Mùa hè, đi đâu cũng nghe tiếng ve inh ỏi trên những ngọn cây cao. Ngày nào đó không để ý, cái âm thanh mà Basho bảo rằng xuyên thủng đá, bỗng trở nên im bặt. Thay vào đó là tiếng gió lao xao. Loại gió, khiến những chiếc lá aspen, như những đồng tiền treo lủng lẳng trên cây, lắc lư run rẩy không ngừng. Loại gió làm lá rung nhưng cành không lay.
Tiếng gió nhẹ nhàng mà triền miên “thu phong xuy bất tận”[1] báo rằng mùa thu đang khẽ khàng về. “Gió mùa thu mẹ ru con ngủ. Năm canh chầy thức đủ vừa năm.” Gió thu bao giờ cũng gợi trong lòng người những nỗi niềm miên man chảy. Đầu mùa thu, lá chưa vàng rơi xào xạc, tiếng lá rơi chưa vang dội trong sương mù. Một chút hơi lạnh thoáng qua, một chút sương mù buổi sáng, và tiếng dế réo rắt trong đêm khuya là những điểm thi vị của buổi đầu thu.
Nếu tiếng ve là âm thanh của mùa hè thì tiếng dế là âm nhạc của mùa thu. Tiếng ve thường được nghe vào ban ngày, ngoài vườn hay trong rừng. Tiếng ve khi nguyên đàn đồng ca, âm thanh của chúng như tiếng mài kim khí có thể làm nhức óc, chẳng trách nhà thơ Basho bảo rằng xuyên thủng đá.
Dế thật ra xuất hiện vào mùa hè, nhưng không ai chú ý vì tiếng dế hòa vào tiếng côn trùng khác. Đến khi trời trở lạnh, dế trốn vào trong nhà. Người ta chỉ chú ý đến tiếng dế trong đêm thâu khi chung quanh hoàn toàn vắng lặng. Tiếng dế ban đêm cũng như tiếng gió thu có thể làm người ta trăn trở. Người tự hỏi ta bị tiếng dế làm mất giấc ngủ, hay vì không ngủ được nên nghe thấy tiếng dế khóc than.
Người Nhật có một bài thơ ngắn về tiếng dế.
Though the purity
Of the moonlight has silenced
Both nightingale and
Cricket, the cuckoo alone
Sing all the white night.[2]
Tác giả Vô Danh
Mặc dù sự thanh khiết
Của ánh trăng đã khiến
Cả dạ oanh và dế mèn im tiếng,
Riêng chim cúc cu
Cứ hót sáng đêm[3]
Một đặc điểm của tiếng dế ai cũng công nhận là dế gáy rất dai rất dài. Nhạc sĩ Phạm Duy từng nghe dế gáy suốt đêm. “Có con dế mèn. Suốt trong đêm khuya. Hát xẩm không tiền. Nên nghèo xác xơ.” Có lẽ dế cũng như ve, là những người nghệ sĩ, chỉ biết làm thơ và ca hát suốt ngày, hay suốt đêm, không biết dành dụm tích trữ như kiến nên nghèo.
Không chỉ người nhạc sĩ trăn trở chuyện giàu nghèo với tiếng dế trong đêm, ngay cả một vị quan Nhật, mang quyền nhiếp chính cũng trằn trọc cùng tiếng dế.
The cricket cries
In the frost.
On my narrow bed,
In a folded quilt
I sleep alone[4]
The Regent
Fujiwara no Go-Kyōgoku
Tiếng dế kêu than
Trong làn sương giá
Trên chiếc giường hẹp
Trong làn chăn gấp
Ta ngủ một mình.[5]
Tiếng dế, dù không inh tai buốt óc như tiếng ve, nhưng nó cứ ri rỉ ra rả suốt đêm như tiếng khóc nỉ non. Khiến nhà thơ Phùng Quán phải bảo rằng:
Hồ khuya sương tĩnh mịch
Trộn nước lẫn cùng trời
Con dế chân bờ dậu
Nỉ non hoài không thôi…[6]
Nhà thơ Phùng Quán, tôi đoán, ông đọc cho phu nhân nghe bài Xúc Chức của Đỗ Phủ:
Xúc chức thậm vi tế,
Ai âm hà động nhân.
Thảo căn ngâm bất ổn,
Sàng hạ da tương thân.
