Đầu tư World Cup – cuộc chơi “nhất chín nhì bù”!

FIFA World Cup 2022, ngày 20-11 đến 18-12-2022
Share:
(Ảnh: CFOTO/Future Publishing via Getty Images)

FIFA cho biết có đến 3.75 tỷ người đã xem World Cup 2018 do Nga đăng cai tổ chức; và dự đoán có tới 5 tỷ người xem chung kết World Cup 2022 tổ chức tại Qatar từ ngày 20 Tháng Mười Một đến 18 Tháng Mười Hai 2022.

(Ảnh: Wang Gang/VCG via Getty Images)

Cuộc chơi đầy rủi ro

World Cup ở Nga được ghi nhận là tốn kém nhất từ ​​trước đến nay, với tổng chi phí $14 tỷ; nhưng cũng không là gì so với ước tính $200 tỷ của Qatar 2022. Qatar là quốc gia Ả Rập đầu tiên đăng cai FIFA World Cup; và cũng là quốc gia đầu tiên (kể từ World Cup 1934 tổ chức tại Ý) chưa từng thi đấu chung kết World Cup. FIFA thu được hàng tỷ đôla thông qua các hợp đồng tài trợ; trong khi đó, các quốc gia đăng cai tổ chức những sự kiện thể thao lớn như World Cup hy vọng họ sẽ thúc đẩy hoạt động kinh tế và đầu tư. Tuy nhiên, nghiên cứu học thuật về tác động kinh tế của việc đăng cai World Cup cho thấy cuộc chơi World Cup là “nhất chín, nhì bù”; thậm chí lỗ sặc gạch, như khẳng định của Andrew Zimbalist, tác giả quyển Circus Maximus: The Economic Gamble Behind Hosting the Olympics and the World Cup.

Lịch sử từng cho thấy điều đó. Khi đăng cai World Cup 1994, Mỹ tin rằng tiền lời có thể đạt đến $4 tỷ. Kết quả, như công bố của Victor Matheson – giáo sư kinh tế Đại học Lake Forest (Illinois) – cho thấy 6 trong 9 thành phố Mỹ tổ chức World Cup có tỷ lệ tăng trưởng chậm hơn cả dự tính trong hoàn cảnh bình thường! World Cup đã làm Mỹ lỗ $4 tỷ. Các nghiên cứu khác liên quan mùa giải thể thao cũng cho kết quả bất lợi. Doanh số bán trong tháng diễn ra mùa giải Superbowl tại Mỹ thường thấp dưới trung bình so với các tháng trước và sau mùa giải. Khảo sát Thế vận hội Atlanta 1996 cũng có kết quả tương tự. World Cup không ngoại lệ.

Các cơ sở hạ tầng xây mới – trong đó có sân vận động – thường gần như bị bỏ hoang sau mùa giải. Đầu tư xây mới hạ tầng kiến trúc không đơn giản như việc thuê người buổi sáng đào lỗ rồi buổi chiều thuê người lấp lại. Sau Thế vận hội Montreal hè 1976, Chính phủ Canada đã mất hàng triệu đôla cho cơ sở hạ tầng. Người ta hiếm khi dùng đến nữa nhưng chúng quá đắt đến độ không nỡ đập bỏ. Các nhà tổ chức Thế vận hội Los Angeles hè 1984 đã rút ra bài học trên và gần như không bỏ đồng nào xây mới hạ tầng (Thế vận hội Los Angeles là thế vận hội đầu tiên tạo ra kiểu mẫu cho mô hình kinh doanh thành công từ một giải thể thao thế giới).

Hình ảnh World Cup 2022 tràn ngập Doha, Qatar (ảnh: Simon Holmes/NurPhoto via Getty Images)

Nhìn lại lịch sử

Người Nhật đã lập lại sai lầm của dân Canada tại Thế vận hội Nagano mùa đông 1998 khi bỏ ra khoảng $18 tỷ cho chiến dịch xây dựng qui mô, từ tuyến xe lửa siêu tốc đến hệ thống đường xe trượt băng. Phí tổn duy trì các cơ sở không dùng này đã đóng góp đáng kể vào cơn suy thoái kinh tế địa phương. Sau thế vận hội, Nagano giảm 30% trong lĩnh vực sản xuất và chứng kiến 211 vụ phá sản. Tổn hại tại Nagano vượt xuống quá mức chỉ số kinh tế trung bình quốc gia trong bất cứ thời kỳ nào mà Nhật chịu suy thoái trầm trọng nhất từ sau Thế chiến thứ hai!

Trước mùa World Cup 2002, Viện nghiên cứu Dentsu (Nhật) từng ước tính $24.8 tỷ (3.3 tỷ yen) sẽ đổ vào nền kinh tế Nhật – một khoản tiền khổng lồ chiếm 0.6% GDP của một đất nước có GDP thứ hai thế giới vào thời điểm đó như Nhật. Trong khi đó, Viện phát triển Hàn Quốc (KDI) dự tính World Cup sẽ đem lại tiền lãi $8.9 tỷ (11.7 ngàn tỷ won), tương đương 2.3% GDP của Hàn trong năm 2000, chưa kể 350,000 chỗ làm mới được tạo ra. Các con số lấp lánh trên được FIFA ký xác nhận và được quảng bá rộng rãi, thông qua hai liên đoàn bóng đá sở tại. Như một sự lập lại lịch sử khó tránh, chính phủ Nhật-Hàn cũng xài quá mức cho cơ sở hạ tầng. Hai nước đã xây mới 20 sân vận động (40,000 chỗ) với tổn phí hơn $3 tỷ.

Một panô khổng lồ quảng bá FIFA World Cup 2022 trên đường phố Doha, Qatar (ảnh: Nikku/Xinhua via Getty Images)

Hầu hết sân mới tại Nhật và Hàn chỉ tổ chức 3-4 trận trong mùa giải. Tại vài thành phố không tổ chức World Cup, người ta cũng vung tay quá mạng trong việc nâng cấp-làm mới cơ sở hạ tầng với hy vọng lôi kéo du khách. Khoảng 80 thành phố ở Nhật từng cạnh tranh giành danh hiệu “trại nghỉ” tốt nhất cho khách hải ngoại. Thành phố Totorri tại Tây-Nam Nhật đã tung ra chiêu dụ du khách Ecuador bằng cách bao toàn bộ tổn phí của đội bóng Ecuador (lên tới 100 triệu yen). Tuy nhiên, ngành du lịch Nhật và Hàn quên rằng nhiều du khách bình thường và đặc biệt là giới thương nhân đã hủy chuyến bay sang hai nước trên để tránh đám đông và không khí náo nhiệt của World Cup.

Và một khi đường phố trở lại không khí bình thường; tiếng trống kèn inh ỏi biến mất; quán xá thưa thớt…, và người ta bắt đầu tính sổ. Vấn đề bây giờ không phải là chiến thuật trên sân cỏ hoặc chuyện chân cẳng các danh thủ bại xụi mà là chuyện lời lỗ trong kinh doanh và chuyện được mất trong kinh tế đất nước. Tổng kết sau World Cup 2002 cho thấy số du khách đến Hàn và Nhật không nhiều như mức mong đợi. Những gì World Cup 2002 bỏ lại sau lưng hai nước đồng chủ nhà trở thành những phế tích đắt tiền: 20 sân vận động mà 16 trong số đó được xây mới với kinh phí khổng lồ hiện thời mặt thảm kịch nằm phơi nắng.

Dùng vỏn vẹn ba-bốn lần trong mùa giải, nhiều cầu trường ít nhiều đã bị bỏ hoang hoặc chỉ có thể tổ chức hội hè địa phương. Khu phức hợp Saitama trong đó có sân vận động 63,700 chỗ ngồi tốn $667 triệu nay đã làm hao thêm $6 triệu phí duy tu mỗi năm. Chỉ ba trong 10 thành phố Nhật có sân vận động mới là có đội bóng chuyên nghiệp và ít người biết rằng thậm chí có một sân mới toanh chưa bao giờ được hưởng không khí trống kèn World Cup. Đó là sân ở Toyota thuộc Aichi, cách Tokyo 240km, với kinh phí xây dựng $375 triệu, khánh thành năm 2001, dự tính đón được ít nhất một trận World Cup nhưng cuối cùng bỏ trống!

Thiên hạ đánh lừa mình và đánh lừa nhau

Simon Bowmaker – nhà kinh tế học thể thao thuộc Đại học Edinburgh (Scotland) – nói rằng nước chủ nhà World Cup thường lỗ méo mặt, tương tự trường hợp nước chủ nhà của những giải thể thao lớn. Chang Se-Moon – giáo sư Đại học South Alabama (Mỹ) – cho biết thêm từ năm 1954 đến nay, có bốn nước chủ nhà World Cup đều gặp tình trạng tăng trưởng giảm sau mùa giải. Trong vài trường hợp, nước chủ nhà không chỉ thất thu mà còn “lủng túi” cho những vụ đầu tư ngắn hạn may rủi.

Satoru Kida – nhà phân tích phát triển cộng đồng thuộc một nhóm nghiên cứu kinh tế ở Tokyo – nhận xét rằng thiên hạ đã đánh lừa mình và đánh lừa nhau, rằng World Cup sẽ giúp hốt bạc và “thế là dân chúng phải nhảy nhót theo”. Tổng chi phí xây sân vận động, đường xá và cơ sở hạ tầng liên quan – $4.5 tỷ ở Nhật và $2 tỷ ở Hàn – đã trở thành khoản tiền chóng mặt không có cơ may thu hồi vốn (cao gấp 5 lần số tiền dân Pháp đầu tư cho World Cup 1998).

Nghiên cứu các giải World Cup trong 30 năm qua, nhà kinh tế Stefan Szymanski cho biết kinh tế quốc gia nơi đăng cai thường giảm trung bình 1% (trong năm diễn ra giải). Lý do thật đơn giản. Giải thể thao chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn và không thể làm giãn cái nền của kinh tế toàn diện trong thời gian dài. Không như sự xuất hiện một nhà máy trong nền kinh tế địa phương (thường làm tăng cung lẫn cầu cho hàng hóa địa phương trong nhiều năm), ảnh hưởng của World Cup luôn tàn lụi nhanh, ngay sau khi lễ bế mạc kết thúc. Nói cách khác, World Cup có ảnh hưởng nhưng tác động kéo theo không đủ dài để một nền kinh tế què quặt có đủ sức nhằm sút thủng tấm lưới của khung thành trì trệ…

Poster cầu thủ Dusan Tadic (Serbia) và Andre Ayew (Ghana) trên đường phố Doha, Qatar (ảnh: Nikku/Xinhua via Getty Images)

Qatar 2022 sẽ ra sao?

Trở lại với Qatar, Chính phủ Qatar ước tính có khoảng 1.5 triệu việc làm mới được tạo ra ở Qatar vào mùa World Cup 2022, chủ yếu là xây dựng trước giải đấu và du lịch và khách sạn trong thời gian diễn ra giải đấu.

Cơ quan xúc tiến đầu tư Qatar, IPA Qatar, cũng nêu bật nhiều cách mà họ cho rằng World Cup 2022 có thể giúp thu hút vốn FDI; rằng Bộ Thương mại và Công nghiệp nước này đã “xác định 83 cơ hội thương mại và đầu tư cho khu vực tư nhân cho đến năm 2023” liên quan đến việc chuẩn bị cho và điều hành giải đấu. Tuy nhiên, FDI trong thực tế gần như chẳng liên quan gì đến sự kiện thể thao. Các công ty đa quốc gia quan tâm đến những điều rất cụ thể khi họ đầu tư vào một quốc gia, chẳng hạn nguồn tài nguyên, chi phí lao động thấp, môi trường tài chính, hoặc vị trí địa lý (quốc gia đó gần các thị trường tiêu thụ hàng hóa của công ty; hoặc gần với các thị trường cung cấp đầu vào).

Như Investment Monitor cho biết, nhìn vào xu hướng FDI của ba mùa giải World Cup gần đây nhất (Nam Phi 2010; Brazil 2014; Nga 2018), không nước nào đạt được ​​sự tăng trưởng bền vững sau sự kiện. Cả ba đều chứng kiến ​​sự sụt giảm dài hạn về vốn FDI trong những năm gần đây, ngay cả trước khi bùng nổ dịch COVID-19. Việc xây dựng sân vận động mới là yếu tố tốn kém nhất của bất kỳ kỳ World Cup nào và Qatar đã phải xây dựng bảy trong tám địa điểm tổ chức World Cup. Và một nửa trong sáu sân sẽ được… tháo ghế để được xuất khẩu sang các nước đang phát triển sau khi mùa giải kết thúc; trong khi một sân khác thì được tháo hoàn toàn!

__________

Đọc thêm:

World Cup 2022

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: