Mùa Vu Lan lại đến – có lẽ là một lễ hội có ý nghĩa nhất của Phật giáo – cho những ai đang còn Cha, còn Mẹ; để tỉnh thức lương tâm và hành xử cho tròn đạo hiếu.
Xưa – khoảng năm 1971-1972 – khi tôi 11, 12 tuổi; tôi được theo cha tôi đến chùa Ấn Quang nghe Thầy Nhất Hạnh từ nước ngoài về, thuyết giảng về mẹ; lúc đó Thầy “nổi” lắm với hai bằng Tiến sĩ Triết học và Phật học và bài tùy bút “Bông Hồng cài áo” nổi tiếng với lời giới thiệu “Để dâng mẹ và để làm quà Vu Lan cho những người nào có diễm phúc còn mẹ.”. Bài tùy bút rất hay – minh triết, hàn lâm nhưng bình dị, đơn sơ.
Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ – một Phật tử thuần thành, dựa theo ý tưởng của bài tùy bút – đã xúc cảm viết nên nhạc phẩm “Bông hồng cài áo” lừng danh, vượt thời gian… làm rơi lệ biết bao người qua giọng ca trầm ấm, tha thiết, nồng nàn của Miên Đức Thắng:
Một bông hồng cho em, một bông hồng cho anh
Và một bông hồng cho những ai, cho những ai đang còn mẹ
Đang còn mẹ để lòng vui sướng hơn…
Rủi mai này mẹ hiền có mất đi – như đóa hoa không mặt trời, như trẻ thơ không nụ cười
Ngỡ đời mình không lớn khôn thêm, như bầu trời thiếu ánh sao đêm
Mẹ, mẹ là dòng suối dịu hiền. Mẹ, mẹ là bài hát thần tiên
Là bóng mát trên cao, là mắt sáng trăng sao, là ánh đuốc trong đêm khi… lạc lối
Mẹ, mẹ là lọn mía ngọt ngào. Mẹ, mẹ là nải chuối buồng cau
Là tiếng dế đêm thâu, là nắng ấm nương dâu, là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời
Rồi một chiều nào đó anh về; nhìn mẹ yêu nhìn thật lâu
Rồi nói với mẹ rằng: Mẹ ơi, mẹ có biết hay không…
Biết gì? Biết là… biết là… con thương mẹ không!
Đóa hoa hồng vừa cài lên áo đó anh; đóa hoa hồng vừa cài lên áo đó em
Thì xin anh, thì xin em, hãy cùng tôi vui sướng đi; hãy cùng tôi vui sướng đi…
Bài tùy bút đã hay, buổi nói chuyện của Thầy còn hay và sinh động hơn nhiều; được thâu âm thành băng cassette bán rất chạy… Thầy thuyết giảng rất hay, vui và dí dỏm, mộc mạc mà len sâu vào tâm hồn người nghe; tỷ như:
Với người yêu thì “… Anh trân trọng mời Em dùng cơm…”, còn với Má thì “… Má, ăn cơm Má…”; người yêu đi bộ than mỏi thì “… ngồi xuống đây uống nước, để anh xoa bóp bàn chân cho…”; còn “ông già” vác bao bố nặng trĩu trái cây, quà quê; mồ hôi nhễ nhại do lội bộ hàng cây số từ bến xe tới, thì “ba vác luôn ra sau nhà luôn đi ba…”. Từng tràng cười vui vang dội giảng đường; và cũng nhiều khoảng lặng sâu lắng khi Thầy tiếp: “… Có bao giờ nhìn đến những vết chân chim nối dài theo năm tháng nơi đuôi mắt Mẹ đâu!” nhưng với “nàng” thì: “… Em nhớ thoa kem này đều đặn nghe, để làn da luôn tươi tốt…”
Thiệt tài tình – toàn những chuyện đời thực – khi cả đời tu học mà vẫn chiêm nghiệm bao nét sống rất thực của đời thường! Và sự khiêm cung đức độ – khi thuyết giảng hay nói chuyện với Phật tử – Thầy, luôn xưng “tôi” với “quý vị” – là khán thính giả. Một nhân cách cao quý của bậc chân tu trí thức, đạo cao đức trọng, hai bằng tiến sĩ từ Mỹ và Âu châu, tiếng Anh, tiếng Pháp… như gió; uy tín lớn trong nước, quốc tế!
Thầy đưa ra luận điểm “mới” rằng: Đừng coi “hiếu” là bổn phận – gây ý niệm về sự nặng nề của gánh vác, trách nhiệm; không thể hiện và không gắn kết “hiếu” với cái “gốc” – là tình thương – Thầy viết: Yêu thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên. Như khát thì uống nước. Con thì phải có cha mẹ, phải thương cha mẹ. Chữ phải đây không phải là luân lý, là bổn phận. Phải đây là lý đương nhiên. Con thì đương nhiên thương cha mẹ, cũng như khát thì đương nhiên tìm nước uống…
Từ luận điểm đó, nên xem “hiếu” là quyền lợi, là hưởng thụ; để không tỵ nạnh, so bì, công lao:… Sao có mình tui lo cho ba má vậy! Người khác phải lo nữa chứ! Tui mệt lắm rồi!…
Thầy viết tiếp: Thương mẹ không phải là một vấn đề luân lý đạo đức. Anh mà nghĩ rằng tôi viết bài này để khuyên anh về luân lý đạo đức là anh lầm. Thương mẹ là một vấn đề hưởng thụ. Mẹ như suối ngọt, như đường mía lau, như xôi nếp một. Anh không hưởng thụ thì uổng cho anh. Chị không hưởng thụ thì thiệt hại cho chị…
Hãy biết hưởng thụ, hãy sớm hưởng thụ: “Mẹ là một dòng suối, một kho tàng vô tận, vậy mà lắm lúc ta không biết, để lãng phí một cách oan uổng. Mẹ là một món quà lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ. Ðừng có đợi đến khi mẹ chết rồi mới nói: “Trời ơi, tôi sống bên mẹ suốt mấy mươi năm trời mà chưa có lúc nào nhìn kỹ được mặt mẹ!”…
Bởi sẽ là tổn thất cho mình nếu quên không biết hoặc không chịu hưởng “hiếu”: “… Tôi chỉ nhắc anh: Mẹ là chuối, là xôi, là đường, là mật, là ngọt ngào, là tình thương”. Ðể chị đừng quên, để em đừng quên. Quên là một lỗi lớn. Cũng không phải là lỗi nữa, mà là một sự thiệt thòi. Mà tôi không muốn anh chị thiệt thòi, khờ dại mà bị thiệt thòi. Tôi xin cài vào túi áo anh một bông hoa hồng: để anh sung sướng, thế thôi…”
Đơn sơ mà cao cả! Còn Mẹ, còn Cha là niềm vui sướng lớn nhất– hãy xem “hiếu” là hưởng thụ – chỉ cần hưởng thụ niềm vui sướng đó bằng thương Cha, yêu Mẹ hàng ngày, hàng giờ; thế thôi, đủ rồi! Đừng để khi bừng tỉnh thì… đã mất rồi!
Xưa nay, đến lễ Vu Lan – rằm tháng 7 – chùa chiền đều treo băng-rôn “Vu Lan Báo Hiếu”. Có lẽ do thói quen từ hàng trăm năm qua… Cứ khuyên dạy “báo hiếu” mà tình trạng “bất hiếu” càng ngày càng… nhiều! Làm sao báo đáp hiếu ân được khi mà “nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ, mây trời lồng lộng không phủ kín công cha…”.
Chắc chắn là không thể! Rồi “báo hiếu” thế nào là đủ? Không ai có thể trả lời! Kinh Phật dạy: “… Dù hai vai cõng cha mẹ đi giáp vòng hòn núi Tu Di, trải qua trăm ngàn kiếp cũng chưa đền đáp được ơn đức của cha mẹ. “… Vậy thì không nên dùng chữ “báo hiếu” nữa, chỉ cần nhớ hiếu và “hưởng hiếu” là đủ rồi!
Cứ bắt nó “phải” hiếu nhưng nó không nghe thì sao? Thiền sư Nhất Hạnh viết: Ngày xưa thầy giáo hỏi rằng: “Con mà thương mẹ thì phải làm thế nào?” Tôi trả lời: “Vâng lời, cố gắng, giúp đỡ, phụng dưỡng lúc mẹ về già và thờ phụng khi mẹ khuất núi”. Bây giờ thì tôi biết rằng: Con thương mẹ thì không phải “làm thế nào” gì hết. Cứ thương mẹ, thế là đủ lắm rồi, đủ hết rồi, cần chi phải hỏi ” làm thế nào ” nữa!
Đúng vậy, con mà biết hưởng hiếu thì tự khắc biết thương cha mẹ, tự biết học hành tốt để có tương lai sự nghiệp, giúp ích cho đời; không uổng công Cha, không phụ lòng Mẹ.
Mà hưởng hiếu thì đơn sơ quá đi: Một chiều nào đó, em về, nhìn Mẹ yêu rồi nói: Mẹ ơi, Mẹ nhớ uống sữa can-xi đều nghen, lớn tuổi rồi, xương cốt yếu… Mẹ cười, rồi nói “Ờ!” … Và một ngày nào đó, anh về, nhìn Cha yêu rồi nói: Cha ơi, con mua áo mới cho Cha nè; áo Cha đang mặc sờn hết rồi! Cha cười, rồi nói “Ờ”!… Ôi, tiếng “Ờ” nhẹ nhàng mà đầy yêu thương, tự đáy lòng Cha, lòng Mẹ!
Hãy cùng nhau tận hưởng “hiếu” để bông hồng đỏ luôn thắm tươi trên ngực áo anh, áo em; và để không hối tiếc hay ân hận muộn màng khi không bao giờ còn dịp để… cài nụ hồng thương yêu… lên áo!
Làm con – hãy nhớ “quyền lợi” của mình – hãy “hưởng” HIẾU! Để thấy lòng mình vui sướng hơn…
Mùa Vu Lan 2022