Một cuộc triển lãm tranh hí hoạ chính trị nặng tính khiêu khích vừa khai mạc ở Ý, bất chấp phản đối kịch liệt của Đại sứ quán Trung Quốc. Chủ nhân của cuộc triển lãm là hoạ sĩ bất đồng chính kiến nổi tiếng Badiucao, hiện lưu vong tại Úc.
Chiếc gai trong mắt Đảng Cộng sản Trung Quốc
Tại một Viện bảo tàng ở thành phố Brescia, miền Bắc nước Ý, hoạ sĩ Badiucao sinh ở Thượng Hải đã xong bước điều chỉnh cuối cùng cho một cuộc triển lãm khiến giới chức Trung Quốc phẫn nộ. Bức hí họa “Chủ tịch Tập Cận Bình và Winnie the Pooh” (một sự so sánh bôi bác bị kiểm duyệt rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc) được treo cùng với một bức tranh tưởng nhớ viên bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang) tố cáo cách hành xử đại dịch Covid-19 ở thành phố Vũ Hán; và một bức khác, mô tả cảnh cảnh sát truy đuổi thô bạo người biểu tình.
Ngoài ra còn tám áp phích mô phỏng Thế Vận Hội mùa Đông sắp tới cho thấy một vận động viên trượt tuyết trượt qua chiếc camera của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV); và một vận động viên đang chĩa súng trường về phía một tù nhân Duy Ngô Nhĩ bị bịt mắt… Tranh biếm chính trị của Badiucao vượt xa sự khiêu khích đơn thuần mà còn đậm chất “vạch trần và lên án”. Các tác phẩm mới khiêu khích Đảng Cộng sản Trung Quốc của Badiucao đã mở cho công chúng vào xem từ ngày Thứ Bảy, 13 Tháng 11, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ các nhà ngoại giao Trung Quốc, quốc gia đang tìm mọi cách thao túng châu Âu bằng “củ cà rốt” đầu tư và cơ sở hạ tầng có “tặng kèm” các cơ sở tuyên truyền văn hoá và ý thức hệ như Viện Khổng tử.
Trong một bức thư gửi thị trưởng Brescia, Đại sứ quán của Trung Quốc tại Rome phê phán tranh của Badiucao “chứa đầy những dối trá chống Trung Quốc, bóp méo sự thật, lan truyền thông tin sai lệch, định hướng sai sự hiểu biết của người bản địa về Trung Quốc và làm tổn thương nghiêm trọng tình cảm của người dân Trung Quốc” (theo báo địa phương Giornale di Brescia).
Đối với nghệ sĩ bất đồng chính kiến Badiucao, sống lưu vong ở Úc từ năm 2009, cuộc đấu khẩu chính trị này chỉ gây cho ông một chút ngạc nhiên. “Trong thời gian này, hầu như đi vào bất kỳ địa hạt nào bạn cũng không thể tránh bị lên án là xúc phạm chính phủ Trung Quốc. Bất cứ điều gì nhạy cảm, bất cứ điều gì cũng có thể trở thành vấn đề” – ông nói với truyền thông khi đưa họ tham quan cuộc triển lãm trước ngày khai mạc. Kể từ khi Đại sứ quán Trung Quốc nộp đơn “khiếu nại” vào tháng trước, các quan chức bảo tàng và các chính trị gia địa phương phải “đóng khung” cuộc triển lãm mang tên “La Cina (non) è Vicina” (China is (not) near-Trung Quốc (không) gần” – như một biểu tượng của quyền tự do ngôn luận.
“Tôi phải nói rằng tôi đã đọc hai lần bức thư vì nó làm tôi ngạc nhiên!” – bà Laura Castelletti, Phó thị trưởng Brescia kể lại và gọi phản ứng này là “Sự xâm phạm thô bạo quyền quyết định văn hóa, nghệ thuật của thành phố. Theo tôi, áp lực hủy bỏ cuộc triển lãm chỉ thu hút nhiều sự chú ý hơn!”. Trong khi đó, bà Francesca Bazoli, Chủ tịch Quỹ Bảo tàng Brescia, nói rằng việc tiếp tục cuộc triển lãm là “một minh chứng về quyền tự do diễn đạt nghệ thuật”.
Một số tranh của Badiucao |
Từ vô danh trở thành nổi tiếng
Là một cái gai trong mắt Đảng Cộng sản Trung Quốc trong hơn một thập niên, Badiucao đã xây dựng được tiếng tăm “phản động” khi chọc phá nhiều chính trị gia và đề cập đến nhiều vấn đề chính trị, thời sự nhạy cảm; từ vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 đến hành vi đối xử thô bạo với người đoạt giải Nobel Hòa bình Liu Xiaobo (Lưu Hiểu Ba). Tháng trước, ngôi sao bóng rổ Enes Kanter (người lên tiếng tố cáo chính phủ Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và Tây Tạng) đã được phát tán trên mạng bức ảnh chụp anh mang một số đôi giày thể thao do chính Badiucao thiết kế.
Đôi giày đã gây dư luận khi mang trên sân trong một số trận đấu thuộc khuôn khổ giải NBA, với các thông điệp kèm theo như “Free Tibet” (Tây Tạng tự do) và “Made with Slave Labor” (Được sản xuất bằng lao động nô lệ). Badiucao từ vô danh trở thành nổi tiếng vào năm 2011, khi ông bắt đầu đăng những bức biếm họa về cách chính quyền Trung Quốc xử lý vụ tai nạn tàu cao tốc ở Wenzhou (Ôn Châu) lên trang tiểu blog Sina Weibo của Trung Quốc. Từ đó, tranh của ông luôn bị kiểm duyệt ngay cả khi ông đã là công dân Úc. Vào năm 2018, khi Hong Kong còn tương đối tự do, kế hoạch triển lãm tranh của ông tại Hong Kong đã bị hủy bỏ do “lo ngại về an toàn”. Các nhà tổ chức cho rằng quyết định này là do “đe dọa từ phía Trung Quốc”.
Sau đó, họa sĩ cho biết các thành viên trong gia đình ông ở Trung Quốc đã nhận được cảnh báo của chính quyền trước cuộc triển lãm. Khi nhận ra vỏ bọc của mình bị lộ, Badiucao đã tiết lộ danh tính thật vào năm 2019 sau nhiều năm dùng tên giả. Badiucao cho biết ông thường xuyên bị quấy rối, và đôi khi bị đe dọa trên mạng vì ông đăng những hí hoạ nhức nhối lên Twitter và Instagram. “Tôi giống như đang sống trong cuộc chiến tranh, và internet là nơi tôi có thể sử dụng ngôn ngữ hình ảnh và biểu tượng để vô hiệu hóa kiểm duyệt”.
“Tôi đã bị kiểm duyệt hoàn toàn trong nhiều năm và ở rất nhiều nơi, không chỉ tại Trung Quốc hay Hong Kong, mà còn ở Úc và nhiều quốc gia khác. Tôi hiếm khi có cơ hội trưng bày tác phẩm tại một cuộc triển lãm như ở thành phố này (Brescia, Ý), bởi vì tất cả phòng trưng bày và bảo tàng trên thế giới đều tin rằng nếu họ trưng bày tác phẩm của tôi họ sẽ gặp rắc rối cho hoạt động kinh doanh tại thị trường Trung Quốc. Trung Quốc rất giỏi sử dụng vốn và tiền của mình để kiểm soát, thao túng và bịt miệng những chỉ trích từ bất cứ ai”.