Những mạch nước ngầm

Minh hoạ: Rowan Heuvel/Unsplash

Thanh Tâm, tên thật của một người con gái ở miền cuối đất Việt. Người ta không còn nhớ họ nàng là gì, chỉ nhớ  rằng nàng có đôi mắt bồ câu đen láy, chiếc mũi dọc dừa thẳng tắp và tiếng nói thoang thoảng hương thơm. Tuy gian lao khổ cực như những cô gái cùng lứa tuổi sinh ra trong hoàn cảnh của một đất nước chiến tranh, nhưng nàng có một mái tóc đen dài trên bờ vai thon nhỏ, đôi môi như lúc nào cũng chực sẵn một nụ cười trên hàm răng trắng đều tăm tắp. Môi nàng hồng như đóa hoa hé nở trong buổi sáng mùa Xuân, má nàng như màu phấn nhạt; những lúc càng mệt nhọc bao nhiêu thì đôi má nàng càng hồng đậm thêm bấy nhiêu.

Thanh Tâm sinh trưởng trong một gia đình trung nông, cách tỉnh lỵ chừng ba mươi cây số. Cha mất sớm, nàng còn một mẹ già và ba người anh trai. Những năm chiến tranh ác liệt, theo dòng người ly hương, mẹ nàng đưa gia đình về sống hẳn nơi thành phố tỉnh lỵ của quê nhà, nằm trong vùng kiểm soát của người quốc gia. Xa quê hương nhà cửa, ruộng vườn với cuộc sống tản cư cơ cực nhưng gia đình tránh được bom đạn của cả hai bên, nhất là sự bắn giết, chết chóc hàng ngày mà Việt cộng thường nhắm vào những gia đình không ưa Việt cộng.  

Gia đình được chính quyền cấp cho một căn nhà lợp tôle sơ sài làm bằng những  vật liệu nhẹ, nằm sau lưng nhà thờ Chính Tòa.  Nơi đây đêm đêm sau giờ học nàng thường quỳ gối cầu nguyện hàng giờ.

Trong những năm cuối của bậc trung học, Thanh Tâm rất được nhiều người ngưỡng mộ, chú ý vì nhan sắc đã đành mà phần lớn cũng nhờ vào bản tính hiền lành, e thẹn. Như bao nhiêu chàng trai trẻ khác, Tuấn cũng thật tình chiêm ngưỡng nhan sắc của Thanh Tâm, nhưng không có dịp gặp riêng, tâm sự để thổ lộ nỗi lòng của mình. Tình cảm của những cậu học trò nghèo mới lớn như cơn gió thoảng vào cuối Hạ, man mác trong lòng nhưng cũng dễ bay đi…

Sau khi tốt nghiệp trung học, nàng nhận lời cầu hôn của Triết, giáo sư Anh Văn, dạy tại trường. Cuộc hôn nhân diễn ra tốt đẹp như lòng mong mỏi của nhiều người.

Đám cưới chẳng bao lâu, chiến cuộc xảy ra ở Miền Nam lại gia tăng khốc liệt.  Triết, chồng nàng, bị động viên nhập ngũ. Trường Bộ Binh Thủ Đức lại có dịp đón chào những chàng trai ưu tú của miền Nam quyết đem thân ngăn làn sóng đỏ.

Minh hoạ: Mike Swigunski/Unsplash

“… thành ngăn sóng đỏ mây sừng sững…”

(Chú thích 1: Thơ Vũ Hoàng Chương.)

Sau khi mãn khóa sĩ quan, Triết được chuyển về giữ một tiền đồn ở Dakto, miền cao nguyên nước Việt.  Nơi đây là một tiền đồn hẻo lánh, thường bị áp lực thường xuyên của lính cộng sản Bắc Việt. Theo Hiệp Định đình chiến 1973, quân đội Bắc Việt phải rút về phương Bắc. Nhưng không, quân đội Bắc Việt Nam không chịu rút quân về phương Bắc như quy định của Hiệp Định Paris 1973, một mặt hứa rút quân, mặt kia gia tăng vũ khí, quân số và tạo điều kiện tấn công tới tấp. Bắc Việt có trăm ngàn lý do để bội ước, mà không đếm xỉa gì đến Hiệp Ước, Hòa Đàm.

Khi chiến thắng thì ai cũng biết là miền Bắc thắng miền Nam, và lúc nào họ cũng vỗ ngực tự hào. Nhưng khi thế giới lên án Bắc Việt là quân hiếu chiến, xâm lăng thì họ lại cho rằng đây chỉ là vấn đề nội bộ của Miền Nam. Kỹ thuật lừa dối tinh vi được tuyên truyền lập lại hằng giờ qua mọi phương tiện truyền thông, cộng phong cách ứng xử điêu luyện của những diễn viên trên sân khấu chính trị tài tình đến nỗi ngay cả những học giả, văn nhân, những nhà trí thức rường cột hình thành tư tưởng của miền Nam không biết đâu là chân mà đâu là giả! Đến khi đụng mặt rồi thì mới ngã ngửa ra rằng đây chỉ là bọn cướp ngày mà giả danh là Tiên là Phật!

Chiến tranh có những tính toán bất nhân của kẻ chủ tâm gây chiến làm cho người trong cuộc thường mất tỉnh táo để thấy rõ dã tâm của kẻ xúi giục mình! Một trong những chiến thuật bất nhân mà người cộng sản thường áp dụng là “chiến thuật biển người”. Kẻ đằng sau gây chiến chủ trương rằng chết bao nhiêu cũng mặc miễn là được chiến thắng cuối cùng và, nhất là khi cuộc chiến xảy ra giữa bên này và bên kia chiến tuyến, khi một người bị chết vì vũ khí của bên kia thì những người thân còn lại của kẻ chết sẽ chỉ biết căm thù kẻ địch và sẵn sàng nhả đạn vào kẻ thù mà không cần nhìn rõ và biết ai là thủ phạm chính gây ra thảm cảnh tương tàn. 

Họ muốn quân ta chết nhiều chừng nào thì lòng căm thù của những người thân còn sống đối với kẻ bên kia chiến tuyến nhiều chừng nấy, và chính lòng căm thù này sẽ đóng góp một phần không nhỏ vào yếu tố giành thắng lợi cuối cùng do những kẻ chủ chiến gây ra mà ngay những người chết khi xuống mồ cũng chẳng biết mình chết vì ai! Miệng thì lúc nào họ cũng cho rằng: “con người là vốn quý của xã hội…” nhưng chính ra trong ý đồ và lương tâm của họ: Quân ta càng chết nhiều chừng nào thì chiến thắng gần kề hơn chừng nấy.  

Vừa lên tiền đồn thì Triết đụng ngay trận lớn. Theo những người còn sống trong trận kể lại thì địch quân như bầy kiến thiêu thân, hết lớp này ngã lớp khác tiến lên theo sự đốc thúc dồn dập bởi cấp chỉ huy của họ. Triết bắn đến viên đạn cuối cùng và chấp nhận hy sinh. Trong đêm Triết hy sinh thì Thanh Tâm cũng sinh được cho chàng một bé gái.  Âu cuộc đời cũng có những định mệnh thật tình cờ: Hoa Lan lại nở trên đầu súng!

***

Delaware là một tiểu bang nhỏ ở miền Đông nước Mỹ. Nơi đây có một gia đình người Việt đầu tiên đến định cư do sự bảo trợ của một nhà thờ trong vùng. Người chồng trên sáu mươi tuổi, ngày ngày chẳng biết làm gì. Nỗi buồn của kẻ xa quê, tỵ nạn trong cảnh nước mất nhà tan, bút mực nào nói lên cho xiết!

Cuộc sống trôi đi thật đơn điệu và nhàm chán, nhưng ít ra cũng thoải mái hơn là sống trên quê cha đất tổ trong vòng kiểm soát độc ác của người tự nhận là đồng bào của mình. Nhà ở cho gia đình là một căn nhà độc lập với khu vườn thật rộng. Ngày ngày không biết làm gì để quên đi nỗi nhớ quê hương, chủ nhà ra ngoài mua mấy thứ rau quả về trồng làm thú tiêu khiển. Vài dây bầu, vài cụm bí ngô, bí đao, mướp hương bắt đầu nhú lên trong khu vườn nhỏ. Đất cũ đãi người mới. Không biết bao lâu, bầu bí mướp trong vườn nhà ông xum xuê tươi tốt. Ông lại làm giàn theo kiểu ở quê mình cho chúng bò lên xanh kín một vùng. Ban đầu thì gia đình ăn, ăn không hết lại cho lối xóm. Cho không hết thì ông lại đem ra những tiệm tạp hóa Á châu trong vùng gửi bán.  

Ông cũng chẳng ngờ rằng nhu cầu rau quả trong vùng mỗi lúc một gia tăng. Ông và vợ ông mới nghĩ đến chuyện phát triển khu vườn của mình thành một nông trại nhỏ chuyên trồng rau quả cho người châu Á. Ông gửi thư qua Cali, những vùng có đông người Việt xin hạt giống rau thơm, cải rổ, diếp cá, ngò gai, rau muống, tần ô,… mà người mình thường ưa chuộng. Thế là năm sau trong vườn ông ngoài bầu bí mướp xanh tươi còn có nhiều loại rau thơm, rau muống, cải xanh… mù mịt khắp trời.

Những tiệm tạp hóa địa phương xung quanh không tiêu thụ hết những rau quả ông trồng trong vườn. Ông nhờ đứa con trai đang làm công nhân trong hãng Mỹ cứ cuối tuần Thứ Bảy, Chủ Nhật dùng xe Van nhỏ chở xuống tận Phila, New York giao thử cho những siêu thị người Việt, người Tàu đang mở tại đây. Thế là chiếc điện thoại nhỏ bé trong nhà lâu nay nằm chèo queo, ít người gọi nay thì bận rộn liên tục. Những cửa hàng, siêu thị trên New York, Phila gọi đến nhà ông tới tấp. Họ đang cần những món rau quả mà ông đang có. Vườn nhà ông dầu rộng đến thế cũng không đủ sức cung cấp hàng cho các thành phố lớn nước Mỹ. Ông lại nghĩ ngay đến việc mình phải cần những vùng đất rộng hơn.

Tương tự như những tiểu bang khác trên Bắc Mỹ này, Delaware có những nông trại bỏ hoang mà người bản xứ chưa tận lòng khai thác. Thế là trong vòng ba năm ông Hai Khương mua thêm những nông trại bỏ hoang trong vùng với giá rẻ bất ngờ.

Người ta thường nói nước Mỹ là xứ của cơ hội! Mà cơ hội đang gõ cửa nhà ông.  Một người già cả trên sáu mươi tuổi với người vợ đầu hai thứ tóc, trình độ học vấn tầm thường, tiếng Anh tiếng Mỹ ấp úng chẳng thông, nhưng sau năm năm định cư trên đất Hoa Kỳ ông đã trở thành triệu phú mà nhiều đồng hương không bao giờ ngờ tới được chuyện này.  

Tiền bạc thì có rồi cũng đỡ lòng lo những cơn túng thiếu, nhưng lòng người viễn xứ vẫn cảm thấy như mình còn thiêu thiếu một cái gì? Thiếu một quê hương, hay thiếu cái tình của người bà con chòm xóm? Nghĩ sao làm vậy, vừa nghe Thanh Tâm, con chú của mình thoát được ra khỏi nước, hiện đang định cư tại Colorado, ông Hai liền viết thư báo cho cô em biết rằng ông hiện có công ăn việc làm tương đối ổn định tại đây, nếu Thanh Tâm muốn có cuộc sống ổn định như ông hãy mau thu xếp về hẳn bên ông và ông sẽ giúp đỡ cho trong những ngày đầu mới tới.  

Được thư hồi đáp của Thanh Tâm. Nàng muốn về bên ông anh họ của mình nương tựa. Ông Hai Khương mừng lắm. Ông lập tức mua một nông trại nhỏ cách nhà ông chừng vài dặm đường. Nói nông trại nhỏ là so với đất đai ở Mỹ chứ nói theo kiểu Việt Nam mình thì là “địa chủ” chứ chẳng chơi. Nông trại rộng hơn 25 ắc-cờ (acres), ước lượng bằng 10 mẫu tây bên mình, khoảng chừng một trăm công đất. Trên mảnh đất lại có căn nhà gạch một tầng ba phòng ngủ, sạch sẽ khang trang. Đủ cho hai mẹ con Thanh Tâm làm chỗ trú thân. 

Ông bỏ ra khoảng 25% trị giá của căn nhà để cho Thanh Tâm mượn trước làm khoản tiền trả trước theo yêu cầu của ngân hàng, phần còn lại thì ngân hàng cho mượn. Ông cũng đã tính rằng nếu Thanh Tâm chịu khó làm ăn như gia đình ông thì lợi tức do rau quả mang lại cũng đủ trả nợ hàng tháng cho ngân hàng và dư sống thoải mái cho một người vừa mới định cư. Điều quan trọng là phải cần mẫn làm ăn, chịu khó chịu khổ, một nắng hai sương chăm lo rẫy bái của mình, như vợ chồng ông đã làm thì chẳng mấy chốc dầu là phụ nữ thì cũng khá giả như ông.  

Minh hoạ: Josefina Lacroze/Unsplash

Tháng ngày rồi cũng trôi qua! Không biết khi ông Nguyễn Du viết truyện Kiều ông có thấy rõ là hồng nhan thì mệnh bạc hay không? Bạc hay không bạc thì đời chưa biết nhưng cũng có chuyện lạ xảy ra.  

Ngay bên miếng đất của Thanh Tâm làm chủ có một công ty của Mỹ đang xây dựng một hệ thống cống rãnh thoát nước cho thành phố lân cận trong vùng. Hàng ngày công ty Mỹ cứ cho máy bơm, đào xới, và hút nước liên tục. Công ty hàng xóm cứ vô tư làm việc của họ, máy càng bơm càng đào xới bao nhiêu thì bên nhà của Thanh Tâm đất càng sụt xuống bấy nhiêu. Rồi thì nguyên căn nhà của Thanh Tâm phía sau bị nứt ra, cả trăm công đất đang bị thiếu nước để trồng trọt. Thanh Tâm đem chuyện này trình bày, than phiền cùng ông Mỹ hàng xóm kia, nhưng ông hàng xóm cứ lờ đi và cho rằng chuyện ông làm chẳng mắc mớ gì đến chuyện sụt nhà, thiếu nước cho đám rẫy của cô nàng cả.  

Như chúng ta thường biết, nhà trong nông trại cái này cách cái kia thật là xa. Gặp ông hàng xóm cậy mình là người bản xứ, tiếng Anh tiếng Mỹ song toàn nên có phần hách dịch coi thường lời than phiền của những người phụ nữ hàng xóm da vàng, mới đến định cư.

Nói mãi, phân trần mãi cũng không xong, quá ức lòng, Thanh Tâm viết thơ gửi ngay cho anh chàng Tuấn mộng mơ, như đã nhắc ở trên. Tuấn mộng mơ là bạn học cũ của Thanh Tâm khi hai người còn học chung lớp Đệ Tam C ở trường trung học ở quê nhà. Tốt nghiệp đại học Luật xong anh chàng này ghi danh vào Luật sư Đoàn tại Tòa Thượng Thẩm Sài Gòn, dưới thời luật sư Trần Văn Tốt đang là thủ lãnh. Chưa hoàn tất ba năm tập sự thì biến cố nước mất nhà tan xảy ra, chàng cũng đành đem bằng luật sư về treo lên xó bếp và lên rừng làm nghề đốn củi.

Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân.” Trời không nỡ phụ lòng người tốt. Sau bao lần bầm dập, tù tội, rốt cuộc Tuấn cũng đến được bến bờ tự do, và định cư tại Hoa Kỳ. Lịch sử sang trang cũng làm cho con người chín chắn hơn. Chàng không còn nhiều mộng mơ như trước nữa. Qua đây, sau vài năm đi làm lao động chân tay, Tuấn quyết định trở lại trường để thử câu học tài thi phận. Tuấn đã hoàn tất chương trình kỹ sư ở một đại học danh tiếng ở phía Đông. Đời tưởng thế mà vui, nhưng cũng chưa vui! Vài năm sau chàng lại nộp đơn vào trường luật Mỹ và một trong những trường ở Massachusetts, tiểu bang phía Đông lại có dịp đón chàng trai nước Việt này.

Thanh Tâm được tin Tuấn qua sự trao đổi của nhóm bạn học cùng ban Văn Chương cũ ở trường xưa. Được biết Tuấn đang hành nghề luật sư tại Mỹ. Thanh Tâm viết thơ nhờ bạn mình, coi thử có đường nào giải quyết tình trạng phiền nhiễu, nhức đầu của mình không.  

Được thư của Thanh Tâm, Tuấn liền gọi điện thoại cho nàng và chuẩn bị lên đường. Từ Boston, Massachusetts, Tuấn lái xe thẳng một mạch xuống Delaware. Sau khi nghe câu chuyện của bạn kể, đồng thời quan sát những sự việc xảy ra ở chung quanh như lời tường thuật của Thanh Tâm ở trong thơ. Tuấn bàn với Thanh Tâm và đề nghị rằng mình sẽ khởi tố công ty Mỹ kia với ba tội danh khác nhau, nếu trúng được một thì cũng đạt được yêu cầu của mình rồi. Sau khi xin phép và được chuẩn y bởi Tòa Án địa phương, Tuấn nạp đơn khởi tố công ty Mỹ đó.

Trên toàn Bắc Mỹ vùng nào cũng vậy, đều có những đạo luật liên quan đến vấn đề dự trữ, sử dụng nguồn nước trong vùng (Water Resources Act). Sau khi tham khảo thêm về luật trách nhiệm dân sự (Torts), Tuấn mộng mơ quyết định khởi tố công ty Mỹ và ông hàng xóm dưới ba tội danh khác nhau:

  1. Vô ý làm thiệt hại tài sản của người hàng xóm;
  2. Làm phiền nhiễu cuộc sống an lành của người láng giềng; và
  3. Không tuân thủ bổn phận theo luật định, có nghĩa là xài nước quá sự qui định của đạo luật Water Resources Act hiện áp dụng tại Delaware.

Nội vụ được Tòa án của Delaware đăng đường xét xử. Bên nguyên lẫn bên bị đều đồng ý vấn đề sẽ được giải quyết trên cơ sở phân tranh của câu hỏi pháp lý sau đây:

  1. Người chủ của một miếng đất có quyền gì đối với nguồn nước nằm bên dưới miếng đất của mình, nếu nguồn nước đó không phải là những nguồn nước ngầm chảy theo những mạch nước có sẵn?
  2. Và nếu người khác vì vô tình hay cố ý gây phiền nhiễu cho láng giềng của mình bằng cách cứ tiếp tục bơm nước trong vùng đất của mình quá lượng quy định trong đạo luật Water Resources Act gây thiệt hại cho nguồn nước của người hàng xóm làm mất sức nâng đỡ của đất bên họ và gây thiệt hại vật chất cho người láng giềng của mình thì có chịu trách nhiệm dân sự về vấn đề này hay không?”

Chuyện tưởng rủi mà may, lần này thẩm phán đăng đường xét xử cũng lại là người Việt. Luật sư bên kia không phản đối. Thẩm phán tên là Lữ Tấn Phương, có biệt danh là thẩm phán Hồ Lang được cử làm chánh thẩm. Nơi đây chúng tôi cũng xin mở ngoặc đôi dòng về vị thẩm phán này.

Tiên sinh vốn người Bình Định. Sau khi tốt nghiệp luật khoa Đại học Sài Gòn, ông về làm việc tại Nha Trang trên danh biểu của Luật sư Đoàn Tòa Thượng Thẩm Huế, dưới thời Luật sư Lý Văn Hiệp làm thủ lãnh. Tiên sinh vốn sính văn chương lại uyên thâm luật pháp, được quý đồng nghiệp kính yêu vì kiến văn quảng bác lại thêm là người có đức độ mềm mỏng dễ thương.

Theo lời kể lại của những người thân ở trại tỵ nạn cộng sản tại Hong Kong, khi hai vợ chồng tiên sinh thoát được đến Hong Kong tỵ nạn cộng sản, đêm đêm vợ chồng tiên sinh lên trên chỗ cao nhìn về phương Nam nơi quê hương yêu dấu ngày xưa mà nước mắt cứ chảy dài!

Sau khi định cư tại Mỹ, tiên sinh cùng gia đình cũng trải qua những ngày tháng cơ cực của những người mới định cư. Sau vài năm lao động chân tay như bao nhiêu người khác, gia đình tiên sinh lại trôi dạt về phía Đông nước Mỹ. Nơi đây tiên sinh trở lại trường học tập, dừng chân lấy lại phong độ cũ của mình.

