Các quyển sách về cuộc chiến Việt Nam từng được mang ra nhiều lần để nghiền ngẫm nhưng quân đội Mỹ vẫn “đi lạc” trong một cuộc chiến mà kết quả của nó là sự rút lui…
Học được gì từ sách sử?
Tháng Mười Một 2009, New York Times cho biết đại sứ Mỹ tại Afghanistan, nguyên Trung tướng Karl W. Eikenberry, bắt đầu bất đồng với yêu cầu đòi tăng thêm 40,000 quân của Tướng Tư lệnh Afghanistan Stanley A. McChrystal; và Eikenberry đã “đánh dây cáp” về Washington DC để nhấn mạnh mức độ rủi ro cũng như khả năng sa lầy. Trong khi đó, tại Washington, Tổng thống Barack Obama chủ trì cuộc họp với nhóm cố vấn quân sự ngày 11-11-2009 và kết thúc với quyết định không chấp thuận bất kỳ phương án nào được đệ trình, có nghĩa chính sách cho Afghanistan vẫn còn là một tính toán khó khăn chưa ngã ngũ. Cùng lúc, người ta cũng lật lại những trang sách sử để tránh phạm phải những sai lầm trong quá khứ, ít nhất về mặt chiến lược quân sự…
Với nhiều người, bài học Việt Nam là điều luôn cần thiết nhớ lại đối với cục diện Afghanistan, dù bản chất cuộc chiến hoàn toàn khác, dù kẻ thù của Mỹ bây giờ gần như không liên can những gì thuộc về chủ nghĩa, hệ tư tưởng hoặc ý thức hệ, và quan trọng nhất, dù Afghanistan là một cuộc chiến bất qui ước (không phải cuộc đối đầu trực diện của hai quân đội chính qui).
Từ năm 2009, nhiều sử gia cuộc chiến Việt Nam đã trở thành cố vấn bất đắc dĩ của giới tướng lĩnh Mỹ. Đó là thời điểm mà nhà báo kỳ cựu Stanley Karnow 84 tuổi nhận được điện từ Kabul của người bạn cũ, đại sứ Richard Holbrooke (Stanley Karnow chết năm 2013). Hai người gặp nhau lần đầu khi Holbrooke là viên chức ngoại giao tại Sài Gòn giữa thập niên 1960 và Karnow là phóng viên chiến trường.
Bây giờ, Holbrooke là công sứ đặc biệt đặc trách Afghanistan và Pakistan. Thăm hỏi xã giao vài câu, Holbrooke bắt đầu chuyển máy cho tướng McChrystal. Không rào trước đón sau, McChrystal hỏi thẳng: “Có gì chúng ta có thể học được từ Việt Nam để áp dụng cho Afghanistan?”. Câu trả lời của Karnow cũng đơn giản và ngắn gọn: “Điều quan trọng tôi học được là chúng ta không bao giờ nên có mặt ở đó!”.
Với McChrystal, đó không là câu trả lời ông cần. Muốn hay không, ông cũng đã ở Afghanistan, với khoảng 68,000 lính Mỹ và 35,000 lính châu Âu. Là người ham đọc sách sử, McChrystal đã nghiền ngẫm quyển sách kinh điển về cuộc chiến Việt Nam của Karnow (Vietnam – a history) cũng như nhiều sử liệu khác. Một trong những quyển mà ông đã đọc, và đọc lại, là cuốn A Better War ấn hành năm 1999 của cựu trung tá Lewis Sorley, người nhận định rằng Mỹ có thể chiến thắng cuộc chiến Việt Nam nếu Quốc hội Hoa Kỳ không cắt viện trợ quân sự cho Việt Nam Cộng Hòa.
A Better War đã gây chú ý với nhiều viên chức cao cấp Ngũ Giác Đài và cuối cùng nằm trên bàn chỉ huy tác chiến trong tổng hành dinh McChrystal ở Kabul. Trong khi đó, Tổng thống Obama cũng tham khảo không ít sách, trong đó có quyển Lessons in Disaster của Gordon Goldstein, với nội dung chỉ ra rằng Tổng thống John F. Kennedy và Tổng thống Lyndon B. Johnson không được cố vấn tốt về tình hình Việt Nam khiến cuộc chiến Việt Nam trở nên vô vọng và bất khả chiến thắng.
Thay đổi lớn nhất trong quân đội Mỹ từ sau chiến tranh Việt Nam là sự hình thành Học thuyết Powell, thai nghén từ Tướng Colin Powell, Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ từ 1989-1993 và Ngoại trưởng Nội các George W. Bush từ 2001-2004.
Học thuyết Powell thật ra lấy ý tưởng từ bài diễn văn của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Caspar Weinberger phát biểu hồi năm 1984, mang nội dung rằng quân đội Mỹ chỉ nên tham chiến khi “quyền lợi đất nước bị đe dọa, khi khả năng chiến thắng trong tầm tay và khi công chúng cũng như Quốc hội Mỹ ủng hộ”. Một khi tham chiến, quân đội Mỹ phải dùng tổng lực để triệt hạ đối phương và rút đi càng nhanh càng tốt.
Học thuyết Powell còn rút từ tất cả sai lầm của quân đội Mỹ mà Powell từng trực nghiệm trong hai lần có mặt ở chiến trường Việt Nam. Tuy nhiên, Học thuyết Powell – chỉ có thể áp dụng cho chiến tranh qui ước – đã trở nên vô dụng khi quân đội Mỹ đối mặt với “khủng bố chiến” (còn tệ hơn cả du kích chiến Việt Nam). Đối mặt “khủng bố chiến” tại Iraq, nhóm biên soạn dưới chỉ huy của Tướng David Petraeus đã tung ra cẩm nang “FM 3-24” (Field Manual) với chiến thuật tìm diệt bằng kỹ thuật tình báo kết hợp thương lượng để hàng phục thành phần Sunni, đồng thời giúp chính phủ sở tại xây dựng lực lượng an ninh-quân đội riêng.
Một cách nào đó, FM 3-24 có lúc tỏ ra hiệu quả. Một phần trong chiến thuật này là chương trình ổn định từng khu vực, mang dáng dấp chiến dịch bình định của Tướng Creighton W. Abrams áp dụng tại Nam Việt Nam năm 1968. Sự rõ nét nhất trong chiến thuật McChrystal là hạn chế thả bom ào ạt giúp giảm tỉ lệ thương vong thường dân, hạn chế gây thù oán với người địa phương. Cùng lúc, McChrystal tăng cường sử dụng lực lượng đặc nhiệm với kỹ thuật tình báo để tìm diệt đám chủ soái Taliban. Có thể thấy đó là một phiên bản khác của Chiến dịch Phượng hoàng mà quân đội Mỹ thiết kế nhiều thập niên trước tại Nam Việt Nam.
Ngoài ra, dựa theo FM 3-24, McChrystal cũng tập trung xây dựng lực lượng an ninh-quân đội sở tại (một phiên bản nữa của công thức “Việt Nam hóa chiến tranh”). Lewis Sorley (tác giả A Better War) cho rằng “Việt Nam hóa chiến tranh” đã mang lại hiệu quả đáng kể giúp Mỹ gần như tiệm cận chiến thắng nếu giờ chót Quốc hội Hoa Kỳ không bỏ phiếu ngưng viện trợ Chính phủ Nguyễn Văn Thiệu.
***
Trong một số sách về cuộc chiến Việt Nam (trong đó có Triumph Forsaken: The Vietnam War 1954–1965 của sử gia Mark Moyar; hoặc Dereliction of Duty: Lyndon Johnson, Robert McNamara, the Joint Chiefs of Staff, and the Lies that Led to Vietnam của Thiếu tướng H. R. McMaster), các tác giả cho rằng một trong những vấn đề quan trọng không thể không bàn đến là ý kiến của giới tướng lĩnh khi họ cố vấn (sai lầm) cho tổng thống.
Cần nhắc lại, trong cuộc phỏng vấn Newsweek vào Tháng Chín 2009 khi bản phân tích tuyệt mật 66 trang của mình về bãi lầy Afghanistan bị rò rỉ, McChrystal nói rằng nhiệm vụ của ông là phải báo cáo cho tổng thống chính xác những gì quân đội cần để chiến thắng. Khi nói như vậy, McChrystal hẳn đã đọc và thấu hiểu những gì H. R. McMaster viết trong Dereliction of Duty.
Tuy nhiên, nói là một chuyện, thực tế là chuyện khác, khi người ta phải đứng trước nhiều chọn lựa. Công thức FM 3-24 (chống “khủng bố chiến”) của Tướng David Petraeus tại Iraq – một lính Mỹ chịu trách nhiệm giám sát mỗi 50 dặm vuông (gần 129km2) – cho thấy Mỹ phải cần đến 500,000 quân mới có thể bao quát toàn bộ đất nước Afghanistan nếu mang ra áp dụng tại chiến trường này.
Hơn nữa, như Barbara Elias (Giám đốc Đề án Afghanistan-Pakistan-Taliban thuộc National Security Archive của Đại học George Washington, Mỹ) từng viết trên chuyên san Foreign Affairs, quân đội Mỹ cần phải hiểu rõ hơn kẻ thù, cần phân biệt ba nhóm Taliban-Pakistan, Taliban-Afghanistan và Al-Qaeda, cũng như yếu tố sắc tộc tôn giáo và bộ tộc địa phương manh mún cực kỳ phức tạp tại Afghanistan, để có giải pháp hành xử thích ứng với từng đối tượng…
Tất nhiên, thực tế luôn có những vấn đề mà dù có nhìn bằng lăng kính nào thì cũng có thể chưa thấy được toàn bộ bức tranh. Dù thế nào, Afghanistan một lần nữa là một bài học mà nhiều năm sau chắc chắn nước Mỹ vẫn sẽ còn nhắc lại…