Hoa Kỳ – Trung Quốc thi nhau “giễu võ dương oai” vì Đài Loan

Hàng chục máy bay chiến đấu của Trung Quốc vừa bay gần Đài Loan sau khi Mỹ-Nhật thể hiện sức mạnh hải quân. Nhưng ý đồ của hai bên là gì? Và một chiến dịch xâm lược Đài Loan sẽ diễn ra nếu Nga đưa quân vào Ukraine?

Mỹ-Nhật giễu võ

Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết Trung Quốc đã đưa 39 máy bay chiến đấu vào Vùng Nhận diện Phòng không (ADIZ) của Đài Loan hôm Chủ Nhật, và đây là cuộc “giễu võ dương oai” lớn nhất trong năm nay.

Các chuyến bay của máy bay Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) được thực hiện một ngày sau khi Hải quân Mỹ và Nhật Bản tiến hành cuộc phô trương lực lượng lớn ở Biển Philippines, gồm hai tàu sân bay Hải quân Mỹ, hai tàu tấn công đổ bộ Mỹ và một khu trục hạm trực thăng Nhật (thật ra là một tàu sân bay cỡ nhỏ). Hai tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường và năm khu trục hạm của Mỹ cũng tham gia tập trận.

Biển Philippines là khu vực Thái Bình Dương nằm ở phía Đông Đài Loan, tiếp giáp hai vùng lãnh thổ của Mỹ là đảo Guam và Quần đảo Bắc Mariana (Northern Mariana Islands). Hải quân Mỹ không cho biết cuộc tập trận gần Đài Loan đến đâu. “Tự do đang chứng minh sức mạnh! Không có gì tái khẳng định cam kết của chúng tôi đối với #FreeandOpenIndoPacific bằng việc gửi hai Nhóm tấn công tàu sân bay (Carrier Strike Groups), hai Nhóm sẵn sàng đổ bộ (Amphibious Ready Groups) đi cùng những người bạn thân từ Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (Japan Maritime Self Defense Force)” – Phó đô đốc Karl Thomas, Chỉ huy Hạm đội 7 Mỹ có trụ sở tại Nhật Bản phát biểu trên Twitter.

Hải quân Mỹ cũng ra tuyên bố xác nhận “Một khối lượng lớn tàu chiến đã tiến hành đợt huấn luyện để gìn giữ và bảo vệ nguyên tắc hàng hải tự do và rộng mở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Trung Quốc dương oai

Đài Loan và Trung Quốc đại lục có hai chế độ riêng biệt kể từ khi những người theo chủ nghĩa Quốc gia thuộc Quốc Dân Đảng bại trận phải rút đến đảo vào cuối cuộc nội chiến Trung Hoa cách nay 70 năm. Nhưng Đảng Cộng sản cầm quyền tại đại lục vẫn xem hòn đảo tự trị này là một phần lãnh thổ của mình dù chưa bao giờ kiểm soát nó.

Bắc Kinh không loại trừ khả năng dùng lực lượng quân sự chiếm Đài Loan và đã gây áp lực mạnh hơn lên hòn đảo trong vài năm trở lại đây bằng các đợt xuất kích thường xuyên của máy bay chiến đấu vào Vùng Nhận diện Phòng không (ADIZ) của Đài Loan (Cục Hàng không Liên bang Mỹ định nghĩa ADIZ là một khu vực không phận trên đất liền hoặc vùng nước trong đó quốc gia quản lý yêu cầu nhận diện, vị trí và kiểm soát không lưu đối với tất cả máy bay đi qua vì lợi ích an ninh quốc gia của quốc gia đó).

Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, đợt “dương oai” hôm Chủ Nhật 23 Tháng Một của Trung Quốc được thực hiện bởi 24 máy bay chiến đấu J-16, 10 máy bay chiến đấu J-10, hai máy bay vận tải Y-9, hai máy bay cảnh báo chống ngầm Y-8 và một máy bay ném bom H-6 có thể mang vũ khí hạt nhân.

Đáp lại, quân đội Đài Loan đã phát đi các cảnh báo vô tuyến và kích hoạt các hệ thống tên lửa phòng không để giám sát hoạt động khiêu khích. Cuộc “nắn gân” ngày Chủ Nhật có số lượng máy bay chiến đấu Trung Quốc vào ADIZ của Đài Loan cao nhất một ngày trong năm nay nhưng vẫn thua xa ngày 4 Tháng Mười năm ngoái, khi 56 máy bay quân sự Trung Quốc bay vào khu vực.

Gây hoang mang cho dân chúng Đài Loan

Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nhận định: “Trong khi màn thị uy của Trung Quốc vào Chủ Nhật có thể là phản ứng đối với sự hiện diện hải quân lớn của Tokyo và Washington trong khu vực, nhưng không nghi ngờ gì nữa, màn thị uy là một phần trong chiến dịch rộng lớn của Bắc Kinh nhằm làm xói mòn ý chí chiến đấu và kiên trì kháng cự của Đài Loan”.

Ông chỉ ra vụ tai nạn gần đây của một chiếc F-16V (một trong những máy bay chiến đấu tốt nhất của Đài Loan) và các tổn thất khác mà lực lượng Không quân của hòn đảo này phải gánh chịu để đối phó với các cuộc xâm nhập dai dẳng của PLA vào khu vực phòng thủ của Đài Loan. Koh nói: “Một số chính trị gia và sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu từng đặt vấn đề về khả năng sẵn sàng chiến đấu của Đài Loan khi thiếu phi công và huấn luyện không đầy đủ trước áp lực tác chiến ngày càng do các máy bay Trung Quốc gây ra”.

Vụ tai nạn F-16V và những tuyên bố kiểu “bàn lùi” như thế đã gây hoang mang trong công chúng về khả năng hòn đảo có thể tự bảo vệ mình trước các hành động khiêu khích quân sự lặp lại ngày càng dày và qui mô hơn, đặc biệt là khi Bắc Kinh tuyên bố “sẽ tiếp tục xâm nhập”. Koh kết luận: “Đợt xâm nhập mới nhất, dù rõ ràng là nhằm vào cuộc phô diễn Mỹ-Nhật ở Biển Phillipines, nhưng chắc chắn nó sẽ tác động không nhỏ đến cuộc tranh luận tại Đài Loan về khả năng tự bảo vệ.

Mỹ không thể bỏ rơi đồng minh

Carl Schuster, cựu Giám đốc hoạt động tại Trung tâm tình báo chung của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, cũng tin rằng “Trung Quốc đang cố làm cho Đài Loan mất cân bằng và mệt mỏi (giống như một vận động viên quần vợt cố đẩy đối thủ vào thế phải đuổi theo những cú trả bóng. Đối thủ càng yếu, càng mau mệt) bằng cách gửi nhiều máy bay hướng đến Đài Loan từ cả các căn cứ nằm sâu trong đất liền”.

Ông nhấn mạnh: “Cuộc tập trận Hải quân Mỹ-Nhật vừa qua là một thông điệp mạnh mẽ gửi tới Trung Quốc không chỉ về Đài Loan, mà còn về các kiểu hành xử ‘nước lớn’ của Bắc Kinh ở Biển Đông và gần quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát (Trung Quốc gọi là Diaoyus) bên cạnh các tuyên bố lập đi lập lại ‘Đài Loan (và các lãnh thổ đang tranh chấp khác) là một phần lãnh thổ có chủ quyền của Trung Quốc’.

Cuộc tập trận hải quân Mỹ-Nhật năm nay đã được báo trước về vị trí nên không nhằm khiêu khích ai. Hơn nữa, Biển Philippines nằm bên ngoài ‘cái gọi là’ chuỗi đảo thứ nhất và vùng biển bên trong nó (phần lớn đã bị Trung Quốc chiếm và tự tuyên bố chủ quyền), vì vậy cuộc tập trận Hải quân Mỹ-Nhật tại Biển Philippines không thể xem là mối đe dọa đối với lục địa Trung Quốc”. Mùa Thu năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản nói quần đảo Senkaku nằm gần Đài Loan hơn so với Nhật nên các tàu Trung Quốc thường xuyên neo đậu cách đó không xa trong nhiều tháng liền.

Mỹ cho biết Senkaku được bảo vệ trong Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Nhật (hiệp ước buộc Washington phải bảo vệ quần đảo này giống như bất kỳ phần nào khác trên lãnh thổ Nhật Bản). Nhiều nhà quan sát quốc tế tin rằng việc Trung Quốc chiếm Đài Loan có thể diễn ra nếu Nga chiếm miền Đông Ukraine mà không gặp phản ứng quân sự đáng kể nào của phương Tây.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: