“Hồ sơ Facebook” (Facebook Papers) do liên minh 17 tổ chức truyền thông công bố vào ngày 25 Tháng Mười đã cho thấy thêm bộ mặt đáng sợ của Facebook… Chính một quyết định cá nhân của giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg dẫn đến cuộc đàn áp bất đồng chính kiến trên mạng xã hội ở Việt Nam!
Cách nay khoảng một tháng, hàng chục nghìn trang tài liệu nội bộ bị người tố giác Frances Haugen chuyển cho Ủy ban Giao dịch Chứng Khoán Mỹ (SEC) và Quốc hội Mỹ đã trở thành “chất liệu nóng sốt” cho loạt bài “Hồ sơ Facebook” (Facebook Files) của tờ The Wall Street Journal (WSJ) mà đáng chú ý là bài viết “Tác động của mạng xã hội Instagram đối với các cô gái tuổi teen”. Một bài điều tra xuất bản vào ngày 16 Tháng Chín trên WSJ nhắc lại nghiên cứu nội bộ của Facebook về tập đoàn ma túy Mexico Cartél Jalisco Nueva Generación (CJNG), cho thấy “Tập đoàn tội ác này đang sử dụng Facebook để đăng các nội dung bạo lực và tuyển thành viên mới dưới tên viết tắt CJNG. Dù Facebook xem đây là ‘Một trong những tổ chức và cá nhân nguy hiểm có nội dung cần bị xóa’ nhưng công ty lại không làm, nêu lý do vào thời điểm đó còn đang đầu tư vào AI (trí khôn nhân tạo) để tăng thêm khả năng sàng lọc các tổ chức như thế!”!
Mới đây, CNN cũng có bài viết về sự khuynh loát của CJNG trên Instagram khi thường xuyên cho đăng các bức ảnh súng ống, bài viết và clip video về ai đó đang bị bắn và bị chặt đầu. Ngày 25 Tháng Mười, liên minh 17 tổ chức tin tức của Mỹ cùng vào cuộc với loạt bài “Facebook Papers” cũng dựa vào kho tài liệu lộ mật trên. Ngoài hai cuộc điều trần của Frances Haugen trước các nhà lập pháp Mỹ, còn có cuộc điều trần mới đây của bà trước Hạ viện Vương quốc Anh.
Các tài liệu được nhiều tờ báo “bóc mẽ” đã cung cấp cái nhìn sâu sắc về nhiều vấn đề lớn nhất của Facebook, từ những cuộc đấu tranh nội bộ để quản lý những ngôn ngữ gây thù hằn, những thông tin sai lệch đến tác hại của các nội dung post lên đối với thanh thiếu niên và nhiều nữa. Haugen cho rằng việc Facebook không thể khắc phục những vấn đề nổi cộm một phần là do công ty “ưu tiên lợi nhuận hơn lợi ích xã hội, và trong một số trường hợp, công ty thiếu khả năng dập tắt nhiều đám cháy cùng lúc”. “Facebook có nhân sự cực kỳ mỏng – bà nói trong một cuộc họp báo với liên minh Facebook Papers vào tuần trước – Vì vậy, công ty phải đưa ra những lựa chọn chủ quan về những gì nên làm và không nên làm, những gì cần thay đổi và không cần”. Vào ngày 22 Tháng Mười, một cựu nhân viên Facebook ẩn danh khác đã đệ đơn tố cáo công ty lên SEC, với những cáo buộc giống như của Haugen.
Facebook báo cáo doanh thu Q3 đạt $29 tỷ, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận đạt gần $9.2 tỷ, tăng 17% so với năm trước. Số người sử dụng Facebook tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020, lên gần 3.6 tỷ người. Kết quả gần như phù hợp với dự đoán của các nhà phân tích Wall Street. Thật ra, Facebook không còn xa lạ với những cuộc khủng hoảng PR (quan hệ công chúng). Và trong hầu hết trường hợp, hoạt động kinh doanh của Facebook vẫn hoạt động tốt, bất chấp những ý kiến tiêu cực của các cơ quan quản lý và công chúng.
Tuy nhiên, lần này có thể khác. Mảng kinh doanh quảng cáo khổng lồ của Facebook đang ở trong tình trạng dễ bị tổn thương vì những thay đổi gần đây của Apple liên quan đến “Những quy tắc theo dõi của ứng dụng” (app tracking rules). Bản cập nhật phần mềm iOS 14.5 của Apple tung ra vào Tháng Tư, 2020, yêu cầu người dùng hãy cân nhắc khi cấp quyền cho ứng dụng theo dõi hành vi của mình rồi bán dữ liệu cá nhân như tuổi, vị trí, thói quen chi tiêu, thông tin sức khỏe cho các nhà quảng cáo. Facebook chống lại kịch liệt thay đổi này và cảnh báo các cổ đông là “Bản cập nhật iOS 14.5 có thể làm tổn hại đến hoạt động kinh doanh của công ty nếu nhiều người dùng không cho theo dõi”. Khi công bố doanh thu Q3, Facebook cũng dự báo những thay đổi của iOS 14.5 có thể tạo ra “bước lùi” trong Q4 năm 2021. “Quảng cáo không đúng đối tượng sẽ làm tăng chi phí và kết quả quảng cáo cũng khó biết hơn”.
Hiện vẫn chưa có hồi kết cho những rắc rối mà Facebook gây ra. Thượng viện Mỹ muốn Mark Zuckerberg ra điều trần lần nữa. Một câu hỏi đặt ra là “Liệu Facebook thực sự có khả năng quản lý những thứ gây hại cho thế giới thực từ sân chơi xã hội của nó hay gã khổng lồ truyền thông này đã quá lớn nên không thể thất bại trước bất cứ cuộc khủng hoảng nào?”. Đầu tuần này, có tin đồn Facebook có kế hoạch đổi tên (Facebook từ chối xác nhận). Đây có thể là nỗ lực khác để lật ngược tình thế. Nhưng lớp sơn mới sẽ không khắc phục được các vấn đề cơ bản xuất hiện trong các tài liệu tiết lộ.
Theo người phát ngôn của công ty, Facebook đã đầu tư tổng cộng $13 tỷ kể từ năm 2016 để cải thiện độ an toàn cho các ứng dụng xã hội của nó (để so sánh, doanh thu hàng năm của Facebook đạt $85 tỷ vào năm ngoái và lợi nhuận đạt $29 tỷ). Facebook hiện có 40,000 nhân viên chuyên trách an toàn và bảo mật, kể cả 15,000 người đánh giá nội dung bằng 70 thứ tiếng và đang làm việc tại hơn 20 địa điểm trên toàn thế giới. Người phát ngôn nói: “Từ 2017, chúng tôi đã gỡ hơn 150 mạng lưới tìm cách thao túng tranh luận chính trị từ hơn 50 quốc gia bên ngoài nước Mỹ. Nói chung, chúng tôi trấn áp nạn lạm dụng bên ngoài và bên trong nước Mỹ cùng cường độ như nhau”. Thực tế không phải vậy.
Ví dụ, năm ngoái, Zuckerberg điều trần Quốc hội rằng công ty loại bỏ 94% nội dung gây thù hằn mà họ tìm thấy trước khi có người báo cáo. Nhưng dựa vào loạt tài liệu nội bộ, các nhà nghiên cứu cho biết Facebook chỉ xóa ít hơn 5% nội dung thù hằn. Đối với tất cả rắc rối của Facebook ở Bắc Mỹ, vấn đề về ngôn từ kích động thù địch và thông tin sai lệch còn tồi tệ hơn ở các nước đang phát triển. Một báo cáo năm 2019 phát hiện rằng các thuật toán đề xuất của Facebook đã đưa một phụ nữ ở North Carolina đến với QAnon, tổ chức siêu cực đoan mà FBI coi là mối đe dọa khủng bố trong nước. Facebook thậm chí cho phép QAnon hoạt động không bị kiểm soát trong ít nhất một năm.
Facebook đã biết về việc những kẻ buôn người sử dụng Facebook để “làm ăn” từ ít nhất năm 2018 nhưng họ gần như không làm gì. Tài liệu nội bộ cho thấy Facebook biết các chiến lược hiện tại của họ không đủ để hạn chế sự lan truyền của các bài đăng kích động bạo lực ở các quốc gia “có nguy cơ” xảy ra xung đột, như Ethiopia. Một báo cáo nội bộ được công bố vào Tháng Ba có tựa đề “Tác hại xã hội có phối hợp”, cho biết các nhóm vũ trang ở Ethiopia sử dụng Facebook để kích động bạo lực nhằm vào các nhóm dân tộc thiểu số trong “bối cảnh nội chiến.” Báo cáo này thậm chí cảnh báo: “Các chiến lược giảm thiểu hiện tại là không đủ.” Đây không phải là lần đầu tiên người ta lo ngại về vai trò Facebook trong việc kích động bạo lực và căm thù. Sau khi Liên Hợp Quốc chỉ trích vai trò của Facebook trong cuộc khủng hoảng Myanmar năm 2018, công ty thừa nhận rằng họ đã không làm đủ.
Và trong tất cả những gì mà Facebook “góp phần” làm hỗn loạn, với tính chất phá hoại hơn là đóng góp xã hội, là việc dung túng cho sự bùng nổ kinh hoàng của dịch tin giả, từ tin liên quan COVID-19 đến các thông tin về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Nói cách khác, Facebook ngày càng lộ ra nhiều mặt trái và ngày càng cho thấy Mark Zuckerberg không khác gì một kẻ bất lương đặt mục đích doanh thu lên trên bất kỳ lợi ích xã hội nào khác.