Ông khách đang đánh cờ Go với nhà sư, chủ ngôi chùa trên núi.
“Ngài có sao không? Hôm nay ngài đánh cờ yếu quá, như thể không phải là ngài vậy,” nhà sư nói.
“Khi mùa lạnh đến, tôi héo tàn như cọng cỏ vậy. Tôi thật chẳng giỏi cái gì cả.” Ông khách cảm thấy mình bị hoàn toàn đánh bại, như thể không thể nào đáp lại cái nhìn của đối thủ vậy.
Đêm qua, như thường lệ, trong cái hành lang tách rời của lữ quán suối nóng, lắng nghe tiếng lá rơi xào xạc, ông khách và nàng trò chuyện với nhau.
“Mỗi khi bàn chân em bắt đầu cảm thấy lạnh, hằng năm, em cứ nằm mơ trở về quê nhà. Em chỉ mong được về nhà.”
“Kể từ khi trời bắt đầu mùa đông, anh cũng bắt đầu nghĩ là anh không xứng đáng với em. Anh không xứng đáng với người phụ nữ nào cả. Ý nghĩ này càng lúc càng trở nên mạnh mẽ hơn.”
Nhưng mà, câu chuyện của họ đã trở nên hời hợt, lời nói thoảng qua tai chứ không ngấm vào lòng. Cố giải thích, ông khách nói thêm, “Khi trời trở lạnh, anh hiểu cảm giác của con người. Đó là lúc con người muốn cầu nguyện với Thượng Đế. Đây không phải là một sự khiêm tốn, mà là một cảm giác yếu đuối. Nếu anh có thể dâng tất cả lời nguyện cầu vào một đấng tối cao và được ban ơn mỗi ngày bằng một bữa ăn, anh nghĩ anh sẽ rất hạnh phúc. Chỉ cần một chén cháo thôi cũng đủ rồi.”
Thật ra, họ ăn tiệc mỗi ngày. Họ chỉ không thể rời khỏi lữ quán suối nước nóng này thôi. Nếu tất cả mọi việc xảy ra êm xuôi như dự tính, họ có thể thuê một căn nhà nghỉ hè, thay cho căn nhà cô ấy bị mất hồi bốn, năm năm trước. Nhưng, sáu tháng trước đây, không tính đến hậu quả, hai người trốn nhà đến chỗ này và ở mãi cho đến nay như thể họ đang trốn tránh vậy. Những người trong lữ quán cũng tử tế, chẳng ai nói lời ra tiếng vào, đã để hai người ở trong căn phòng độc nhất của hành lang tách rời này. Bởi vì không có tiền để thanh toán chi phí, họ không thể ra đi. Trong suốt thời gian này, ông khách trở nên chán nản, không tin vào chút hy vọng nào. Cả hai đều cho rằng mọi sự được an bài theo số phận.
“Thêm một ván cờ nữa nhé? Tôi sẽ nhóm lửa trong cái lò chìm dưới mặt đất kia.”
Trong lúc ông ta suy nghĩ “lần này,” nhà sư, không theo đúng luật, đặt một viên đá lên góc bàn cờ ngay trước mặt ông ta. Nhà sư núi này rất tự hài lòng là đã tiến sâu vào đất của địch thủ. Thật là cả gan. Bỗng nhiên mất hết hứng thú, ông khách có vẻ như mất hết sức lực.
“Đêm qua ngài không nằm mơ học được một thế cờ chống cự à? Thế cờ của tôi tên là Định Mệnh.”
Nhưng đối thủ của nhà sư lơ đãng đặt quân cờ xuống bàn. Nhà sư bật cười lớn tiếng.
“Gã ngu. Tấn công kẻ thù bằng một đòn vụng dại.”
Góc bàn cờ của ông khách bị xâm lấn hoàn toàn, nhà sư thắng hết nước cờ này đến nước cờ khác. Trong lúc ông khách liên tục thua, bất thình lình đèn tắt ngấm.
Nhà sư cười vang và nói um sùm, “Tôi thật sững sờ. Ngài còn hơn cả vị tổ sáng lập ngôi chùa. Tài của ngài thật khiến vị tổ phải hổ thẹn. Gã ngu, chẳng được gì cả! Tôi thật sững sờ. Không. Thật mà. Tôi thật sững sờ.”
Nhà sư đứng lên đi tìm một cây nến. Ánh sáng khiến đối thủ của nhà sư cười vui vẻ lần đầu tiên trong suốt buổi tối.
Những câu nói như “Đêm qua ngài không nằm mơ học được một thế cờ chống cự à?” và “Gã ngu” là những câu họ hay dùng mỗi khi họ đánh cờ Go. Mấy câu nói này bắt nguồn từ truyền thuyết của vị tổ sáng lập ngôi chùa, truyền thuyết này nhà sư đã kể lại cho ông khách nghe.
Ngôi chùa được xây cất vào thời Tokugawa. Người sáng lập ngôi chùa là một vị võ sĩ samurai. Con của samurai là một người thiểu năng. Vị quân đoàn trưởng[1] đã chế nhạo đứa trẻ thiểu năng này. Vị samurai giết chết quân đoàn trưởng và cả đứa con của mình rồi bỏ trốn. Trong lúc ẩn náu nơi ngọn núi này samurai nằm mơ. Trong giấc mơ, samurai đang thiền định phía dưới một ngọn thác, chừng một dặm rưỡi là đến ngọn núi kể từ suối nước nóng. Con của vị quân đoàn trưởng xuất hiện để trả thù cho cha và chém xéo từ bả vai trái của samurai bằng một nhát kiếm.
Khi samurai thức giấc, người ông ta đẫm mồ hôi lạnh. Thật là một giấc mơ kỳ quái. Ông ta chẳng bao giờ nghĩ đến việc ngồi dưới một cái thác. Ông ta cũng chẳng bao giờ ngồi yên nhìn kẻ thù ban nhát kiếm chém xuống người. Lại càng chẳng bao giờ, ông ta, một kẻ tự hào là tay kiếm tài giỏi tự sáng chế ra đường kiếm khác biệt với những đường kiếm thầy truyền cho, lại để cho con của một vị tướng quân chém trúng mình, cho dù đó là một cuộc tấn công bất ngờ. Tuy vậy, chính vì sự bất ngờ và khó tin này, làm cho ông ta lo ngại. Đây có phải là định mệnh dành cho ông ta? Nếu định mệnh khiến xui cho một đứa trẻ thiểu năng phải sinh ra đời làm con của ông ta, thì có phải định mệnh sẽ khiến xui cho ông ta bị chém dưới thác nước? Có phải ông ta nhìn thấy trước số mạng của mình trong giấc mơ? Có phải đây là điềm tiên tri? Và như thế, giấc mơ mời gọi ông ta đến thác nước.
“Ta sẽ chiến đấu chống trả lại định mệnh. Ta sẽ đẩy lùi số phận.”
Ông ta bắt đầu đến thăm thác nước mỗi ngày. Ở đó, ngồi thẳng thớm trên hòn đá ngay bên dưới làn nước mạnh bạo, ông ta có những giấc mơ ngay trong lúc tỉnh thức. Ông ta nhìn thấy hình ảnh một lưỡi kiếm sáng loáng chém xuống vai trái của mình. Ông ta cần phải trốn thoát hình ảnh này. Thay vào đó, lưỡi kiếm phải chém hụt vai ông và sẽ bị gắn chặt vào tảng đá. Một ngày kia, sau khi rèn luyện tinh thần chừng một tháng, ông đã điều khiển cho lưỡi kiếm sáng loáng kia trượt vai ông và dính vào đá. Đứng phắt dậy, ông ta nhảy múa vì vui mừng.
Trên thực tế, hình ảnh lưỡi kiếm chém cũng xảy ra. Ngay cả khi đứa con của quân đoàn trưởng la hét thách thức, và hạ nhục ông bằng cách gọi ông là kẻ hèn nhát, vị samurai vẫn ngồi yên thiền định, mắt nhắm, không còn nghĩ đến thể xác của mình nữa. Ông ta đem bản thân mình hòa vào âm thanh của thác nước. Mắt nhắm chặt, ông ta hình dung ra nhát kiếm của con trai quân đoàn trưởng đang xả xuống bằng tất cả sức lực, và chém vào tảng đá. Tay hắn tê dại hẳn. Vị samurai mở mắt nhìn.
“Gã ngu. Mi tưởng rằng học được cách vung kiếm là có thể giết được những vị thần của trời và đất ư? Để tránh sức mạnh của lưỡi kiếm, ta đã nhờ vào các vị thần của trời cao đất gần, đẩy lưỡi kiếm định mệnh ra xa khỏi người gần một tấc.”
“Gã ngu!” Sau khi kể câu chuyện truyền thuyết của vị tổ sáng lập chùa, nhà sư thường chế nhạo ông khách, và cười đến các sớ thịt trên bụng rung rinh.
Nhà sư trở lại với ngọn nến, nhưng vị khách xin được nghỉ chơi. Đặt ngọn nến vào bên trong lồng đèn bằng giấy, nhà sư đưa vị khách ra cổng chính của ngôi chùa. Vầng trăng vừa lên sáng hoắc và lạnh lẽo. Không một đốm lửa nào khác được nhìn thấy trên núi hoặc trên cánh đồng.
Nhìn ra rặng núi, vị khách nói, “Niềm vui của một đêm trăng sáng là điều mà chúng ta thật sự không còn hiểu được. Chỉ có những người già, vào thời chưa có đèn, mới có thể thật sự hiểu được niềm vui của một đêm có trăng.”
“Thật vậy.” Nhà sư cũng nhìn ra rặng núi.
“Mấy lúc gần đây, khi tôi lên núi, mấy con nai đã bắt đầu gọi nhau. Đã đến mùa nai giao hợp.”
“Và người tình của tôi?” Ông ta tự hỏi mình khi ông ta đi xuống những bậc thang của chùa. “Nàng có thể đang nằm trên tấm mền, như thường lệ, đầu gối trên khuỷu tay.”
Mấy buổi tối vừa qua, cô hầu gái trải nệm ngủ sớm hơn thường lệ, nhưng ông không đi ngủ. Thật là khá khó nhọc chui mình xuống bên dưới những tấm chăn. Nằm bên trên lớp chăn, ông giấu đôi bàn chân bên dưới lớp kimono dày, và gối đầu lên khuỷu tay. Có một lúc nào đó, thói quen của ông truyền sang nàng. Và cứ thế, hằng đêm, khi chiều buông, chập choạng hai cái bóng nằm xoài trên hai bộ chăn riêng biệt, họ nằm đó, mắt nhìn về hai hướng khác nhau.
Dáng của nàng, lúc ông đi ra ngoài cổng chùa, bềnh bồng như hình ảnh định mệnh của ông. Có lẽ nào, ông là kẻ độc nhất không thể đẩy lùi số phận?
“Hãy ngồi lên, lưng rời khỏi chiếc giường, và ngồi thật thẳng lưng lên,” ông khách thầm ra lệnh cho nàng, từ trong tâm khảm.
“A!” Cái lồng đèn chao động mạnh trong tay ông.
Ông khách cảm thấy cái lạnh về đêm, vào mùa đông, đang đè nặng lên mi mắt của mình.
*****
__________
Toward Winter (1926) trích trong tuyển tập Palm-of-the-Hand Stories
Tác giả: Yasunari Kawabata.
Nguyễn Thị Hải Hà dịch từ bản Anh ngữ của Lane Dunlop.
Nov | 29 | 2022
_____________
[1]Samurai là những võ sĩ làm việc dưới quyền của một người lãnh đạo gọi là chief retainer, tạm dịch là quân đoàn trưởng. Vị quân đoàn trưởng này chịu trách nhiệm những samurai dưới quyền, trực tiếp với hoàng gia hay nhà quý tộc.