Lần đầu tiên và cũng là lần cuối tôi gặp bà là Tháng Sáu năm 2019, trong tang lễ của thi sĩ Tô Thuỳ Yên – người tình, người chồng, người bạn, người cha của các con của bà. Ngày đó, người phụ nữ có gương mặt phúc hậu, dáng người nhỏ bé trong màu áo đen và giải khăn tang trắng, luôn đứng bên cạnh chiếc quan tài của thi sĩ Tô Thuỳ Yên, nơi ông đang ngủ giấc ngủ dài.
Bà là bạn thanh mai trúc mã của thi sĩ Tô Thuỳ Yên từ năm lên bốn tuổi. Tình bạn lớn theo thời gian, trở thành tình trai gái, rồi sâu đậm hơn trong tình nghĩa phu thê. Ban đầu, cha mẹ của bà không an tâm gả con gái cho một chàng nghệ sĩ vì sợ bà sẽ khổ. Nhưng tình yêu của hai người cứ lớn dần theo năm tháng. Sau bao năm chờ đợi, tình yêu chung thuỷ của ông bà đã thuyết phục được gia đình. Ông cưới được bà về làm vợ.
Cuộc đời làm vợ một thi sĩ lớn của nền thi ca miền Nam… không dễ dàng. Ông sống bên cạnh bà một thời gian, “khi tình đã cũ thì anh cần một mối tình mới hơn” – người phụ nữ trong vành tang trắng nhẹ nhàng nói về quá khứ. Tiếng nói của bà thanh thản, điềm nhiên như chứng tích của định mệnh. Khi còn trẻ thì có nhiều lúc bà cũng đau khổ. Cái đau khổ hiển nhiên của một người vợ. Dù thế, tình yêu của bà dành cho ông đủ sức mạnh đánh tan mọi đau khổ, ghen hờn. Bà tự nhủ, là một người nghệ sĩ, tâm hồn ông có thể yêu được nhiều lần.
Khi ông trở về sau 10 năm vàng võ trong tù đày của chế độ mới, bà yêu thương ông nhiều hơn. Đối với bà, ông vừa trở về từ cõi chết. Mười năm lặn lội thân cò bà hiểu được, “lấy một người chồng thi sĩ, tôi không giữ anh cho mình, tôi biết và tôi tập phải chia sẻ.”
Bà chia sẻ gánh nặng gia đình. Bà chia sẻ nuôi dạy con cái. Bà chia sẻ cả những phút giây “ngoài vợ ngoài chồng” của ông. Cuối cùng, những người tình của ông đã trở thành bạn của bà. Bà tâm niệm rằng, những gì làm ông vui, thì nhất định bà sẽ vui với ông. Đơn giản vì “để anh không bị… có thể nói … là hối hận đó,” tiếng nói của người quả phụ vẫn nhẹ như ru, bên cạnh Tô Thuỳ Yên vẫn đang nhắm nghiền đôi mắt.
Cả cuộc đời yêu và sống với ông, bà sống với quan niệm “những gì cần làm cho người thân yêu thì phải làm ngay, vì đến một lúc, mình hoặc người đó, sẽ không còn nữa.” Định mệnh đã mang ông đến với bà, mang bà đến với ông từ năm bốn tuổi. Cho đến ngày ông đi xa, bà vẫn còn bên cạnh, duy nhất và sâu đậm nhất. Ngày thi sĩ Tô Thuỳ Yên ra đi, bà đau buồn vì phải vĩnh viễn xa ông, nhưng, bên cạnh đó, “tôi có cái vui là tôi đã cùng anh đi trọn đường trần, và có thể nói, tôi là mối tình cuối của anh,” bà nói.
Người phụ nữ nhỏ bé ấy trong suốt buổi lễ tuyệt đối không cho người khác nhìn thấy nỗi đau của mình. Bà đứng dậy đáp lễ tạ ân với tất cả những bằng hữu đến chào tiễn đưa chồng mình. Bà lặng lẽ cầm di ảnh của ông, đi nốt với ông một khoảng đường cuối, đến căn phòng hỏa thiêu.
Cánh cửa sắt lạnh lùng đóng lại. Chính bà quả phụ Tô Thùy Yên là người đưa tay bấm nút, đưa ông vào đoạn đường cuối cùng của cuộc đời.
Ba năm trước, tôi gặp bà vào ngày bà trở thành quả phụ. Ba năm sau, tôi viết về bà, ngày bà theo chân ông rời cõi tạm, bỏ quên buổi hẹn với gia đình thi sĩ Du Tử Lê trong một chiều nhạc Khánh Ly. Bà là Huỳnh Diệu Bích.
Có lẽ giờ đây, bà đã gặp ông, tiếp tục cùng ông viết nốt đoạn cuối bài thơ “Ta Về.”