“Tôi không chỉ nổi tiếng như một người mẫu mà còn nổi tiếng về sức hấp dẫn nhục thể” – siêu mẫu Emily Ratajkowski, 30 tuổi đã thú nhận như thế khi cô cảnh báo về nguy cơ bị người hâm mộ tìm cách “chiếm đoạt” chỉ vì… khao khát tình dục.
Từ câu chuyện về siêu mẫu đầu tiên của nước Mỹ
Trong quyển My Body được nhà xuất bản Metropolitan Books phát hành vào ngày 9 Tháng Mười Một, Emily Ratajkowski kể câu chuyện về Audrey Munson, một thiếu nữ xinh đẹp được mệnh danh là “Siêu mẫu đầu tiên của nước Mỹ” và xem đây là lời cảnh báo mạnh mẽ về những điều bất thường khi bị thần tượng hóa. Từng là người mẫu cho một số nhà điêu khắc vĩ đại ở đầu thế kỷ 20, hôm nay, những bức tượng đồng và đá lấy Munson làm hình mẫu có thể được tìm thấy tại nhiều công viên, quảng trường và thủ đô của các tiểu bang trên khắp nước Mỹ.
Nhưng sau khi là nguồn cảm hứng sáng tạo cho những bức tượng nổi tiếng – gồm cả tượng Civic Fame, người phụ nữ bằng đồng mạ vàng ngồi trên đỉnh Municipal Building , tòa nhà chính quyền Thành phố New York, Munson đã tự tử hụt vào năm 1922, ở tuổi 28 và sau đó được đưa đến một bệnh viện tâm thần ở tuổi 39, nơi cô sống 60 năm cuối đời. “Tôi cho rằng chuyện buồn của Munson là biểu tượng cho sự kết thúc vòng đời của mối quan hệ giữa một nàng thơ và nghệ sĩ” – Ratajkowski viết trong Men Like You, một trong 12 bài luận có trong tuyển tập My Body – “Họ được khám phá, rồi trở thành bất tử nhưng không bao giờ nhận thù lao xứng đáng, và cuối cùng là chết trong âm thầm, cô độc!”.
Điều này có thể không xảy ra Ratajkowski nhưng cô vẫn cảm nhận rất rõ đó là số phận của mình, một “nàng thơ-siêu mẫu”. Vẻ đẹp của Ratajkowski đã giúp những người biết tận dụng nó bán được nhiều thứ, từ bánh mì kẹp thịt đến xe hơi Buick. Với hơn 28 triệu người theo dõi trên mạng xã hội Instagram, Ratajkowski được truyền thông giới thiệu là “biểu tượng sex thời hiện đại”. Chừng đó cũng đủ để thấy sức hấp dẫn của cô đã lôi kéo nhiều thương hiệu đồ nội y đến ký hợp đồng.
“Hiệu ứng say mê nhục thể của những kẻ có quyền lực”
Năm 21 tuổi, Ratajkowski đã nổi tiếng sau khi cô xuất hiện khỏa thân trong video âm nhạc Blurred Lines của ca sĩ Robin Thicke phát hành năm 2013 với hơn 770 triệu lượt xem trên YouTube. “Nhiều người nói tôi không chỉ nổi tiếng mà còn rất sexy nữa! Nhưng tôi cảm thấy hài lòng vì mình đã được công nhận ở một số góc độ nào đó” – cô trải lòng trong một bài tiểu luận cùng tên với ca khúc “Thicke”. Bây giờ khi đã bước sang tuổi 30, Ratajkowski mới dành thời gian kể lại chi tiết những trải nghiệm của một siêu mẫu khi đã trở thành “nàng thơ”, được sự ham muốn mãnh liệt của những người hâm mộ, từ mức hứng thú cao nhất đến mức thấp nhất về tâm sinh lý.
Trong tiểu luận “K-Spa”, sau khi nói về một spa chỉ dành cho phụ nữ trong hơn 15 trang viết, Ratajkowski kể lại việc xe cô bị một chiếc xe tải va nhẹ khi đang trên đường về nhà từ Khu phố Hàn (Koreatown) ở Los Angeles. “Tôi đoán anh ấy nghĩ tôi là cô gái xinh đẹp. Tôi nhếch mép thích thú dù nghĩ rằng đôi môi mình hơi nhợt nhạt. Vì vậy, khi lái xe về nhà, tôi lấy ngay cây son trong túi và tô lại nó. Đây là lần đầu tiên tôi nhận thức được nhan sắc và sức hấp dẫn của mình”. Trong tiểu luận “Transactions”, Ratajkowsk đi sâu vào tìm hiểu cái gọi là “hiệu ứng say mê nhục thể của những kẻ có quyền lực”. Cô cho biết đã được trả $25,000 để tham dự trận chung kết giải bóng bầu dục Super Bowl 2014 với Jho Low, tỷ phú Malaysia, nhân vật chính của vụ bê bối quĩ 1MDB tại quốc gia Đông Nam Á này.
Các bài tiểu luận chứa đầy những chi tiết minh họa cho tính chất “con dao hai lưỡi” của sự khao khát tình dục nhưng được viết một cách dễ hiểu mà Ratajkowski hy vọng sẽ là “hồi chuông cảnh tỉnh” cho người đọc. “Chúng ta thường xuyên nghe thấy những từ vĩ mô như ‘chế độ gia trưởng’ và ‘chủ nghĩa tư bản’ cũng như những khái niệm ‘đao to búa lớn’ khác. Nhưng tôi muốn khám phá cách chúng thể hiện trong cuộc sống hàng ngày, ở cấp vi mô – Ratajkowsk giải thích – Tập sách của tôi cố gắng trình bày những tình huống mà phụ nữ dễ bị tổn thương, và những âm mưu được che giấu của quyền lực. Đó chính mới là điều chúng ta cần quan tâm”.
Những lần bị tấn công tình dục
Tuyển tập kể chi tiết một số trường hợp Ratajkowski bị tấn công tình dục trong cuộc đời làm mẫu của cô, trong đó có cả những vụ mà cô phải suy nghĩ rất nhiều trước khi đưa vào sách và đắn đo tự hỏi “có nên xuất bản sách nếu giữ nguyên phần nhạy cảm này?”. “Tôi rất cẩn thận khi chọn những gì có thể đưa vào sách và tại sao phải đưa vào – cô tâm sự – Lý do tôi viết về những trải nghiệm cá nhân không chỉ đơn thuần là lên danh sách những lần bị tấn công tình dục mà còn hơn thế nữa. Đó là sự xấu hổ, cảm xúc về sự bất lực và tôi muốn nhờ độc giả giải thích lý do tại sao”.
Không có giải pháp nào được đề nghị trong My Body bất chấp một số chi tiết mang tính tự thú và bóc trần. Ratajkowski chỉ muốn nhắc nhở mọi người về sự pha trộn giữa đau đớn và mãn nguyện khi được thần tượng hóa. Cô kể lại một lần đụng độ khó chịu với người quản lý của chồng, nhưng đã nhanh chóng thoát ra được. “Lúc đó tôi nhắm mắt và thấy có một sự thôi thúc phải biến đi!” – cô kể lại. Tham gia thế giới người mẫu cũng không hề dễ chịu. Từ việc những người đại diện từng bỏ rơi Ratajkowski lúc trẻ khi cô rơi vào tình trạng bấp bênh đến nỗi ám ảnh thôi thúc phải giảm cân. My Body mô tả kỹ nghệ thời trang như “những kẻ săn mồi” và “mất phương hướng” (dù Ratajkowski không có kế hoạch từ bỏ công việc của mình).
Cô giải thích: “Tôi đã tìm được cách để kiểm soát mọi tình huống, và điều đó thực sự hữu ích đối với tôi. Ngành công nghiệp thời trang luôn báo với bạn là dù xuất sắc đến mấy bạn vẫn có thể thay thế được! Và càng ít được sự đồng tình của người trong giới, bạn càng ít có khả năng ký được hợp đồng. Sự thật này rất đáng sợ khi tôi còn là người mẫu trẻ làm việc vì tiền. Nhưng nay tôi đã bước sang một vị trí khác và không còn là một người mẫu vô danh. Tiếng nói của tôi được lắng nghe và tôi cũng có quyền thương lượng hợp đồng”. Quyết định tiếp tục làm người mẫu của Ratajkowski sau khi xuất bản cuốn sách đã bị một số người chê bai là “trốn tránh những thứ xấu xa trong nghề mà chính cô bươi ra”.
Nhưng Ratajkowski khẳng định mình không làm gì sai trái mà chỉ thực hiện quyền chọn lựa cá nhân trong phạm vi cho phép. “Họ nói, vẫn tiếp tục làm mẫu là đồng lõa với cái xấu. Nhưng tôi không nghĩ rằng khi một phụ nữ trẻ mặc một chiếc váy bó sát là vì muốn được kẻ có quyền lực, có tiền nào đó chú ý. Theo tôi, chúng ta không nên chỉ trích những phụ nữ dùng vẻ đẹp thân thể mình để thành công mà nên vận động thay đổi cung cách làm việc của thế giới thời trang. Nếu không, chúng ta mới là đồng lõa”.
Xuyên suốt các bài tiểu luận, Ratajkowski suy ngẫm về vòng đời phù du của một “nàng thơ-siêu mẫu”. Cô xem Munson là biểu tượng cho “sự tạm bợ trong quan hệ giữa nghệ thuật và người mẫu”. Logic này vẫn phù hợp đến tận hôm nay. “Munson từng hỏi: Điều gì giúp tôi trở thành người mẫu của các điêu khắc gia? Nay tôi có câu hỏi khác: Có ai còn quan tâm đến người mẫu rất xinh đẹp này? Khi không còn làm mẫu, cô ấy đã sống và chết ở đâu? Rất ít người biết!”