Nhân loại đang đứng trước những khủng hoảng rất lớn ở nhiều mặt từ dịch bệnh, chiến tranh, thiên tai, hiệu ứng nhà kính, phân biệt chủng tộc,… Tất cả đều liên quan mật thiết đến sự xuống cấp nghiêm trọng về mặt đạo đức của con người. Những rung động thấp mà con người phát ra bao gồm tham, sân, si, hỷ, nộ, ái, ố ngỡ tưởng rằng chẳng can hệ gì đến những hiện tượng rúng động mà chúng ta đang phải đối mặt, nhưng bất cứ ai nắm bắt được mọi thứ đều là năng lượng và nhận thức được quy luật nhân quả của vũ trụ, đều tin rằng sự suy đồi về mặt đạo đức càng lớn thì những hậu quả xấu lên hành tinh của chúng ta càng biểu hiện rõ nét.
Sự thật lịch sử đã chứng minh, sự phát minh khoa học phi nhân đạo như vũ khí hạt nhân đã gây ra bao tang thương trong thế kỷ 20, thậm chí đến thế kỷ 21. Tham vọng công nghiệp hóa đã khiến mẹ trái đất ngày càng nóng lên, bao khu rừng bị mất, hiệu ứng nhà kính, lũ lụt, hạn hán xảy ra khắp nơi, dân chúng nghèo lại càng khổ hơn… Khi con người gieo nhân tham, sân, si, họ có thể đạt được chút lợi lộc trước mắt nhưng không bền lâu, thậm chí bây giờ, quả mà chúng ta gặt phải xảy ra ngay lập tức khi ta gieo một nhân không tốt lành. Điển hình như dịch bệnh, nó bắt nguồn từ tham vọng bá chủ của con người. Chính bản ngã của con người là một trong những nhân tố vô cùng nguy hiểm nếu họ không biết cách kiểm soát.
Luật nhân quả vốn dĩ đã được dạy ở gia đình, trường học, thông qua những câu nói hết sức quen thuộc như: gieo nhân nào, gặt quả đấy; ác giả ác báo; ở hiền gặp lành,… Chúng ta thường tự hỏi rằng, mỗi người đều có số phân riêng, vậy mình có thay đổi được số phận này không? Thực chất, số phận của mỗi con người là đều do họ tự tạo ra. Cái số phận mà chúng ta nói đến trong kiếp này, là cái quả sinh ra từ cái nhân mà ta đã gieo ở nhiều kiếp trước, chẳng qua là ta không biết các kiếp trước của ta ra sao, nên ta cứ tưởng rằng số phận con người là do ông trời sắp đặt.
Hiểu được điều này vô cùng quan trọng, bởi khi bạn có một lá số tử vi, điều đó chỉ có thể đúng một phần nào đó mà thôi. Nếu bạn nắm tốt luật nhân quả, và tuân theo luật nhân quả, thì rõ ràng, bạn có thể cải mệnh. Bởi sự tự do ý chí của mỗi người giúp họ trả nghiệp nhanh hơn bằng cách tu tập (tu sửa tâm tính), và tiến nhanh hơn trên con đường đi đến giải thoát. Điều đó nhấn mạnh việc nương tựa vào một lá số tử vi cho thấy con người chưa hiểu đúng về luật nhân quả. Và sự dựa dẫm đấy khiến họ phó mặc số phận không chịu sửa đổi hoặc có nguy cơ giảm phước báu. Như thế, chỉ khiến họ tổn phí một kiếp người. Mà như Đức Phật có nhấn mạnh, việc chúng ta tái sinh làm người là cực kỳ cực kỳ quý hiếm, vì thế cần phải hết sức vận dụng kiếp sống làm người này để tu sửa và chuyển hóa nghiệp quả.
Như Đức Dalai Lama trình bày rất rõ trong cuốn Tứ Diệu Đế, những nhân tạo ra khổ đau đều là bất thiện, những nhân tạo ra niềm vui tích cực là thiện lành. Nhân mà ta gieo bao gồm HÀNH VI TINH THẦN (không thể hiện qua hành động cụ thể) và HÀNH VI VẬT THỂ (thể hiện qua hành động và lời nói). Và mỗi nhân mà con người gieo đều trải qua các giai đoạn cụ thể, mà ta phải nắm rất rõ các giai đoạn này. Giai đoạn khởi đầu là phát khởi động lực hay còn gọi là tác ý, giai đoạn tiếp là diễn ra hành vi, và giai đoạn sau cùng là đỉnh điểm và sự hoàn tất hành vi. Chẳng hạn, có một ai đó lừa dối bạn khiến bạn tổn thương. Giai đoạn đầu, bạn khởi lên sự giận dữ rất mạnh mẽ, bạn muốn trả thù họ, bạn tạo ra một hành động trả thù nhưng giai đoạn cuối bạn nảy lên lòng sám hối mạnh mẽ, chính sự sám hối mạnh mẽ này đã khiến việc tạo nghiệp của bạn giảm thiểu đi tác hại. Và cũng chính sự sám hối này đã khiến quả bạn gặt trở nên nhẹ nhàng hơn.
Nhưng nếu bạn không có tâm sám hối, thì quả bạn gặt sẽ là một điều gì đó tiêu cực, tương ứng với các giai đoạn tạo nghiệp với một động lực vô cùng mạnh mẽ của bạn. Đó là lý do vì sao trong các tôn giáo đều có nghi lễ sám hối, là để con người tự quán xét về những sai lầm của mình, từ đó tu sửa, trau dồi đạo đức, tạo ra những nhân thiện. Theo cách hiểu này, chỉ con người mới có thể tự cứu rỗi chính bản thân họ, vì chỉ có họ mới có thể sửa đổi nghiệp quả của bản thân họ mà thôi.
Có nhiều câu chuyện trong cuộc sống ly kỳ nhưng nếu hiểu theo quy luật nhân quả thì hoàn toàn logic. Ví dụ về gia đình trà sư Ngô Thị Thanh Tâm là điển hình. Gia đình cô từng làm công ty cung cấp thực phẩm, sát sinh rất nhiều loại động vật khác nhau. Và sau đó, một người con trai của cô bị bệnh thần kinh, chữa ở đâu, từ trong nước lẫn ngoài nước, cũng bị bệnh viện trả về do không thể phát hiện bệnh.
Khi quá tuyệt vọng, cô tìm đến một ngôi chùa ở vùng biển như sự cứu rỗi và gặp một sư thầy. Cô không tâm sự gì nhiều nhưng sư thầy có giảng giải cho cô về luật nhân quả. Tự trong cô ngộ ra nhiều điều, rằng từ trước đến nay, gia đình mình sát sanh quá nhiều, có thể những oan gia trái chủ đó oán hận cô và làm cô đau khổ bằng căn bệnh của con cô. Khi từ chùa về, sau ba ngày suy nghĩ, cô bỏ hẳn công việc cung cấp thực phẩm, và mở một trà thất và nhà hàng chay. Nhờ tạo nhân lành suốt một thời gian rất dài, điều kỳ diệu đã xảy đến với con trai cô, là trong hai năm vừa rồi, con cô tự nhiên hết bệnh.
Nếu không hiểu về luật nhân quả, con người sẽ không thể lý giải về câu chuyện trên và cho rằng mọi thứ xảy đến là may mắn. Thực chất, may mắn mà ta nói đều được quyết định bởi những nhân mà ta đã gieo. Trong cuộc sống này, chẳng có điều gì là ngẫu nhiên. Tất cả đều tuân theo những quy luật bất biến của vũ trụ, mà nếu không hiểu những quy luật này, con người có nguy cơ trượt dài trên những suy nghĩ và hành động vô minh.
Cũng như vậy, với những người mà ta gọi là thiên tài trên Trái đất, thì điều đó không đơn thuần là món quà tặng, mà thực chất tài năng đó đã được họ tu luyện trong các kiếp sống trước. Họ cũng có thể là những linh hồn già đã trải qua nhiều kiếp sống khác nhau với nhận thức tiến hóa hơn so với những người bình thường.
Khi một người không nhận thấy sự quan trọng của luật nhân quả, tiếp tục gieo nhân bất thiện, thì nghiệp của họ sẽ càng chất chồng lên nhau, từ kiếp này đến kiếp khác, nếu không chịu sửa đổi, thì họ sẽ lại tiếp tục gặt quả đắng từ những nhân bất thiện mà mình đã gieo. Nhưng với những người hiểu về quy luật này, họ sẽ bằng mọi cách trả sạch nghiệp của những kiếp trước thông qua sự sám hối thành kính và phát tâm tu tập. Khi đó, nguồn năng lượng của họ ngày càng trở nên thanh sạch hơn, và năng lượng này sẽ chạm đến nguồn năng lượng Thượng Đế linh thiêng của vũ trụ, và nhận được sự ân sủng của Người.
Như bậc hiền giả Ramana Maharshi trước khi mất đã nói với đệ tử: “Ta chẳng đi về đâu, ta luôn ở đây!” Cũng như vậy, dù những vị Phật và Bồ Tát mà chúng ta đang tìm hiểu thuộc về một thời gian trong lịch sử nhưng thực chất các Ngài vẫn luôn ở đây, nguồn năng lượng thiêng liêng của các Ngài vẫn luôn hỗ trợ cho những chúng sinh phát tâm tu tập và phụng sự.
Các bậc hiền triết xưa chỉ dẫn rằng để áp dụng luật nhân quả được tốt đẹp, con người nên học cách làm chủ suy nghĩ của mình, làm chủ tác ý lẫn hành động của mình. Khi có một suy nghĩ tiêu cực khởi sinh, chúng ta phải nhận thức và quan sát được nó, để không bị đồng hóa vào dòng năng lượng tiêu cực này. Hãy tìm đến những nguồn năng lượng có tính nuôi dưỡng tâm hồn, thông qua những cuốn sách minh triết, thông qua những bản nhạc có rung động thiêng liêng và chữa lành, và những người bạn có đồng chí hướng tu sửa tâm tính giống chúng ta, từ đó giúp ta tạo ra một trường năng lượng cao từ bên trong lẫn bên ngoài.
Chúng ta phải học cách buông bỏ được những thứ cản trở ta trên con đường minh triết, bằng một thái độ kiên nhẫn và dứt khoát. Mỗi ngày, cần phát tâm nguyện rằng mình sẽ tốt đẹp hơn và mong nhận được sự hỗ trợ của Chư Phật và Bồ Tát. Song song với sự phát triển về mặt trí tuệ, con người cần phát triển tình thương, lòng từ bi và sự khiêm tốn, thì khi đó bản ngã của họ mới được giảm thiểu, sự ngạo mạn của họ mới được chế ngự, từ đó mới giúp họ sớm hòa vào dòng chảy chân ngã.