Để xử vụ án này, ngài Chánh thẩm Việt Nam phán rằng: “Luật về nguồn nước ngầm chảy dưới mặt đất được chia làm hai loại: Loại nước ngầm chảy theo mạch có sẵn còn gọi là nước mạch; còn loại khác là loại nước ngầm không chảy theo mạch nhất định còn được gọi là nước ngầm thẩm thấu qua mặt đất chảy theo những hướng bất định.”

Minh hoạ: Dan Meyers/Unsplash

Để xét xử vụ án cho thật công bằng thiểm văn phòng sẽ xem xét vụ án theo luận cứ chủ quyền của nguồn nước ngầm dưới mặt đất trong phạm vi của luật tài sản (Property Law.)

Sau khi lắng nghe tranh biện dài dòng của nguyên đơn và bị đơn trong vụ án, Thẩm phán Hồ Lang dừng lại suy nghĩ một chút rồi ông nói tiếp:

” … Nói gì thì nói, trong hệ thống Luật Common Law mà chúng ta đang áp dụng tại các quốc gia nói tiếng Anh, như Hoa Kỳ, Canada, Úc Châu và Anh Cát Lợi…, chúng ta đều phải công nhận rằng hệ thống Common Law đã để lại cho loài người một gia tài đồ sộ về luật pháp, một kho tàng kiến thức cho nhân loại. Nếu các bạn không tin, hãy thử dở ra một bản án phán quyết bởi các Tòa Tối cao Pháp viện của các nước nêu trên, chúng ta sẽ thấy rằng đây là những áng văn chương tuyệt vời, có tính cách hàn lâm cũng như những khuôn mẫu về luật pháp mà mọi luật gia phải nghiên cứu kỹ khi tranh biện trước tòa. Người thẩm phán xử án mặc dầu có quyền hạn bao la nhưng không thoát ra khỏi định luật stare decisis (stay with what has been decided.) Thiểm văn phòng cũng không đi ra ngoài khuôn khổ đó. Như đã tuyên bố trước, sau khi xem xét các án lệ nổi tiếng của các quốc gia khác nhau và quan điểm của các thẩm phán tiền nhiệm, bổn tòa quyết định áp dụng án lệ Mayor, Councillors and Citizens of Perth v. Halle (1911) 13 CLR 393  đã áp dụng tại Úc, bản án này rất gần gũi với bản án mà bổn tòa đang thụ lý. Trong vụ án này, nguyên đơn đã sử dụng những máy bơm nước có công suất cao nên Học Thuyết về Quyền Sử Dụng Hợp Lý và Học Thuyết Tương Quan cũng nên nhắc đến. Bị đơn có quyền bơm nước trong lãnh thổ của mình nhưng bơm nước như thế nào đừng làm thiệt hại cho những chủ đất liền kề, khiến cho đất của người ta mất đi sự nâng đỡ tự nhiên của nó, tôi đành phải phán quyết rằng bản án có lợi cho nguyên đơn…”

Bản án nói trên, với phán quyết dài dòng sau khi viện dẫn những án lệ nổi tiếng đã xử tại Mỹ, Canada và Úc Châu, tác giả đành phải ghi lại ngắn gọn ở đây. Biết bao nhiêu nỗi vui mừng cho Thanh Tâm và chàng Tuấn mộng , khi đi kiện lại là người thắng cuộc.

              ***

Đêm trên một vùng quê nhỏ ở tiểu bang Delaware, trăng thượng tuần vừa lên. Dưới giàn mướp hương là một chiếc bàn con có trải vải trắng và chai rượu mùi. Hai người bạn xưa xa cách nhau hơn 30 năm gặp nhau giữa xứ lạ quê người, thôi thì có bao nhiêu câu chuyện để mà kể lể.

Thanh Tâm hỏi nhỏ Tuấn:

Lúc này còn mơ làm văn thi sĩ như khi chúng mình còn học trung học không?

Nếu bạn có đọc lại “Thuở Mơ Làm Văn Sĩ” của Nhật Tiến thì sẽ thấy hình ảnh của chúng mình trong đó. Thuở ấy chúng ta còn học trung học, nhà nghèo quanh năm chỉ có hai bộ đồ, tiền không một xu trong túi mà cứ ôm mộng vá trời, nghĩ lại cũng buồn cười cho những mộng mơ của mình nhỉ! Qua đây, phần lo cơm áo, phần lo học vấn nên những mộng mơ xưa cũ cứ tan đi theo ngày tháng, nói gì đến chuyện văn chương.

Thanh Tâm hỏi tiếp, chúng mình học Ban C, là ban văn chương, triết học thế nào cái nghiệp nó cũng quyện theo mình, không biết lâu nay Tuấn có thử làm thơ không?  Nếu có đọc lại nghe chơi.

Chai rượu trên bàn đã vơi đi phân nửa. Thanh Tâm chỉ uống chút đỉnh cầm khách còn bao nhiêu Tuấn cứ tì tì cạn chén, lại thêm có cá mú chưng tương, vịt hầm bát bửu để đưa cay, trăng lên bát ngát trên cánh đồng xa. Tuấn nói trong hơi rượu:

Mình đọc cho Tâm nghe một bài thơ mà mình làm khi còn học kỹ sư, nếu dở thì cấm cười nghe.  Mình làm bài này khi còn ở trọ trong một phòng nhỏ gần đường Queen và đường Bathurst ở Toronto, một đêm đang làm toán thì thấy trăng lên bên khung cửa, mình lấy tựa đề là:

Trăng Bắc Mỹ

Đêm nay ngồi học bên khung cửa.

Phòng trọ cô đơn, bạn bè cùng mây trôi.

Ta ngắm nhìn trăng Bắc Mỹ soi.

Như loáng chút âm ba ghé về qua ngõ hẹp

Dòng đời chói lòa xô nghiêng!

Đất nước đảo điên nên bóng trăng không rơi vàng trên mặt sách.

Quan san xa cách!

Đường Cẩm Văn, Háo Đức mờ mờ.

Trăng đêm nay treo trên Bắc Mỹ,

To và Lạnh nhưng không rung được một lời thơ!

Nhớ ánh trăng xưa

lướt qua lều cỏ,

Ai ngồi một dáng liêu trai.

Thuyền đêm chập chờn khuấy động

Ta bước đi như trong cơn mộng.

Xa trông vài đốm lửa chài.

Bóng trăng trên quê cũ là ánh điện của tuổi thơ.

Có hàng tre nghiêng theo làm chứng.

Nhìn nồi canh tập tàng ngút khói,

Trăng chờ người trăng xế đầu thôn.

Đêm nay nhìn trăng Bắc Mỹ

Giải lên những dãy lầu cao.

Cảnh trí mộng mơ như mất tự thuở nào!.

Chỉ còn nỗi lạnh, cô đơn len theo từng sợi vải.

Quê nhà ngàn dặm xa!

(Trích thơ của Phan Tấn Thiện)

Thanh Tâm ôm bụng cười, thơ ông thì buồn lắm, thôi đừng đọc thơ nữa, ông thường nhắc đến quê nhà, chắc nhớ quê nhà lắm phải không? Tuấn ơi! bạn nhận xét như thế nào? Hy vọng mình có về thăm lại quê nhà được không? Trong cơn say Tuấn nói như nức nở, không biết có phải là mình nói hay không hay chỉ mượn lời của Tam Quốc Chí.

Tâm ơi! Cộng đồng chúng ta như một đống cát, khi hợp khi tan, kẻ trên vẫn biếng nhác kiêu hãnh, kẻ dưới thì cố nịnh hót tâng công. Kẻ địch trà trộn vào hàng ngũ chúng ta quá đông. Các quốc gia giúp đỡ người tỵ nạn cứ tiếp tục mù lòa nghênh ngông. Mênh mông mặt biển Thái Bình Dương kia biết chừng nào ta mới nhìn lại được non sông!

Nói xong Tuấn lại tợp thêm một ngụm rượu nữa. Xa xa có một vì sao băng thật nhanh vào cuối hàng cây. Phương Đông trời vừa ưng ửng sáng.

*****

Muôn nẻo đường đời (những chuyến ra đi và những điều kể lại) – cuộc thi do báo Saigon Nhỏ tổ chức, dành cho mọi người Việt ở mọi nơi trên thế giới, với giải nhất $5,000 trong tổng giải thưởng gần $30,000. Bài vở xin gửi về [email protected]. Vui lòng xem Lời mời cuộc thi để biết thêm chi tiết.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: