Ngán gì mà không làm lại?

Minh họa: Justin Veenema/Unsplash

Đã có nhiều lời khuyên là “nếu không thành công, chúng ta hãy gắng thử lại, thử lại lần nữa và sẽ thành công”. Lời khuyên được truyền từ đời này sang đời khác. Thực thế cho thấy “giá trị vô song của sự thất bại” và nó giúp tạo ra động lực cho thành công nhờ tìm ra những sáng kiến mới và phương thức mới…

Minh họa: the blowup/Unsplash

Câu hỏi trực diện hơn là: Thất bại có chắc chắn là mẹ của thành công như chúng ta tưởng? Tiến sĩ Tom Pohlmann – phụ trách bộ phận chiến lược và giá trị tại Mu Sigma, một công ty phân tích dữ liệu và yếu tố khoa học trong việc tạo ra các quyết định – nhận định: “Sự thay đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh trong thời đại toàn cầu hóa đã khiến các công ty chịu áp lực rất lớn phải liên tục thử nghiệm những sáng kiến hay sản phẩm mới để đáp ứng các thách thức nếu muốn tồn tại lâu dài”.

Báo cáo nghiên cứu của Mu Sigma nêu rõ: “Thất bại khi xảy ra nhanh thì thường là cách tốt nhất và là chìa khóa dẫn đến thành công trong nhiều lĩnh vực kinh doanh. Thất bại nhanh có nghĩa là bạn không mất nhiều thời gian để rút kinh nghiệm, tốn kém vật chất cũng thường là nhỏ”. Các nhà nghiên cứu tại Mu Sigma nhấn mạnh kết luận này trong bản phân tích “Sức mạnh của các thí nghiệm táo bạo”, trong đó cho rằng “khoa học có thể chứng minh là chính thất bại đã kích thích sáng kiến và phát minh”. Nghe giống như tư duy của các kỹ thuật viên và kỹ sư làm việc trong lĩnh vực dược phẩm, khoa học vật liệu và kỹ nghệ sản xuất xe hơi.

“Những người ở vị trí tiền tiêu của mặt trận công nghệ phải dám bay thẳng vào vách núi trước khi vọt lên và sẵn sàng chờ tai nạn xảy ra ở đó” – ông Ray Gibbs, giám đốc điều hành công ty khoa học vật liệu Haydale hoạt động tại Anh, Mỹ và Hàn Quốc nói. Công ty chuyên nghiên cứu graphene để cải thiện tính năng của các vật liệu dùng hàng ngày như mực và lớp phủ. Gibbs tin rằng để phát triển bất cứ sản phẩm thành công nào bạn phải thử qua nhiều ý tưởng khác nhau để đạt đến kết quả cuối cùng sau khi học được bài học từ các thất bại.

“Nói vậy để thấy, thất bại không phải là điều xấu. Nó chỉ là một ‘cột mốc’ trong kinh doanh dẫn đến một cột mốc khác tốt hơn mà nếu may mắn ta có thể thành công ngay ở cột mốc thứ hai này. Nếu không, phải chờ thêm một, hai lần nữa” – Pohlmann nói. Những công ty công nghệ lớn như Apple cũng có lúc hứng chịu thất bại. Máy tính cầm tay The Newton là một ví dụ. Nhà sáng lập Steve Jobs khai tử nó nhưng xem đây là bài học để chuyển sang một sản phẩm điện tử khác.

“Nhiều người vẫn xem thất bại là dấu hiệu cho thấy chủ nhân của nó thiếu khả năng trong lĩnh vực sản xuất hay kinh doanh đang theo đuổi và nên chuyển hẳn sang lĩnh vực khác nếu không muốn mất thêm tiền hoặc nợ nần chồng chất. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm – Andrew Filev, giám đốc điều hành và sáng lập công ty phần mềm Wrike ở Mountain View, California nói – Khi bạn xem xét xây dựng một doanh nghiệp bằng cách chấp nhận chịu đựng một loạt thất bại, bạn sẽ hiểu thất bại chỉ là một hay nhiều nấc thang cần phải bước qua nếu muốn thành công. Những va vấp là không thể tránh khỏi, cũng như đứa trẻ không thể đi được nếu chúng không ngã vài lần, thậm chí ngã đau. Vì vậy, bạn chớ nên đỡ đứa bé dậy ngay hay vò đầu bức tóc khi gặp một thất bại, vì thất bại có thể dẫn đến tương lai sang sủa cho công ty hay công việc. Cách tốt nhất là hãy nghĩ về thất bại như một yếu tố tích cực”.

Công ty của Filev cũng học được bài học từ thất bại ngay ở bước khởi đầu. “Công ty hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ quản trị dự án cho các công ty khác. Nhưng khi làm việc này, chúng tôi phát hiện ra thiếu một công cụ để sự hợp tác được tốt hơn. Chẳng bao lâu sau tôi nhận thấy đây cũng là vấn để mà các doanh nghiệp khác gặp phải” – ông nói.

Kết quả là Filev thành lập công ty Wrike hoàn toàn mới thay thế cho công ty cũ. “Tôi không tin là có doanh nghiệp nào lại không trải qua thách thức lúc mới thành lập, hoặc khi chuyển đổi công năng và mục tiêu kinh doanh. Thất bại dẫn đến các thay đổi và điều chỉnh. Không trải nghiệm thách thức, việc kinh doanh sẽ hết sức buồn chán”  – ông nói. Tương tự, Lopo Champalimaud, Giám đốc điều hành Treatwell, cũng phải chấn chỉnh lại toàn bộ doanh nghiệp sau chệch choạc bước đầu. Khởi nghiệp là một công ty nhỏ kiếm ăn hàng ngày như Wahanda, công ty trở thành điểm đăng ký chăm sóc tóc qua mạng.

Dĩ nhiên, việc cải tiến liên tục một sáng kiến không phải là điều mới. Mọi sản phẩm, từ động cơ đến nồi cơm điện đều trải qua những thay đổi, lớn hoặc nhỏ, trong thiết kế và sản xuất. “Sáng kiến và phát minh nào cũng tiềm ẩn nguy cơ, vì vậy chúng ta phải dự trù trước là nó có thể không làm việc đúng như chúng ta mong đợi” – Stitian Westlake, Giám đốc phụ trách nghiên cứu của NESTA, một tổ chức độc lập chuyên khuyến khích sáng kiến tại Anh, nói. Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007, nhiều công ty phương Tây trở nên thận trọng hơn trong việc chấp nhận rủi ro, sợ cạnh tranh hơn, sợ mất tiền và mất thời gian.

Gần một thập niên sau đó, các công ty công nghệ và các công ty mới trên mạng mới thoát khỏi tâm trạng tiêu cực này và chấp nhận thử thách. Một phần là nhờ sự giúp đỡ của điện toán đám mây và kho lưu trữ dữ liệu Big Data, giúp giảm phí tổn thử nghiệm lại sau thất bại. “Sự tăng trưởng của nền kinh tế kỹ thuật số có nghĩa là kiến thức mới đến nhanh hơn bao giờ hết, buộc các công ty phải tư duy trên đôi chân của mình, tự tìm ra những sáng kiến mới nếu không muốn bị đối thủ qua mặt” – Pohlmann nói.

Minh họa: Olena Sergienko/Unsplash

Một trong những khu vực quan trọng nhất chứng minh cho lời khuyên này là sự phát triển phần mềm. Không giống như việc chế tạo nồi cơm điện hay tủ lạnh, phần mềm là kỹ nghệ nơi người ta có thể dễ dàng làm thử nghiệm và sau đó gửi các update đến khách hàng nếu có vấn đề (lỗi) phát sinh. Tại công ty OpenStack chuyên cung cấp phần mềm nguồn mở cho các trung tâm dữ liệu thì tư duy “thất bại nhanh và lập lại” đã được nghiền ngẫm kỹ từ lúc công ty mới thành lập.

Công ty tự làm mới mình bằng việc thường xuyên thử nghiệm các công nghệ mới trên quan điểm “sẽ không thể có các đột phá mang tính bước ngoặt trong quá trình phát triển nếu không chấp nhận rủi ro”. “Hãy xem một ứng dụng trên smartphone của bạn. Nó hoàn chỉnh từ những thất bại nhưng vẫn phải cập nhật liên tục” – Westlake thuộc NESTA nói. Nhờ chi phí cho thử nghiệm thấp hơn trước, kỹ nghệ phần mềm đã thoải mái hơn khi gặp thất bại. Đây là điều không thể làm trong thế giới phát minh và sáng tạo kiểu cũ như kỹ nghệ điện lạnh, truyền hình, vì nó rất tốn kém mỗi khi thử nghiệm cái mới.

“Chỉ khi kỹ nghệ được công nghệ điện toán góp sức thì việc chấp nhận thất bại mới dễ hơn vì đỡ tốn kém hơn cho việc làm lại” – ông nói thêm. Hãy thử nhìn vào kỹ nghệ xe hơi, từ khi có sự tham gia của công nghệ điện toán trong việc vận hành và bảo trì, dò đường, mọi thứ đều trở nên đơn giản hơn và không tốn kém nhiều để nâng cấp từ xa. Các kỹ nghệ bán lẻ, âm nhạc và dược phẩm cũng được lợi nhờ sự tham gia của công nghệ và bản thân các công ty kinh doanh trong ba lĩnh vực này cũng biết tận dụng công nghệ để đổi mới sản xuất, phát triển sáng kiến và phân phối. Pohlmann kết luận: “Phát minh sáng kiến giống như ném mũi tên vào tấm bảng đang di chuyển. Bạn có thể thử nhiều lần đến mức cao thủ để luôn ném chính xác hay bạn phải ném nhiều mũi tên để xác xuất trúng tâm điểm cao hơn”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: