Cỗ máy ly tâm hạt siêu lớn The Large Hadron Collider là một công trình vĩ đại và phức tạp mà thủy tổ loài người không bao giờ mường tượng ra. Tiến sĩ Anders Sandberg, nhà nghiên cứu tại Viện tương lai nhân loại thuộc Đại học Oxford (Anh) đã điểm lại một số siêu công trình kỹ thuật như thế, từ ý tưởng đến hiện thực.
Vào thời điểm này, việc lập danh sách những công trình lớn nhất mà con người đã thiết kế và xây dựng được không còn là điều “không tưởng”. Từ cỗ máy nâng hành tinh (planet lifter) đến đại pháo không gian (space cannon). Nhà tương lai học Anders Sandberg đã điểm lại một số ý tưởng tham vọng nhất trong lịch sử loài người nhưng vẫn trở thành hiện thực, và giải thích lý do tại sao chúng có thể thực hiện được, bất chấp nhiều ý kiến nghi ngờ và phản bác suốt một thời gian dài, có khi hàng trăm năm!
Nguồn gốc của những siêu ý tưởng có thể quay trở lại thời cổ Hy Lạp. Nhà bác học Archimedes nổi tiếng về nhiều việc và tuyên bố, nhưng nổi tếng nhất vẫn là câu nói: “Hãy cho tôi một điểm tựa để tôi có thể dịch chuyển Trái đất”! (Give me a place to stand and I can move the Earth!). Vào thời điểm đó, tầm nhìn của Archimedes được xem là “thuận lý nhưng không thực tế”. Sau Archimedes, các định luật vật lý khác thi nhau ra đời. Một số định luật giúp khẳng định những ý tưởng bất khả thi trong quá khứ trở thành khả thi trong hiện tại, biến cái gọi là “những giấc mơ bay bổng” thành “ý tưởng có thể thực hiện được”.
Nhà bác học Isaac Newton thuộc số người đầu tiên nhận thấy định luật vật lý mô tả sức hút Trái đất có thể ứng dụng cho cả quả táo rơi lẫn Mặt trăng. Trước khi du lịch vào không gian trở thành thực tế, ông cho rằng, theo nguyên tắc, một khẩu đại pháo chuyên dùng nếu đủ mạnh có thể bắn một vệ tinh lên quĩ đạo Trái đất mà không cần con tàu trung gian. Sau đó, dự báo của Newton được nhắc lại trong các tác phẩm khoa học giả tưởng, ví dụ cuốn truyện thám hiểm From the Earth to the Moon của nhà văn Jules Verne xuất bản năm 1865 nói về một khẩu đại pháo lớn được dùng để đưa con tàu không gian “Columbiad” lên Mặt trăng. Cần nhớ, năm 1920, tờ The New York Times vẫn còn nhạo báng một số thành tố của ý tưởng này, thậm chí khẳng định: “Những người đứng sau nó bị thiếu cả kiến thức của một… học sinh trung học”! (Năm 1969, tờ báo âm thầm rút lại bài viết này sau khi các phi hành gia tàu Apollo 11 được rocket đưa lên mặt trăng. Nhưng không có lời xin lỗi!).
Qua năm tháng, những “lý thuyết mơ mộng” về không gian được bổ sung liên tục, dẫn đến câu hỏi thú vị “Chúng ta có thể xây dựng một chiếc thang nối mặt đất với quĩ đạo?”. Khi tham vọng thám hiểm vũ trụ được đẩy lên mức cao, các nhà khoa học nhiều mơ mộng nghĩ đến việc con người trong tương lai có thể cải tạo bề mặt sao Hỏa để ở, thậm chí xây dựng cả một quả cầu sinh quyển “Dyson sphere” bao gồm các hệ thống hấp thu năng lượng quay quanh Mặt trời. Trong dài hạn, có người còn muốn “sửa đổi” Mặt trời để nó… kéo dài tuổi thọ hay đưa Trái đất vào quĩ đạo rộng hơn; thậm chí, dịch chuyển các vì sao giữa các dải Ngân hà!
Trở lại Trái đất, những giấc mơ siêu lớn về kỹ thuật cũng đang tăng tốc với các dự án đồ sộ liên quan sự thay đổi các đại dương và khí quyển với qui mô lớn. Tất cả tham vọng này được gọi chung là “thiết kế lại Trái đất” (Redesigning Earth). Ví dụ, vào thập niên 1920 và sau đó, siêu dự án Atlantropa của chuyên viên thủy lợi Herman Sörgel với kế hoạch xây dựng một con đập thủy điện băng qua eo biển Gibraltar nối Địa Trung Hải và Đại Tây Dương được xem là đại diện cho giấc mơ này. Đập sẽ hạ mực nước biển tại Địa Trung Hải xuống 200m và dân cư sẽ có thêm môt diện tích đất lớn được “giải phóng” để định cư tại khu vực thiếu nghiêm trọng đất ở này.
Một con đập phụ chắn ngang eo biển Dardanelles (ở phía Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ, phân cách châu Âu và châu Á) để chặn nước Hắc Hải sẽ là con đập đầu tiên nối Sicily và Tunisia với hạ lưu Địa Trung Hải, mở rộng kinh Suez với những cửa điều tiết và là biện pháp tốt điều hướng sông Congo để nước chảy trở lại vào lưu vực quanh hồ Chad phục vụ tưới tiêu cho vùng Sahara khô hạn. Tuy nhiên, những quan tâm hiện nay của thế giới về sinh thái đã gây trở ngại cho dự án này cho dù được sự ủng hộ về chính trị.
Nói chung, những ý tưởng táo bạo để cải tạo hành tinh và nâng cao chất lượng sống của con người đều cần thiết. Bất khả thi trong hiện tại có thể sẽ khả thi trong tương lai. Lịch sử đã chứng minh như thế. Mạng lưới điện, internet, xa lộ xuyên quốc gia… đều phát sinh từ những ý tưởng từng bị xem là không tưởng hay mơ hồ. Nhiều siêu dự án kỹ thuật đều mang tính toàn cầu dưới mắt người mường tượng ra nó. Triết gia Nga Nikolai Fedorov (1829-1903) từng xem việc kiểm soát thời tiết là “bước đầu tiên để thống nhất loài người trong hòa bình”. Cho đến nay, có ba siêu ý tưởng kỹ thuật quan trọng đã trở thành hiện thực: Intenet; Trạm không gian quốc tế (Israel); và Large Hadron Collider (cỗ máy ly tâm hạt ở châu Âu có chu vi 27 km giúp chuyển năng lượng thành vật chất lạ). Cũng phải kể đến Hệ thống siêu xa lộ Liên bang Mỹ (US Interstate Highway System). Thời Archimedes hoặc Newton, không có ai có thể nghĩ ra chúng.