‘Trà Tàu một hơi’

Minh họa: Loverna Journey/Unsplash
Share:

Trên không gian của mạng xã hội không biết là bao nhiêu điều hay lẫn dở xuất hiện hàng ngày. Trong những cái gọi là kim chỉ nam ấy không ít bài học quý giá nhưng cũng không ít “bài học” mới nghe tưởng rằng hay nhưng thật ra khi suy ngẫm kỹ sẽ thấy không ít điều đi ngược lại giá trị thật của con người- con người tự do và có văn hóa.

Một trong những bài học được cho là nên bỏ túi khi bước chân ra với xã hội văn minh là ‘cách ăn’, hay nói văn hoa hơn là văn hóa ăn uống. Cách ăn uống của người xưa được minh họa lại một cách chi tiết và người ta khẳng định rằng chỉ ăn uống như vậy mới là người có văn hóa, văn minh nếu ngược lại sẽ bị cộng đồng, xã hội đánh giá là kém văn hóa.

Và biểu hiện kém văn hóa nhất trong khi ăn là húp, nhai, nuốt một cách mạnh bạo, phát ra tiếng khi ăn và làm văng thức ăn sang người khác. Đọc lên thấy đúng trăm phần, khó ai cưỡng lại được cái cốt lõi của sự thiếu văn minh ấy, nhất là trong thời đại thông tin hình ảnh hôm nay, mọi cử chỉ của chúng ta giữa chốn đông người đều cho thấy tính cách văn hóa của dân tộc hoặc những chuẩn mực văn minh mà chúng ta không thể không thực hiện.

Ông bà ta từ trước đã có một câu thành ngữ rất “độc địa” mô tả một người có liên quan đến cách ăn uống thiếu “văn minh” hay thiếu “văn hóa” này: “Vai u thịt bắp mồ hôi dầu, lông nách một nạm trà Tàu một hơi”.

Câu thành ngữ này có tính phân biệt giai cấp, nó mô tả giai cấp công nhân, giới cần lao, những người làm lụng vất vả và không thể thực hiện sứ mệnh “văn hóa” một cách trọn vẹn và khi ăn uống bị xem là dung tục, thô kệch. Vai u thịt bắp lông nách, lại thêm mồ hôi dầu nữa thì gom hết phần thô lậu của con người rồi, nó tương phản hoàn toàn với sự nho nhã, điềm đạm, khoan thai của một người “có học” tức là giới trí thức, khoa bảng. Và chính cái giới “có học” ấy mới có khả năng mô tả một cách sống động hình ảnh của một anh lao công khi cầm chén trà Tàu- một thức uống được xem là cao quý, sang trọng- mà ực liền một hơi sạch cạn.

Minh họa: Barrett Baker/Unsplash

Trong khi uống trà Tàu được cho là một nghệ thuật thưởng thức, uống một cách từ tốn, vừa uống vừa ngâm nga đàm đạo chuyện xã hội, thơ phú… Sự từ tốn khoản thai ấy “bảo kê” cho dáng vẻ trí thức hay ít ra cũng là cái vỏ của trí thức, nhưng anh lao công không thể làm như vậy. Anh uống chỉ là vì khát chứ không phải vì tận hưởng cái thú vui “trí thức” của một anh nho học ưa tỉ mẩn nghiền ngẫm hương vị thay vì giải quyết cái khát thực thể.

Hai thái độ, hai cách uống một ly trà nhưng cả hai chỉ tập trung vào một thói quen: uống.

Thói quen của anh thư sinh tài tử hình thành từ cái nhìn của đám đông, từ gia phong cho tới chữ nghĩa của thánh hiền do đó anh lập lại như một cái máy mà cho rằng mình nho nhã, khiêm nhu. Anh không có cái sướng rất “người” khi cạn một hơi chén trà để giải tỏa cái khát. Anh vô tình trình diễn một cách chân thành bởi kịch bản mà anh học thuộc lòng từ một gia đình có học.

Còn anh lao công không biết gì về văn hóa uống trà cả. Anh như một sinh vật thô nhám chưa được thuần hóa bởi tập tục và thói quen vốn trói buộc con người vào các quy ước xã hội. Anh hồn nhiên thưởng thức thành quả mà Thượng đế ban cho con người là anh, một kẻ vai u thịt bắp nhưng có cùng một cuống họng, một cái lưỡi và cái mũi như anh thư sinh. Anh uống một tợp cho “đã” và anh không cần ai để ý tới cái cách uống của anh.

Minh họa: Content Pixie/Unsplash

Mà thực ra, cách uống của anh lao công không văng nước bọt sang một ai, cũng không làm mất đi cái hứng thú của anh thư sinh có học, cớ sao lại bị biếm nhẽ như vậy? Thì ra, giới tinh hoa luôn thấy người lao động là giai tầng thấp kém và từ đó nảy sinh lòng khinh bỉ, xem thường.

Ăn uống là cái khoái thứ nhất trong tứ khoái, cái nhu cầu sống còn của con người và nếu người ta bị thiếu ăn nhiều ngày tất không khỏi nhanh vội cắn miếng bánh, tợp ly nước hay xé miếng thịt một cách bất cần e ngại người khác ngắm nhìn.

Đó là thiếu ăn, nhưng ngay cả khi no đủ con người cũng không nhất thiết phải kín kẽ như anh chàng nho sinh ẻo lả mới phải!

Chúng ta vẫn cho rằng người Mỹ, người Nhật là văn minh nhưng nhìn kỹ cách ăn uống của họ e rằng khái niệm văn minh trong ăn uống sẽ bị bẻ gãy. Người Mỹ sẵn lòng há miệng thật lớn giữa phố để cắn chiếc bánh Hamburger trong khi miệng mồm dính đầy Ketchup và nước sốt. Người Nhật thì húp sồn sột tô mì Ramen bất kể ngồi ở đâu vì chỉ có húp như vậy mới đã, mới hưởng thụ hết cái chất liệu hấp dẫn của nước lèo.Không ai dám nói họ thiếu văn hóa, trong khi người Việt chúng ta vẫn tiếp tục “hiếp đáp” anh lao công giữa chợ vì uống chén trà Tàu một hơi, trong cơn khát.

Ôi, khó quá cái sự đời!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Mẹo hay nhà bếp
Trong gian bếp, bạn cũng có thể sử dụng nhiều mẹo vặt để tránh phền toa1o xảy ra, nhất là khi bạn phải làm ở nhà. Tránh ruồi Chỉ cần…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: