Kể chuyện bùa phép làng quê xưa

Minh họa: Alana Harris/Unsplash
Share:

Nhớ về một thời tuổi thơ ở quê, nơi đám con nít và người lớn sống chung không gian, bọn trẻ con chúng tôi vẫn luôn tin rằng: Luôn có năng lực huyền bí nào đó hiện hữu vô hình và đồng hành với đời người hữu hình. Bùa phép và ma quỷ luôn là điều có thật trong không gian của làng xóm quê xưa.

Tôi bắt đầu với chuyện đám con nít tụi tôi cùng nói nhỏ cho nhau nghe: Mày ghét thằng đó hả, muốn ếm cho nó xui xẻo thì lén lấy tóc của nó, nhét vô cục đất đem chôn là nó xui tận mạng luôn. Nhưng tao nói trước, nó mà biết nó đánh cho mày sặc máu.

Tôi cũng có thù mấy thằng, tính làm theo nhưng thời đó thằng nào cũng đầu ghẻ, hớt húi cua kiếm đâu ra tóc của “kẻ thù”. Nếu canh nó đi tiệm hớt tóc cũng không biết tóc nào là cọng tóc của nó trong đống tóc rớt ở tiệm; và việc thằng nào cũng biết thứ “bùa” này nên mò kiếm tóc nó chắc ăn là sẽ bị nó đạp cho lòi bản họng.

Cái thằng bày tôi cách ếm này nói thêm: Thôi mày dẹp đám kẻ thù đực rựa qua một bên đi, tao nghe nói nếu mày lén nhổ được tóc đứa con gái mày ưng, để vô áo gối của mày, nó sẽ theo mày suốt đời, làm vậy đi, có lý hơn!

Thời đó đời sống quê tôi bình lặng lắm. Chiến tranh, mấy ông Việt cộng đâu chẳng thấy chỉ có mỗi đám con nít là phá làng phá xóm suốt ngày. Nhưng rồi quê nhà cũng có lúc hốt hoảng khi từ đâu chưa rõ, các tờ rơi viết tay quăng vô nhà, dán trên cửa, vách nhà; đừng tưởng lầm là truyền đơn Việt cộng kêu gọi nổi dậy nghe, chỉ là lời cảnh báo tưởng là vu vơ nhưng chấn động tâm can bà con già trẻ khi đọc thấy, kiểu như: Quỷ vương đã hiện lên, bắt chết vô số người ở tỉnh… ai đọc được tin này, viết thêm trăm bản đem đi rải khắp nơi sẽ giải được hạn nặng, ai không tin sẽ bị quỷ vương bẻ cổ chết tươi.

Minh họa: Eric Muhr/Unsplash

Đó chỉ là một trong vài nội dung thường lan truyền qua các tờ rơi viết tay thời xưa. Lúc đó, tôi cũng có viết y theo lời truyền, trong đầu thì nghĩ: Mình mắc công viết mỏi tay chi vậy ta, mà ai lại rảnh hơi đâu xúi người ta làm vậy cà. Nhưng trong bụng lại sợ nếu không làm thì quỷ vương hiện lên bóp cổ thì sao trốn chạy được.

Hồi sau, xóm tôi không có ai bị quỷ vương bẻ cổ, chỉ có mấy ông nhậu say bị trúng gió chết tươi, mà cũng chưa từng ai thấy bóng hình quỷ vương, bởi vậy cho nên nỗi sợ quỷ vương ám ảnh vẫn còn nguyên. Xét lại, tôi tự lờ mờ thấy rằng, có một thế lực nào đó muốn qua việc viết tay tờ rơi để tập hợp dư luận của những người yếu bóng vía, sợ hãi, đấu với thế lực gieo rắc tai họa chết chóc.

Cái việc người yếu bóng vía tự viết tay, chữ nghĩa rành rành lan truyền về tội ác quỷ vương đâu phải là thứ bùa chú bí hiểm đã cho thấy quỷ vương, âm binh cũng chỉ đọc được chữ nghĩa bình dân học vụ, chớ chưa chắc đọc được bùa chú bí hiểm ngoằn ngoèo. Nhưng cắc cớ chi các thế lực ẩn mặt lại tập hợp dư luận của những người yêu bóng vía để đấu với huyền năng thao túng nỗi sợ con người. Thành ra trong cuộc chiến giữa người và ma quỷ này chỉ có con người sợ hãi hữu hình đấu với cái bóng vô hình gây ra sợ hãi.

Vậy ra, ai thắng! Đám con nít tụi tôi dù cũng sợ quỷ vương đến mức ban đêm không dám đi tiểu, chịu đái són, đái dầm, nên bày nhau. Thằng Mạnh xóm tôi bày. Tụi mày viết tờ rơi đừng ném, dán ở đâu hết, cứ nghe lời tao. Viết xong để đó, tới lúc đi ỉa lấy ra chùi đít, quỷ vương cỡ nào cũng sợ bị thúi rùm, mà mấy cái thằng xúi mình viết cũng bị bón lòi trĩ sa con trê.

Trong kho ca dao có câu: “Gió nào độc bằng gió Gò Công”. Tôi sanh ra ở đó khỏe re, lớn lên nên chẳng hiểu sao quê mình có gió độc cho được. Ở xéo xéo trước mặt nhà tôi là nhà ông thầy pháp từ bên Cù Lao chạy tránh Việt cộng đến ngụ cư. Ông hiền như cục đất, còn bà vợ thì sống lặng thầm như vách nhà. Lâu lâu nhà ông có tiếng động ầm ầm, mỗi lần nghe, tôi liền chạy qua vạch vách lá nhà ông coi cảnh ông trị bệnh cho người bị quỷ ma nhập. Trong nhà ông có bộ ván ngựa, người bệnh không hiểu sao cứ nhảy tưng tưng dậm chân, tay đập vô thân thể mình trên bộ ván, còn ông thì trùm khăn vải đỏ lè lên đầu, ngồi đọc thần chú. Ông đọc chậm như nhạc nhẹ thì người bệnh nhảy nhẹ, đọc nhanh thì người bệnh nhảy nhạc giựt gân, rồi gào, khóc, kể không ngớt. Thấy cảnh đó lần nào cũng vậy, tôi sợ quá không dám coi thêm nữa, nên tới giờ hối tiếc là mình không có gan chứng kiến hết các cảnh thần bí, và huyền năng trấn áp, trục xuất quỷ ma của ông thầy pháp.

Nói thiệt lòng, tôi rất kính nể ông thầy pháp xóm mình, không phải vì nhiều người điên khùng vì bị quỷ ma nhập nhờ phép ông mà hết bệnh, mà vì ông hiền quá, hiền đến mức tưởng như ông biến mất khỏi xóm, ông không đi đám nhà ai, không ra chợ, không đứng trước cửa nhà… để ông được sống ở cõi im lặng thần bí nào đó của ông. Tôi thật tin là ông đang sống ở thế giới thần linh và quỷ ma.

Minh họa: Evgeny Nelmin/Unsplash

Có lần không hiểu thế lực nào xui khiến mà tôi trị được tánh nhát gan của mình để vạch vách lá nhà ông coi. Hôm đó, trời về chiều, ông không trị bệnh cho ai hết, nhà đóng kín cửa như bưng. Ông ngồi dưới đất, bàn thờ nhà ông trên cao, ông thờ ảnh tượng hay vật linh gì thì tôi không biết vì có màn che nửa hở nửa kín. Ông ngồi đó, đầu không trùm khăn vải đỏ như mọi khi, ông ngồi xếp bằng, tay bắt ấn, đọc thần chú lâm râm trong miệng. Một hồi lâu, gió ở đâu không biết nổi lên, tấm vải màn bàn thờ rung động, và rồi có tiếng khua động trên bàn thờ, tôi ngó lên thấy vài khúc gỗ lớn hơn ngón chân cái, đầu khúc gỗ bịt vải đỏ bỗng nhảy múa ở khoảng giữa hai cánh vải màn, những cục gỗ nhảy múa theo nhịp đọc thần chú của ông, mà sao tôi không thấy khúc gỗ nào ngã ngang dù chúng có hình chữ nhật.

Lúc đó, thằng con nít như tôi quên nỗi sợ, lại có cảm giác hứng thú như đang xem phim hoạt hình. Tôi trố mắt coi miết chẳng còn hơi đâu mà phân biệt là pháp thuật hay phim hoạt hình nữa.

Nhưng khi gió bên trong nhà ông thầy pháp thổi lớn hơn, các cọng lá dừa nước chỗ tôi vạch vách nhà ông cứ bay phần phật làm tôi rối mắt nên tôi không dám coi nữa, phần thì sợ mấy khúc gỗ bịt vải đỏ đó nhảy xuống biến hình thè lưỡi, nhe răng, theo nhát, theo ám thì toi mạng. Ở đây nói thêm là vào cuối thập niên 1960, dân thị xã Gò Gông có coi được đài truyền hình Mỹ, phát sóng ở Sài Gòn màn ảnh trắng đen, đám con nít tụi tôi dù không biết tiếng Mỹ vẫn coi và hiểu, thậm chí kể lại được có đầu có đuôi từng lời thoại của phim, nhất là phim hoạt hình.

Trở lại với chuyện ông thầy pháp xóm tôi gọi được gió, khiển được các khúc gỗ nhỏ nhảy múa, thì tới giờ tôi vẫn tin đó là điều bí hiểm đáng nể nhất mà mình được thấy bằng mắt đứa con nít phàm trần.

Tuổi nhỏ tôi mê cảnh ông khiển các khúc gỗ nhảy múa như nhân vật phim hoạt hình, còn lúc lớn hơn được vài tuổi tôi lại bị mê hoặc khi nhớ về các cơn gió mà ông gọi về được trong căn nhà đóng kín cửa của ông; từ đó tôi suy diễn ngớ ngẩn là: Gió nào độc bằng gió Gò Công, có khi là gió từ thần chú mà ông thầy pháp gọi về. Thứ gió độc nhất vô nhị làm nên các hoạt cảnh hiển hiện từ cõi linh ứng vô hình, chuyển hóa thành hữu hình để cùng đồng hành với các cơn gió mùa miền Nam hữu hình lay động rừng cây, đồng lúa, mây trời… khắp cõi nhân sinh.

Vậy hỏi, nếu không tin hương hồn người đã khuất luôn theo gió huyền bí từ vô hình hiện về thì thần khí người đang sống hẳn cũng không có gió hữu hình để kiếp số con người ngắn hạn chọn làm trú xứ.

Các vị thầy sinh ra để chỉ cõi quỷ ma, cõi thánh thiện như quê tôi ngày xưa không còn, mà cũng phải, khi người đời nay chọn khoa học là cõi thực dụng, bởi cõi khoa học đó chỉ ra cho họ, đem đến cho họ đủ phương pháp hữu dụng khiến họ tin quyền lực con người là vô đối, đủ sức dẹp hết các cõi huyền linh thần bí…

Nhưng hãy thành thật mà coi cho thấu, thứ vũ khí để mà khoa học đang bày cho con người chiến đấu vẫn chỉ là thứ cũ xì, đó là nỗi sợ hãi, lấy nỗi sợ hãi để cố mà hiểu thêm, thành tự thêm nhưng càng có bằng chứng khám phá mới thì lại càng thấy sự bất khả thấu triệt toàn cõi, như chính cái giới hạn cô độc mà ngạo mạn vốn có của con người.

Ông thầy pháp xóm tôi nghèo lắm mà dường như các vị thầy pháp, thầy thuốc nam quê tôi đều nghèo, việc họ chọn cái nghề nghèo rớt mồng tơi lại còn bị các kiểu hài kịch bài trừ mê tín bêu xấu, nhưng chắc là họ không chấp. Họ sao có thể để cho mình vướng mắc thói đời khi mà chọn hành nghề với mục đích là: Qua nghề chỉ ra cho người thế gian biết rằng luôn còn có cõi huyền bí, linh thiêng, diệu dụng đồng hành với đời sống thực dụng này.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: