Bà bầu show tí hon

  • TTNH
Share:
Ảnh: tác giả gửi

Chỉ mới 11 tuổi, Trần Anh Nam đã là “sếp sòng” cái đám con nít cùng trang lứa dọc suốt đại lộ Phan Bội Châu quẹo qua Quang Trung Ngã Tư Chính, bày ra nhiều trò chơi, nghịch phá, làm người lớn vừa ngưỡng mộ, vừa điên đầu, nhưng lại thu hút đám bạn của nó.

Trần Anh Nam mới nghe tên, ai cũng nghĩ là con trai. Không, cô bé chính hiệu thị mẹt, là con út của một gia đình năm người con gái. Bởi mơ được sinh con trai để có người nối dõi tông đường, nên chưa sinh ra, cha mẹ cô bé đã lo đặt sẵn cái tên con trai, sắm sửa quần áo cũng con trai với hy vọng đứa thứ năm này, phải là con trai. Cũng cần nói thêm, thời cô bé được sinh ra, y học chưa văn minh để có thể siêu âm biết trước trai hay gái.

Cũng bởi quá mơ con trai, người mẹ hấp thụ mọi suy nghĩ cũng như hình thành sẵn trong đầu một cậu bé năng động nghịch ngợm, mà người đời gọi là ảnh hưởng thời kỳ thai nghén, nên khi Nam ra đời, tính khí rất giống con trai. Đã vậy từ lúc sinh ra Nam đến lúc bé 6 tuổi, cha mẹ cho Nam mặc toàn đồ con trai, tóc cắt húi cua, cho thỏa cái ước mơ có người nối dõi dù không thành.

Mùa nóng, Nam thường mặc quần xà lỏn, áo may ô ba lỗ, trông Nam rất ngổ ngáo, tinh nghịch, nhưng rất dễ thương. Trong xóm sát nhà có tiệm cắt tóc, mỗi khi Nam chạy ngang, ông thợ thấy con bé ngồ ngộ, ông thường trêu Nam, cầm cái kéo nhắp nhắp đòi cắt… chim của Nam. Con bé sợ hãi nhưng không vừa gì, thoát chạy xa rồi, còn quay lại, vạch quần, thách thức:

– Chim nè… chim nè…

Rồi bỏ chạy.

Lớn dần lên, khi bắt đầu đi học, Nam mới được cha mẹ… chuyển hệ cho mặc đúng giới tính. Nhưng bản chất tính tình như con trai dường như đã ăn sâu vào máu thì không thể một sớm một chiều thay đổi được. Bên cạnh tính khí hiếu động, luôn sáng tạo những trò phá làng phá xóm, Nam lại có khiếu đặc biệt văn nghệ, say mê văn nghệ.

Chừng đó tuổi, nó có thể soạn vũ, kịch, tập và diễn chung với các bạn. Nam chả bao giờ chịu ngồi yên mà không… quậy lên cho xóm làng xôn xao. Do vậy lần này, Nam đầu têu bày ra một trò mới, rủ rê những bạn thân tình có khả năng văn nghệ cùng nhau tổ chức một show ca nhạc với đủ mọi tiết mục ca, vũ, nhạc, kịch, cải lương không thiếu bộ môn nào.

Nam, ngoài là bầu show còn kiêm luôn đạo diễn, thiết kế trang phục, diễn viên và còn nghĩ cách… kinh doanh để cho “đoàn” có thu nhập!

Không thể diễn khơi khơi cho mọi người coi… chùa, Nam quyết định bán vé vào cửa. Vé được cắt nhỏ từ giấy tập vở, trên đó đóng con dấu lấy từ mộc in tiệm bánh kẹo của cha mẹ Nam, có chữ ký của Nam và ghi rõ ràng các hạng:

Vé hạng nhất: 7 sợi dây thun. Vé hạng hai: 5 sợi. Vé hạng ba: 3 sợi.

Còn nhỏ, đâu đứa nào có tiền. “Tài sản” của chúng chỉ là những sợi dây thun thu được qua những cuộc chơi búng dây thun hằng ngày. Nam và các bạn trong đoàn thay phiên nhau đi phát hành vé, chỉ trong ngày là vé bán sạch trơn.

Minh họa: Một gia đình Sài Gòn xưa (ảnh: Bộ sưu tập Phạm Công Luận)

Đêm ca nhạc diễn ra vào tối lúc 20 giờ, khi ông Khang, ba Nam tối nào cũng đến nhà bạn đánh tổ tôm (một loại bài giải trí của người miền Bắc), bà Khang bận lê la hàng xóm đi thâu sở hụi. Khán giả loi nhoi kéo đến chật nhà có tới 30 đứa, tụ tập ngay gian phòng khách bên cạnh cầu thang. Trước đó, Nam và bạn trong đoàn đã lo dọn dẹp, mượn ghế đẩu lối xóm, sắp xếp mấy con ngựa (băng ghế nhỏ thường để kê các khay làm bánh mì), lo xa nữa, để chu toàn, Nam còn dặn khán giả khi mua vé: “Nhà mày có ghế đẩu không, nếu có, thì mang theo nhé!”, nhờ vậy buổi ca nhạc ổn định, ai cũng có ghế ngồi.

Mở màn chương trình, Nam chỉnh tề với chiếc áo đầm đỏ mẹ mới mua. Nó đứng trên sân khấu, sân khấu kê từ hai bục gỗ của các cậu thợ làm bánh đủ cho ba người đứng múa. Nam cầm… micro làm giả từ cây bút chì trên đầu vê một cục giấy đen tròn cất giọng thân tình:

– Xin chào khán giả. Cám ơn sự ủng hộ của… tụi bay. Chương trình văn nghệ của… tụi tao sẽ được bắt đầu ngay bây giờ. Xin cho một tràng pháo tay cổ vũ các… nghệ sĩ!

Sau lời nói của Nam, chẳng những tiếng vỗ tay… ngợp trời, mà có đứa từ khán giả giơ cả hai tay lên trời hoan hô nhiệt liệt.

Nam tiếp tục giới thiệu:

– Mở màn chương trình, xin giới thiệu giọng ca của… Thẩm Thúy… Hiền!

Hiền từ bên hông cầu thang bước ra trong chiếc áo đầm xanh. Có tiếng lao nhao từ khán giả:

– Con này là Đỗ Thị Hiền, chứ Thẩm “Thúy” gì!

– Nó là Thẩm “Thúi” thì có. Mẹ nó than, nó ngủ đái dầm ngày một.

Tiếng của Nam lại cất lên:

– Tụi bay có im đi không, để… Thẩm Thúy Hiền còn hát.

Đặt cái tên này cho Hiền cũng có lý do. Các nghệ sĩ thực thụ xưa nay Nam luôn nghe có tên đệm, lúc thì Trang Thanh Lan, Bạch Lan Thanh, Phương Hồng Quế, Thẩm Thúy Hằng, hay ít ra cũng là Thanh Minh, Thanh Nga, Thanh Lan, Bạch Tuyết… chứ có ai giới thiệu trơn tru một chữ “Hiền” đâu, do vậy để cho kêu và thuận với Thẩm Thúy Hằng, nó đặt cho Hiền là Thẩm Thúy Hiền nghe cho xuôi tai, thế thôi.

Bên dưới, khán giả… khó tính vẫn luôn phản đối:

– Thẩm Thúy Hằng của người ta đẹp giàn trời. Còn Thẩm Thúy… Hiền của mình làm như là em gái ruột của cô Hằng, mà xấu như… ma!

Hiền vốn rất hiền đúng như tên của nó. Nghe chê, Hiền chẳng lên tiếng nói năng gì. Đứng trên sân khấu, nhận cái micro… giả của Nam trao cho, sau khi cúi đầu chào, Hiền tự giới thiệu nhạc phẩm Sang Ngang của Đỗ Lễ, và Hiền cất tiếng hát:

– Thôi nín đi… anh, gần hết đêm rồi, buồn chi nữa… anh! Mai bước sang ngang…

Có tiếng phản đối cất lên từ khán giả:

– Hát sai bét rồi. Bài này tao biết lời. Không phải nín đi… “anh” mà là nín đi… “em”!

Hiền ngưng hát, nhỏ nhẹ giải thích:

– Tao là con gái mờ! Tao phải dỗ… “anh” nín, chứ… “em” sao được.

Nói xong, Hiền lại cất tiếng hát. Hiền vốn hát rất hay nổi tiếng trong xóm và cả trong trường học. Mỗi khi trường có chương trình sinh hoạt lớn, nhỏ nào đều có Hiền tham gia, hát cho mọi người nghe, nhất là vào dịp cuối niên học. Còn nhỏ mà giọng Hiền na ná giọng ca sĩ Hoàng Oanh, ngọt ngào, trầm lắng rất truyền cảm, rất thu hút lòng người. Trong lớp, có lần bị kêu dò bài mà Hiền không thuộc, vị thầy hoan hỉ nói Hiền hát một bài rồi cho về chỗ, khỏi bị ăn… trứng vịt lộn!

Hiền hát hay vậy, nên chỉ sau một lúc, Hiền đã êm ái… khóa bao cái miệng lao nhao ồn ào từ khán giả, chúng im lặng ngẩn ngơ hóng tai nghe Hiền hát.

Giữa khi bao đứa trẻ im phăng phắc dán mắt chăm chú hướng về sân khấu say sưa lắng lòng thưởng thức lời ca tiếng hát của Hiền, chúng không để ý có tiếng bước chân của anh Tấn, người hàng xóm sát bên cạnh nhà Nam..

Anh vô tình lang thang lạc vào thế giới của bọn trẻ và cũng ngẩn ngơ đứng im khi nghe tiếng hát của Hiền. Anh không ngờ con nhỏ hát hay đến vậy, chạm trúng vào trái tim anh. Máu văn nghệ trong anh trỗi dậy, đợi cho Hiền hát xong, anh vỗ tay thật lớn át cả tiếng vỗ tay hoan hô cùng với những tiếng hét bis… bis… yêu cầu hát nữa của khán giả. Bắt chước ca sĩ chính hiệu, Hiền cúi đầu chào tỏ sự cám ơn, chưa kịp tiếp tục giới thiệu hát bài thứ hai, anh Tấn vội cất tiếng:

– Khoan đã. Đợi anh về lấy cây đàn, sẽ đàn cho hát.

Lúc anh trở qua với cây mandolin, sân khấu bị gián đoạn ồn như một cái chợ. Hiền vẫn còn đứng trên sân khấu đợi anh, ngơ ngác như nai vàng đang đạp trên lá vàng khô. Từ khán giả, có tiếng cất lên:

-Chương… chương… trình… sao… sao… thiếu… M… M… C… C… pha… pha… trò. Biết… biết… vậy… nhờ… nhờ… tao… tao… làm… M… M…C cho !

Đứa khác lên tiếng:

– Mày cà găm mà đòi gàm Em-Khi.  Mày mà gới khiệu thì ca khĩ hôm khau mới hát được. Chẳng khà để cau gàm cho!

Một đứa phản đối:

– Cà lăm với ngọng mà đòi làm MC. Tụi bay có ngồi im đi không. Ồn ào quá!

“Hội trường” bỗng nhiên như một cái chợ cãi nhau ì xèo. Anh Tấn nhảy lên sân khấu, lên giây đờn, đờn từng tứng tưng vài giây, rồi cất tiếng hỏi Hiền:

– Bài kế tiếp em hát bài gì?

– Dạ, em sẽ hát bài… Hiền ngập ngừng rồi nói tiếp: “Bài không tên số… mấy, em cũng quên mất.”

– Thôi, cứ gọi bài không tên số… “không” đi!

– Đâu được. Ông nhạc sĩ mà biết, ổng… la em chết!

– Thôi, bài nào cũng được. Cứ hát đi, rồi anh đàn theo.

