“Chung quanh chỗ Phượng đứng, những tảng bóng tối đã đọng lại trên bờ đường như những bờ hầm hố. Nhìn xuống, Phượng có cảm giác chơi vơi như đứng trên một tầng cao. Anh nhìn xuống vực thẳm. Hà Nội ở dưới ấy” (Đêm giã từ Hà Nội – Mai Thảo)
Hà Nội đã “ở dưới ấy” từ lâu lắm rồi, từ cuộc “bỏ phiếu bằng chân” vĩ đại của gần một triệu người từ những năm 1954…
Và từ đó… nhờ những chuyến bay con thoi của phi cơ Pháp, Mỹ chở người từ miền Bắc vào Nam, những con tàu há mồm LST của Hải Quân Hoa Kỳ qua chiến dịch di cư tìm tự do, Passage to Freedom… (Chuyến tàu thủy cuối cùng của cuộc di cư cập bến Sài Gòn vào ngày 16 Tháng Tám 1954), chúng ta mới có Sài Gòn, có một nền văn học nghệ thuật rực rỡ vàng son… Từ đó, Hà Nội đã thành một mờ mịt xa, một “dĩ vãng chối bỏ” …
Lớp văn nghệ sĩ Bắc Kỳ tha hương từ dạo ấy đã mang đến gì cho Sài Gòn?
Nói riêng về âm nhạc: “Bối cảnh âm nhạc của Sài Gòn, thủ đô miền Nam, được tiếp sức sống mới nhờ sự có mặt của những nhạc sĩ từ miền Bắc. Hà Nội đã tạo nên trung tâm sáng tác loại ca khúc phổ thông theo kiểu Tây phương được gọi là nhạc cải cách. Chỉ với cuộc di cư của hàng trăm ca sĩ, nhà sáng tác và người trình diễn cũng như một lượng công chúng của họ từ miền Bắc lắng nghe với sự hưởng ứng cao, đã làm cho phong cách âm nhạc này trở thành một nguồn lực thương mại chính trong đời sống âm nhạc miền Nam”
Còn văn chương, được tiếp thêm sức mạnh: đã thành một nền nhân văn mới, tự do & nhân bản…
“Từ sau 1954 đến nay, những người sống chết với đất nước này, đau niềm đau của đất nước này, vươn lên sức vươn bất tuyệt của đất nước này, như VÕ PHIẾN, NGUYỄN MẠNH CÔN…, chúng ta quên họ sau được. Những hoang mang rã rời, những cựa mình bão tố kết tụ nơi những tác phẩm dài ngắn của THANH TÂM TUYỀN, MAI THẢO, DƯƠNG NGHIỄM MẬU, LÊ TẤT ĐIỀU… vân vân và vân vân, chúng ta quên họ sao được. Làm sao mà quên được những “móc mưa hạt huyền” họ đã khóc cho dân tộc này, và cũng chính những hạt sương mai ấy, họ kết thành muôn ngàn nỗi mừng, mong manh mà trường cửu, nhỏ bé mà muôn vàn tươi mát cho dân tộc này”
(Doãn Quốc Sỹ)
Nhưng rồi, những cơn mưa quái ác của thời đại đã phủ lấp lên mảnh đất chữ S nhỏ bé này, sau cuộc di cư 1954, lại tiếp tục một cuộc đi “làm chưa xong hết cuộc tiễn đưa” 1975… lại tiễn đưa những kỷ niệm êm đềm, những hồi tưởng là những vọng về của những người đánh mất một điều gì yêu quí nhất trong đời. Hà Nội, Sài Gòn,… ở đâu hương thơm thành phố cũ, ngõ đường xưa?
Để lại cho em được những gì ngoài một “hồn nước tả tơi”…?
Chút hương mùa cũ của Sài Gòn đã ngàn xa, huống chi là Hà Nội, những gì êm ả của một thời, giờ chỉ còn nằm trên trang giấy…
Tháng 8, 67 năm sau, từ cuộc “lên đường lớn”, đọc để hồi tưởng lại một quê hương nào đó trong trí nhớ…
Nguyễn Trường Trung Huy
Sài Gòn, Tháng Tám 2021
QUÊ HƯƠNG TRONG TRÍ NHỚ
Mai Thảo
(Tạp chí Tuổi Ngọc số 99 ra ngày 26 Tháng Tư 1974 – chuyên đề Tưởng Tiếc Hà Nội)
Cách đây bốn năm, đặt bước chân của người tị nạn xuống phi trường Tân Sơn Nhất, tâm hồn thể xác quắt héo lại như một thân cây đứt rễ, cõi lòng thì là cái bể đựng nước mắt Hà Nội và tôi chỉ muốn về giỏ những xót thương ấy xuống phố phường Hà Nội. Mỗi ý nghĩ là một Hà Nội. Mỗi phút giây là mỗi phút giây Hà Nội. Mỗi bước đi là đi vào cái Hà Nội vô hình nhưng phủ kín và đè nặng xuống. Hà Nội ngự trị trọn vẹn trong tôi. Hết thảy đều là Hà Nội. Hơi thở, không khí, âm thanh và sắc màu, nhịp tim đập vào nhịp máu chảy. Vì bởi Hà Nội ở xa, tâm sự tỵ nạn là tâm sự của một người đã chết. Tôi nhớ tất cả, nhớ từ ngọn cỏ đường nhớ đi.
Cái gốc cây phượng vĩ nghiêng xuống mặt đường Quan Thánh chỗ xế chùa Trấn Quốc, tiếng chuông tàu điện leng keng qua vườn hoa Hàng Đậu, giọt mưa thu đầu mùa bay nghiêng trên ngã tư Hàng Quạt, ánh lửa hàng rong chập chờn dưới vòm cửa ô Quan Chưởng, cái ngõ Gia Ngư nhiều kỷ niệm, khu xóm Hạ Hồi nhiều yên tĩnh, màn sương trắng đục từ Giá Nứa chiều chiều phủ kín chân cầu Long Biên, cái mặt đồng hồ lớn trên nóc ga Hàng Cỏ. Tôi tưởng tôi đứng ở Gia Lâm nhìn sang Hà Nội. Những những mái nhà chập chùng. Tôi tưởng tôi đứng ở Yên Phụ nhìn xuống, Hà Nội khởi đầu bằng những nét cây xanh. Từ Cầu Giấy nhìn về, Hà Nội mang theo cái không khí làng xóm Ngọc Hà.
Tôi nhớ, tôi nhớ. Thành phố quê hương đứng bàn thạch trong trí nhớ bén nhọn đau xót cái hình ảnh huyền hoặc thần thánh. Mỗi hình ảnh gửi lên chỉ chạm nhẹ vào hồn đã là một mũi dao một vết thương. Hồn tôi nức nở xuôi dòng cuốn về Hà Nội. Chỉ nguyên hai chữ Hà Nội đọc lên đã nghe như một bản nhạc buồn. Và Hà Nội không nhìn thấy thì không nhìn gì nữa. Và Hà Nội đã ở xa thì mang cái tâm trạng đi đầy. Và Hà Nội mất rồi thì mình cũng mất.
Tình cảm chỉ là những cái não nuột óng chuốt của những sợi chỉ lụa thương nhớ. Ban đêm tôi đi khỏi Sài Gòn, dọc theo con đường số một để có cảm tưởng về gần, dù chỉ một quãng đường, với Hà Nội. Nhìn lên vòm trời Sài Gòn, kiếm một ánh sao Hà Nội. Đón giữa những ngày nắng lớn một ngụm gió mát để tạo thành cái mùa thu tưởng tượng của Hà Nội. Tôi mang cái tâm trạng của dòng sông Hồng Hà cạn dòng, cái khô, cái chết từ những bãi bờ bãi thấm lắng xuống tận đáy. Và Hà Nội đã ở bên kia vĩ tuyến rồi thì tôi cũng chôn xuống quanh hồn tôi những hàng rào giây thép gai, đặt nó thành tháp ngà, thành biên giới cấm địa.
Trong thương nhớ và tưởng vọng quá độ, thành phố trở nên một thế giới, một thứ thiên đường mất, cái kho tàng đã chìm xuống đáy biển tôi mỏi công mò tìm mà không thấy, những cái đẹp đầu tiên và cuối cùng cộng lại đã thành khói thành sương. Lâu dần quê hương trong trí nhớ đóng kết là như cái ung cái nhọt, vững chắc cái vững chắc vô hình của một thứ mặc cảm. Những ngày đầu, có thể nói tôi bị ám ảnh dầy vò bởi Hà Nội. Sức nặng đến choáng váng đến mệt mỏi đến tuyệt vọng. Như khi yêu mà không được yêu. Nhưng khi người ta thất tình.
Cơn khủng hoảng trầm trọng đó chấm dứt lúc nào? Cuộc sống mất thăng bằng ấy tìm lại được cái thế quân bình mới lúc nào? Bao giờ cái cây đứt rễ cách đây bốn năm ngã đổ xuống phi trường Tân Sơn Nhất bắt được cái rễ mới vào đất đai sự sống? Không nhớ được. Chỉ biết một ngày nào đó, cái sức nặng của hàng nghìn mái nhà Hà Nội cộng với sức nặng của ký ức bỗng nhẹ dần đi, cơn sốt rét cũng nguôi và cái hình dáng ngột ngạt của Hà Nội tối tăm sừng sững trước mắt cũng trũng dần về một phía. Cái trí tuệ cái bất động của tâm hồn như một bánh xe bấy lâu ngừng quay lại lăn những vòng vui.
Một ý niệm mới về quê hương đã có. Hà Nội còn đó với những cái đẹp không thể tìm thấy ở một đô thị nào khác, nhưng nó đã hết thành một thứ độc quyền chiếm cứ trọn vẹn cảm xúc tư tưởng người. Sự tiến triển biện chứng của tình cảm tới một đầu cực đoan nào đó đã từ cái trạng thái cực đoan ấy trở nên thuần tự, trở nên điều hòa bỏ đi cái đỉnh thương nhớ ngời ngời băng tuyết giá buốt, con người Hà Nội trong tôi tìm xuống với đồng bằng.
Tôi có phụ bạc có phản bội Hà Nội? Tưởng rằng không. Vì nếu Hà Nội chỉ là đối tượng của những giọt lệ và cái tâm sự thở than nức nở thì người Hà Nội vô hình chung mới phụ bạc phản bội Hà Nội. Yêu thương cái lối yêu thương gục đầu nhắm mắt là yêu thương của cái xác chết. Mà chết trong đời sống còn nghìn vạn lần chết hơn kẻ đã nằm yên dưới mộ. Tôi không muốn thế. Tôi đã có một ý niệm mới về quê hương. Anh yêu em vô cùng anh yêu quê hương vô cùng. Giòng chữ cuối thư của Tâm trong Bếp Lửa tôi muốn hiểu nó biểu tỏ tình yêu vẫn gửi lại cho những cái gì đã để lại, đã có, vì những lượng yêu thương mới cũng vừa được nhen lên.
Cái lượng yêu thương mới ấy nuôi dưỡng cho tình yêu quê hương nếu khởi đầu hãy cứ tạm cho quê hương là một khoảng đất một vùng trời với những tình cảm có từ dĩ vãng, hoặc là những liên hệ máu mủ ruột thịt. Bởi vì tôi dám chắc không có những lượng yêu thương mới ở một nơi nào ngoài Hà Nội, một ngày không xa tôi sẽ quên dứt Hà Nội, cho dẫu lòng mình bây giờ còn như lửa đỏ. Tôi dám chắc tất cả những người Hà Nội, ký ức rồi cũng phai nhòa dần dần hình ảnh Hà Nội, nếu trên cái nền sống chỉ có những hình ảnh Hà Nội in lên. Cái vốn tình cảm nào không hao mòn dần nếu không có những tình cảm mới để con người vẫn là cái nguồn vô tận của rung động. Để có thể yêu thương cái hiện tại cái dĩ vãng, gửi được cả tình yêu ấy về với tương lai.
Tôi không lý thuyết. Đây là một nhận định trên kinh nghiệm. Một khoảng thời gian kéo dài không biết bao lâu ở đây, đã mất Hà Nội, tôi lại không chịu sống với Sài Gòn, tôi đã ngã vào cái trạng thái mù lòa của một người cứ chăm chú nhìn mãi vào một chỗ, đến nỗi hoa mắt lên, trí nhớ mờ yếu cho đến khi chỉ còn là cái bồng bềnh của một biển khói nghi ngút làm nhòe chìm tất cả những hình bóng Hà Nội. Hoặc là có một mảng trời, ít nhiều góc phố được gợi lại thì khó nhọc và cũng què cụt lổng chổng, không một chút sinh khí. Tới khi tôi mới bắt đầu thấy mến yêu Sài Gòn, tưởng rằng Hà Nội sẽ mất hẳn, ai ngờ lớp sương mù đã tan đi và Hà Nội lại đằm thắm hiện ra. Thì ra sống thực với cái gần, cái xa cũng tới. Bây giờ tôi nhìn thấy Hà Nội rõ lắm. Kỷ niệm đi theo sự sống về gần. Sống chân thật mãnh liệt thì dĩ vãng về họp mặt cùng hiện tại như sự thu hút của đá nam châm.
Ý niệm về quê hương lại như một ngọn lửa trong tâm tưởng càng ngày càng hồng càng lớn khi tôi sống càng ngày càng tha thiết với hiện tại, với Sài Gòn. Những lúc tôi vui tin vì đời sống ở đây thì cái lượng tử nhớ cũng chan chứa vui. Hà Nội gần, tưởng như sờ mó thấy. Gặp lúc bi quan sầu thảm, nhớ về Hà Nội với tâm trạng sầu hoài cũ, thì dìu lòng xuống, tĩnh tâm đến chỉ thấy một Hà Nội gạch ngói, một Hà Nội tĩnh vật, một Hà Nội bức tranh, nó lững lờ nó câm nín một cách hãi hùng. Thì ra cái mạnh yếu của lòng người gửi cho quê hương tôi đã nhìn thấy nó lên nó xuống theo cái mạnh cái yếu đối với đời sống.
Bởi vậy quê hương không chỉ là vấn đề diện tích, địa điểm, cái nơi cái chỗ sinh trưởng. Nó đã hết điển hình cho một hình ảnh cố định. Nó mang chứa một ý niệm sinh động trừu tượng. Nó là phản ảnh uyển chuyển của một thái độ sống. Nó ở trong lòng người. Người đất Sở ngày nào mang cái tâm trạng kỳ quái cười khóc trước ngọn cỏ cái cây đất khách, dửng dưng trước ngọn cỏ cái cây quê nhà, chỉ vì thực ra y chẳng gắn bó chẳng yêu thương một ngọn cỏ một cái cây nào hết.
Người lữ hành xê dịch như một vì sao, thản nhiên nhìn từng sân ga từng bến tàu đi qua mang cái tâm trạng thiếu quê hương, chẳng phải vì y chưa muốn dừng chân mà vì y không có một chút tình cảm với một sân ga, một bến tàu nào hết. Đi để tự an ủi, tự đánh lừa cái nghèo nàn của tâm hồn chứ giá có dừng chân vĩnh viễn một nơi nào cũng chẳng bao giờ được thấy quê hương. Cho nên quê hương còn hay mất, ở gần hay ở xa, có hay không là thái độ cái ý niệm của người. Tôi tha thiết, tôi gắn bó với đời sống, thì ở đâu và bao giờ tôi cũng có được cái cảm tưởng ấm áp nằm trong bàn tay dịu hiền của đất mẹ, nghe thấu được tiếng hát, lời ru xuất tự nguồn. Trái lại có nằm ngay trên sào đất hương hỏa cũng là nằm trên một thước đất lạnh mà thôi.
Những người Hà Nội ở xa Hà Nội, những người Hung Gia Lợi ở xa xứ sở Hung Gia Lợi, những người Triều Tiên ở xa đất nước Triều, cuộc sống còn là bông hoa còn là mặt trời thì vẫn có thể nói: chúng ta có quê hương chúng ta đi mang theo quê hương, không phải vì đã ghi tạc được sâu đậm trong xương tủy trí não những hình ảnh những kỷ niệm cũ, không phải vì đã cất giấu được một bức bản đồ thành phố, mang theo được một cục đất tượng trưng, mà cái sự sống dạt dào nó khiến cho con người ở đâu cũng không hề cảm thấy mình là cái cây đứt rễ, dòng nước mất nguồn. Từ một ý niệm mới về quê hương, hàng triệu con người đang di chuyển trên những ngã đường trái đất hôm nay, trong số có những người Hà Nội tự do chúng ta, bỏ một thôn xóm một thành phố cổ, vẫn cứ là những kẻ có quê hương, được quyền nói tới quê hương mà không bao giờ là những kẻ vong bản. Kể chiếm Hà Nội là chiếm cái Hà Nội thành phố, chứ còn cái Hà Nội quê hương nó chẳng chiếm được. Những người Hà Nội còn ở lại Hà Nội cũng là ở với cái Hà Nội thành phố nếu họ không thể yêu thương cái không khí cái nếp sinh hoạt bây giờ của Hà Nội.
Chúng ta nói chúng ta vẫn còn Hà Nội, một ngày nào chúng ta sẽ về khôi phục Hà Nội, chẳng phải vì đã chế tạo được khẩu đại bác bắn tới Hà Nội, cắm được ngọn cờ giải phóng lên mình Hà Nội, mà vì cái ý niệm mới về quê hương vẫn khiến cho chúng ta cùng với Hà Nội là một.
Hà Nội đập cùng nhịp máu, thở cùng nhịp thở. Cái phần tinh hoa, cái chỗ vĩnh cửu của Hà Nội là hình ảnh quê hương vĩnh cửu trong tâm hồn người, cái phần đó vẫn nằm tròn trong chúng ta với ý nghĩa một sức sống chỉ ở được với người mãnh liệt sống, một tình yêu chỉ ở được với người biết yêu.
Thành ra đặt Hà Nội thành vấn đề, thì vẫn ở đây, chẳng phải ở ngoài đó. Chúng ta vẫn là kẻ chủ động, nắm giữ vận mệnh Hà Nội, định đoạt tương lai Hà Nội.
Đốt cháy trong hồn tôi lòng yêu mến quê hương tôi đã tìm thấy ánh lửa ấy. Ý niệm quê hương nhờ một độ sống mạnh mẽ nhập hẳn vào cái phần vĩnh viễn của bản thể. Tự đó lối nghĩ lối nhớ Hà Nội đã đổi khác. Nó nhẹ hơn cái phần Hà Nội thành phố, lại nặng hơn về cái phần đời sống Hà Nội, con người Hà Nội. Nếu cái không khí nhiễm độc của Hà Nội cần phải giải tỏa, nếu những người Hà Nội hiện đang sống trong Hà Nội mà như nằm trên gai trên lửa, chỉ muốn đạp đổ tan tành Hà Nội tìm một lối thoát, chỉ muốn trốn chạy khỏi Hà Nội, nếu cái Hà Nội sa mạc, Hà Nội nghĩa địa phải được ném vào những ánh sáng những lượng sống mới – giải phóng, khôi phục Hà Nội phải hiểu theo ý đó – nếu như chúng ta trở về Hà Nội là để cởi bỏ bộ cái tâm trạng tuổi hờn quê hương bấy giờ, đem về lối thương yêu một người thành yêu cả nhân loại, nỗi thương yêu một thước đất mà thành thương yêu cả trái đất, thì cuộc sống của những người Hà Nội chúng ta phải thật khỏe thật hùng vĩ, không thể chỉ là những sợi tơ lụa thương nhớ óng chuốt. Không thể chỉ là những giọt lệ. Phải là những trái núi.