Thưa cô Nguyệt Nga, từ ngày em chia tay với người yêu đầu thì cũng đã ba năm, em cũng có cảm tình với vài người, nhưng em chấm dứt khi tình vừa chớm. Em quyết định chăm lo học hành cho xong và không tiến xa với bất cứ ai trong tình cảm.
Rồi thì em ra trường và xin được một việc làm hợp với ngành học của mình. Nhưng cũng từ khi đi làm thì em lại cảm thấy rất nhức đầu với việc bị theo đuổi ráo riết của một vài đối tượng. Từ trước tới giờ những người theo đuổi em toàn là bạn cùng trang lứa hoặc lớn hơn một vài tuổi, nhưng giờ đi làm thì lại rất khác.
Trong số những người theo đuổi em có một manager. Ông ấy có một con gái sáu tuổi và đang nuôi con sau khi ly hôn. Lúc đầu em thấy dễ xử với người này nhất nên em cũng ít đề phòng nhất vì thấy khoảng cách tuổi tác khá lớn, nên không cảm thấy dễ bị xiêu lòng.
Nhưng rồi em cũng không biết do người đó có quá nhiều kinh nghiệm hay do người đó thực sự là một người hiểu biết, có cảm tình với em mà em bị xao lòng lúc nào không hay. Dù ngoài mặt, em vẫn rất bình thản và cũng đã từ chối tình cảm của người đó, nhưng thật ra trong lòng em vô cùng bất an và trí thì miên man nghĩ ngợi đến ông ta, em thấy rõ lòng mình thật ấm áp khi hình ảnh của ông ta hiện lên trong đầu.
Ban đầu, em lo sợ em sẽ rơi vào bẫy của một người đàn ông từng trải. Nhưng bây giờ, em lại sợ chính bản thân mình. Em sợ là em sắp sửa đi vào con đường đau khổ. Vì hơn ai hết, em biết chuyện này là không có kết cục tốt. Nhưng ra vào gặp mặt nhau mỗi ngày khiến em không sao bình an được. Em thấy mỗi lần vào sở sao em không được tự nhiên, làm cái gì cũng nhấp nha nhấp nhổm, đầu óc thì không tập trung vào công việc, làm trước quên sau, nói cười cũng giữ ý giữ tứ, lúc nào cũng cảm thấy như bị theo dõi.
Như vậy là em đang thế nào vậy cô? Có phải là em đang yêu hay em bị ám ảnh vì sợ cái kết? Em chẳng biết mình đang làm sao nữa, em chẳng dám hỏi mẹ hay các chị vì sợ mình lố bịch. Giờ em phải làm sao đây cô Nguyệt Nga ơi! (Diễm Nga)
GÓP Ý
-Tina
Tại sao em bất an rồi lo sợ? Chị thấy người quản lý của em đâu có gì khuất tất, ai cũng biết anh ấy có con và đã ly hôn. Em đã từ chối rồi thì có gì đâu mà sợ rơi vào bẫy của người đàn ông từng trải (mà cái này cũng chỉ là em “nghĩ” thôi chứ chắc gì manager của em đang giăng bẫy em!)
Thời đại này, nếu em không yêu thì không ai bắt em phải yêu cả. Nếu như em biết, mà “biết hơn ai hết,” em sắp sửa đi vào con đường đau khổ, thì cách hay nhất là em quẹo sang đường khác.
-Thảo Mi
Bạn Diễm Nga ơi! Mình ghen với bạn đó. Trái lại với bạn, sở mình toàn là ông… già, còn nếu không già thì đã vợ con đùm đề. Mình đang mong vị thế của bạn, chung quanh có bao người theo đuổi mà còn theo đuổi ráo riết, thích nhỉ! Hãy biết ơn bọn họ đi Nga! Bạn than bạn sống khổ quá! Bạn ơi hãy tưởng tượng mình trẻ trung xinh đẹp như vậy mà không có ai theo đuổi thì đau khổ sẽ gấp ngàn lần chứ chẳng chơi.
Một chàng manager đang gà trống nuôi con cùng một đống trai trẻ đang chạy đua, mà bạn lại sợ cái đích. Vui kể gì?! Đời sống ý nghĩa kể gì?!
-Trữ La
Em đã yêu quá rồi còn gì! Bao tâm trí của em lẩn quẩn quanh con người ấy, không tập trung vào công việc, lúc nào hình bóng của người ấy cũng đâu đó trong đầu của em. Mà chị cũng không hiểu lý do gì khiến em chắc chắn là, “em sợ là em sắp sửa đi vào con đường đau khổ. Vì hơn ai hết, em biết chuyện này là không có kết cục tốt.” Biết bao người lấy người đã ly hôn, đó là chưa kể biết bao người đã sống rất hạnh phúc, khi cả hai bên đều từng có vợ có chồng, có con anh con em con chúng ta.
(*) Thơ Nguyễn Bính
VẤN ĐỀ MỚI
Thưa cô Nguyệt Nga, tôi đang rất muốn kiện bác sĩ gia đình của con gái tôi.
Năm nay con tôi 17 tuổi. Cháu học online ở nhà từ ngày bắt đầu dịch bệnh. Sau vài tháng học ở nhà, cháu cảm thấy người yếu dần đi, nhất là tay chân, ăn uống không ngon miệng, sau đó da bắt đầu khô, sần sùi và lở loét nhẹ một vài nơi. Tôi nghĩ có lẽ do cháu ít hoạt động, không ra ngoài nên như vậy. Nhưng dường như càng ngày tình trạng cháu nặng hơn.
Tôi cho cháu đến bác sĩ gia đình. Sau khi coi, bác sĩ nói con tôi bị khô da và cho thuốc xức, nhưng thuốc vẫn không giúp ích gì cho cháu. Càng ngày cháu càng tệ hơn, cháu nói đau nhức trong xương, đến khám lần nữa thì ông cho thuốc giảm đau. Lần này về cháu thấy khá lên, không than đau nữa, vợ chồng tôi cũng yên tâm. Nhưng chỉ một vài ngày cháu lại than đau như cũ, chỉ bớt khi uống thuốc, da càng ngày càng lở loét hơn, và xuống cân từng ngày.
Tôi thấy không xong nên đưa cháu vào bệnh viện. Qua nhiều xét nghiệm, bệnh viện xác định cháu bị ung thư thời kỳ cuối. Mặc dù các bác sĩ ở bệnh viện đã hết lòng cứu chữa nhưng cháu không qua khỏi.
Suốt thời gian cháu nằm viện, người bác sĩ gia đình không hề đến. Nhiều người bạn trách chúng tôi tại sao chọn một người không có bằng tốt nghiệp tại Mỹ chỉ trải qua một cái test gì đó để làm bác sĩ gia đình. Đấy là lý do tại sao ông không thể vào bệnh viện nơi con tôi nằm để cùng với các bác sĩ khác trong bệnh viện bàn bạc phương cách cứu chữa.
Thật ra khi con mất, tôi không hề có ý đổ tội cho ông bác sĩ gia đình, nhưng nhiều bạn bè nói với chúng tôi nên kiện ông ta, không phải vì đòi đền bù gì, mà để cảnh cáo ông ta và gióng lên một tiếng chuông cho cộng đồng biết rằng phải tìm hiểu và cẩn thận khi chọn bác sĩ gia đình vì người bác sĩ gia đình rất quan trọng. Họ chính là người biết phải làm gì khi bệnh mới phát sinh và họ biết phải chuyển tiếp bệnh nhân đến đâu để chữa trị. Nếu họ chậm trễ sẽ khiến bệnh nhân mất cơ hội được chữa trị sớm. Trường hợp con tôi, nếu bác sĩ gia đình giỏi, ông ta đã không cho thuốc xức, hay thuốc giảm đau, trong khi con tôi bị ung thư thời kỳ cuối!
Thưa cô, con đã mất, chúng tôi có làm gì thì cũng không có lại cháu, tôi muốn buông xuôi mọi thứ, nhưng có những đêm ngủ không được vì nhớ cháu, vì lòng ân hận, rồi lòng căm hờn người bác sĩ lên cao độ. Tôi muốn ông ta phải trả giá cho việc làm tắc trách của mình. Tôi muốn mọi người phải biết ông ta là ai để tránh. Tôi bị dày vò giữa buông xuôi và quậy lên. (Hồng)
*****
“Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, với những chia sẻ ưu tư và vướng mắc liên quan các vấn đề trong cuộc sống mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Mọi liên lạc xin gửi đến hộp thư: [email protected].
Phần góp ý của độc giả về câu chuyện ở trên sẽ được đăng ở kỳ tiếp theo. Kính mời độc giả tham gia.