Sài Gòn, những cơn mưa rủ nhau cợt đùa với thị dân nhẹ dạ. Trời đang nắng chang chang bỗng ào một cái, mưa tới tối. Mạnh ai nấy thấp thỏm: “Ủa, thường mưa vầy lát nó ngừng mà ta!”
Hàng quán, mái hiên ven các con đường lớn vào mùa “bắt khách”, khách có thể ập đến bất cứ lúc nào. Nhưng thật tiếc, mục đích của phần đông khách lúc này là vào trú mưa. Họ có thể mang hết các bực dọc vì quên mang áo mưa lẫn trễ nải hẹn hò, công việc vào cái quán hay hàng hiên xa lạ kia, và sẵn sàng buột miệng hứa “mốt hông đến đây nữa” nếu gặp bất cứ phật ý nào. Tuy nhiên, đây cũng là dịp các vị chủ quán đáng yêu thể hiện sự dễ thương “trăm nơi khó gặp” của mình: “Thôi, không cần uống nước đâu em, ngồi chơi chút đi, mưa này nhanh hết mà.”
Nếu không có gì phiền hà hay gấp gáp thì sẽ không có gì thú vị bằng ngồi ở bên đường, nhâm nhi ly cà phê hoặc món ăn yêu thích, ngắm mưa và người hối hả dưới mưa. Mưa thì đâu không có, ngập thì đâu không ngập, nhưng thứ trước mắt bạn sẽ không bao giờ lặp lại một cách hoàn hảo không thay đổi, vì nó không những là cảnh sắc mà còn là cảm giác. Hãy cho tôi chai rượu vang và hai dĩa mồi, tôi sẽ kể bạn nghe hàng trăm câu chuyện suốt chiều dài cuộc đời của mình cho đến lúc này, dưới cơn mưa lạnh lùng kia.
Mưa và phận người.
Ðó là những chiếc áo mưa xanh đỏ tím vàng đủ màu không thấy mặt.
Ðó là những gánh hàng rong đi như chạy dù không thể thoát kịp cơn mưa.
Ðó là đôi tình nhân say đắm ôm nhau lướt qua.
Ðó là những cú va chạm kinh hoàng vì ai cũng cố chạy thật nhanh.
Ðó là chú cua con nhỏ bé vô danh không biết từ đâu chạy đến bên chân kẹp như khều.
Ðó là một chú chó cụp đuôi trốn dưới gốc cây sủa vu vơ con nước.
Ðó là một cảnh chia ly sinh tử giữa hai nhân vật Gián giữa dòng nước lớn.
Ngồi một chỗ mà ta có thể nhìn thấy lát cắt vội nhất trong cuộc đời của rất nhiều người. Rất thú vị, đúng không? Nói đi cũng nói lại, người ngồi trong thú vị bao nhiêu thì kẻ chịu trận ngoài kia “trào nước mắt” bấy nhiêu.
Ngày xưa ngày xưa á, mỗi lần tan trường mà trời mưa là cột áo dài, xách xe đạp ra… dắt bộ từ trường về nhà, đoạn đường rất dài nhưng lại thi vị vô cùng. Cái lạnh ngấm dần vô áo, vô da, rồi len lỏi vô lớp mỡ, đến cơ, đến gân, đến xương, đến vô số thứ khác (mà chỉ có bác sĩ và Google mới có thể liệt kê được), rồi cuối cùng cũng chạm vào trái tim bé nhỏ, non nớt của cô học trò mộng mơ, hoang tưởng. Cái sự lạnh khiến con tim run rẩy lắm khi nghĩ về. Không phải là cái lạnh lẽo da thịt, cũng không phải cái lạnh của nỗi buồn, mà là cái lạnh tương phản với dòng nước nóng hổi tuôn ra từ hốc mắt. Ngộ, thứ gì mà cứ mưa là lôi chuyện buồn ra đong đếm, sợ rớt mất hay sao!
Rồi thời gian qua, con người thay đổi, dần cởi bỏ những ngây thơ, mơ mòng, và đời thực ngày càng trần trụi, khi thấy mưa và nghĩ về lúc xưa bỗng phì cười, cảm thấy ngớ ngẩn. Không phải hoàn toàn tại sở thích thay đổi, mà vì mọi thứ xung quanh đều quá đổi thay. Con đường đi học xưa giờ chẳng cần đến mưa cũng kẹt xe, còn mưa thì ôi thôi là ngập ngụa.
Giờ, trong cặp cô học trò ngày xưa không chỉ có sách, bút mà còn smartphone, laptop, hồ sơ công việc… hàng đống thứ không thể tắm mưa chung với nàng. Cũng không còn ai đủ can đảm dắt bộ chiếc xe máy nặng nề trên con đường vừa xăm xắp nước vừa ngổn ngang người như vậy, lâu lâu lại bị những bánh xe vô tình bắn nước lên người, hoặc lỡ chân lọt xuống cái hố voi, cái cống mất nắp nào đó thì coi như xong! Còn sống đã may lắm rồi chớ ở đó mà mơ với mộng.
Lại có vẻ bi quan rồi! Ừ, thì không bi quan. Ta hãy bỏ qua số đông người buồn bã, bực bội vì những vũng nước không kịp chảy xuống cống. Vì bên cạnh đó vẫn còn nhiều người tìm thấy niềm vui trước “sự kiện” này. Đó là những người bán áo mưa chẳng hạn…
Mưa lâm râm, tôi đang nhởn nhơ đứng (bên) đường chờ taxi thì “hai bạn nam giấu tên” từ phía sau rồ ga chạy lên giựt balô, tôi té nhào nhưng chỉ trầy nhẹ. Balô khá dày và nặng nên cũng không sao, vẫn còn nguyên trước mặt, chỉ tiếc cho hai bạn nam giấu tên kia “không làm chủ được tốc độ khi tham gia giao thông” (báo trong nước hay tả như vậy) nên đâm thẳng vô con lươn phía trước, té nhào, tứ chi máu me, còn mém bị bà con “ra tay nghĩa hiệp” nếu tôi không cản!
Lại gần hơn kiểm tra thì thấy con lươn không sao nhưng chiếc xe của hai bạn kia bị bể vài chỗ. Buồn cho nền công nghiệp sản xuất xe hai bánh của nước người đã không liệu trước để khắc phục những bi kịch ở nước mình. Rồi buồn cho thân phận mình, đến ăn cướp cũng có đôi, còn mình thì giờ phải đi bộ một mình dưới mưa…
Một người lạ đến gần hỏi thăm tình trạng sức khỏe của tôi, rồi thở dài cảm thán: Hồ Chí Minh nguy hiểm quá em nhỉ?