Xóm lồng đèn truyền thống hồi sinh với muôn ngàn sắc màu

Xóm lồng đèn giấy kiếng duy nhất còn lại giữa Sài Gòn – phóng sự của Saigon Nhỏ
Share:
Lồng đèn cá chép cỡ lớn, “đặc sản” của xóm Phú Bình

Dù hơn một tháng nữa mới đến Tết Trung Thu (Rằm Tháng Tám), nhưng hơn một tháng nay, xóm lồng đèn giấy kiếng Phú Bình đã như sống lại. Qua hai năm Sài Gòn tan hoang vì đại dịch, nay mới thấy lại sự nhộn nhịp ra vào của thợ, của người giao mối tre, giấy kiếng; của khách hàng và cả khách tham quan…

Những chiếc lồng đèn muôn màu, muôn sắc đang chờ một mùa Trung Thu ấm áp

Xóm lồng đèn giấy kiếng Phú Bình (423/32m đường Lạc Long Quân, phường 5, quận 11) được những người dân cả xóm vốn có nguồn gốc xuất phát chính từ làng nghề Bác Cổ (Nam Định). Mang vào sinh sôi nảy nở ở Sài Gòn rồi dần hình thành nên cả một xóm nghề cách đây hơn 50 năm. Giữa những năm 1990 là thời kỳ hưng thịnh nhất của xóm lồng đèn Phú Bình. Thời đó, Việt Nam mới “thoát” ra khỏi nền kinh tế bao cấp, cuộc sống người dân Sài Gòn bắt đầu khấm khá nên nghề làm lồng đèn mới có cơ hồi sinh.

Nhớ lại cái thời đó mà không khỏi ngậm ngùi. Anh Lê Công Thắng, người thợ làm lồng đèn giấy kiếng đầy kinh nghiệm cho biết, cả nhà anh làm lồng đèn từ những năm 1989. “Hồi đó, nhu cầu của xã hội chưa cao, xóm này chỉ làm có vài mẫu giấy kiếng như con bướm, con thỏ, con gà, ông sao… Tôi phải chạy “xế điếc” (xe đạp), đi bỏ mối khắp Sài Gòn”. Dần dà, anh được người ta góp ý, thêm chuyện “chôm ý tưởng” nên các mẫu mã mới được anh và cả xóm nghiên cứu cho ra đời ngày càng nhiều. Thấm thoát qua thời gian, xóm này làm được cả trăm mẫu mã, đủ cỡ các loại, cả những chiếc lồng đèn được đặt theo ý riêng của khách hàng, cỡ đại họ cũng làm được.

Rồi “đùng một cái”, hai năm qua, cả Sài Gòn bị phong tỏa, đời sống lẫn kinh tế cả xã hội bị “rào” lại hoàn toàn. Cái xóm lồng đèn này cũng buộc phải “treo niêu”. Đến mùa Trung Thu năm nay, xóm lồng đèn giấy kiếng Phú Bình đã dần hồi sinh. Xóm nghề này, khoảng hơn một tháng trở lại đây, lại nhộn nhịp hẳn với đơn đặt hàng từ khắp nơi đổ về. Để đeo nghề, cứ đến dịp Trung Thu, anh Thắng cùng gia đình “dẹp” tất cả các công việc lại và chỉ tập trung vào sáng tạo ra những chiếc lồng đèn giấy kiếng hút mắt trẻ thơ. Năm nay, dù chưa đến Trung Thu nhưng gia đình anh Thắng đã bán hơn 2,000 chiếc lồng đèn.

Chị Xuân đang thực hiện công đoạn ghép lồng đèn cá chép, ông sao loại lớn

Bà Dương Thị Mai (61 tuổi) cho biết: “Nhà tôi chuyên gia công dán, vẽ những chiếc lồng đèn với giá 7,000 đồng/cái (khoảng $0.30). Cả tháng nay tôi đã dán, vẽ hơn cả ngàn chiếc lồng đèn rồi.”. Bà Mai cho biết thêm, trước kia, bà không biết làm hay vẽ lồng đèn. Nhưng từ khi lấy chồng, được gia đình chồng chỉ cho cách làm lồng đèn thì bà đã thực sự yêu cái nghề đến nỗi không dứt ra được. Năm nay, gia đình bà Mai đã bắt đầu làm lồng đèn từ hai tháng trước, đến nay đã giao khoảng vài ngàn cái cho khách.

Khá hơn những gia đình khác, hộ sản xuất lồng đèn của anh Nguyễn Văn Thành (ngụ số 49/56/10 Trịnh Đình Trọng) đã nhận được khá nhiều đơn đặt hàng, có những đơn đặt hàng tận Hà Nội, Đà Nẵng, Hội An… Năm nay, số lượng lồng đèn hình con gà được nhiều khách hàng đặt tại gia đình anh Thành. Có số lượng nhiều nhất, đa dạng kích cỡ nhất vẫn là lồng đèn ông sao, những chiếc lồng đèn đơn giản như vậy luôn là một món hàng không thể thiếu vào mùa Trung Thu. Anh Thành cho biết, ngoài việc cung cấp số lượng lớn cho các chợ, các hộ sản xuất lồng đèn giấy kiếng tại xóm Phú Bình còn bán trực tiếp cho khách hàng.

Cả gia đình anh Đạt ở xóm Phú Bình đang tất bật cho đơn hàng hàng trăm chiếc lồng đèn giấy bóng kiếng truyền thống

Thời “ăn nên làm ra” nhất của xóm lồng đèn Phú Bình là những năm thập niên 1990. Khi đó ngoài cung cấp cho toàn miền Nam, những chiếc lồng đèn của người dân nơi đây còn xuất khẩu sang Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc… Đến cuối thế kỷ 20, xóm lồng đèn Phú Bình bắt đầu mất dần thị trường vì không cạnh tranh được với lồng đèn điện tử, đặc biệt hàng Trung Quốc. Con đường dẫn vào xóm vắng tênh mỗi mùa Trung Thu, chỉ một số ít trong hàng trăm hộ gia đình cố gắng bám trụ với nghề cha truyền con nối. Vài năm trở lại đây, khi có tin đồ chơi Trung Quốc chứa chất gây ung thư thì người dân mới quay lại với lồng đèn truyền thống, mang đến sự hồi sinh cho xóm lồng đèn giấy kiếng duy nhất còn lại giữa Sài Gòn.

“Nét đặc trưng của lồng đèn Phú Bình là giấy kiếng căng bóng và nét vẽ màu tươi thắm. Ba thế hệ trong gia đình tôi đã gắn bó với nghề này”, ông Nguyễn Bá Đạt (63 tuổi) chia sẻ. Hè rồi, mỗi dịp rỗi rảnh, ông cũng kịp “nâng tay nghề” cho cậu con trai 17 tuổi Nguyễn Bá Phúc, người có kinh nghiệm khoảng sáu năm vẽ màu lồng đèn. Phúc tâm sự, năm nào cũng làm công việc này, ngoài phụ giúp gia đình thì một phần mong muốn lưu giữ nét đẹp truyền thống.

______________

Trung bình mỗi chiếc lồng đèn Phú Bình phân phối cho đầu mối tại chợ lồng đèn Lương Nhữ Học, Hải Thượng Lãn Ông (quận 5), khu đô thị Vivo (quận 7)… có giá dao động khoảng 40,000 đồng ($1.71). Lồng đèn ngôi sao kích thước lớn từ 0.8 m đến 1.5 m giá hơn 170,000 đồng mỗi chiếc ($7.27).

______________

Tại số 15A cư xá Phú Bình là cơ sở sản xuất của bà Bùi Thị Xuân và ông Trần Mạnh Uyên nổi tiếng với những loại lồng đèn lớn (cao từ 0.5 m đến 3 m). Dù đã 65 tuổi nhưng ông Uyên vẫn tự tay chẻ tre, vẽ hoa văn trên những chiếc đèn ông sao hình các loại cá, tàu thủy, đèn kéo quân…

Một nghệ nhân chuyên sản xuất mẫu lồng đèn hình thù động vật, cho biết chế tác mỗi sản phẩm hoàn chỉnh thường tốn rất nhiều thời gian. Tre làm khung phải sử dụng loại nhập về từ Bình Phước, vót thành từng nan mỏng để uốn dẻo và cố định hình dạng. Theo bà Bùi Thị Xuân, để có một chiếc lồng đèn hoàn chỉnh, phải qua hơn 10 công đoạn từ: Chẻ tre, kết kẽm, tạo hình, dán giấy, vẽ hoa văn…

Ngoài việc chọn nguyên liệu làm khung đèn là nứa hay lồ ô thì giấy dán phải có màu thắm, đẹp, giấy kiếng phải căng bóng. Tuy vậy, yếu tố quyết định làm nên nét đặc thù của từng chiếc đèn là ở cách tạo hình, dán và những họa tiết trang trí trên đèn. Bà Xuân cho biết: “Ngoài mẫu mã truyền thống, phải tạo ra những mẫu mới, lạ phù hợp với nhiều tầng lớp trong xã hội. Hiện bên cạnh đèn kéo quân, tàu thủy, ngôi sao… xóm đã làm những chiếc lồng đèn hình con vật ngộ nghĩnh như chuột, khỉ, voi, siêu nhân… Đặc biệt năm nay kiểu lồng đèn hình chiếc tàu có tên Hoàng Sa, Trường Sa rất ăn khách”.

Chị Xuân cùng gia đình nổi tiếng cả xóm vì chuyên làm lồng đèn cỡ lớn

Bà Xuân tâm tình: “Vui không thể tả vì cái hồn lồng đèn truyền thống với đèn cầy, ánh lửa lung linh, ấm áp, tỏa ra muôn sắc màu trong đêm Trung Thu. Cái hồn này đã đánh bạt loại lồng đèn điện tử với ánh sáng và tiếng nhạc rất… vô duyên”. Cái vui của bà Xuân làm chúng tôi cũng vui lây.

Sự hồi sinh của cái xóm lồng đèn nhỏ nhoi giữa một đô thị sầm uất như Sài Gòn như đang làm cho mọi người được ấm áp, như an ủi giữa dòng đời thác ghềnh bất tận, khi hoài cảm một tuổi thơ với chiếc lồng đèn lung linh tỏa muôn ngàn màu sắc trong đêm Trung Thu. Và với những người lớn tuổi, người ta còn nhớ lại giai điệu in đậm thời tuổi bé thơ, với “tùng dinh dinh cắc tùng dính dính”…

                            Bài và ảnh: Nguyên Quốc

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: