Có thể hơn hai tuần nữa, Hoa Kỳ sẽ lần đầu tiên rơi vào cảnh vỡ nợ khi đảng Cộng Hoà tại Quốc Hội thề không đồng ý tăng mức trần nợ công (the debt ceiling-giới hạn cho phép vay tiền của chính phủ) cho dù có xảy ra thảm họa nghiêm trọng đối với nền kinh tế Mỹ. Sự phân chia sâu sắc giữa hai đảng khiến vấn đề nợ công tại Mỹ rối như tơ vò.
Nguy cơ vỡ nợ công và hậu quả
Giới hạn nợ $28.4 ngàn tỷ được khôi phục vào ngày 1 Tháng Tám đã giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính (Kho bạc nhà nước) Janet Yellen duy trì hoạt động tài chính quốc gia thông qua “các thao tác kế toán khẩn cấp” (emergency accounting maneuvers). Được gọi là “các biện pháp bất thường” (extraordinary measures), các bước này cho phép chính phủ vay thêm vốn mà không vi phạm “trần nợ công”. Nhưng bà Yellen cũng cảnh báo các nhà lập pháp là nếu Quốc Hội không tăng (hoặc tạm ngưng áp dụng) giới hạn trần nợ công, chính phủ liên bang sẽ không còn sử dụng được biện pháp cấp cứu này sau ngày 18 Tháng Mười (gọi là X-date, Ngày X).
“Vào ngày đó, kho bạc sẽ hết sạch tiền hoàn toàn!” – Yellen nhấn mạnh trong lá thư gửi Quốc Hội. Nguy cơ sẽ có thêm sáu triệu người thất nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 9%, hàng ngàn tỉ đôla của người dân bốc hơi và giá cả tăng mạnh. Thời điểm báo nguy đến sớm hơn so với cảnh báo trước đây của bà Yellen. Ngày X được Bộ Tài chính xem là “dự đoán tốt nhất” chứ không phải dựa trên khoa học chính xác, nên nước Mỹ có thể vỡ nợ trước hoặc sau ngày đó. Bản thân bà Yellen từng nói: “Ngày X rất khó lường nên có thể đến sớm hơn hay muộn hơn”. “Nếu Quốc Hội không tăng trần nợ công, chắc chắn sẽ dẫn đến vỡ nợ ở mức độ không thể tin được và thiệt hại sẽ ảnh hưởng cho nước Mỹ trong 100 năm nữa” – một nhà phân tích cảnh báo.
Nguy cơ này sẽ xảy ra ngay cả khi đến sát Ngày X Quốc Hội mới đạt được thỏa thuận. Còn sau ngày này là “thảm họa” khó lường! Ngày X có thể du di nhưng “biên độ” không nhiều. Tất nhiên, từ lâu, các Bộ trưởng Tài chính luôn để ra một “khoảng trống an toàn” khi phải công bố Ngày X, đề phòng trường hợp Quốc Hội không đạt được thỏa thuận sau ngày này. “Thủ thuật” du di Ngày X cũng giống như việc mời người bạn thường quen trễ giờ đến ăn tối trước hai tiếng để bảo đảm anh ta đến đúng giờ! Thực tế là đã từng xảy ra vào năm 2011: Lúc đó, chính phủ Mỹ không bị vỡ nợ, nhưng sự chậm trễ của Quốc hội đã khiến nước Mỹ bị mất điểm xếp hạng tín nhiệm cao nhất từ công ty xếp hạng S&P và làm chao đảo các thị trường tài chính.
Có một số cuộc tranh luận về việc Yellen sẽ dành cho Quốc Hội bao nhiêu “khoảng trống an toàn” lần này. Trong một phiên điều trần trước Quốc hội, bà được hỏi: “Chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày 19 ThángMười?”, và bà trả lời: “Chúng ta có thêm một chút thời gian linh động, nhưng không nhiều lắm. Đơn giản vì chúng ta đang ở trong một tình huống bất khả thi. Kho bạc không còn tiền để thanh toán tất cả các hóa đơn của chính phủ vào Ngày X hoặc vài ngày sau đó. Nguồn lực hiện có đã rất hạn chế và sẽ sớm cạn kiệt”. Tuy nhiên, Văn phòng Ngân sách Quốc Hội (Congressional Budget Office-CBO) phi đảng phái lại đưa ra một báo cáo lạc quan hơn vào ngày 28 Tháng Chín, trong đó cho rằng có thể thêm chút thời gian sau Ngày X để các nhà lập pháp đạt được thỏa thuận và nỗi lo “vỡ nợ thảm khốc” sẽ không xảy ra.
CBO dự đoán nếu giới hạn nợ không tăng lên, khả năng vay nợ của Bộ Tài chính sẽ giảm dần và “rất có thể sẽ hết tiền mặt vào gần cuối Tháng Mười hoặc đầu Tháng Mười Một”. Cột mốc này không thay đổi so với ước tính của CBO vào Tháng Bảy. CBO nhấn mạnh: “Khi Ngày X xảy ra, chính phủ liên bang sẽ không thể thanh toán đầy đủ các nghĩa vụ của mình, phải hoãn thanh toán cho một số hoạt động hoặc không trả được nợ, thậm chí cả hai!”. Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics dự báo X-Date sẽ xảy ra trong ngày 20 Tháng Mười, dù một số người nói sẽ đến sớm hơn.
Khó đoán chính xác
Vấn đề ở đây là rất khó xác định chính xác Ngày X vì có nhiều yếu tố tác động lên nó so với những lần nước Mỹ gặp rắc rối với trần nợ công trước đây. Ngoài các khoản chi thông thường cho An sinh xã hội, Medicare… và các hợp đồng quốc phòng, Bộ Tài chính còn phải trang trải các khoản thanh toán lớn đến hạn của các chương trình cứu trợ thiên tai và COVID-19. Trong khi đó, nguồn thu từ thuế bị biến động mạnh do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Thomas Simons, nhà kinh tế thị trường tiền tệ cấp cao tại công ty Jefferies nhận định:
“Thông thường, không quá khó để dự đoán Ngày X. Nhưng nay lại khó bất ngờ vì sự biến động của lưu thông đồng tiền hàng ngày là rất cao so với những năm trước (Theo Yellen, tổng lưu thông đồng tiền của chính phủ đạt trung bình gần $50 tỷ mỗi ngày trong năm ngoái, thậm chí có ngày vượt quá $300 tỷ!). Bộ Tài chính có thể tránh được vỡ nợ sớm, nếu nhìn qua dự báo về số dư tiền mặt và dữ liệu cập nhật các biện pháp bất thường. Nhưng nay tình hình đã thay đổi. Lượng tiền mặt của Bộ Tài chính co lại nhanh hơn mong đợi trong Tháng Chín. Đây không phải là một dấu hiệu tốt khi nước Mỹ đang rơi vào bế tắc trần nợ công. Chúng tôi ít nhiều đồng ý với Yellen và tin bà ấy có lý khi chọn 18 Tháng Mười là Ngày X”.
Được hỏi về báo cáo của CBO, Simons nói thẳng là “Không chắc chắn lắm! CBO cố mang lại cho chúng ta hy vọng, nhưng không nhiều. Tôi vẫn tin vào giữa Tháng Mười, Kho bạc sẽ gần cạn kiệt tiền mặt và tôi vô cùng lo ngại về những gì sẽ xảy ra sau đó”. Giống như Yellen, một số nhà quan sát ở Wall Street cũng thử xác định thời điểm chính phủ sẽ vỡ nợ. Simons cho biết số dư tiền mặt của Bộ Tài chính sẽ xuống rất thấp vào ngày 18 Tháng Mười.