Thuốc viên kỹ thuật số, tương lai của y học?

Một thiết bị cảm ứng cực nhỏ nằm trong viên thuốc sẽ được kích hoạt hoạt động khi vào trong ruột (etectRx)

Những loại thuốc mới ứng dụng công nghệ có tên gọi là “thuốc viên kỹ thuật số” (digital pill) nhằm phát hiện người dùng có tuân thủ nghiêm túc thời biểu uống thuốc không. Tuy nhiên, kỹ thuật này cũng cùng lúc làm dấy lên nhiều mối quan tâm khác…

Đột phá của công nghệ dược phẩm

Tháng 11 2017, lần đầu tiên Cơ quan quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) chính thức chấp nhận thuốc viên kỹ thuật số. Đó là thuốc “Abilify MyCite” dùng trị bệnh tâm thần phân liệt (schizophrenia), trầm cảm và rối loạn lưỡng cực (bipolar disorder). Tuy nhiên, vì chi phí dùng cho một tháng lên đến $1,500, cao gấp 30 lần thuốc viên thông thường, nên loại “thuốc công nghệ” này vượt ra ngoài tầm với của nhiều người bị schizophrenia. Điểm khác biệt là là trong thuốc viên kỹ thuật số có cả một bộ thụ cảm số (digital sensor) mà khi gặp acid trong dạ dày sẽ gửi tín hiệu đến một miếng dán trên người và miếng dán này tiếp tục gửi tín hiệu đến một ứng dụng có trên smartphone của người uống để thông báo lên đến năm người khác là thuốc đã được uống đúng thời biểu.

Miếng dán cảm ứng do Proteus Digital Health sản xuất là một phần của nghiên cứu về thuốc viên kỹ thuật số Abilify

Khi FDA chấp nhận cho dùng “Abilify MyCite”, một số nhà hoạt động quyền công dân đã đặt vấn đề: “Sáng kiến mới có thể tạo cơ hội cho sự lạm dụng” và nguy cơ các chính phủ áp bức có thể lợi dụng thuốc công nghệ để theo dõi người dân! Schizophrenia ảnh hưởng gần 1% dân số Mỹ, tuy nhiên, dựa vào phân tích 31 nghiên cứu trên 51,925 người vô gia cư, con số thực tế người bị schizophrenia, rối loạn phân liệt (schizophreniform disorder) và schizoaffective có thể cao hơn nhiều…

Dù công nghệ mới được phát triển với mục đích cải thiện việc uống thuốc nhưng không có bằng chứng nào chứng minh nó sẽ làm tốt 100% nhiệm vụ này. Hơn ba năm sau khi “Abilify MyCite” được FDA chấp thuận, chủ mới etectRx của Proteus (mua lại Proteus lúc nó phá sản) chuyển sang tập trung vào việc “thẩm tra lại xem thuốc mới có đáp ứng được mục tiêu đề ra không?”. Có tên gọi mới là “ID Cap System”, thuốc kỹ thuật số sẽ được cải tiến để bác sĩ kiểm tra bệnh nhân ở xa dễ hơn và có thể can thiệp tức thời nếu bệnh nhân quên uống thuốc.

Còn nhiều việc phải làm

Giám đốc điều hành etectRx, bà Valerie Sullivan, nhấn mạnh về sự khác biệt giữa etectRx và Proteus cùng các công ty dược khác trên thị trường dược phẩm. “Trong thời đại dịch, chăm sóc sức khỏe từ xa đóng vai trò rất lớn. Bệnh nhân được theo dõi bằng ID-Cap System từ xa sẽ giúp giảm chi phí điều trị nội viện, sẽ dùng thuốc đúng thời biểu và bác sĩ có thể can thiệp ngay nếu không nhận được tin báo vào thời điểm uống thuốc. Tháng Một 2021, tờ MedCity News đưa tin etectRx đã hợp tác với Pear Therapeutics để phát triển một số dược phẩm tận dụng công nghệ có sẵn của hai công ty.

Dự án hợp tác đầu tiên sẽ là thuốc trị bệnh tâm thần. Phiên bản mới của thuốc viên kỹ thuật số này sẽ chứa các “bộ thụ cảm không dây” nằm trong viên thuốc để thông tin với một công cụ đeo dây khi nó áp sát vào miếng dán nhận tín hiệu “thuốc đã được uống” trên bụng bụng nhân. Tuy nhiên, Pear và etectRx chưa hợp tác với các công ty dược để đưa công nghệ số vào các loại thuốc đang lưu hành trên thị trường.

Theo Digital Commerce, thăm dò của công ty tư vấn  L.E.K. Consulting trụ sở tại Anh cho thấy thuốc viên kỹ thuật số không được đón nhận thuận lợi như các công ty phát triển nó hy vọng. Nói chuyện với The New York Times, tiến sĩ Ameet Sarpatwari thuộc Trường Y Harvard bày tỏ sự quan tâm đến công nghệ mới và thấy ở đây “tiềm năng cải thiện sức khoẻ cộng đồng”. Nhưng ông nhấn mạnh: “Phải hết sức cẩn thận vì nếu sơ suất nó sẽ làm tăng sự ngờ vực và làm mất lòng tin!”.

Chính bệnh nhân mới có quyền quyết định để bác sĩ và bốn người nữa (như vợ chồng con cái) biết họ đã uống thuốc chưa để can thiệp kịp thời. Qua ứng dụng trên điện thoại, bệnh nhân cũng có thể thay đổi quyết định như chặn bớt số người được nhận thông tin hoặc không cho ai biết. Dĩ nhiên, cũng có những loại thuốc công nghệ không cho phép bệnh nhân chặn người giám sát, ví dụ thuốc dành cho bệnh nhân tâm thần chưa cần nhập viện hoặc đã đủ điều kiện xuất viện. Lúc đó, bệnh nhân không có quyền chặn người giám sát dùng thuốc.

Tiến sĩ Peter Kramer, nhà tâm lý và tác giả nhiều cuốn sách y học, nói: “Công nghệ số chỉ đáp ứng được yêu cầu đạo đức nếu được sự chấp thuận đầy đủ của bệnh nhân. Nếu không nó sẽ mang tính cưỡng bức và không thể chấp nhận”. Một số chuyên viên tin rằng những người lớn tuối trí nhớ “có vấn đề” và muốn được kiểm tra xem họ uống thuốc chưa, sẽ thuộc số ủng hộ thuốc viên kỹ thuật số mạnh mẽ nhất. Các công ty bảo hiểm nhân thọ cũng muốn dùng công nghệ để theo dõi xem người mua bảo hiểm có dùng thuốc gây nghiện và khi vào viện.

Thuốc viên kỹ thuật số nối kết với thiết bị thông minh có thể giúp theo dõi liệu trình điều trị

Người già có lợi nhất khi thuốc công nghệ phát triển

Trở lại với Proteus, năm 2019, công ty cho biết họ thử nghiệm thuốc viên công nghệ hoá trị ung thư trên các bệnh nhân bị ung thư ruột cũng với mục đích cải thiện việc tuân thủ nghiêm túc liệu trình. Khác với thuốc dành cho bệnh nhân schizophrenia, thuốc viên công nghệ hóa trị ung thư không cần sự chấp thuận FDA vì nó được cơ quan chăm sóc y tế Fairview Health Services ở bang Minnesota ký hợp đồng trực tiếp với Proteus với hy vọng tiết kiệm được chi phí.

Fairview sẽ thanh toán 80% thuốc công nghệ do bác sĩ kê toa. Nếu bệnh nhân không tuân thủ liệu trình, lỗi sẽ thuộc về Proteus và tiền sẽ không được thanh toán. Nhưng bất chấp tham vọng phát triển thành “nhà chế tạo dược phẩm công nghệ cao tiên phong”, kế hoạch của Proteus kết thúc thảm hại và cuối cùng bị phá sản. Theo một số chuyên viên, thất bại là vì cung cách kinh doanh của công ty chứ không phải vì thuốc viên công nghệ. Theo nhóm nghiên cứu và quĩ đầu tư sức khỏe kỹ thuật số Rock Health, Proteus phải trả giá cho sự lựa chọn chiến thuật bằng cách chọn một khu vực liệu pháp “khó nhai” với nhiều trở ngại, bỏ ra 10 nhưng khả năng thua đến 8-9!

Nghiên cứu cho thấy có một số lý do dẫn đến việc tại sao nhiều người già khó tuân thủ thời biểu uống thuốc; trong đó có cả sự dặn dò không kỹ của bác sĩ và thiếu kênh tiếp xúc với công ty sản xuất thuốc, vì sợ tốn kém, sợ bị nghiện, bị suy giảm nhận thức và các tác dụng phụ. Đó là nguyên nhân tại sao những bệnh mãn tính như tiểu đường, cao huyết áp, suyễn, trầm cảm cần được khống chế bằng cách thay đổi lối sống và dinh dưỡng để kiểm soát bệnh, thay vì chỉ trông cậy đơn thuần vào thuốc. Vi phạm liệu trình nhiều hay ít là tùy người nhưng có đến 50% người già cho biết họ cố tình vi phạm. Phân nửa còn lại không biết làm thế là nguy hiểm.

Bất luận thế nào, để tránh phải dùng thêm nhiều loại thuốc trị một bệnh cùng với các tác dụng phụ tiêu cực đi kèm, chúng ta nên phát hiện đúng nguyên nhân bệnh và khắc phục trước bằng cách thay đổi lối sống và chế độ dinh dưỡng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Lối sống con lắc
Việc liên tục theo đuổi sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là điều đáng ngưỡng mộ, nhưng rất khó khăn. May thay, có một quan điểm mới…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: