Thanh Nga – giai thoại và đời thật, kỳ 2

Do quá nổi tiếng nên chung quanh hào quang Thanh Nga có vô số huyền thoại thêu dệt lạ lùng...
Share:

Mùi hương và mối tình đậm mùi hư cấu tiểu thuyết

__________________

Do quá nổi tiếng nên chung quanh hào quang Thanh Nga có vô số huyền thoại thêu dệt lạ lùng, chẳng hạn như Thanh Nga có mùi hương đặc biệt, đến nỗi chỉ ghé phòng một lần mà tướng Thái Quang Hoàng mê mẩn bắt vợ đi tìm loại nước nước hoa có mùi hương như vậy…

Rồi chuyện ở Bà Rịa, Thanh Nga có cuộc tình sét đánh với một Trung tá phi công trong phi đội Lôi Hổ của Đài Loan sang Việt Nam bay biểu diễn trong ngày Đại Hội Không quân. Xen lẫn trong mối tình này còn có hồn ma của cô gái Mỹ Dung bị chết oan ở cầu Rạch Hào… Thực hư về những huyền thoại này ra sao? Những người gắn bó lâu năm với đoàn Thanh Minh-Thanh Nga như soạn giả Kiên Giang, Nguyễn Phương, sẽ giải đáp.

Tại Mỹ, cách đây nhiều năm, bộ sách “Tình Sử Cải Lương, Cuộc Ðời Thanh Nga” của tác giả Ngành Mai gồm hai tập từng được giới thiệu rầm rộ và được trích đăng trên các trang mạng. Trong buổi ra mắt sách, tác giả Ngành Mai minh thị như sau:

“Tôi và Thanh Nga là những người đồng trang lứa. Từ nhỏ tôi đã rất mê cải lương nên đã theo dõi, lưu giữ những gì có liên quan đến Thanh Nga, một người đồng trang lứa sống trong một gia đình nghệ sĩ cải lương danh tiếng mà tôi được biết. Khi Thanh Nga nổi tiếng, tôi nhận thấy có nhiều tác động từ bên ngoài đã giúp cho Thanh Nga ngày càng được biết đến nhiều hơn. Như việc cô được đá trái bóng đầu tiên khi vào năm 1960, sân vận động Cộng Hòa, một sân vận động lớn được khánh thành.

Trong cuộc sống ngoài đời cũng như trên sân khấu cô được quá nhiều người yêu mà hầu như không có ai ghét. Hơn nữa càng ngày cô càng có nhiều huyền thoại được dệt quanh cuộc sống của cô khiến cho sự theo dõi, sưu tầm của tôi về một tài danh cải lương càng làm cho tôi lưu tâm, gìn giữ hơn. Nay tôi viết lại với rất nhiều chi tiết mà tôi còn nhớ hay lưu giữ được khiến cho có dư luận cho rằng tôi đã “cóp” một cuốn sách nào trong nước. Ðiều này tôi có thể khẳng định là hoàn toàn không đúng và nếu ai chứng minh được có sự cóp nhặt từ sách trong nước thì xin cứ công bố cho biết.”

Cuốn “Tình Sử Cải Lương, Cuộc Ðời Thanh Nga” được giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, Chủ tịch tổ chức Lê Văn Duyệt Foundation (Mỹ), đánh giá là một công trình sưu tầm khá công phu và giúp cung cấp thêm tài liệu phong phú cho những ai muốn sưu tầm về cải lương và nghệ sĩ tài danh Thanh Nga.

Có hay không một mùi hương làm điêu đứng trái tim ông Trung tướng?

Một trong những câu chuyện thú vị được nêu trong bộ sách “Tình Sử Cải Lương, Cuộc Ðời Thanh Nga” là câu chuyện về “mùi hương” của Thanh Nga. Theo tác giả, vào thời đó ngay cả chính Thanh Nga cũng thắc mắc tại sao người ta cứ hỏi cô về dầu thơm, là món mà dù là nghệ sĩ, cô cũng chẳng hề để ý.

Số là khoảng 1961 lúc đoàn Thanh Minh lưu diễn ở vùng Cao Nguyên Trung Phần, mà chặng đầu tiên là thành phố Ban Mê Thuột, hát tại rạp Tường Hiệp; và Thanh Nga thì ở khách sạn Darlac gần đó. Cùng thời gian này, Trung tướng Thái Quang Hoàng, Chỉ huy Trưởng Trường Võ Bị Quốc Gia kiêm Quân Trấn trưởng Đà Lạt, và phu nhân, từ Ðà Lạt sang thăm đồn điền cà phê ở Ban Mê Thuột, và cũng ở tại khách sạn nói trên. Hai phòng Thanh Nga và phòng vợ chồng tướng Hoàng cạnh nhau trên lầu. Bà chủ khách sạn lại là chị em với bà tướng Thái Quang Hoàng, nên trong lúc ông tướng đi họp ở Tòa Ðại Biểu Chính Phủ, thì bà chủ khách sạn (có tên là Lý Trần Lý) lên thăm. Sẵn thấy Thanh Nga ở trong phòng đang mở cửa, bà Lý mời cô sang giới thiệu với bà tướng Hoàng.

(file photo)

Lúc bà Lý rời phòng thì Thanh Nga vẫn còn ở lại nói chuyện, đến chừng Tướng Hoàng về thì hai ông bà tiếp tục trò chuyện với Thanh Nga về hoạt động cải lương, sau đó, Thanh Nga mới về phòng mình. Không biết mùi hương của Thanh Nga kỳ diệu ra sao, thu hút phái nam như thế nào, mà sau đó bà tướng Thái Quang Hoàng mới hỏi Thanh Nga xài loại dầu thơm gì chỉ cho bà mua. Thanh Nga trả lời là cô không xài thứ gì cả.

Tưởng đâu cô đào cải lương giấu để xài một mình, bà Hoàng mới nhờ bà Lý giúp cho, nhưng rồi bà Lý cũng thất bại, kể cả đề nghị miễn trả tiền thuê phòng. Theo lời người tài xế kể lại thì lúc đưa hai ông bà đi thăm đồn điền cà phê, Tướng Hoàng cằn nhằn vợ, rằng tại sao không mua nước hoa hiệu của Thanh Nga xài, vì ông rất thích mùi hương đó.

Không biết bà Hoàng có đi lục lạo tìm mua dầu thơm hay không, chớ nghe nói sau này lúc Tướng Thái Quang Hoàng làm Đại sứ ở Thái Lan, mỗi lần về nước đều có về thăm đồn điền ở Ban Mê Thuột. Bà Hoàng tâm sự với bà Lý rằng bà kiếm đỏ con mắt ở Bangkok vẫn không tìm được loại dầu thơm có mùi mà Thanh Nga xài. Thứ nào ông chồng bà cũng chê hết. Vấn đề Thanh Nga xài loại nước hoa đặc biệt, hay thân thể nàng thoát ra mùi hương?

Đang đêm, một Trung tá nhảy xuống sông hái hoa dại tặng Thanh Nga!

Một sự kiện khá lạ nữa được “Tình Sử Cải Lương, Cuộc Ðời Thanh Nga” mô tả rất chi tiết là mối tình bất ngờ giữa một Trung tá phi công trong phi đội Lôi Hổ của Đài Loan sang Việt Nam bay biểu diễn phun khói màu, in cờ vàng ba sọc đỏ trên nền trời, nhân ngày Đại Hội Không Quân của quân đội Sài Gòn.

Lần đó, Đoàn Thanh Minh-Thanh Nga đang lưu diễn ở Bà Rịa. Tình cờ chàng Trung tá gặp Thanh Nga và say đắm ngay. Muốn bày tỏ tình cảm với Thanh Nga mà thời đó Bà Rịa còn quê mùa, ban đêm không có hoa tươi, nên ngay khi đêm diễn kết thúc, chàng Trung tá đã nhảy xuống sông Rạch Hào gần kế bên chỗ biểu diễn, bơi qua sông hái tặng Thanh Nga chùm hoa dại.

(bộ sưu tập Hoàng Long)

Nhờ chiếc máy đèn vẫn còn chạy, những ngọn đèn trên sân khấu rọi sáng tới bên kia bờ sông, nên người ta thấy rõ chàng thanh niên bẻ cành hoa mọc hoang rồi nhanh nhẹn lội về, và đến lúc thấy cậu trai tặng cành hoa cho Thanh Nga thì ai cũng bật cười cho rằng chàng nầy điên rồ, phí công làm một việc lãng nhách không lợi lộc gì cả, bởi cành hoa dại thì có giá trị gì đâu mà tặng. Thế nhưng, đối với Thanh Nga thì lại khác, cành hoa dại kia quí hơn trăm ngàn lần những bó hoa đắt tiền ở chợ hoa đường Nguyễn Huệ, mà thời gian qua hầu như ngày nào mấy cậu công tử con nhà giàu hết người nầy đến người kia mua tặng cho cô.