Thế là Hiền cất tiếng hát: “Nhớ anh nhiều, nhưng chẳng nói, Nói ra nhiều, cũng vậy thôi, Ôi đớn đau cũng nhiều rồi, Một lời thêm, càng buồn thêm, còn hứa gì…”

Anh Tấn vừa đờn vừa còm ròm:

– Đây là bài “Không Tên Cuối Cùng” của Vũ Thành An. Còn nhỏ mà sao lại hát những bài này. Lãng mạn quá!

Hiền phụng phịu, cãi :

– Em nghe từ radio của ba em và em thuộc.

Biết đám con nít này chỉ là những con vẹt bắt chước theo thói quen chứ đầu óc không ý tưởng gì, anh Tấn không nói nữa, thả hồn đờn theo bài hát.

Hiền hát… chay không đờn, không trống đã hay, giờ có thêm nhạc đệm, tiếng hát của nó truyền cảm lúc thánh thót du dương lúc trầm bổng lên xuống đưa khán giả như lạc vào… cõi trên! Không đứa nào ồn ào lên tiếng phản đối nữa, ngoài tiếng vỗ tay hoan hô và bis… bis… khi Hiền chấm dứt bài hát. Nam lại xuất hiện giới thiệu một màn độc vũ kích động do Thanh Du trình diễn.

Thanh Du chính là chị kế hơn Nam một tuổi. Ngay hồi thai nghén Thanh Du, cha mẹ cô bé cũng đã nhen nhuốm niềm khát khao mơ ước Thanh Du sẽ là con trai, tuy không quyết liệt như lúc sinh Nam, nhưng Thanh Du cũng ảnh hưởng ít nhiều lúc thai nghén. Du nghịch phá không kém gì Nam. Du cũng có khiếu văn nghệ, là trợ lực mạnh mẽ cho Nam để hai chị em phối hợp nhau bày ra đủ trò.

Và hôm nay chương trình giành cho Du độc vũ trong điệu nhảy tuýt qua nhạc phẩm Let´s Twist Again để Du biểu diễn cái te độc đáo mà không đứa nào trong nhóm làm được. Tách rộng hai chân ra, đầu gối thì khép lại rồi từ từ đưa thân người nằm bẹp xuống sàn, nhún nhẩy một lúc mới trỗi dậy. Nhạc tuýt sôi động qua giọng ca trứ danh của Chubby Checker làm căng thẳng mọi dây thần kinh không chỉ cho người nhảy mà cả cho người nghe.

Bọn trẻ con từ khán giả không chịu nổi, đồng loạt đứng dậy nhún nhún theo tiếng nhạc phát ra từ máy casette. Một vài đứa hăng tiết vịt, còn nhảy lên sân khấu biểu diễn cùng Du. Anh Tấn cũng không chịu được, vừa nhún nhẩy vừa cầm đàn mandolin khảy theo, anh hăng quá, sức mạnh của lực đã làm dây đàn bị đứt khiến cho tiết mục kế tiếp tam ca AVT anh Tấn không đàn được nữa cho ba nghệ sĩ giả bà già dùng khăn quàng cổ bịt đầu hát “Ba bà đi bán lợn xề, ba bà đi bán lợn xề, ấy thế mới gặp ngày hôm nay là ngày thứ 6, ba bà lóc chóc, ba bà lóc cóc, ba bà trở về lon ton…ờ..ớ..ờ..ơ…”

Chương trình tiếp tục, trở lại không khí nhẹ nhàng êm dịu qua vũ khúc Tiếng Hát Mường Luông do Hiền hát cho ba cô sơn cước tí hon trong đó có Nam biểu diễn. Ba cô sơn nữ rất duyên dáng xinh đẹp khi được tô má hồng, môi son quẹt từ giấy đỏ gói nhang và trong những bộ “xà rông” thiết kế từ ba bộ quần áo của các chị em Nam.

Bà Khang, thân mẫu Nam gốc Bắc. Rời quê nhà vào Nam, bà mang theo hồn quê qua thói quen và tập tục miền Bắc thể hiện trong cách ăn mặc dân giã thường là màu nâu và quần đen. Những áo cánh lá nâu đơn giản sát nách cổ tròn đã là nền làm nổi bật những sợi “dây chuyền” kết từ những đóa hoa sứ trắng nhụy vàng, thòng tới bụng.

Một vòng hoa trên đầu, và cả cho hai cổ tay, cổ chân. Những hoa sứ này cũng là kỳ công nhóm bạn Nam hái và lượm từ sân vườn nhà trong thành phố. Còn chiếc xà rông đen, lấy từ chiếc quần đen ống rộng thùng thình, cho hai chân xỏ vào một ống, ống còn lại vắt lên lưng giả làm chiếc gùi. Nhạc hay, múa đẹp, vũ viên đẹp không chê vào đâu được, cứ đưa bọn trẻ con đang lơ lửng ở… cõi trên, rơi cái bịch xuống… xứ Thượng!

Minh họa (ảnh: Bộ sưu tập Phạm Công Luận)

Chương trình đa dạng thay đổi liên tục, hết tân rồi đến cổ, cổ nhạc, thể hiện qua trích đoạn tuồng cải lương Tình Cô Gái Huế mà hằng ngày phát ra từ máy hát của tiệm uốn tóc sát nhà Nam, mà đám trẻ đều thuộc vanh vách.

Tối nay, chúng diễn lại tuồng đó, chỉ một đoạn ngắn kể lại cuộc tình của cô gái Huế vô Sài Gòn kiếm sống yêu nhầm anh Hoàng đến mang thai, nhưng mẹ anh không bằng lòng, không chấp nhận, chỉ mong anh lấy con gái phú hộ mà bà quen biết. Chúng ta hãy nghe đám trẻ hát:

-Mẹ (Nam thủ vai): Mầy hãy gấp xua đuổi, con này ra khỏi cửa, nếu không làm theo lời, chắc tao bỏ đi, tao từ mày ngay cho vừa lòng bay.

– Cha (Thanh Du đóng): Bà đừng có sôi nổi, chuyện đâu còn có đó, để con mình giãi bày, tôi mong bà hãy… vui lòng.

– Cô gái Huế (Bích Nga, bạn hàng xóm của Nam, quì gối, xuống câu vọng cổ): Con trăm lạy mẹ, ngàn lạy mẹ. Con xin thú thật với mẹ vì trong người con đã có giọt máu của anh… Hoàng!

Nga vừa dứt câu thì bà Khang, mẹ Nam, lù lù từ đâu về tới. Bà trố mắt ngạc nhiên trong nhà hôm nay sao con nít ở đâu mà tụ tập đông quá trời. Bà lại vừa nghe câu “trong người con đã có giọt máu của anh Hoàng”, nên bà tá hỏa tam tinh, đứa nào trong năm con gái bà chửa hoang đây (?). Đó là nỗi ám ảnh lo sợ của bà khi bà sinh toàn con gái. Ngoài Bắc của bà, gái mà chửa hoang là tội tày trời, chẳng những nhục nhã cho cha mẹ gia đình làng nước mà người con gái còn bị bôi vôi trát trấu, đóng bè thả trôi sông, cho quạ mổ. Bà sợ lắm. Hoảng hồn, bà lên tiếng:

– Đứa nào?… Đứa nào… mang giọt máu của thằng Hoàng?

Nam đang diễn, đứng dậy, đến ôm bụng mẹ, nhõng nhẽo:

– Tụi con chỉ diễn tuồng thôi mà!

– Tuồng gì ở đây. Nhà mình đâu phải là rạp hát. Nhà mình bán bánh kẹo, cho con nít vô đây lấy hết bánh kẹo ăn thì sao.

Nam vẫn phụng phịu :

– Đâu có đứa nào lấy bánh kẹo đâu.

– Dẹp hết! Rồi bà xoay qua lũ con nít: “Về nhà hết không…”

Một số đứa sợ hãi, bỏ về hết nửa “rạp”, còn một nửa đứng ngơ ngác chờ. Bà Khang la xong một hồi rồi bỏ lên gác, Nam quay lại đám bạn, nói:

– Tụi tao còn màn hài kịch, mình kéo xuống dưới bếp diễn.

Tụi con nít còn lại biểu đồng tình:

– Ờ, phải coi tiếp chớ, không thì trả lại… nửa tiền vé!

Nói rồi, cả đám lục tục xách ghế kéo xuống bếp, lấy bệ giếng làm sân khấu. Trong ánh sáng lờ mờ hắt ra từ bóng đèn tròn nhà bếp, soi rõ đám khán giả trẻ con ngồi bu quanh đang dõi mắt chờ xem kịch.

Vở hài kịch nội dung có một cặp vợ chồng, ông chồng muốn cùng vợ đi coi hát mà người vợ lại không muốn đi. Năn nỉ thế nào cũng không, áp đặt, cãi nhau đều không tốt, ông mới đưa ra một kế, nội trong ngày cả hai sẽ thi “làm thinh”, ai lên tiếng trước thì coi như người đó thua. Thua thì phải theo ý người thắng. Bà vợ bằng lòng.

Kịch này, Thanh Du thủ vai chồng. Bích Nga vai vợ. Còn Nam đóng vai con. Kịch bản không viết ra giấy, do ba đứa ngồi lại bàn nội dung rồi khi diễn tự ứng xử.

Bích Nga vốn gốc Huế, con của một thầu khoán giàu có. Nó nói được hai giọng vừa Huế, vừa Nam. Nga bụ bẫm trắng bóc, thân hình tròn trịa đúng như thơ Hồ Xuân Hương tả cái bánh trôi “Thân em vừa trắng lại vừa tròn” chính là Bích Nga vậy. Đã vậy con bé trông rất sang trọng quí phái nữa, nhưng hiềm nỗi tính khí lại con trai, lại cũng có khiếu văn nghệ nên rất thân với Nam và Du, hầu như bày trò nào cũng đều có Nga tham gia.

Hôm nay Nga xuất sắc trong vai diễn làm mẹ của Nam, khi Nam về nhà thăm cha mẹ mà thấy hai ông bà cứ ngồi im không nói, Nam cũng nghĩ cách giả bộ lên kinh phong giật giật rồi té xuống bất tỉnh.

Cha mẹ nào mà chẳng thương con, nhưng thể hiện tình cảm thì mỗi người mỗi khác. Cha thường cứng rắn, mẹ thì yếu lòng, nhất lại người cha vốn biết con mình ranh mãnh như… ông, do vậy ông vẫn ngồi yên cười ruồi nhìn vợ mình tất bật, run rẩy, lo lắng lấy dầu xoa nắn đứa con khi nghĩ con bịnh.

Trước tình trạng đó, Nga quýnh quáng, muốn khóc, muốn la hét nhưng vẫn còn nhớ là mình đang thi… làm thinh với chồng, nên nó cứ chạy loăng quăng, khịt mũi liên tục mà không dám khóc thành tiếng. Chính chỗ đất diễn này, Nga diễn xuất thần đã làm khán giả cười lăn, cười đến tè… trong quần, khiến có đứa nín không nổi, tìm chỗ thoải mái… xả!

Vở kịch được kết thúc khi Nga hét lên, mắng chồng: “Con bịnh gần chết thế này mà ông còn ngồi đó thi thố đòi đi coi hát hả?”

Sau vở kịch hài, không ai tuyên bố bế mạc nhưng lũ con nít biết đã vãn tuồng, và thấy cũng… đã rồi, lẳng lặng từng đứa ra về hỉ hả vui cười, trả lại nhà bếp cũng như nhà ông bà Khang không gian bình lặng như thường nhật của nó.

Số dây thun thu được cho đêm diễn, coi như “tài sản” bao công lao đóng góp của Nam và nhóm bạn sẽ được Nam sử dụng. Chia thế nào, xin đợi ở một truyện ngắn khác “Lợi Hòa Đồng Vui” sẽ kể cống hiến quí vị cũng qua ngòi bút của… TTNH.

Kính chúc quí vị một ngày thật vui!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Chứng hôi miệng
Chứng hôi miệng là một tình trạng phổ biến, gây khó chịu cho bản thân, những người xung quanh và thậm chí cô lập xã hội, ảnh hưởng đến mọi…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: