Ảnh đại diện (avatar) trên tài khoản mạng xã hội sẽ sống mãi với thời gian, dù chủ nhân của nó không còn. Lúc đó avatar giống như ảnh trên bia mộ ngoài đời thật. Không ai thoát khỏi cái chết, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể sống mãi dưới hình thức “avatar ảo” (digital avatar) để những người sống có thể thảo luận những câu chuyện, những suy nghĩ và những gì bạn đưa lên mạng giống như trò chuyện với bạn lúc còn sống?
Mạng xã hội, di sản để lại sau khi chết
Khác với di sản trong thế giới thật, việc khai thác di sản trong thế giới ảo hầu như không gặp trở ngại gì và nằm ngoài vòng can thiệp của pháp luật.
Rõ ràng, công nghệ thông tin đã làm thay đổi cách suy nghĩ cũ về “di sản” và cách chúng ta viết “tự truyện” về mình. Tài khoản Facebook chính là nơi lưu giữ tự truyện của chủ nhân.
Một cuộc khảo sát mới nhất cho thấy, mỗi tài khoản mạng xã hội bỏ ra khoảng 12 giờ mỗi tuần để viết “nhật ký” trên Facebook bằng ngôn ngữ, hình ảnh hay video. Cuốn “tự truyện ảo” này vẫn còn nguyên vẹn sau khi chúng ta qua đời nếu chúng ta không chủ động xoá nó trước khi bị chết. Có người xem “nhật ký số” là “linh hồn số” (digital soul). Những đứa cháu có thể tìm hiểu về bà nội của chúng thông qua các post để ở chế độ “public” hay “friends” trên Facebook của bà. Trừ phi mạng xã hội này giải thể và đóng cửa.
Những biến cố lớn và đáng nhớ trong cuộc đời của bà nội đều được bà tự đưa lên Facebook hàng ngày hay hàng tuần. Những sở thích của bà cũng được đưa lên. Rồi cả những bức ảnh, video và những “chia sẻ” sống động. Người ta có thể dễ dàng biết được xu hướng văn hoá, tôn giáo và quan điểm chính trị của nhau qua Facebook.
Trong vài năm trở lại đây, nhiều công ty công nghệ mở rộng ý tưởng về “digital soul”. Software Eterni.me, phát hành năm 2014, sẽ tạo ra “phiên bản ảo về bạn” (digital version of “you”). Phiên bản này sẽ tồn tại mãi sau khi bạn qua đời. Nếu những software như Eterni.me thành công, thế hệ cháu chắt không chỉ biết nhiều về cuộc sống của ông bà mà còn có thể hỏi họ những câu hỏi và nhận được câu trả lời về những vấn đề mà chúng quan tâm giống như đang ngồi trước mặt.
“Nói vậy để thấy, giao tiếp sau khi chết là điều hoàn toàn có thể xảy ra” – một nhà tương lai học nói. Hãy nhìn qua robot Bina 48 được sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nhân Martine Rothblatt. Robot gần giống diện mạo vợ của Rothblatt và chứa các dữ liệu về ký ức cũng như giọng nói, cách nói của bà.
Rothblatt là tác giả cuốn sách “Virtually Human” và là Giám đốc điều hành của United Therapeutics. Là kẻ chuyển giới (transhumanist), châm ngôn cuộc sống của ông: “Chết là sự chọn lựa” (death is optional). Rothblatt tiên đoán trong tương lai gần người chết có thể hồi sinh nhờ vào software nhân bản (cloning) tư tưởng trong đó cho phép avatar suy nghĩ và phản ứng giống như người nó đại diện lúc còn sống.
Được hỏi, kỳ vọng này bao giờ mới trở thành hiện thực, Rothblatt nói: “Theo tôi, software nhân bản tư tưởng sẽ nhân bản hoàn hảo hơn chúng ta tưởng. Nói rõ hơn, avatar và người nó đại diện không khác biệt nhiều về tư duy và phản ứng trước một vấn đề”. Thậm chí có người còn nói đến việc “sao lưu não” (back-up brain) để bất tử hoá bộ não của các thiên tài. Lúc đó, “linh hồn ảo” sẽ không cho phép con người xóa bỏ quá khứ, quá khứ vẫn tồn tại và những người thân yêu đã qua đời sẽ tiếp tục sống với chúng ta. Quan hệ giữa người sống và người chết trong thế giới thực không còn nữa nhưng trong thế giới ảo vẫn còn nguyên. Sự đau đớn và thương tiếc quá đáng sẽ trở thành không cần thiết.
Trong The Memorius, truyện ngắn của nhà văn Jorge Luis Borges, nhân vật trung tâm Funes mất khả năng quên sau khi bị tai nạn xe cộ. Funes có thể kể lại vanh vách những cuốn sách ông đọc và nhắc lại chi tiết những gì ông trải qua mỗi ngày. Nhưng khả năng này đã biến bộ nhớ của ông thành “đống rác khổng lồ” không thể giải phóng được. Cuối cùng, Funes bị thất lạc trong bộ nhớ của mình, không thể phân biệt giữa nhớ và quên.
“Không thể để quá khứ lại phía sau đang trở thành bi kịch của con người trong thời đại kỹ thuật số” – nhà nghiên cứu Mayer-Schonberger nói. “Công nghệ số buộc chúng ta không được quên người chết. Đây vừa là sự may mắn vừa là điều bất hạnh – nhà xã hội học Jean Baudrillard cảnh báo – Bạn không cần phải đến nhà thờ hay nghĩa trang để tưởng nhớ người chết mà có thể vào thẳng mạng xã hội, nơi có những nghĩa trang khổng lồ và sống động như Facebook”.
Câu chuyện của Brandon Ambrosino
Theo một nghiên cứu đáng tin cậy, số người chết trên Facebook (hay số người dùng Facebook đã qua đời) đang gia tăng nhanh: khoảng 30 triệu người và còn tăng nữa. Năm 2012, chỉ tám năm sau khi Facebook ra đời, đã có 30 triệu người dùng qua đời, tám năm sau, con số chết cũng tương đương. Ước tính cho thấy có hơn 8.000 người dùng Facebook chết mỗi ngày. Trong thế giới ảo đang xâm lấn thế giới thật với tốc độ chóng mặt, mạng xã hội Facebook (và cả các mạng xã hội ít phổ thông hơn) là một lăng mộ ảo khổng lồ và không ngừng phát triển (a growing and unstoppable digital graveyard).
Đến một thời điểm nào đó, số người dùng Facebook chết sẽ đông hơn số người sống. Đối với những người còn ở lại, cái chết trên mạng xã hội của các “friend” gồm người thân, bạn bè và người xa lạ không hẳn là cái chết như trong thế giới thật mà sự tương tác vẫn còn qua hình ảnh, video và bài viết còn lưu lại. Facebook sẽ không có lời chia buồn và lưu ý về một chủ tài khoản đã chết nếu nó không được thông báo.
Một ngày sau khi cái chết của người dì, tôi (Brandon Ambrosino) khám phá ra dì đã viết cho tôi một lá thư thương yêu ở trang trước cuốn sưu tập những tác phẩm của văn hào Shakespeare mà bà tặng tôi. “Dì biết những lời dì viết cho con là quan trọng thế nào. Vì nó là quà tặng cho con với tất cả tình yêu. Bên con mãi mãi. Dì Jackie”.
Bức thư gây xúc động sâu sắc trong tôi. Tôi liền mở laptop của mình và tìm đến trang Facebook của dì giống như lúc bà còn sống và hy vọng sẽ khuây khỏa nỗi nhớ thương khi nhìn thấy những bức ảnh của dì và đọc những gì dì viết. Thậm chí tôi còn tưởng tượng dì đang trò chuyện với mình bằng giọng nói thánh thót quen thuộc trên những post video live.
Trên đầu trang Facebook dì để lại, có một video do người em họ chia sẻ (share) cảnh hai con voi con chơi đùa trong nước. Dì rất yêu loài voi nên có hàng ngàn bức ảnh voi treo khắp nhà. Bên dưới một số bức có lời bình của các sinh viên cũ của dì và cả một cáo phó của người em dâu cho một con voi bị chết. Tôi dùng chuột cuộn trang lên và lý lịch trích ngang của dì hiển thị.
Dì Jackie học Khoa Giáo dục tiếng Anh tại Đại học Frostburg State University và là cựu Trưởng khoa tiếng Anh tại một số trường học của thành phố Baltimore, tiểu bang Maryland, nơi dì sinh sống. Không có dòng chữ hay dấu hiệu nào cho thấy dì đã chết. Nhưng dì Jackie của tôi đã thực sự từ giã thế giới này trước sự chứng kiến của những người thân.
Không có cáo phó trên Facebook, chủ tài khoản được mặc định là vẫn còn sống. Vì hầu như chẳng có mấy ai thông báo với Facebook là chủ tài khoản đã qua đời và xin hủy trang cá nhân. Như vậy là xét về lý lẽ, dì Jackie chưa từ giã trên thế gian.
Dì vẫn hiện diện trên mạng xã hội dù dì không có hoạt động mới nào trên đó. Thậm chí, nếu muốn, dì vẫn có thể nhờ người thân thay mặt mình để cập nhật trang cá nhân và thổi sức sống cho nó. Tôi nhớ lại cái đêm tôi cùng gia đình đứng quanh giường của dì Jackie khi những dây nhợ và máy móc giúp duy trì cuộc sống còn nguyên vị để chờ dì trút hơi thở cuối cùng.
Facebook, nghĩa trang không cần đất
Như vậy, việc một người tiếp tục “sống không ngừng” trên không gian mạng đã làm thay đổi thế nào đến cách chúng ta nghĩ về cái chết? Và sự thương tiếc có còn nhiều như cũ khi người chết vẫn hiện diện trong không gian ảo? Chỉ cần quan sát những gì xảy ra đối với người dùng mạng xã hội sau khi họ qua đời cũng đã thấy lắm điều thú vị.
Ở đây là dì Jackie của tôi, người tôi yêu, trò chuyện, nắm tay và chứng kiến những đường hiển thị màu xanh lá chậm dần và biến thành một đường thẳng khi dì chính thức giã từ cuộc sống sau vài ngày hôn mê. Sự ra đi của dì là “rõ ràng và không thể đảo ngược”. Vậy mà dì vẫn sống nhờ một dịch vụ máy tính từ xa điều hành hoạt động của mạng Facebook.
Những suy nghĩ, tâm sự, kỷ niệm, hình ảnh và những mối quan hệ của dì tiếp tục hiển thị trên trang cá nhân. Facebook không tự xoá nên nó sẽ tồn tại mãi với thời gian. Các post video dì Jackie cười nói vẫn yên vị ở đó để chờ người xem. Trong khi con người không thể hồi sinh thì sự kỳ diệu của công nghệ thông tin đã giúp họ tồn tại mãi trên trái đất này.
Chúng ta chết ngoài đời thật nhưng vẫn sống trên Facebook. Cuộc sống này sẽ kéo dài nếu chúng ta có “kẻ tiếp nối” trang cá nhân của mình. Vào trang Facebook của dì Jackie tôi có cảm giác là dì còn sống. Từ khi mạng xã hội trở nên phổ biến, số người chết trên Facebook không ngừng tăng với tốc độ nhanh. Như vậy, Facebook đã trở thành “nghĩa trang lớn nhất thế giới” và sự bành trướng của nghĩa trang này là không có điểm dừng.
Khi một tài khoản Facebook công bố chủ nhân của nó đã chết, Facebook sẽ gắn chữ “remembering” lên “profile” để tưởng niệm họ. Tài khoản của họ cũng thôi xuất hiện tại những không gian “public” như “People You May Know” giới thiệu kết bạn hoặc nhắc bạn bè ngày sinh nhật. Rất ít người dùng Facebook tự thông báo hay nhờ người khác thông báo với dịch vụ là họ… sắp chết.
Kerry, một trong những người bạn sống chung với tôi trong ký túc xá thời đại học đã tự tử cách nay vài năm. Tuy nhiên, vợ của anh, gia đình và bạn bè vẫn thường xuyên post bài hay hình ảnh lên trang của anh. Profile của Kerry tiếp tục xuất hiện trên Facebook và các không gian “công” vẫn có tên anh.
Cả Kerry và dì Jackie đều không có tên trong danh sách “tưởng niệm” của Facebook. Điều đó có nghĩa là, cái chết của họ không được Facebook biết và dịch vụ vẫn cư xử với họ như người còn sống. Những hoạt động quá khứ của họ được duy trì và không tự xoá.
Trên giường chờ chết của bệnh viện, những dấu hiệu sự sống trọng yếu của dì Jackie đã mất nhưng cỗ máy điều hành Facebook ở cách xa hàng ngàn dặm không hề biết người dùng dịch vụ của nó đã chết.
Mạng xã hội cho chúng ta thấy quyền năng của sự nối kết toàn cầu mỗi khi xảy ra một sự kiện đáng chú ý, từ đêm trao giải Oscar đến vòng chung kết World Cup, từ một bộ phim truyền hình nhiều tập đình đám đến các tin tức thời sự nóng hổi.
Nhưng mạng xã hội còn có vai trò lớn trong việc lưu giữ “di sản” của người dùng trong thế giới ảo thay cho di sản trong thế giới thật. Những gì bạn để lại trên Facebook sau khi chết chính là di sản của bạn.
(Theo The Atlantic Unbound 2021)