Cành hoa dại bên bờ sông Rạch Hào tuy không đáng giá, nhưng với công lao cùng sự hy sinh trầm mình dưới dòng sông lạnh lẽo lúc nửa đêm thì nó lại quý giá vô cùng, và tấm lòng của chàng trai xa lạ chân tình dành cho cô đã nói lên cái gì đặc biệt hiếm có trên đời, do đó làm cho cô xúc động, xao xuyến trong lòng, nhìn cậu trai với đôi mắt đầy tình cảm, cô nói:

-Cám ơn anh nhiều, Nga có xứng đáng gì mà anh lại nhọc lòng đến như vậy chớ!

-Tôi muốn tặng cô một bóa hoa thật đẹp, nhưng… vì… 

Thấy chàng thanh niên ngập ngừng, Thanh Nga nói:

-Nhưng vì ở đây làm gì có hoa đẹp phải không? 

Chàng thanh niên gật đầu mà không nói. Thanh Nga nói tiếp:

-Đối với Nga thì cành hoa nầy đẹp vô cùng, mang ý nghĩa tốt đẹp khó có hoa nào sánh được! 

Nghĩ đến việc vừa qua ngay giữa đêm lạnh lẽo mà chàng thanh niên lội sông bẻ cành hoa tặng cho mình, và giờ đây với bộ quần áo còn đẫm ướt và với dáng điệu hơi co ro của cậu ta, Thanh Nga nói tiếp:

-Lội sông giờ nầy chắc anh bị lạnh? 

Vừa dứt câu Thanh Nga đi lại chiếc rương đựng đồ đạc cá nhân của mình để lấy chiếc áo lạnh, và trong lúc còn đang mở khóa thì bà bầu Thơ bảo người công nhân giàn cảnh đem hai chiếc ghế đẩu đến mời chàng ngồi và chiếc kia cho Thanh Nga.

Cũng theo sách “Tình Sử Cải Lương, Cuộc Ðời Thanh Nga”, trong lúc hai bên đang trò chuyện trên sân khấu thì kép chánh Hữu Phước (cha của ca sĩ Hương Lan) mê Thanh Nga và ghen với anh Trung tá đẹp trai phải giả bộ lăng xăng phụ giúp bộ phận hậu đài lo dọn dẹp dù anh không có phận sự này. “Canh me” tới quá nửa đêm mà Thanh Nga và chàng đẹp trai vẫn tiếp tục ngồi tỉ tê, không còn lý do gì ở lại, Hữu Phước phải uất ức lái xe về Sài Gòn.

Sau đó tại Sài Gòn, chàng Trung tá Lý Hùng đã xé rào, phá luật, không dự lễ tiếp tân của nhóm phi công Lôi Hổ với các đại gia và tiểu thư xinh đẹp ở Chợ Lớn để đi gặp Thanh Nga. Ngược lại Thanh Nga cũng trải qua một hành trình gian khổ lội ruộng chân đất ra ngoại thành coi máy bay biểu diễn cho đến khi về bị trở ngại không qua cầu Tham Lương được. Thanh Nga phải nhờ một người dân bên đường giúp cho chiếc bè để qua sông Tham Lương.

Con gái ông chủ nhà này dùng xe đạp đưa Thanh Nga về sân bay Tân Sơn Nhất gặp Lý Hùng. Ngay lúc chờ Lý Hùng, Thanh Nga chợt mơ thấy hồn ma cô Mỹ Dung, con gái một nhà tư sản từng có quan hệ hẹn hò với bà bầu Thơ. Hai người từng gặp gỡ, hóng mát ở Bà Rịa Vũng Tàu, Long Hải. Cô Mỹ Dung sau đó bị chết oan ở sông Rạch Hào…

Bộ “Tình Sử Cải Lương, Cuộc Ðời Thanh Nga” có những đoạn đặc tả tình tiết khá lâm ly mà chỉ có người trong cuộc mới có thể biết được.

“Trở lại cảnh Lý Hùng gặp Thanh Nga ở nhà trạm gác cổng phi trường Tân Sơn Nhứt, Thanh Nga đang nằm trong vòng tay Lý Hùng và cậu thì đã lấy lại bình tĩnh, sau cái giấc mộng ban ngày gặp ba cô gái ma. Cậu lay động người yêu:

-Thanh Nga! Bình tĩnh lại đi em! 

Tuy nghe rõ tiếng nói của người yêu nhưng do xúc động nhiều, Thanh Nga vẫn còn nhắm mắt và cô cố gắng lấy lại sự bình thường:

-Anh! 

Chỉ nói được mỗi tiếng “Anh’’ mà thôi chớ chưa nói gì thêm, và Lý Hùng thì quá mừng rỡ, cậu nói:

-Thì anh chớ ai đâu, em bình tĩnh lại đi! 

Kêu lên được một tiếng, cơn xúc động đã giảm nhiều, đôi dòng lệ đã ngưng, Thanh Nga nói nho nhỏ:

-Mừng quá đó anh, em tưởng đâu không về kịp gặp nhau trước khi anh về nước. 

-Thì anh cũng vậy thôi, biết em bị trở ngại đường sá nên anh lo quá, may mà em về kịp trước khi anh rời Việt Nam. 

-Nhờ có những người tận tình giúp đỡ nên em mới về kịp đến đây giờ nầy. 

Nói xong câu, Thanh Nga vụt nhớ lại cô Ba Tham Lương đã đưa mình về bằng xe đạp, mà từ lúc nhìn thấy Lý Hùng cô đã quên mất, khi nãy do quá mừng mà quên không nói với Cô Ba Tham Lương tiếng nào, giờ đây nhớ lại, cô vội vã chạy ra ngoài thì thấy cô Ba người ơn đang còn đứng ở gần vọng gác”.

(bộ sưu tập Hoàng Long)

Chuyện chàng Trung tá phi công chỉ là tưởng tượng

Soạn giả Nguyễn Phương là người từng cộng tác với đoàn hát Thanh Minh thời bầu Nghĩa và đoàn Thanh Minh-Thanh Nga trong nhiều đợt, từ năm 1950 đến 1952, rồi từ 1956 đến năm 1969. Ông cũng là soạn giả kiêm giám đốc kỹ thuật sân khấu Thanh Minh và Thanh Minh-Thanh Nga trong nhiều năm. Soạn giả Nguyễn Phương đã có ý kiến tranh luận, phản bác câu chuyện tình sét đánh này.

Soạn giả Nguyễn Phương thẳng thắn cho rằng:

“Chuyện chàng phi công Đài Loan là chuyện nói dóc. Tôi đã hỏi ông LTT, chủ sự phòng tin tức đài Sài Gòn trong nhiều thập niên từ 1959 tới 1975; tôi đã hỏi Trung tá Tham Mưu Trưởng Lôi Hổ TĐT, Trung tá Không quân Trưởng Khối Huấn Luyện D; ông Đại úy Không Quân N.N.S…, Các ông đều nói: Có chuyện phi cơ Phi Hổ (đoàn Cọp bay của Tưởng Giới Thạch) bay để in cờ vàng ba sọc đỏ trên nền trời, khi ở dưới sân lễ diễn hành quân đội Việt Nam Cộng Hòa, nhưng đoàn bay gồm phi hành đoàn người Mỹ và Đài Loan ở tại phi trường Biên Hòa. Hai ngày sau, tất cả đều rút lui về Đài Loan.

Cái ông lái máy bay (giấy) Lý Hùng đó chắc là người tưởng tượng ở Chợ Lớn. Có rất nhiều chi tiết nói bậy nói bạ, như nói nhà tư sản có con là Mỹ Dung mời bà bầu Thơ đi nghỉ mát Vũng Tàu… Hồi đó có nhà tư sản Nguyễn Đình Quát, người có nhiều plantation cao su ở Lộc Ninh, Xa Mát và Tây Ninh. Con gái ông Quát bị lật xe chết ở cầu Rạch Hào. Thời đó các nhà tư sản, quyền quí chưa hề giao thiệp hay coi trọng nghệ sĩ dù đó là Thanh Nga hay bà bầu Thơ.

Bà bầu Thơ cũng như bà Kim Chưởng, khi đã điều khiển gánh hát thì không hề vắng mặt ở đoàn hát lấy một ngày. Nếu bà muốn đi nghỉ mát ở Vũng Tàu, Đà Lạt và Huế thì bà đưa gánh hát tới đó hát. Chuyện cúng cô hồn của bà bầu Thơ ở Bà Rịa cũng tầm bậy hết sức.

Nghệ sĩ cải lương chỉ có cúng Tổ Cải lương. Sau 1975 mới có nhiều người đi chùa lễ Phật, kết hợp với việc hát cho Phật tử nghe các bài vọng cổ viết về Phật. Đi cúng Kỳ Yên là để hát đình là chánh, không phải vô cúng ông thần trong đình. Còn cúng cô hồn thì thiệt là tôi nghĩ không ra ở đâu mà có chuyện đó. Tóm lại (“Tình Sử Cải Lương, Cuộc Ðời Thanh Nga” là) một cuốn tiểu thuyết quá nhiều hư cấu mà chỉ tiếc là dùng tên người có thật làm nhơn vật chánh…”.

Câu chuyện tình này còn có chi tiết rằng, có lần Thanh Nga và Lý Hùng ra Lăng ông Lê Văn Duyệt để tâm tình và bàn chuyện nghệ thuật. Từ đó “sau ngày Lý Hùng về nước thì Thanh Nga trực tiếp đi tiếp xúc với nhiều soạn giả cải lương để bàn chuyện viết tuồng, thay vì công việc nầy từ trước tới giờ do dưỡng phụ của cô là cố nghệ sĩ Năm Nghĩa và bà bầu Thơ lo liệu.

Cô thảo luận với nhiều thầy tuồng, kể cả các soạn giả nổi tiếng như Năm Châu, Phong Anh, Mộc Linh, Kiên Giang, Hà Triều, Hoa Phượng… Sau đó họ lần lượt trao cho cô hằng mấy chục cốt truyện của đủ loại tuồng được phác thảo, nhưng rồi xem qua cô có cảm tưởng rằng sẽ khó lôi cuốn được khán giả người Hoa đi coi, do đó mà cô từ chối và chỉ trả tiền công cho họ theo như thỏa thuận mà thôi”.

Điều này cũng không phù hợp thực tế, người viết (tác giả Ngành Mai) hoàn toàn không hiểu về cơ chế và nội tình đoàn Thanh Minh-Thanh Nga. Theo soạn giả Kiên Giang, người có hơn 20 năm gắn bó với đoàn Thanh Minh-Thanh Nga trong vai trò soạn giả và phó đoàn, thì đây là đoàn hát có nề nếp và đặc biệt tôn trọng soạn giả. Đoàn thường xuyên có bảy soạn giả thường trực là Kiên Giang, Nguyễn Phương, Hà Triều Hoa Phượng… Soạn giả thường trực có lương tháng và hưởng tiền tác quyền theo tỉ lệ phần trăm của từng xuất diễn, không thể có chuyện Thanh Nga đặt hàng đề tài cho tác giả viết rồi không sử dụng mà vẫn trả tiền.

Tài năng từ khổ luyện, không cần thêu dệt  

Là nghệ sĩ đầu tiên giành giải Thanh Tâm vinh danh nghệ sĩ cải lương lúc mới 16 tuổi, tài năng, sắc đẹp của Thanh Nga ngày càng tỏa rạng. Đoàn cải lương Thanh Minh lúc ấy cũng vang tiếng là một đại bang hùng mạnh nhưng niềm vui chưa lâu, cái lo lại đến. Nghệ sĩ Năm Nghĩa, trụ cột của đoàn Thanh Nga, người cha dượng đồng thời là người thầy dìu dắt Thanh Nga, qua đời đột ngột.

Thanh Nga phải cùng mẹ trở thành hai trụ cột chính cho đoàn hát. Tên Thanh Nga được đưa vào tên đoàn và trở thành đoàn Thanh Minh-Thanh Nga. Đồng nghiệp và người thân ái ngại cho tương lai của đoàn hát, trong đó có nhà báo Trần Tấn Quốc. Ông lo cho đoàn Thanh Minh vì “Dù tài giỏi đến đâu một người đàn bà cũng khó tạo nên cơ nghiệp nếu thật tình không có người đàn ông bên cạnh. Hai là nghề bầu cải lương không cứ có tiền là làm được”.

Với Thanh Nga, ông Quốc lo lắng vì “Tương lai của giải Thanh Tâm đã đặt trọn vào một Thanh Nga. Dư luận bên ngoài cũng như trong ca kịch giới đều nhìn về Thanh Nga ở mọi phương diện để đánh giá giải thưởng ấy”. Sáu năm sau, ông Quốc hài lòng khen tặng: “Từ Thanh Minh biến cải ra thành Thanh Minh Thanh Nga để đánh dấu một giai đoạn vừa qua đồng thời để mở dấu cho một chương trình cải tiến. Đoàn của chị (bà bầu Thơ) cứ tiến lên vững vàng từng bậc, cho đến có những năm phải ngước nhìn lên mới thấy bảng hiệu Thanh Minh Thanh Nga ở trên tận đài danh dự của làng ca kịch xứ này”.

Như vậy, tài năng, danh tiếng của Thanh Nga không phải từ trên trời rơi xuống hay do các scandal như câu chuyện chàng trung tá phi công tạo ra mà từ quá trình khổ luyện do tâm huyết với nghề. Câu chuyện sau đây là minh chứng cho lòng yêu nghề của Thanh Nga.

Từ lúc mới 10 tuổi Thanh Nga đã làm đào con trên sân khấu đoàn Thanh Minh. Hồi ấy, đoàn Thanh Minh nhân dịp Tết chia ra hai gánh, nói cho đúng là chia thành hai nhóm hát ở hai rạp khác nhau. Một ở rạp Thuận Thành, Đa Kao, quận 1; và một ở bên Chánh Hưng, quận 8. Thanh Nga thủ vai đào con ở cả hai bên. Thời đó gánh hát còn nghèo, Thanh Nga và gánh hát chưa có xe hơi riêng, thành thử cô phải đeo xe tải không mui để chạy rạp cho kịp tuồng. Thời ấy ở Sài Gòn, Chợ Lớn có loại xe tải không có mui mà người ta gọi là xe thớt.

Thanh Nga trong một vở diễn (ảnh tư liệu của Huỳnh Công Minh)

Năm ấy, mỗi điểm diễn hát một tuồng khác nhau, một bên hát tuồng “Con Vật Giữa Chợ Người” và bên kia diễn vở “Đảng Ó Biển”. Thanh Nga còn nhỏ, chạy rạp, đeo xe hoài nên mệt. Trong khi chờ đợi đến lượt ra sân khấu, cô ngồi sau cánh gà rồi… lơ mơ ngủ lúc nào không biết. Mãi đến lúc người nhắc tuồng kêu to lên: Con nhỏ ngủ sao? Ra sân khấu đi chớ, tới lớp rồi, Thanh Nga giựt mình choàng dậy, chạy đại ra sân khấu.

Người ta đang hát tuồng “Con Vật Giữa Chợ Người,” nhưng mới ngủ dậy Thanh Nga bắt vô hát ngay mấy câu trong tuồng “Đảng Ó Biển”! Khi biết mình hố, cô vội vàng sửa lại. May là vì khán giả chưa kịp nhận ra. Từ ấy về sau Thanh Nga càng có ý thức hơn trong chuyện học tuồng và dù có khả năng nhạy bén, sáng tạo nhưng Thanh Nga rất dị ứng với lối diễn cương.

Như đã nói, do tạo được thành công sáng chói, do được trời ban cho nhan sắc quý phái, quyến rũ và giọng ca ngọt ngào, Thanh Nga đã trở thành mục tiêu đeo đuổi, chinh phục của rất nhiều người, đủ mọi giới, từ các tướng lãnh, sĩ quan quân đội Sài Gòn đến các vương tôn công tử, trí thức đương thời và ngay với nam đồng nghiệp vốn là những nghệ sĩ dễ rung cảm. Do đó, có rất nhiều giai thoại về các mối tình Hữu Phước với Thanh Nga, và Thành Được với Thanh Nga. Riêng Hữu Phước, sau khi Thanh Nga qua đời, đã cảm tác bài vọng cổ thiết tha nồng cháy “Hữu Phước Khóc Nữ Nghệ Sĩ Thanh Nga”.

CÒN TIẾP

___________

Thanh Nga – giai thoại và đời thật

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: