Đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, quốc gia Trung Á Kazakhstan là một quân cờ domino quá lớn để có thể sụp đổ! Khi một loạt các cuộc đàm phán cấp cao giữa Mỹ, các đồng minh châu Âu và Nga kết thúc mà không thu được kết quả cụ thể nào, lực lượng quân sự đông đảo của Nga tập trung ở biên giới với Ukraine trong tư thế “sẵn sàng chiến đấu” sẽ vẫn là mối bận tâm hàng đầu của các nhà ngoại giao phương Tây trong thời gian dài nữa sau khi họ quay trở về điểm xuất phát trong cuộc chiến ngoại giao.
Những quân cờ domino Putin
Khoảng 100,000 binh sĩ Nga đóng quân gần Ukraine đang tạo thành “cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất” trong nhiều năm qua đối với châu Âu và Mỹ. Quay sang Kazakhstan, Putin xem cuộc đàn áp tàn bạo trong tháng này của Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev là cơ hội để nhắc nhở những người biểu tình: Cách mạng dù dưới bất cứ hình thức nào cũng sẽ không bao giờ được phép lan rộng đến những khu vực giáp giới Nga.
Bằng cách đưa quân đội liên minh do Nga dẫn đầu đến giúp dập tắt bất ổn, các quốc gia manh nha nổi dậy sẽ tiếp tục nằm trong vòng cương tỏa của Putin. Giọng điệu cứng rắn mang tính thách thức của Putin và lộ trình triển khai quân sự không hề che giấu đã để lộ ý đồ của ông ta: Giành lại quyền kiểm soát đối với một vùng rộng lớn của Liên Xô cũ – thậm chí đẩy lùi sự hiện diện của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trở về thời kỳ Chiến tranh Lạnh, tức là nằm ngoài ranh giới Liên Xô cũ.
Thật vậy, trong cuộc hội đàm giữa NATO và Nga ở Brussels tuần trước, trưởng đoàn đàm phán Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman, xác nhận là Moscow không hề đưa ra cam kết nào về việc hạ nhiệt ở biên giới Ukraine và vẫn giành cho mình thế chủ động khi cần. Chiến thuật đàm phán của Mỹ thể hiện mong muốn của chính quyền Biden là không để vấn đề Ukraine làm sao nhãng chiến lược xoay trục sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và làm hỏng quan hệ sẽ tốt lên với Trung Quốc. Nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng, khi những đe dọa về các biện pháp trừng phạt mới “mạnh mẽ chưa từng thấy” vẫn không ngăn cản được chủ nghĩa phiêu lưu của Putin ở châu Âu, thì “bộ công cụ đàm phán” của phương Tây xem như không có giá trị và quá trình xoay trục sẽ bị chậm lại. Mỹ không thể nhẹ tay ở châu Âu khi châu lục này chưa đủ sức tự bảo vệ mình trước hành động hung hãn của Nga.
Nhưng cái giá phải trả cho toan tính của Putin cũng không hề rẻ! Trong chưa đầy hai năm, Nga đã phải vất vả đối phó với hai cuộc nổi dậy bất ngờ ngay trước cửa nhà mình: Một ở Belarus và một ở Kazakhstan. Nhưng theo quan điểm của Điện Kremlin, Kazakhstan, nước lớn nhất trong các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á, là một “quân cờ domino” quá quan trọng để có thể bị sụp đổ. Cho phép Kazakhstan tiến xa hơn vào quỹ đạo phía Tây (ví dụ, cho tổ chức bầu cử dân chủ kiểu phương Tây hoặc xoa dịu bất mãn của công chúng bằng nhiều quyền tự do chính trị hơn) sẽ là một đòn giáng mạnh vào niềm tự hào của người Nga và cho thấy Moscow đã phải thả lỏng một khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên thu hút hàng tỷ đôla đầu tư từ Mỹ và Trung Quốc.
Kazakhstan có trữ lượng dầu lớn thứ 12 thế giới, thứ 14 về khí đốt và năm 2019 sản xuất gần phân nửa uranium của thế giới (theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới-World Nuclear Association). Nga không bao giờ muốn bất cứ cuộc “cách mạng màu” nào phát triển và truyền cảm hứng cho các phong trào phản đối ngay tại Nga và các nước cộng hòa từng thuộc Liên Xô khác. Nguyên nhân bất ổn gần đây ở Kazakhstan không phải do khủng bố mà là do giá nhiên liệu tăng quá cao và sự thất vọng của người dân với mọi thứ, từ thất nghiệp, lạm phát đến tham nhũng. Ông Edward Lemon, Chủ tịch Hiệp hội Oxus về các vấn đề Trung Á (Oxus Society for Central Asian Affairs), nhận định: “Những cuộc biểu tình là phản ánh sự tức giận một chính phủ tham nhũng, độc tài và bất bình đẳng xã hội”.
Cuộc đàn áp nhờ sự chống lưng của Nga đã làm ít nhất 164 người chết và hàng nghìn người bị bắt. Đúng như dự đoán, chiến thuật dã man từng được sử dụng cho cuộc nổi dậy ở Belarus đã được sử dụng lại ở Kazakhstan, và kèm theo nó là “cơn lốc” các thông tin sai lệch, đổ lỗi cho khủng bố nước ngoài “vô danh”, kiểm soát tuyệt đối truyền thông xã hội (kể cả ứng dụng WeChat phổ biến của Trung Quốc) đồng thời đưa ra “củ cà rốt đối thoại xây dựng”.
Hôm nay, 19 Tháng Một 2022, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đang có chuyến công du Ukraine, gặp Tổng thống nước này Volodymyr Zelenskyy, với những cam kết hỗ trợ chiến lược lẫn quân sự. Sau cuộc gặp với Zelenskyy, Blinken dự kiến đến Berlin để gặp các đồng minh Đức và châu Âu. Ông Blinken sẽ gặp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại Geneva vào Thứ Sáu 21 Tháng Một 2022. Trước chuyến đi của Ngoại trưởng Blinken đến Kyiv (Ukraine), Giám đốc CIA William Burns cũng đã đến đây để xem xét tình hình. |
Trung Quốc thừa nước đục thả câu
Nhưng một điều quan trọng nữa là phần còn lại của thế giới, đặc biệt Trung Quốc, đã học được gì từ màn “diễu võ dương oai” của Nga vừa qua? Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang quan sát kỹ để xem phương Tây phản ứng đến đâu trước thách thức của Nga, và gần như chắc chắn ông ta sẽ áp dụng “bài học rút ra được” để giải quyết vấn đề Đài Loan và các lãnh thổ nằm trong tầm ngắm khác. Cuộc phiêu lưu của Putin với hòa bình khu vực sẽ dẫn đến cuộc phiêu lưu của Tập Cận Bình tại Đông Á và Đông Nam Á.
Việc Nga tham gia các cuộc họp ngoại giao cấp cao với phương Tây trong tư thế “đe dọa”, “nổi giận” và thề “nếu cần sẽ hành động mạnh mẽ để loại bỏ các mối đe dọa không thể chấp nhận được đối với an ninh quốc gia” chắc chắn sẽ nhận được sự đồng cảm của Bắc Kinh. Giờ đây, khi Bắc Kinh và Moscow tăng cường phối hợp chính sách đối ngoại, việc Trung Quốc áp dụng bài học “nắn gân phương Tây” của Putin là hoàn toàn hiểu được. Đối với một Trung Quốc chỉ chờ cơ hội thống nhất với Đài Loan (hòn đảo ly khai được Mỹ bảo đảm an ninh) và thích tự đưa ra các yêu sách phi lý về lãnh thổ ở Biển Đông, thì việc quan sát chặt chẽ cuộc đối đầu Nga-phương Tây về Ukraine và “giới hạn lằn ranh đỏ phương Tây” là rất quan trọng.
Trong khi Kazakhstan được các nhà phân tích xem là “quân cờ domino chao đảo mới” trên bàn cờ an ninh khu vực của Putin, quốc gia này cũng đã trở thành phần quan trọng trong chiến lược địa chính trị của Trung Quốc về độc lập năng lượng. Tình trạng bất ổn ở đó sẽ là nguy cơ trực tiếp đối với Bắc Kinh. Hiện các công ty có quan hệ với chính phủ Trung Quốc đã đầu tư khoảng $26 tỷ vào Kazakhstan, trong đó có một đường ống dẫn dầu đi qua biên giới Trung Quốc-Kazakhstan dài 1,100 dặm.
Năm 2017, Kazakhstan cũng nhận hàng tỷ đôla từ Sáng kiến Vành đai và Con đường (Belt and Road Initiative) của Trung Quốc và là nước nhận nhiều tiền nhất. Các lợi ích kinh tế của Trung Quốc ở Kazakhstan có thể khiến các nhà ngoại giao phương Tây hy vọng Bắc Kinh đang áp lực Điện Kremlin kiềm chế để duy trì ổn định, dù Trung Quốc ủng hộ các lực lượng do Nga dẫn đầu đến Kazakhstan để dẹp nổi dậy. Trong khi đó, Mỹ, với tư cách là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Kazakhstan trong ba thập niên quan hệ song phương tốt đẹp, nay đang phải đối phó với nhóm quan chức thân Nga mới hình thành xung quanh Tokayev. Trong khi Mỹ có thể chất vấn nước chủ nhà về lý do đàn áp quyền tự do ngôn luận và tạo ra một môi trường đầu tư độc hại thì Mỹ cũng hiểu rất rõ, các quốc gia bị cáo buộc vi phạm nhân quyền như Trung Quốc, sẽ đang chờ bất kỳ khoảng trống kinh doanh nào Mỹ để lại nếu Mỹ phải rút đi hay bị hủy hợp đồng.