Cửu khách đắc vô lệ,
Phóng thê nan cập thần.
Bi ti dữ cấp quản,
Cảm kích dị thiên chân.
Tôi thấy có ai đó dịch như sau:
Con dế rất nhỏ bé,
Tiếng kêu động lòng người.
Nơi gốc cỏ kêu không ổn,
Dưới giường đêm yên thân.
Mi như người khách được cái không có nước mắt,
Người vợ bị ruồng bỏ khó mà chờ tới sáng
Tiếng đàn sáo gấp gáp,
Cùng đều gây cảm kích, tuy khác bản chất.[7]
Đỗ Phủ cho rằng con dế ở ngoài cỏ không được bình an nên vào dưới giường của loài người để được yên thân. Tiếng dế Đỗ Phủ nghe như tiếng thở than của người vợ bị ruồng bỏ, chỉ khác một điều là tiếng dế không có nước mắt.
Tiếng nỉ non của loài dế được người Tây phương ví von với tiếng gọi của lương tâm, thí dụ như tiếng chú dế Jiminy trong truyện Cuộc Phiêu Lưu của Pinocchio. Truyện của Carlo Collodi được Walt Disney làm thành phim hoạt họa năm 1940. Jiminy trong truyện vốn là một cụ dế đã hơn trăm tuổi, thông thái và nhân hậu. Cố thuyết phục Pinocchio đừng nghe lời dụ dỗ của bạn xấu là Cáo và Mèo không được, cụ mắng Pinocchio “Mày chỉ là một con (thằng) rối, càng tệ hơn mày có cái đầu toàn là gỗ.” Pinocchio nổi giận lấy cái búa ném trúng và giết chết cụ.
Thì ra, khi muốn, người ta có thể dập tắt tiếng nói của lương tâm.
Tiếng kêu ri rỉ kéo dài bất tận của dế có thể làm người ta phát cáu vì không ngủ được. Nhưng với người thích nghe tiếng dế, hay ít nhất là không bị tiếng dế làm phiền, thì có thể xem đó là âm nhạc của thiên nhiên không? Nhà văn George Seden có viết quyển truyện The Cricket in Times Square được giải thưởng Newbery Honor 1961. Trong truyện này con dế Chester có thể phát ra âm thanh như tiếng nhạc. Nó đã chinh phục thính giả đầu tiên bằng bài hát Come back to Sorrento và sau đó là những bài hát nổi tiếng khác.
Nhà thơ John Keats trong bài thơ To Autumn cũng đã ví tiếng dế kêu như âm nhạc.
Hedge-crickets sing; and now treble soft
The red-breast whistles from a garden-croft;
And gathering swallows twitter in the skies.
Tiếng dế hát ca ở bờ giậu giờ càng êm ả hơn
Chim yếm đỏ huýt sáo ở ngôi nhà trong nông trại
Và chim én lượn ríu rít trên bầu trời[8]
Tiếng dế góp phần tạo nên tiếng thu. Tiếng dế là tiếng lòng của người làm công việc sáng tạo. Nửa đêm về sáng, viết ra lời thơ tiếng nhạc rồi thả vào thinh không với mơ ước cỏn con là tiếng lòng mình sẽ đến với người nghe.
______________
[1] Lý Bạch, “Tử Dạ Thu Ca” trich Đường Thi do Trần Trọng Kim dịch và biên soạn, tr. 54-55
[2] “One Hundred Poems From The Japanese.” Kenneth Rexroth dịch, tr. 10
[3] Nguyễn thị Hải Hà dịch từ bản tiếng Anh của Kenneth Rexroth
[4] “One Hundred Poems From The Japanese.” Kenneth Rexroth dịch, tr. 47
[5] Nguyễn thị Hải Hà dịch từ tiếng Anh
[6] Phùng Quán, “Đêm Nghi Tàm Đọc Đỗ Phủ Cho Vợ Nghe.” tkaraoke.com
[7] Xin cáo lỗi với dịch giả bài thơ Xúc Chức của Đỗ Phủ. Tôi không vào được trang thivien.net. Bài thơ Xúc Chức và bản dịch đều của thivien.net, tôi dùng đoạn tóm tắt trên Google.
[8] Nguyễn thị Hải Hà dịch từ tiếng Anh