viết tặng. Những tấm bảng hiệu như thế được truyền từ đời này sang đời khác như một bảo vật “thiên kim bất hoán”.
Ngày nay tuy hầu hết cửa hiệu ở đây đều có ít nhiều thay đổi cho phù hợp với thời hiện đại và bán cả thuốc bắc lẫn thuốc nam nhưng vẫn không khó nhận ra được những dấu hiệu đặc trưng của một tiệm thuốc bắc truyền thống như trong các bộ phim cổ trang của đài TVB Hong Kong – chẳng hạn các hũ rượu thuốc to ngâm các loại dược liệu hoặc những chiếc tủ gỗ cao có nhiều hộc tủ nhỏ chứa thuốc. Bên ngoài cửa tiệm còn bày rất nhiều những bao nilon hoặc bao xác rắn cỡ lớn chứa đầy thảo dược phơi khô mà có lẽ chỉ có người trong nghề mới biết hết tên của chúng.
Có tiệm còn treo những xâu tắc kè hoặc hải mã phơi khô bên ngoài cửa tiệm khiến cho du khách phương Tây nhìn thấy vừa ngạc nhiên vừa sợ. Chỉ có những chiếc cân tiểu ly dùng để cân thuốc và những chiếc bàn tính bằng gỗ với những xâu hạt tròn tròn nhìn giống những hạt Phật châu chạy lên chạy xuống lách cách theo nhịp gảy tính toán điệu nghệ của các ông chưởng quầy xưa giờ hầu hết đã bị thay thế bằng máy tính laptop, iPad, máy tính để bàn hoặc tệ lắm cũng là cái máy tính bỏ túi Casio.
Ngày còn nhỏ, mỗi lần nhìn mấy ông bà già người Hoa miệng lẩm bẩm còn tay thì thoăn thoắt khảy những hạt tính trong chớp nhoáng đã tính ra được số tiền, tôi luôn cảm thấy ngưỡng mộ vô cùng và ước gì mình cũng biết sử dụng bàn tính này.
Thuốc bắc đâu chỉ có “cao, đơn, hoàn, tán”
Khi nghĩ tới thuốc bắc hoặc thuốc nam, phần lớn sẽ nghĩ tới những thang thuốc gồm các dược liệu khô được thầy thuốc bốc, cân và gói vào gói giấy và đưa cho bệnh nhân về để sắc uống theo nguyên lý “ba chén còn tám phân” hoặc bộ tứ “cao (thuốc dán), đơn (thuốc viên), hoàn (thuốc tễ), tán (thuốc bột)” của các gánh Sơn Đông Mãi Võ.
Trên thực tế, các tiệm thuốc bắc ở Chợ Lớn còn bán khá nhiều các loại dược phẩm nhập khẩu từ Hong Kong, Đài Loan hoặc Trung Quốc được đóng gói hiện đại như thuốc tây. Tôi từ nhỏ đã quen với các loại dầu nóng của Hong Kong được bán rộng rãi ở các tiệm thuốc Bắc như dầu Bạch Hoa màu trắng rất nóng và rất thơm dùng để xoa bóp cho ấm người khi bị cảm lạnh, xức ở thái dương, mũi khi bị nghẹt mũi, thậm chí có thể uống một ít; hay dầu nóng Hồng Hài Nhi có hộp thiếc hình trụ tròn cao màu đỏ.
Nhưng tôi vẫn thích nhất là mùi dầu Huỳnh Lập Quang, một loại dầu nóng dùng để xức trị sưng, trặc và làm tan máu bầm rất tốt. Còn những lần bị ho lâu không dứt, tôi tìm mua Hạnh Nhân Tỳ Bà Cao, một loại siro ho có mùi hạnh nhân rất thơm để uống cho dễ ngủ vào buổi tối.
Thuốc bắc không chỉ chữa bệnh mà còn dùng để làm nguyên liệu hầm/tiềm với thịt để ăn như canh, nấu uống như trà, hoặc nấu chè để ăn giải nhiệt. Muốn bồi bổ sức khỏe sau khi vừa khỏi bệnh, hãy ra tiệm thuốc bắc để mua gói tiềm bao gồm kỷ tử, táo tàu, hoài sơn (củ mài), đảng sâm, đương quy, nhãn nhục, thục địa, xuyên khung… để tiềm với gà ác, bắp bò, gân nai hoặc óc heo. Ăn vài thang sẽ thấy sức khỏe được phục hồi thấy rõ.
Trời nóng thì mua táo tàu, nhãn nhục, bo bo, hạt sen, củ sen và phổ tai về nấu sâm bổ lượng với đường phèn ăn hoặc đơn giản hơn là mua hoa cúc khô hoặc la hán quả về nấu ấm trà hoa cúc-la hán uống để uống giải nhiệt. Hai thứ bông cúc và la hán quả có thể nấu chung với nhau hoặc nấu riêng, có đường hoặc không đường, uống nóng hay uống lạnh đều ngon cả.
Ba tôi ngày xưa hay mua bắc tử thảo và hạ cô thảo về để nấu canh với thịt nạc heo hoặc nấu với mứt bí để uống như bông cúc; còn bác Hai tôi thì mua một loại lá dâu tằm phơi khô để nấu món chè “cáy tản ch’à” (trứng gà nấu với trà). Những món này đều là những món hồi nhỏ tôi rất thích ăn, mặc dù màu của nước khi nấu xong đen như… thuốc bắc. Chỉ có món canh thục địa đắng đắng nhẫn nhẫn là món mà tôi không bao giờ ưa được mà thôi.
Hầu hết tiệm thuốc bắc trên đường Hải Thượng Lãn Ông ngày nay không chỉ bán thuốc bắc mà còn bán cả thuốc nam. Thậm chí có nhiều thang thuốc kết hợp cả thuốc bắc lẫn thuốc nam chứ không chỉ thuần thuốc bắc. Khi tôi tỏ ra thắc mắc về điều này, một vị tiền bối hành nghề hốt thuốc bắc mà tôi quen giải thích rằng người Việt và cả người Hoa sống ở Việt Nam nhiều đời, cơ địa sẽ quen với khí hậu, thổ nhưỡng và cách ăn uống của người Việt, nên sẽ có một số vị thuốc bắc không hợp mà nếu thay bằng thuốc nam sẽ có hiệu quả tốt hơn.
Vả lại, trong thuốc nam cũng có nhiều thảo dược tốt và giá lại rẻ hơn, dễ tìm hoặc dễ trồng hơn là những loại thảo dược cùng công dụng nhưng phải nhập từ Trung Quốc. Vì thế một số tiệm thuốc trên đường Hải Thượng Lãn Ông sẽ không để bảng hiệu là tiệm thuốc bắc hoặc tiệm thuốc Đông Y mà để bảng “nhà thuốc y học dân tộc” vì sự kết hợp độc đáo này.
Các tiệm thuốc bắc không chỉ bán thuốc
Theo truyền thống, các tiệm thuốc bắc không chỉ bốc thuốc theo đơn kê sẵn mà còn kiêm luôn khám chữa bệnh theo phương pháp “vọng” (quan sát sắc mặt, nhãn thần, lưỡi…), “văn” (nghe tiếng thở, giọng nói của người bệnh), “vấn” (hỏi người bệnh về triệu chứng), “thiết” (bắt mạch)”; cùng với châm cứu, bấm huyệt hoặc nắn gân xương bằng rượu thuốc (trật đả). Không ít tiệm thuốc bắc trên đường Hải Thượng Lãn Ông ngày nay vẫn còn là những phòng khám Đông y có tiếng khắp Sài Gòn-Chợ Lớn.
Ở thời đại ngày nay khi Tây y gần như chiếm ưu thế tuyệt đối, vẫn có không ít người lựa chọn việc khám và chữa bệnh bằng Đông y hơn là đi bác sĩ hoặc bệnh viện. Đó là những người Hoa thuộc thế hệ trước, phần lớn không rành tiếng Việt và ít rời khỏi khu Chợ Lớn nên đối với họ việc đi bệnh viện khám chữa bệnh bằng Tây y thực sự là một thử thách lớn.
Vì thế phòng khám Đông y vẫn có lượng khách riêng của mình qua bao nhiêu năm tháng. Tuy nhiên, nghề khám bệnh và bốc thuốc Đông y vừa cực vừa có nhiều nguyên tắc về y đức nhưng lại không kiếm được nhiều tiền hoặc có cơ hội phát triển như những ngành nghề khác nên việc các thế hệ sau này còn chịu nối nghiệp gia đình không là một câu hỏi mà không ai dám trả lời chắc chắn.
Một nét độc đáo khác của các tiệm thuốc bắc mang tính truyền thống từ xưa tới nay là ngoài việc bán thuốc và khám bệnh, nhiều tiệm còn là võ đường mở cửa chiêu sinh dạy võ cho con em người Hoa trong vùng. Quay trở lại lịch sử người Hoa di cư tới miền Nam Việt Nam cách đây 2-3 thế kỷ trước, trong số những người Minh Hương bỏ xứ ra đi vì không chấp nhận thần phục triều đình ngoại tộc Mãn Thanh, có rất nhiều người vốn xuất thân từ võ quan thời Minh hoặc là y sư kiêm võ sư, y thuật vừa cao thâm vừa tinh thông quyền cước.
Họ mang theo những bài võ bí truyền của gia tộc và những bài thuốc gia truyền chữa thương, bồi bổ gân cốt hoặc chữa trật gân, gãy xương truyền lại cho thế hệ sau với hy vọng đào tạo ra những thế hệ “phản Thanh phục Minh” sau này có thể quay trở về quê hương tiếp tục sự nghiệp còn dang dở của cha ông. Qua nhiều thế hệ và vật đổi sao dời, những thế hệ người Minh Hương sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Sài Gòn tuy không còn ý định “phản Thanh phục Minh” nhưng họ vẫn tiếp tục dạy võ cho con cháu như một trách nhiệm đối với dòng họ.
Những võ sư người Hoa thường không to cao lực lưỡng hoặc xăm trổ bặm trợn mà thường nhỏ thó gầy gò, đôi khi cao chưa tới 1.6m, nhưng nhìn khỏe mạnh, linh hoạt, gân cốt chắc chắn và thần sắc tinh anh. Vì thế rất khó đoán được “a xúc” (ông chú) mặc cái áo thun trắng không cổ truyền thống của người Hoa lao động ngồi bán thuốc kia có phải là một cao thủ võ lâm “chân nhân bất lộ tướng” hay không.
Không chỉ dạy võ, một số tiệm thuốc bắc còn dạy múa lân, múa rồng và lập đội múa lân để con em người Hoa tham gia kiếm thêm thu nhập vào dịp Tết. Tết Nguyên Đán là dịp các đoàn lân khu Chợ Lớn hoạt động mạnh biểu diễn khai trương chúc Tết ở các nhà giàu buôn bán lớn để nhận tiền lì xì từ gia chủ. Các đoàn lân ở Chợ Lớn ngày tôi còn nhỏ còn biểu diễn võ công (quyền cước, binh khí) hay nội công tùy theo yêu cầu và thù lao của gia chủ.
Đệ tử trong các đoàn lân thường là con em của những gia đình lao động người Hoa nghèo, ít học, đi theo những đoàn lân vừa học võ, vừa kiếm tiền Tết nên các sư phụ dạy thường không đòi hỏi học phí cao, thậm chí không đòi học phí. Tuy nhiên không phải ai tham gia cũng được thu nhận làm đệ tử vì mỗi võ đường có những môn quy riêng mà môn sinh phải tuân thủ.
Để trở thành đệ tử, các môn sinh phải học võ đức, biết cách kính trên nhường dưới, lễ độ với sư phụ và sư huynh đồng thời hòa nhã với các sư đệ bên dưới, không được khinh suất. Những môn sinh có tính khí hung hăng thích học võ để ra oai hoặc bắt nạt người khác hay học võ để làm những chuyện xấu như cướp giật đâm chém đều không được nhận. Cũng có nhiều môn sinh vì chuyện cơm áo gạo tiền vất vả mà không có đủ thời gian hoặc kiên nhẫn để tiếp tục theo đến cùng, vì việc luyện võ hoặc tập múa lân đều rất cực khổ lại dễ bị tai nạn nghề nghiệp.
Những tiệm thuốc bắc kiêm lò võ và dạy múa lân ở những năm 1980-1990 vẫn còn khá nhiều ở Chợ Lớn. Một trong những đội lân lâu đời nổi tiếng nhất Chợ Lớn hơn nửa thế kỷ qua là Nhơn Nghĩa Đường thuộc gia đình võ sư họ Lưu cũng là một tiệm thuốc trên đường Hải Thượng Lãn Ông, đến nay vẫn còn hoạt động.
Hồi học cấp ba, tôi tình cờ quen một cậu bạn người Hoa họ Mạch, là con cháu của một nhà bán thuốc bắc kiêm dạy võ và tổ chức múa lân ở đường Hải Thượng Lãn Ông. Cậu Mạch kể rằng anh em cậu, từ 3-4 tuổi, đã được (hoặc “bị”) a dè (ông nội) mỗi ngày lôi lên sân thượng từ 5 giờ sáng để dạy đứng tấn và dùng nước thuốc để tắm cho gân cốt săn chắc, trời nắng cũng như trời mưa. Ngoài ra, cậu bạn tôi còn được dạy cách bắt mạch, bốc thuốc, trị trật đả… theo phương pháp Đông y mà theo cậu là rất cực khổ.
Lâu rồi không gặp, tôi không biết cậu bạn tôi có theo nghề của cha ông hay đã chọn nghề nào đó hiện đại hơn. Nhưng có một điều mỗi lần nghĩ tới, tôi lại không khỏi chạnh lòng là chắc chắn những lò võ gia truyền kiểu này sẽ bị mai một theo năm tháng. Tuổi trẻ ngày nay với quá nhiều lựa chọn trong thời đại công nghệ chắc rất hiếm người chịu khổ chịu cực để luyện võ hoặc học bốc thuốc như xưa.
Nếu bạn muốn tìm hiểu về truyền thống thuốc bắc hàng trăm năm của đường Hải Thượng Lãn Ông, hãy tìm đến một tiệm thuốc nào đó hỏi mua ít thảo dược khô để nấu trà giải nhiệt và hỏi ông chủ về nghề thuốc bắc cũng như lịch sử của tiệm. Tôi tin rằng ông bà chủ sẽ giới thiệu về bảng hiệu gia truyền nhà mình một cách tự hào không giấu giếm…