Thuở rút ruột tằm

Share:

Nữ nghệ sĩ cải lương Thanh Kim Huệ vừa từ trần ngày 23 Tháng Mười Hai 2021 ở tuổi 68. Bà là một trong những nghệ sĩ tài danh của miền Nam một thời. Nghệ sĩ Thanh Kim Huệ ra đi để lại sự tiếc nuối của người hâm mộ. Nhưng cải lương thì đã chết từ lâu. Mời đọc lại bài tâm sự dưới đây của nghệ sĩ Điền Thanh…

Với người yêu sân khấu cải lương miền Nam Việt Nam, có lẽ không ai không biết đôi nghệ sĩ tài danh Điền Thanh-Bạch Lựu. Nhiều năm định cư ở Úc châu, đôi nghệ sĩ này vẫn cố giữ nghiệp sân khấu bằng việc truyền lửa cho thế hệ trẻ và phụ trách chương trình radio Gìn Vàng Giữ Ngọc, kể chuyện nghề và đời của nghệ thuật cải lương, sưu tập những gì đã có và lưu lạc của cả trăm năm sân khấu Việt Nam. Họ cũng lập một quỹ yểm trợ cho những nghệ sĩ già yếu và đơn chiếc. Dưới đây là bài viết của Nghệ sĩ Điền Thanh. Ông đã rút ruột viết về những ngày tháng lìa xa nghiệp hát. Nghệ sĩ Bạch Lựu tâm sự rằng đây không khác gì di cảo mà cả hai người để lại, với niềm thương tiếc không chỉ sân khấu cải lương mà còn nhớ cả một thời sống và hát của tuổi trẻ giữa một đất trời quê hương tự do.

1/

“Tôi bước lên sân khấu với một đoản khúc Nam ai hay vài ba câu vọng cổ, tiếng đàn tranh thánh thót hòa cùng tiếng tiêu sa như gió lộng u… buồn…” (soạn giả Năm Châu – Men Rượu Hương Tình).

Khởi đầu từ câu xuống hò vọng cổ ngọt lịm hương mật mía đường sông Tiền sông Hậu miền Nam đó của người thầy mà cũng là người đầu tiên quyến rũ, tiêm truyền cho tôi nỗi mê đắm khôn cùng: Sân khấu! “Đến với sân khấu là các con đang bước vào một mê cung không lối thoát!”.

Tôi đã chập chững từ những bỡ ngỡ ban sơ, nhón từng thang bậc tiến lên sân khấu, nhập ngõ mê cung. Mà thật đúng làm sao! Mê lộ quả có lối vào lại không có đường ra. Và cũng lạ lùng thay, những kẻ dấn mình giữa những mê cung ấy thì mê mải đắm chìm, say hoan bất tận đến nỗi không hề và cũng không bao giờ mong chờ gặp cửa thoát ly, vì lối ra ấy chẳng khác chi bản án đào thải mà những đứa con của nghiệp dĩ mê kỳ này sợ hãi hơn bất cứ họa tai nào trong kiếp ca cầm. Tôi cũng không ngoại lệ.

Nhớ lại thuở ban đầu. Những câu thoại lấp vấp vụng về, lời ca ngọng nghễnh rớt xuống rớt lên, những bộ ra quờ quạng cứng ngắt cứng còng, bước chân cóng quíu nặng ì, vận hết công lực bình sanh vẫn không lê nổi dù chỉ một khoảng cách rất gần từ mí “cánh gà” sân khấu tiến ra dàn đèn mặt tiền sàn diễn… Thế đấy, tôi đã lao vào nghiệp xướng ca như con thiêu thân lãng mạn tự quăng mình vào vùng màu sắc diễm kỳ chói lóa đầy hấp dẫn đam mê, để được một đời ngụp lặn trong cảm giác đắm say huyễn hoặc, để bằng trọn kiếp thỏa lòng với thứ hạnh phúc được an bày. Và ở đó tôi đã thấy mình tìm được cái mà không phải kiếp người nào ai cũng đều có thể kiếm tìm và bắt gặp.

Cảnh trong tuồng ‘Tình sử Dương Quý Phi’ (ảnh: Huỳnh Công Minh/Màn Ảnh Sân Khấu)

Bất chấp cả lời khuyên nhủ của mẹ tôi, rằng theo nghề này khổ lắm con ơi! Cái lao đao lận đận của kẻ đứng trên sàn gỗ nhiều và lớn hơn cái hào quang lộng lẫy làm mê mẩn lòng người từ dưới khán phòng nhìn lên sân khấu. Nghe lời mẹ, theo đường chữ nghĩa cho đỡ tấm thân. Rằng theo kiếp con tằm chẳng khác chi tự chọn cho mình lá số có đeo mang chữ nghèo thiên phú. Nào là làm nghệ sĩ lắm điều bia miệng, nhiều tiếng thị phi. Nào là thân gạo chợ nước sông, rày đây mai đó, có hôm nay chưa biết ngày mai. Rồi nào đời nghệ sĩ mưa nắng gió sương. Nào là sẽ có một ngày con bị vớt lên sình chương con hỡi! Và… nào là… nào là… Mẹ tôi còn nào là nhiều, nhiều nữa…

Để đáp từ cho bài kệ “Luân lý giáo khoa thư” ê đầu nhức óc mà mẹ định làm sợi cương chắc nịch tròng vào cổ chú ngựa non còn ngơ đang ngác trước núi cao biển rộng sông dài, tôi bèn tựu kế giả… nai, ôm vai người thủ thỉ:

“Mẹ ơi! Có phải ngày xưa ba bỏ nghề làm công tử nhà đại điền nứt đố, bỏ ruộng đồng thẳng cánh cò bay mà trốn theo gánh hát để rồi bị xóa sổ bộ đời trong gia phả, kể từ đó hết đường chia của? Có phải ngày mai sanh con, đêm nay mẹ vẫn còn bước ra sân khấu, sau mấy tháng ròng đêm từng đêm quấn vải cứng ngắt cả chục vòng như đòn bánh tét để che giấu cái bụng bầu mỗi ngày một tròn núc tròn nu, để được còn tiếp tục tắm thân dưới ánh đèn màu mà cũng không cách nào quên mang con cùng theo ra sân khấu? Vậy là con đã theo nghề hát từ hồi còn kẹt cứng lùng nhùng trong lòng mẹ rồi! Thế thì tại sao ngày nay con sãi lại bị cấm ở chùa, con kép hát hổng cho làm kép hát?

Tôi đã ra đúng tuyệt chiêu, mẹ đành giương cờ trắng. Quân ta toàn thắng cứ thẳng hướng tiến về sân khấu. Sân khấu đó! Không là lửa dữ đốt bỏng thiêu thân mà là vùng ánh sáng rực choáng sắc màu diệu huyền kỳ ảo. Khi nồng nàn sưởi ấm giá Đông, lúc phẩy mát gắt gao nóng Hạ. Sân khấu đó! Đã chấp cánh tháp chân cho những đứa con chạy nhanh bay bổng, góp tha từng chút mật, nhặt nhạnh từng chút hương, trao tria từng nét đẹp, chăm chút mỗi điều hay để chắt chiu vun đắp cho thăng hoa đời, cho nồng nàn nhân thế.

2/

Sân khấu đó! Chúng tôi, lũ lạc lối mê cung, đã hả hê thỏa thích trong thiên chức của mình. Làm những đóm sao xanh điểm xuyến mỗi trời đêm. Làm chuỗi nhạc cho cành thêm lá, cho nhánh thêm hoa trong mỗi tâm hồn. Làm tươi môi hồng má, sáng mắt dịu lòng nơi mỗi con người. Làm nhích gần gắn sát tình đồng loại, nghĩa tha hương. Và cứ thế, như triều lưu không ngừng nghỉ, sáng sáng chiều chiều chuyển tải phù sa. Làm những cánh chim vẫy vùng trong mây ngoài gió. Dù nhiều khi mưa dập, dù lắm lúc giông vùi. Cũng thắm thía lắm từng nỗi rã rời từng cơn mê mỏi. Nhưng làm sao ấy! Như một định truyền hay một ân sủng được phán ban từ cõi xa nào, xa lắm!

Rằng: Đời còn nhiều những nỗi buồn cần được đắp trám niềm vui, người còn đầy rẫy những mặn đắng chát cay cần ướp hương nồng vị ngọt. Còn những dòng lệ rớt loang tìm nhắn những môi cười. Còn những bất hạnh hẩm hiu quắt quay chờ hạnh phúc. Thì vậy đó! Chúng tôi bay, bay… và mãi vẫn còn bay. Bay vào đời bằng trọn vẹn dấn thân như một sứ mệnh bất khả từ, bằng hết cho đi không cân phân so xét.

Sân khấu đó! Với từng góc cánh gà, từng tấm phi ngang, từng đường chận biển, bậc tam cấp sơn son chỏng chơ nghiêng ngả, miếng thủ uyển lửng lơ kim nhũ bên cong bên lệch. Sân khấu hỗn độn, đây tranh kia cảnh sờn gốc mốc sơn, cây cột rồng ngoạnh loang đuôi lở, đống hia cờ mão quạt râu đai cái lành cái sứt treo mốc máng giăng, này giàn thương giáo đầu tà đầu nhọn, hàng giá gươm cái mẻ lưỡi cái bể chuôi sút tuội, chùm roi ngựa cây còi cọc chiếc xác xơ long. Bầy xiêm y phơi ngang treo dọc, tấm phẳng miếng nhăn, còn thấm đẫm mồ hôi sau từng đêm xập xòe nhởn nhơ dưới lóng lánh hoa đèn. Cái long chấn, bộ đào văn, cây giáp bắc, mảnh củng hường, lớp choàng xanh trong vá ngoài liền, từng mảng mắt gá miếng mờ miếng tróc… Chừng ấy những ngổn ngang rách lành trộn lộn là chứng tích của Xuân Đông Thu Hạ, của nhịp thời gian rơi rã miệt mài, của lắm thăng trầm chìm nổi tháng ngày trôi, của bao lần hưng phấn, mấy đợt tàn đợt phế.

Sân khấu lúc buông màn là vậy đó! Như xuân nữ kiêu kỳ trễ tràng lười chảy, muộn đón ánh nắng mai, huốt nghe lời chim sớm. Chẳng màng chi, kiếp chúng tôi là thế đấy! Là vạc mà! Nên chỉ đợi chờ sương. Là con trăng nên chỉ đợi chờ đêm, để tỏa rộng trải êm cho lừng nhã nhạc, cho chóa sắc màu. Đó là lúc của màn nhung cựa tỉnh bằng ba kỳ trống đổ, rồi ba hồi chuông rung… Chuông một: Đào kép sắm tuồng làm mặt. Chuông hai: Chuẩn bị phục trang choàng mảng mang hài và mạnh ai nấy lo đốt nhang xá Tổ. Chuông ba: Tất cả sẵn sàng. Mở màn!

Rồi màn nhung yểu điệu ỡm ờ như mỹ nữ kiêu sa lượn lờ nhẹ hé trước trăm ngàn háo hức của những đôi mắt đang chờ, những đôi tay đang lắng. Bao xôn xao náo động của đám đông như bất cứ đám đông nào cũng đồng điệu lặn chìm để nhường trọn không gian cho đàn phách trống chiêng, tiếng réo rắt tơ ngân, giòng tiêu thiều dìu dặt. Những cung bậc, thang âm mượt mà hòa quyện từng lời ca lảnh lót du dương, từng ngâm khúc dịu dàng thê thiết dưới những mỹ lệ dạng hình khi mờ ảo khói sương, lúc chan hòa rực rỡ. Muôn hồng nghìn tía nhóa lòa, bi oán hỉ cuồng òa cuộn.

Phùng Há (trái) và Thanh Nga trong vở ‘Vợ và tình’ của soạn giả Năm Châu (ảnh do tác giả cung cấp)

Người ta lặng đắm tâm tư, thả trôi hồn trí cho hút cuốn theo từng mảng sống mảnh đời đang tái hiện. Người ta cười hùa từng chập, khóc góp từng cơn theo mỗi chuyển biến được tạo hình dàn trải. Người ta đắm đuối bằng tai, mê man bằng mắt cho ngất ngây tim, cho dào dạt óc. Người ta vứt quên hết những ê chề hệ lụy thường tình ngày một ngày hai chỉ cách đó vài mươi giây phút trước. Người ta bỏ lại ngoài cửa kịch trường những bát nháo hơn thua, bon chen hiềm hận, để chỉ hướng mắt về những bóng tri âm khi nhí nhố thét gào, lúc thướt tha uyển mị. Người ta tìm thấy ra mình, nhìn được ra đời, gần thật rất gần, xa cũng rất xa. Ở đó có chót vót thiên đường mà cũng có tận cùng địa ngục, có sâu bọ đội lớp làm người, có hiền nhân hóa thân ngạ quỷ, gian trá cực kỳ cùng thanh cao chất ngất, có máu lệ có ly tan, có hân hoan có tương hợp…

Nhiều nhiều lắm dẫy đầy ngập ngụa những gì từng xảy ra và đang bộn bề trong cái cõi có tên gọi trần gian. Tất cả và tất cả đều được điểm tên kêu họ, lôi không sót từ đầu nhăng đuôi cuội lên sân khấu để bóc trần lột trụi, để mổ bấy băm nhừ bằng khung nhìn óng mượt của thơ, êm mơ của nhạc, bằng môi cười đồng cảm, bằng mắt khóc tương lân.

Rồi người ta thỏa thuê khi màn buông tuồng vãn. Về mà an giấc vì mát dạ ngọt lòng, mà thấy đời còn đáng sống, người còn đáng yêu. Dù sáng trưa chiều tối vẫn triền miên chan chát đối đầu chạm mặt với chồng chất muộn phiền, ngổn ngang trăn trở. Đời vẫn tiếp tục đời, dẫy đầy lở lói không kéo da lành miệng; người vẫn tiếp tục vạn ngần khổ đau miên viễn không dừng. Nhưng chừng như mọi thứ đều đã được tung khuất hất lìa bởi sự hóa giải tuyệt kỹ, chải gỡ tuyệt hay dưới vòm trời nghệ thuật. Nhung mượt thay gai, đắng cay nhường hạnh phúc, si hận phủ phục khoan hòa, ánh sáng xua lùi bóng tối. Sâu thẳm là tình, ngút cao là nghĩa, bàng bạc đời là nhân, bao bọc người là hậu. Rốt cùng chung cục là kết tụ tinh anh của CHÂN-THIỆN-MỸ. Và đó chính là SÂN KHẤU!

Sân khấu đó! Lũ chúng tôi cùng khóc ngất cười ngây, cào cấu xé xâu, lăn lộn dập bằm trong đời thường, rất thường của gạo tiền cơm áo. Gặp bữa trời mưa giàn thưa vắng khách, lương lãnh “đờ mi” (phân nửa). Mưa thêm đêm nữa, lãnh tạm cà phê vừa đủ xì xụp tách xây chừng (cà phê đen) buổi sáng để cầm hơi chờ giờ cơm hội. Còn nếu Ngọc Hoàng “giũ sổ” cho… mưa dầm dề, trời ướt lê thê, tắt đèn cuốn tượng dài dài trọn bến thì chỉ còn nước ăn cơm “thịt cọp”!

Bất kể rạp, đình, bãi, chợ… trong giới đều gọi mỗi địa điểm trình diễn là “bến”. Có lẽ, do ảnh hưởng từ những tháng ngày mà các đoàn hát còn nổi trôi sông nước trên chiếc ghe bầu, mỗi khi dọn cảnh treo màn là mỗi lần cắm sào cặp bến. Còn “thịt cọp” thì hỡi ôi! Đó là âm thanh làm tan nát cõi lòng của khách nghệ sĩ tài hoa. Hễ nghe tiếng cối tiếng chày cồm cộp ai oán bổng trầm là đứt ruột nát lòng, liếc mắt si tình nhìn “má Tổng khậu” (đầu bếp) nhoẻn miệng cười thê thảm: “Cơm chín rồi bây, chờ chút tao đâm cho xong tô muối ớt!”.

Cũng không thiếu lúc vận hên số đỏ, bến trúng giàn đông, đồng vào rủng rỉnh. Nhiều khi Tết nhứt hoặc bán được giàn mối bở lương lãnh cử đôi ba… là ôi thôi, đời tươi như bông hồng, như pháo Tết, trưa tiểu diên, khuya đại yến ê hề… Bầu bì, đào kép, vệ sĩ hậu đài, ông nào bà nấy mặt vảnh mày vêu, chảnh thấy mà ghê… Mặc lòng hào phóng thỏa thích hào hoa, tha hồ hào hển sống! Rồi lại mai ngày sớm nắng chiều mưa, nghiệp gió sương cứ là tà theo cơn nước lớn nước ròng, mười tám long đong bảy chìm ba nổi, cứ lượn lờ hăm hở mà trôi, khi ngược khúc, lúc xuôi dòng cái số cười vay thương mướn.

Vậy mà mê, vậy mà tưởng chừng không tài chi chặt đứt bứt rời cái đời tôi ra khỏi cái đời ca hát, cái kiếp con tằm. Kiếp con tằm! Ai đã nghĩ ra được cái ý tưởng ngộ nghĩnh mà đầy thâm thúy để ví von với đời người nghệ sĩ? Thấm thía làm sao khi mường tượng ra hình ảnh công việc của một loài sinh vật nhỏ bé mà không hèn mọn, cần cù mà không kém thanh tao này. Tẻo tèo teo vậy mà rõ hay rõ khéo!

Những nghệ sĩ vang bóng một thời (ảnh: bộ sưu tập báo chí miền Nam của nhà sưu tập Huỳnh Minh Hiệp)

3/

Kể rằng xưa lắc xưa lơ, khi ngài Thượng đế buồn tình vì vô công rỗi việc, nói chẳng ai thưa, kêu không ai bẩm, bày hết trò này đổi sang trò nọ, nhìn qua ngó lại cũng chỉ một mình. Chợt trông xuống cõi hạ giới, suối biếc non xanh, hoa tươi đua thắm, trái mọng chen cành, phong cảnh thiên nhiên tình ơi quá đỗi! Ngài thích chí cứ ngắm tới ngắm lui nhìn mê nhìn mệt. Nhưng ngắm nghía mãi đâm ra sinh ngao ngán, cũng ngần ấy non cùng thủy tận, cũng bao nhiêu bãi vắng ghềnh xa. Đẹp thì quả đẹp nhưng sao mà vắng lặng tiêu điều, hoang vu heo hắt quá! Chà chà chà…! Thiếu chi đây? Ô hô hô… Vắng gì đây? Ngài vào ngẩn ra ngơ, hít hà chắt lưỡi nghĩ mãi vẫn không xong. Sau hồi lâu bóp trán càn khôn vò râu vũ trụ, bỗng Ngọc Hoàng ta giật nẩy thiên nhan vỗ đùi chan chát. A ha ha… là A ha ha! Rồi liền hiển lộng thần thông hô phong hoán vũ. Và thế là…

Cái u trầm tĩnh lặng trên mặt tinh cầu này chuyển mình biến đổi bằng những hưng hức nhộn nhàng sinh khí. Sự sống đã tượng hình! Đầu núi cuối sông, trên bờ dưới nước, đâu đâu cũng bừng bừng sanh sôi nẩy nở ngàn ngàn giống, trăm trăm loài sinh vật, lành dữ bé to muôn hình nghìn vạn. Mỗi loài mỗi giống mỗi đặc thù riêng, cả ngôn ngữ hay phương thức hợp quần cũng rạch ròi khác biệt, đã đồng cộng tạo thành mạch nhịp phong phú tưng bừng rôm rả không ngừng nơi hạ thế. Mặt đất từ đó không còn hoang tịch nữa mà luôn hừng sinh động bởi mầm sống cứ nẩy đơm thêm sự sống của hằng hà sinh vật. Thật tài tình, thật là quyền năng Tạo hóa! Từ điểu cầm, bò sát, tới dã thú hải ngư, con nào cũng hay, giống nào cũng giỏi. Ngọc Hoàng cười hả cười hê, sung sướng xoa tay với kỳ công sáng tạo của mình.

Nhưng độc đáo nhất một loài làm ngài vô cùng tâm đắc, khôn xiết hài lòng và yêu thương hết mực. Cái loài mà có trí thông minh hơn tất cả, lại giỏi giang và đáng yêu hơn mọi loài. Ôi, chúng mày sao mà… Chậc chậc chậc…! Tuyệt quá các con ơi! Ta đặt cho tên gọi: “Con người”! Và cứ thế mà… Hô hô hô là… hô hô hô! Lại ngắm, lại nhìn, lại toại lòng đắc ý. Nhưng thoáng đâu, Thượng Đế bỗng nghẹn ngừng rồi ôm mặt khóc ồ, rồi đỏ mặt tía tai ra lệnh truyền: Đại hội trần gian!

Người, thú, cá, chim… nháo nhào hoảng sợ… Tai họa gì đây? Tội lỗi gì đây? Mà đấng Tối cao mới cười rồi chợt khóc? A! Thì ra… Khi hiểu được nguyên nhân, từ chim chuột rắn mèo đến hùm beo heo chó gì gì cũng thẹn thùng nguýt háy, duy loài người thì hơ hãi cúc cung kêu van thê thảm… “Thẹn quá đi là hổ quá đi!”. Ngọc Hoàng phán: “Chúng mày phá hỏng công trình mỹ thuật của tao rồi, giận cha chả là cha chả giận!”. Người mếu máo: “Trời hỡi trời ơi! Chúng con đây là do Trời sanh sao để vậy thôi mà…!”. Ngọc Hoàng: “Hứ ! Để vậy mà coi được ư? Tổng ngổng tồng ngồng tênh hênh tếch hếch, hãi quá là hãi quá! Này, này… phải biết liệu làm sao cho môi trường đừng ô nhiễm, muôn loài đừng đảo điên…!”.

Ôi! Thật là nan giải! Loài người liền lo tính toán xoay trở nát nước mãi vẫn không ra, làm sao là làm sao đây…?! Xin tha tội là xin tha tội, con người chỉ làm ra được người con thôi ạ!”. Trời đùng đùng nổi trận lôi đình, làm sấm giật chớp giăng, cuồng phong bão táp khiến muôn loài điêu đứng, vạn vật sắp tan hoang. Đang giữa lúc cùng cực hãi hùng thì xảy xuất hiện cứu tinh, hóa giải cơn đại nạn trần gian.

Để “cha già nhân loại” hạ hỏa tam bành và nơi nơi trở lại mưa hòa gió thuận, vạn vật an bình yên ổn, chỉ có cách làm sao cho khuất lấp được, đậy che được cái trơ trẽn lõa lồ của loài người từ độ hồng hoang. Một giống vật hình dạng nhỏ nhoi mà lòng đầy thiện ái đã tự nguyện xả thân: Từ ruột mình rút ra những đường tơ, con người có mà kéo tơ thành sợi, rồi từ sợi mà đan dệt miệt mài để tạo thành những manh vải đầu tiên để góp mặt với đời, cho mặt đất trở nên thanh lịch. Nhân dáng của giống người từ dạo ấy được phủ che thêm làn tao nhã.

Để tưởng thưởng cho đức hy sinh và công lao chăm chỉ, đấng tối thượng truyền ban một đặc ân: Loài sinh vật ấy được biến hình cải dạng đẹp xinh sau mỗi khi hiến tặng cho đời điều xinh đẹp. Rồi thoắt chốc xác tằm thay cánh bướm. Và cứ thế hết ngày rồi lại tháng, con người tiếp tục nhởn nhơ, diêm dúa lụa là… Và con tằm tiếp tục lặng thầm rút ruột…

Các rạp cải lương Sài Gòn trước 1975 gần như luôn sáng đèn, đặc biệt ngày Tết (file photo)

4/

Nhưng thế nhân lắm kẻ tình thâm mà cũng không hiếm người hờ hững. Có một giai đoạn từ thuở còn mồ ma phong kiến, do sinh hoạt trong xã hội loài người còn hạn hẹp mà những bậc cầm cân nẩy mực đã phân định vỏn vẹn mười hai loại là: Công, Hầu, Khanh, Tướng, Sĩ, Nông, Công, Thương, Ngư, Tiều, Canh, Mục. Nhưng lạ lẫm làm sao! Cả một guồng máy dân gian được tổ chức đông đúc như thế mà chỉ có ngần ấy thứ. Vậy mà thiên hạ cứ thản nhiên chấp nhận sự định đoán đó từ các đấng chăn dân, chẳng buồn chi phân vân thắc mắc. Bởi vào thời buổi mà đứng trước chữ “dân” luôn có chữ “con” nên thân bề dưới là phải đành ý cam lòng phận gọi dạ bảo vâng, đặt đâu ngồi đó.

Rồi vào một buổi có lẽ không đẹp trời chi mấy, vị phụ mẫu chi dân nào đó không hiểu vì thọ nhiễm dị phong tà khí hay bị chạm huyệt động gân, trong một lúc ức chí sinh rồ đã thẳng tay quẳng vào mặt đám người nghề ca hát tấm biển đề “Xướng Ca Tẩu Loại Phường”! Cho là hạng vứt đi, ngay đến con cái cũng triệt đường thi cử. Chẳng hiểu thần trí ngài minh mẫn nhường nào khi mượn chữ thánh hiền mà tay đề bút hạ.

Vả lại hễ có ngu quan thì lại tạo ngu dân, một thiểu số khù khờ a dua rao ngạo câu “Xướng ca vô loại” qua lăng nhìn tiêu cực. Chỉ vì có đầu thiếu óc mà không nhận ra được, rằng vô loại đây có nghĩa là đứng ngoài sự khoanh vùng thập nhị như đã nói, và chỉ một giai đoạn trong suốt chiều dài thời gian kiến tạo xã hội, với cái ngu kèm theo cái dốt, thiểu số ấy vốn dĩ xa lạ với văn thư sử liệu nên không biết được rằng ở đất nước ta, nghiệp cầm ca xuất phát từ chốn cung đình và được phát triển do hàng khoa bảng (1)…

Cứ dựa theo ẩn dụ chuyện tơ tằm, kiếp tằm nhỏ, công tằm tuy không lớn, nhưng sao chăng nữa cũng góp được chút gì để không thẹn khi đứng trong trời đất, thì tấm lòng tằm có đáng được nâng niu hay bằng trả thối cho thơm, đền cay cho ngọt. Phải chăng đó là cách tri ân của khách tha nhân dành cho những người làm nghệ thuật?

Thử phóng mắt ra chốn ta bà, đầy nhan nhản những loại sâu dân mọt nước, lũ chuyên nướng dân đen, quen vùi con đỏ. Những phường vá áo túi cơm mượn danh trá nghĩa để bòn vinh trục lợi. Những bọn rút tủy đồng bào, rỉa xương đồng loại dưới nhãn hiệu này chiêu bài nọ cho thực chất rất tư riêng. Danh phong tước hiệu rơi vãi ngập đường ươn đất như lá rụng mùa Thu, chỉ nhìn thoáng liếc sơ thì nhung nhúc ruồi lằn muỗi nhặng. Còn… còn lắm lắm…! Cơ man nào mà đếm, mà gạn hết đục, mà lắng đến trong cái nhẫy nhượi của sự đời. Ngần bao thứ, thứ nào cũng được liệt vào hạng loại, dù thượng vàng, dù hạ cám. Nếu so đo với từng khúc ruột của tằm thì thử hỏi, ai xứng mặt thượng lưu, ai đáng hàng hạ đẳng?

Nói cho có chuyện, hát để thành tuồng, chứ thật ra thì màng chi cái thứ bậc thắng thua trên dưới. Ai tranh hơn thiệt thấp cao xét nét cứ mặc tình. Chỉ cần trên suốt nẻo phù sinh, nơi cõi tạm vô thường, xin còn lại một chút vấn vương trong lòng người mộ điệu, làm mật ướp hương xông để tẩn liệm tim hồn khi tàn hơi rũ xác là đã quá đủ đầy hạnh phúc cho cuối đời người nghệ sĩ.

Trái sang: Phượng Liên, Điền Thanh, Bạch Lê, Thanh Bạch và Bạch Lựu sau một đêm diễn vở cải lương hồ quảng ‘Xử án Bàng Quý Phi’ tại Sydney năm 1996 (ảnh do tác giả cung cấp)

Thế đó! Những trăn trở mải theo cùng tôi trùng trùng hải lý, đã đành làm phận ký sinh mà đêm tàn đêm, ngày hết ngày, vẫn ngoái lại nhìn về. Để lòng mãi trĩu lòng nỗi cách vẫn không xa, ly mà chưa biệt khoảnh trời bỏ lại, khoảng đời đã qua. Thèm hát hơn con nít thèm cà rem kem ngọt, nhớ ánh đèn như đêm trừ tịch nhớ vầng trăng. Những tưởng rằng ngày tháng nhục nhằn trong guồng quay vun vút loạn cuồng của nhịp đời nơi đất khách có thể là liệu pháp chữa dịu lành căn hoài niệm trầm kha lòng viễn xứ, nhưng niềm hoài hương cộng thêm nỗi nhớ nghề đã tràn ấp nhân đôi lần ray rứt, như mạch suối ngầm cứ âm ỉ gặm nhói xoáy thầm cho xốn xang râm rêm hoài lòng đất.

Cứ mỗi lần thấy bày biện những miếng lịch loáng bóng với hai tầng tây ta trên dưới. Nào bánh chưng xanh, nào chồng kẹo mứt bọc giấy hồng giấy đỏ, nào mè xửng hạt dưa cứt chuột thèo lèo. Thấy bông vạn thọ ngợp vàng lòng phố lạ là mắt lại chực rưng hoe màu nhung nhớ. Lại dài nữa thêm nhiều đêm thao láo chuyện ngày qua, như trẻ dại lật từng trang cổ tích chuyện đời xưa đời xửa.

Khi trời đất chuyển mình bừng hoa thay lá, người người háo hức rước xuân về thì nghệ sĩ chúng tôi cũng hăm hở lăn nhào vào rạp, cày ngày ba suất cho thiên hạ hả hê vui Tết. Từ đầu sáng đến nửa đêm để nguyên mặt phấn son đến tươm dầu bong mỡ, nhờ Tổ nghiệp thương cho dài hơi dai sức mà hát mà hò từ mồng một đến mồng 7 hạ nêu, có nơi lại kéo tới hết Rằm. Bà con còn hăng thưởng ngoạn thì mình cứ mần chết bỏ. Nhằm nhò chi, đời ca hát cho người mua vui mà! Người còn vui thì ta cứ tặng vui, cho là nhận được liền cái khoái cảm của niềm vui chia sẻ. Bánh tét, kiệu hành, thịt mỡ, hột dưa, thèm bắt chết mà đụng đũa thò tay cứ ngập ngừng vì bởi ba thứ này là chúa hại khan hơi khản giọng. Làm nghề này mà khan tiếng là than hỡi than ôi đời buồn hơn dê thiến!

Tác giả-nghệ sĩ Điền Thanh và vợ-nghệ sĩ Bạch Lựu (ảnh do tác giả cung cấp)

5/

Vậy đó! Mùa Xuân của đám cầm ca là “Tết chỉ mừng chứ Tết chẳng được ăn”, mà lòng dạ cứ căng phồng vì… vui như Tết! Cho đến khi hội hết Tết tàn, nhìn lại cả đám bèo nhèo xơ xác, tả tơi dập nhừ như quầy chuối rục. Vậy mà vẫn cứ vui, vui… như Tết!

Còn đâu nữa? Khi cơn nước mãi là nghiệp số phải trôi tuôn và tìm đâu được dòng sông hai lần tắm! Từ dạo thả đời theo sóng tải để tìm ra đời sống ở lần hai, ngỡ rằng nơi đất hứa là thỏa chí toại lòng khi dẫm bước đầu tiên trên con đường mình đã chọn. Nào hay đâu cũng là dạo tôi phải tập sống cùng nỗi nhớ, nỗi nhớ chập chùng quanh quẩn không rời, như bóng đeo hình, như hồn lìa xác. Nỗi nhớ chờn vờn ngày thức, nỗi nhớ chui lủi tận đêm mơ.

Nhưng cũng nào hay, mà cũng đáng buồn thay, xót xa khắc khoải không là biệt đãi dành cho kẻ đi xa mà còn nghiệt ngã hơn với người ở lại. Không biết từ đâu, không biết do đâu mà tại ở quê nhà, nghệ sĩ cải lương không còn sân khấu nữa! Gương mặt cải lương giờ đây hắt hiu buồn, như cái buồn của sương phụ vào thu. Thuở vàng son mới đó có đâu lâu mà nay bỗng như thời xa xưa lắm. Cuộc bể dâu vốn là định luật nhưng điều này xảy đến chừng như không tưởng. Ở đó người ta đổ tội cho nhau, quy lỗi cho nhau. Câu giải đáp vẫn chưa thoát khỏi ra ngoài dấu hỏi.

Một bộ môn từng được trải thảm khảm vàng bằng nước mắt mồ hôi bao thế hệ của người theo nghiệp dĩ, để rực rỡ hơn bất kỳ rực rỡ, huy hoàng hơn bất cứ huy hoàng nào, mà chỉ trong một sớm một chiều lại như buổi chợ tàn, đìu hiu xơ xác quá! Thôi rồi “đứa con nghệ thuật” từng được nâng trứng hứng hoa, giờ thì òa oặt ngay trong chính lòng cái nôi từng ấp ủ. Buồn sao hỡi buồn ơi! Còn những người đồng nghiệp của tôi? Không biết còn được mấy ai nhớ chút tình người nghệ sĩ. Những kiếp đời từng sống để cho đi, từng nhả tơ như tằm từng rút ruột, từng vui Tết mà không dám từng ăn Tết. Rồi cũng lại buồn ơi buồn sao hỡi! Còn lại chăng là những tiếng thở dài đời cơ nhỡ, da diết hơn nhiều cái da diết ở đây tôi…!

Người hát nhớ nơi để hát…

Hí viện nhờ người trình diễn…

Người đành thôi bại tướng khóc thương thành

Ta mang mểnh đành thôi, tình cổ miếu

Ôi cổ miếu!…

điêu tàn…

hoang lạnh ướp rêu xanh

Nằm hiu hắt nhớ nhung trầm hương cũ…!

(1) Chú thích:

Đời Đinh Tiên Hoàng (thế kỷ thứ 10), nghề hát đã xuất hiện tại Việt Nam ta. Bà Phạm Thị Trân là người đầu tiên có công khai phá nghệ thuật Hát Chèo. Trải qua nhiều biến chuyển lịch sử, mãi cho đến thế kỷ thứ 17, năm 1631, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên thừa kế ngôi cha là chúa Nguyễn Hoàng, phong chức Nội Tán Hầu cho ông Đào Duy Từ, trao quyền hành dựng và giữ nước, đồng thời cải cách về văn hóa văn học. Ông Đào Duy Từ cho chấn chỉnh thêm bộ môn Hát Chèo miền Bắc, còn trong Nam thì lo phát triển ngành Hát Bộ, còn được gọi là Hát Bội (Theo Đại Nam Quấc Âm Tự Vị).

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: