Uber làm chủ một hãng “taxi” mà không có một chiếc taxi nào; Airbnb làm chủ vô số “khách sạn” nhưng không hề sở hữu một khách sạn nào… Và đây là câu chuyện của một công ty khởi nghiệp có thể trị giá đến một tỉ đôla, nơi đang “quản lý” hàng loạt tiệm cắt tóc mà không sở hữu bất kỳ một tiệm nào; và dĩ nhiên ông chủ công ty cũng chẳng biết cắt tóc!
Một quyết định táo bạo
Khi Songe LaRon và Dave Salvant thành lập công ty Squire Technologies vào năm 2015, họ đã trả cho một nghệ sĩ tranh tường (graffiti) vài trăm đôla để anh ta vẽ nguệch ngoạc dòng chào mời “Download Squire” (Hãy tải về Squire) tại khu tài chính Manhattan, New York. Chi phí “tiếp thị du kích” này gần như không đáng kể. Họ đã đưa lên ứng dụng khoảng 50 thợ cắt tóc tại tám hoặc chín tiệm sau khi được chủ đồng ý; nhưng với quá ít khách hàng tải xuống ứng dụng.
Thay vì vào ứng dụng, khách quen vẫn đặt lịch hẹn qua điện thoại. Các chủ tiệm cắt tóc phàn nàn ứng dụng của Squire không giúp gì vào việc điều hành tiệm của họ. Đi ngược thời gian trước khi có ứng dụng Squire, cả LaRon, 37 tuổi và Salvant, 36 tuổi đều chưa từng làm việc trong một tiệm cắt tóc trước đây hoặc điều hành một doanh nghiệp nhỏ dưới bất kỳ hình thức nào. Nhưng vào năm 2016, họ có một quyết định dũng cảm: Trích $20,000 trong $60,000 tiền mặt họ tích luỹ được để thuê lại một tiệm cắt tóc làm ăn bết bát ở Chelsea Market của Manhattan.
Nhìn từ bên ngoài, tiệm cắt tóc vận hành rất đơn giản: Đặt lịch hẹn, cắt tóc, thanh toán bằng tiền mặt hoặc thẻ tín dụng. Tuy nhiên, phía sau hậu trường là tất cả yếu tố của một hoạt động kinh doanh đúng nghĩa: Thợ cắt tóc thuê ghế của cửa hàng hoặc chịu các khấu trừ khác, tiền tip bằng tiền mặt hoặc tín dụng, và mỗi thợ cắt tóc được đặt lịch làm việc, giá cả của riêng mình. Sau một thời gian tìm cách “phá vây”, LaRon và Salvant nhận ra rằng họ phải tạo ra Squire dựa vào một ứng dụng đặt hẹn được nhiều người biết, thành một ứng dụng mới có thể giải quyết tất cả vấn đề nhức đầu khi điều hành một doanh nghiệp nhỏ. Vượt qua những khó khăn ban đầu, hiện Squire có trụ sở tại thành phố New York đã bán được ứng dụng (phần mềm) và dịch vụ của mình cho hơn 2,800 tiệm cắt tóc ở Mỹ, Canada và Vương quốc Anh. Mỗi tiệm phải trả thuê bao hàng tháng (từ $100-$250 một tháng tùy địa điểm).
Phần mềm Squire không chỉ cung cấp dịch vụ giữ chỗ và thanh toán mà còn giúp tách doanh thu từng người thợ của tiệm. Nó cũng tự động quản lý tiền tip và tiền thuê ghế. Chưa hết, công ty Squire còn tìm cách mở rộng sang dịch vụ tài chính, cung cấp thẻ ghi nợ (hợp tác với công ty khởi nghiệp Bond Financial Technologies) và thử nghiệm phân phối lưỡi dao cạo, chai amoniac và các nhu cầu khác cho thợ. Năm 2020, doanh thu công ty đạt khoảng $4 triệu, trong khi gần như tất cả tiệm cắt tóc đều đóng cửa. Kế hoạch của họ là tăng doanh thu lên ba lần, đạt hơn $12 triệu trong năm nay. Vào Tháng Bảy, công ty Squire đã huy động được $60 triệu với mức định giá thương hiệu là $750 triệu.
“Chơi liều” có tính toán
Đến nay, công ty đã huy động được tổng cộng $143 triệu và lọt vào danh sách “25 công ty khởi nghiệp mạo hiểm mới phát triển nhanh nhất”, có khả năng được định giá trên $1 tỷ. Chỉ vài năm trước, nhiều nhà đầu tư còn nghi ngờ việc phổ biến công nghệ thông tin, trong đó có việc phát triển những ứng dụng (app) cho các doanh nghiệp nhỏ. Nhưng nhờ những mô hình thành công như Carpinteria, Procore có trụ sở tại California (với phần mềm cho các công trường xây dựng, hiện được giao dịch công khai với giá trị vốn hóa $13,8 tỷ) và ServiceTitan có trụ sở tại Los Angeles (với các ứng dụng cho thợ ống nước và những người làm nghề khác có giá trị vốn hóa $9.5 tỷ), người ta thấy “ý tưởng” mới đóng vai trò chính. Ý tưởng đẻ ra tiền và công việc.
LaRon lớn lên trong một gia đình hoạt động nghệ thuật ở New York và Los Angeles. LaRon đến Yale học luật sau khi lấy bằng đại học tại UCLA rồi làm việc tại công ty luật Skadden Arps. Trong khi đó, Salvant lớn lên tại Coney Island và Rockland County ở ngoại ô New York. Anh lấy bằng cử nhân khoa học chính trị tại Đại học Bang New York ở Albany và Thạc sĩ Quản lý kinh doanh tại Đại học Wisconsin-Madison; sau đó làm việc vài năm tại ngân hàng JPMorgan. Đến năm 2010, Salvant tổ chức bữa tiệc với một số bạn trẻ. Tại đó, anh gặp LaRon khi hai người ở độ tuổi ngoài 20. Hai “tư tưởng lớn” gặp nhau và họ quyết định mạo hiểm.
Năm 2015, hai người chia tay thế giới doanh nghiệp để thành lập công ty Squire Technologies, tên lấy từ loạt phim Game of Thrones mà họ cùng xem vào mỗi Chủ Nhật. Salvant và LaRon tin rằng một ứng dụng chuyên dùng sẽ là trợ thủ đắc lực cho các tiệm cắt tóc. Cả hai đều không biết nhiều về phần mềm nên họ phải nhờ kỹ sư phần mềm Yas Tabasam mới quen tại buổi họp mặt để giúp xây dựng ứng dụng Squire. Tabasam trở thành người đồng sáng lập thứ ba và Giám đốc công nghệ đầu tiên của Squire nhưng anh chia tay sau hai năm. Đến Tháng Ba, 2017, Troy Payne, một cựu kỹ sư phần mềm tại Gilt.com và TripAdvisor, đến đầu quân và phụ trách bộ phận kỹ thuật, mở đầu cho việc nâng đội ngũ kỹ thuật lên 60 người, trong đó có 36 kỹ sư.
Theo dữ liệu từ IBISWorld, Squire không là công ty duy nhất có thị trường lớn trong lĩnh vực cắt tóc ở Mỹ với hơn 109,000 tiệm cắt tóc tại các tiểu bang. Trong số đối thủ cạnh tranh của nó, đáng kể có Boulevard trụ sở tại Los Angeles; Booksy trụ sở tại San Francisco; và Booker, hiện thuộc sở hữu của Mindbody, một ứng dụng đặt phòng yoga và spa được công ty cổ phần tư nhân Vista Equity Partners mua lại với giá $1.9 tỷ vào năm 2019. Nhưng Squire có cái hay riêng khi xây dựng được niềm tin và lòng trung thành của thợ.
“Các tiệm cắt tóc thường mua đắt những sản phẩm dùng cho cắt tóc, nhân viên ăn cắp đồ, khách hủy giữ chỗ nhưng không trả phí. Cửa tiệm của tôi không còn tình trạng này” – theo Peter Gosling, chủ công ty Glassbox Barbershop gồm nhiều tiệm cắt tóc nhỏ tại năm địa điểm ở thành phố Toronto (Canada), nơi đông khách nhất có doanh thu đến $1 triệu. Từ khi ký hợp đồng với Squire cách đây bốn năm, Gosling đã dựa vào ứng dụng để phân tích hoạt động kinh doanh, gồm cả việc nhận biết những thợ cắt tóc có năng suất cao và loại dầu gội, gel dưỡng tóc nào tốt nhất, rẻ nhất.