Giai điệu “Unchained Melody” tự phá vỡ gông cùm để vượt ra khỏi không gian và thời gian, trở thành một trong những ca khúc phổ biến nhất trên thế giới trong lịch sử âm nhạc từ năm 1955 cho đến nay.
Vào năm 1955, hãng phim Warner Bros ký hợp đồng sáng tác nhạc nền cho phim “Unchained” với nhà soạn nhạc Alex North. Sau đó, Alex North đã thuyết phục nhạc sĩ kiêm nhà soạn nhạc Hy Zaret viết lời cho giai điệu “Unchained Melody”. Bản nguyên tác đã được hãng Frank Music Corp. (New York) đứng tên đăng ký tác quyền năm 1955.
Lời bài hát xoáy vào nỗi niềm của tù nhân mang tên Steve Davitt nhớ nhung vợ và khao khát gặp lại nàng. Nội dung phim khai thác nội tâm giằng co của Steve Davitt giữa hai lựa chọn, một là vượt ngục để sống một cuộc đời trốn chạy pháp luật, hai là đợi cho đến khi mãn hạn tù rồi trở về nhà sống một cuộc đời bình thường.
Bản gốc trong phim “Unchained” được nam ca sĩ Todd Duncan thể hiện, được đề cử giải Oscar nhạc phim hay nhất năm 1955, cảm động với tiết tấu tương đối chậm, khắc khoải, tưởng chừng như ông đang khóc:
Hỡi em yêu,
Anh khao khát trao em vòng tay qua bao ngày cô đơn chờ đợi.
Thời gian trôi mà tưởng chừng như ngừng lại,
Thời gian có thể làm thay đổi trái tim yêu,
Liệu em có còn chờ đợi anh không?
Anh đang mong chờ tình yêu của em để xua tan cơn trống vắng trong lòng,
Anh mãi đợi trông cảm nhận của tình yêu ấy,
Liệu rằng Thượng đế có sẵn lòng giúp anh sớm gặp lại em yêu dấu?
Như tạo hóa an bài cho tất cả dòng sông cô đơn đều chảy ra biển lớn,
Biển bao la dang rộng đôi tay ôm lấy từng dòng sông.
Anh cũng như dòng sông cô đơn thổn thức từ đáy lòng,
“Chờ anh nhé, xin hãy chờ anh nhé!
Anh đang về nhà, xin hãy chờ anh!”.
Khi phim “Unchained” được trình chiếu vào đầu năm 1955 thì cũng là lúc giai điệu “Unchained Melody” bắt đầu cuộc hành trình trên con đường thành công dài gần 70 năm để mang về doanh thu tác quyền ước tính $27.5 triệu, được lọt vào danh sách 10 bài hát có doanh thu cao nhất thế giới mọi thời.
Con số doanh thu này được vun đắp dần từ hơn 670 nghệ sĩ trên khắp thế giới cover bài hát này, trong đó có nhiều bản cover từng giữ vị trí thứ #1 trong các bảng xếp hạng âm nhạc ở Hoa Kỳ và Anh Quốc. Đó là các bản cover của các nam ca sĩ: Les Baxter trong bảng Billboard tại Hoa Kỳ (1955), AL Hibber trong bảng Billboard R&B Singles Chart tại Hoa Kỳ (1955), Roy Hamilton trong bảng Billboard R&B Singles Chart tại Hoa Kỳ (1955), Jimmy Young trong bảng UK Singles tại Anh (1964).
Riêng bản cover “Unchained Melody” đứng tên đôi song ca The Righteous Brothers (1965) thì chỉ mỗi thành viên Bobby Hatfield thể hiện ca khúc. Khi hãng phim Paramount sử dụng bản cover của The Righteous Brothers (1965) với giọng ca Bobby Hatfield làm nhạc nền cho phim “Ghost” vào năm 1990, với minh tinh Demi Moore đẹp tựa trong tranh, thì cũng là lúc bản cover này vượt thời gian để chiếm vị trí thứ #1 từ năm 1990 đến 1991, trong các bảng xếp hạng âm nhạc tại Úc, Áo, Anh, Canada, Ireland, Hà Lan, New Zealand, Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, bản cover này còn được công nhận danh hiệu Bạch Kim được tính trên số lượng đĩa hát được bán ra tại các quốc gia: Úc, Nhật, Anh, Hoa Kỳ.
Cho đến nay, với nhiều người, giai điệu “Unchained Melody” mà họ ghi nhớ trong ký ức xuất phát từ phim “Ghost”, với hình ảnh ma mị và đẹp não nùng từ cuộc chia ly đột ngột của cặp tình nhân Sam (Patrick Swayze) và Molly (Demi Moore).
Năm 2004, Viện Điện Ảnh Hoa Kỳ (American Film Institute) đã đưa giai điệu “Unchained Melody” vào vị trí thứ #27 trong danh sách 100 bài hát nhạc phim hay nhất trong thế kỷ 20. Sang tận những năm đầu của thế kỷ 21, nam ca sĩ Gareth Gates tiếp tục cover bài hát này vào năm 2002.
Rõ ràng giai điệu “Unchained Melody” có đủ sức mạnh bức phá không gian và thời gian vì ca khúc hội tụ những yếu tố làm rung động lòng người. Các yếu tố làm cho bài hát thành công đến từ giai điệu dễ nhớ và khó phai, ca từ đẹp và mang nội dung đề cao giá trị tình yêu và gia đình. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thậm chí đang ở trong tù, thì con người vẫn luôn hướng về tình yêu và gia đình. Đó cũng chính là động lực sống của con người.
Với những giá trị tinh thần của nhạc phẩm “Unchained Melody”, giai điệu của bài tình ca lãng mạn này không chỉ lan truyền đến nhiều nước bằng tiếng Anh mà còn bằng nhiều ngôn ngữ khác, trong đó có bản phóng tác bằng tiếng Pháp mang tựa đề “Les Enchaines” của Pierre Delanoë. Tờ nhạc in bản phóng tác bằng tiếng Pháp của nhà xuất bản Chappell S.A. và được in tại nhà in Dillard & Cie, Imp tại Paris trước Tháng Tư 1975, có một dạo, vẫn còn được tìm thấy bày bán ở vài tiệm sách cũ Sài Gòn.
Với thính giả Sài Gòn trước 1975, họ biết đến giai điệu “Unchained Melody” chủ yếu qua bản cover của The Righteous Brothers vào những năm cuối của thập niên 1960. Sau này, người ta còn biết đến bản phóng tác bằng lời Việt của nghệ sĩ Lữ Liên mang tên “Tình ca muôn thuở”. Rồi đến bản phóng tác lời Việt của ca sĩ Khánh Hà mang tựa đề “Đợi em về”, với lời được cải biên gần giống với bản phóng tác của cố nghệ sĩ Lữ Liên. Ông cũng chính là cha ruột của ca sĩ Khánh Hà.
“Unchained Melody” chưa dừng lại ở bấy nhiêu thành tựu, giai điệu trữ tình mượt mà này còn len lỏi vào các màn trình diễn nhạc cụ của các nghệ sĩ, các dàn nhạc, các nghệ sĩ đường phố (buskers), và vang lên trong quân đội, trong nhà thờ, đám cưới lãng mạn, các cuộc thi chọn tiếng hát hay trên toàn cầu v.v…
Giai điệu “Unchained Melody” tuyệt vời không đơn thuần chỉ là một bản nhạc, một bài ca mang tính chất giải trí nhất thời, mà gần như đã trở thành “một phương thuốc mầu nhiệm” làm êm dịu tinh thần người nghe.
Giai điệu “Unchained Melody” không những tự bứt phá “gông cùm” (như tựa đề) mà còn giúp những người đang “khóa cửa trái tim” mở toang cánh cửa đã khép, cho lòng trắc ẩn ùa về, để đón lấy một cuộc sống mới – một cuộc sống bình an, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Giai điệu “Unchained Melody” đã sống, đang sống, và vẫn tiếp tục sống.
_________