Cách đây vài năm, tôi được bạn tặng cho cây hoa sơn trà. Tôi yêu tất cả loài hoa trên thế gian này, miễn là hoa. Không phân biệt hoa dại, hoa thôn dã, hoa mọc bờ ao, bãi cạn, ghềnh đá, dọc bìa rừng hay hoa quí tộc, vương giả, thanh tao, yểu điệu, mặn mà. Kể cả hoa chỉ có sắc mà không hương, tôi cũng yêu. Vì đã là hoa thì hoa nào cũng có nét đẹp xinh, duyên dáng của mỗi loài. Giống như người con gái, mỗi người mỗi vẻ, mười phân vẹn mười.
Những ai yêu văn chương Pháp chắc chắn đều có đọc qua La Dame aux Camélias (Trà Hoa Nữ) của nhà văn Alexandre Dumas-con. Chính tác phẩm này đã đưa tên tuổi ông sáng chói lẫy lừng không thua gì Alexandre Dumas-cha, đại văn hào của Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ, của Bá Tước Monte Cristo… Tôi giả thiết có thể một phần cũng nhờ tác phẩm này mà hoa trà được tôn vinh lên chăng?
Trong truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du có câu:
Chim hôm thoi thóp về rừng
Đóa trà mi đã ngậm trăng nửa vành
… Tiếc thay một đóa trà mi
Con ong đã tỏ đường đi lối về
Trong Cung Oán Ngâm Khúc của Đặng Trần Côn, có câu:
Cái đêm hôm ấy đêm gì
Bóng dương lồng bóng trà mi trập trùng
A, thì ra hoa còn có cái tên đẹp mỹ miều là trà mi. Tôi có đọc một bài viết mà tác giả cho rằng hoa trà mi và mẫu đơn là một. Tôi không rành lắm, nhưng theo thiển ý, chỉ biết hoa trà trong tiếng Pháp gọi là camélia; mẫu đơn gọi là pivoine; thược dược gọi là dahlia. Tôi thích gọi hoa này là Trà Hoa Nữ. Vì câu chuyện tình bi thương của nhà văn Pháp đã để lại một ấn tượng quá sâu đậm trong tâm hồn khi tôi đọc nó vào năm 16, 17 tuổi. Cái tuổi bắt đầu mộng mơ, dệt gấm thêu hoa, nhìn đâu cũng thấy màu hồng tươi sáng, và con đường tương lai thì rộng mở đón chào. Tôi là người lạc-quan-ngây-thơ – hay ngây ngô – thích đọc những câu chuyện kết thúc có hậu như trong cổ tích, chẳng hạn truyện Nàng Út Rẫy Dưa, Cô Gái Lọ Lem, Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn…
Thời gian này tôi không dám đọc những quyển tiểu thuyết hay cuốn phim nào báo trước kết cuộc buồn thảm. Nhất là các hồi ký đẫm máu về chiến tranh với cảnh tàn sát, tù tội, hành hạ… vì sợ khơi gợi cái hình ảnh kinh hoàng tuyệt vọng mà bản thân và gia đình đã trải qua. Tôi chỉ mong được bình yên thanh tịnh tâm hồn để đi nốt quãng đường đời hãy còn xa mới tới điểm tận cùng của nó. Với bản tính mong manh dễ thương tổn như thế, nên hồi đó câu truyện Trà Hoa Nữ đã ám ảnh tôi lâu lắm. Cũng như tất cả những câu chuyện tình buồn mà tôi đã đọc như: Romeo và Juliette, Tristant và Iseut (tức Cánh buồm đỏ thắm), Love Story, Nàng Tiên Cá…
Tiểu thuyết Trà Hoa Nữ kể về mối tình ngang trái của cô kỹ nữ nổi tiếng về sắc đẹp yêu kiều Marguerite Gaultier – người rất yêu thích hoa trà, thường cài hoa lên ve áo: Màu trắng mỗi khi nàng sẵn sàng tiếp khách, màu đỏ mỗi khi trong người khó ở. Cô được bao nhiêu đàn ông giàu sang danh vọng say mê tình nguyện bảo bọc nhưng cô chỉ yêu anh sinh viên chưa có nghề nghiệp tuy cũng xuất thân con nhà quyền quí Armand Duval.
Dù bị gia đình ngăn cấm, chàng vẫn nhất quyết muốn cưới nàng. Nhưng cha của Armand biết đánh vào yếu điểm của nàng kỹ nữ bằng cách kêu gọi sự hy sinh và lòng cao thượng. Nêu lý do nếu chàng cưới nàng làm vợ thì giới quí tộc sẽ ruồng bỏ, khinh rẻ; đường công danh sự nghiệp sẽ tiêu ra mây khói. Còn em gái của chàng sẽ trở thành một cô gái già không bao giờ được ai ngó ngàng tới. Marguerite, tuy là kỹ nữ nhưng lại có một trái tim vàng, một tấm lòng cao thượng, vị tha, đã từ bỏ hạnh phúc riêng cho người yêu và em gái của chàng bằng cách giả vờ nói là trước giờ chỉ lừa dối chàng, cốt để khiến chàng tưởng thật mà xa lánh trong hận thù khinh miệt.
Chàng tưởng bị nàng lừa dối nên từ tình yêu đổi thành thù hận. Cho đến một ngày, nàng ngã bịnh lìa trần. Chàng hiểu ra sự thật thì than ôi…, nàng đã nằm yên trong lòng đất lạnh. Câu chuyện này đã lấy của tôi không biết bao nhiêu nước mắt, như mỗi lần tôi đọc về một câu chuyện buồn, dù là thật hay giả tưởng. Có phải dựa vào câu chuyện này mà người ta đặt cho ý nghĩa của hoa trà mi là tượng trưng cho sự trường cửu, lòng trung thành và hạnh phúc không?
Cây trà mi đến nhà tôi ngẫu nhiên do bạn tặng, coi như là nhân duyên của chúng tôi vậy – theo thuyết Phật giáo thì mọi sự gặp gỡ đều do nhân duyên đưa đẩy. Lúc đầu nó có rất nhiều nụ và hoa, nhưng có lẽ vì thay đổi môi trường hay vì chưa quen với chúng tôi nên sau khi đã nở hết đợt hoa thì cô nàng nín thinh, trốn mất biệt dù tôi có tưới tắm, chăm chút, trò chuyện với nó mỗi ngày, nó cũng phớt lờ tôi. Chỉ có lá non là mọc nhiều, nhanh đến nỗi tôi phải xén bớt mấy lần.
Tôi vốn được khen có bàn tay xanh, tức giỏi trồng cây. Thật vậy, mấy chục gốc phong lan nhà tôi nở hết đợt này đến đợt khác. Đặc biệt có hai cây, nhánh ra ít nhất cũng 50, 60 đóa và thời gian kéo dài kỷ lục 18 tháng. Tôi nhớ rõ, vì tôi có ghi chú ngày nở hoa cho mỗi gốc. Các nàng hưởng được đến hai lần Giáng sinh. Thật ra tôi không có bí quyết gì hết, chẳng qua gặp may. Mỗi sáng sau khi chào hỏi chồng, tôi chỉ việc đi một lượt thăm nom, xăm xoi tỉa bớt lá, chiêm ngưỡng nét đẹp diễm lệ, thanh lịch của các nàng. Sau đó mới chuẩn bị thuốc men cho chồng, rồi cùng ăn sáng với anh.
Tôi nghe nói cây cỏ cũng có cảm xúc như động vật. Nếu ta chăm sóc yêu thương thì chúng sẽ tươi tốt, sống lâu. Còn nếu ta ruồng bỏ hoặc thờ ơ thì chúng sẽ mau tàn lụi, héo khô. Tôi có đọc vài bài nghiên cứu nói về chuyện này, rằng: Người có tâm thiện, lòng yêu cây cỏ thì khi lại gần, chúng sẽ vươn lá hoa lên tỏ dấu hiệu chào đón vui mừng. Ngược lại, người ác lại gần thì chúng cụp lá xuống như sợ sệt trốn lánh. Có thật không? Tôi không biết. Nhưng chính bản thân tôi đã vài lần chứng kiến chuyện này mà không lý giải được vì sao!
Một lần cách nay vài chục năm, khi căn nhà chúng tôi sinh sống bình yên bị đổi chủ bất đắc dĩ, thì toàn bộ cây trồng trước sân, bên hông, đằng sau đều rủ nhau chết hết. Từ cây dừa, cây lý, cây xoài, ổi, cội mai năm cánh, mai chiếu thủy, cụm chuối cho đến hàng rào dâm bụt, dây tơ hồng, hoa huệ trắng, huệ đỏ, hoa mười giờ, hoa đồng tiền, móng tay. Thậm chí bụi sả, bụi rau, gừng, giậu mồng tơi… cũng cùng kéo nhau bỏ đất về trời chứ nhất định không ở lại với chủ mới, như thể cùng đau với nỗi đau với chúng tôi nên thà chết chứ không chấp nhận cảnh chia lìa.
Trở lại với các nàng ladies Trà Mi của tôi. Sau khi đã nở hết nụ thì các nàng trốn kỹ, chỉ mọc toàn lá. Tôi biết là cây ra hoa từ khoảng Tháng Mười Một cho đến hết Tháng Năm. Dọc theo kẽ lá có nhú ra vài chấm tròn bé tí, từ lúc bằng đầu cây viết bic cho đến lớn bằng giọt nước, và rồi cứ vậy luôn, không nhúc nhích nữa. Ngày nào tôi cũng lại gần, nhìn ngắm, dỗ dành, ước ao các nàng ăn mau chóng lớn, thế mà hơn một năm qua đi cũng chẳng thấy kết quả gì. Các nàng vẫn cứ nhỏ tí xíu như giọt nước.
Lòng kiên nhẫn cũng có giới hạn. Tôi tức quá nói với Gaston là sẽ đem cho hoặc vứt vào thùng rác, ai biểu lỳ quá. Chồng tôi lại gần nàng, nói vài câu an ủi: Cây đang tươi tốt, có nụ mà em đem bỏ thì tội, thôi chờ thêm thời gian nữa xem sao. Tôi ghét không thèm nhìn nó mỗi ngày nữa, mà dành thời gian chăm sóc mấy cành phong lan thướt tha vương giả thôi. Lâu lâu tưới cho ít nước là may rồi.
Có lẽ lời hăm dọa tác dụng hay sao đó, một hôm tôi giật mình thấy mấy cái nụ giờ đã lớn bằng đầu ngón tay! A, thì ra các nàng đỏng đảnh này cũng biết sợ đây. Hay là các nàng có cảm tình với chồng tôi, muốn anh phải ngó ngàng đến các nàng? Nhưng vì là tôi chăm sóc nên ghen mà không chịu nở hoa? Bây giờ nghe chồng tôi về phe với tôi nên biết thân mà vâng lời, nếu không thì sẽ bị tống ra khỏi cửa không được ở gần chồng tôi nữa?!
Nói đùa cho vui chứ tôi mà ghen với cả loài hoa thì hết ý kiến. Rồi lần lượt các nàng hé nở. Ban đầu e ấp trinh nguyên, màu hồng hồng rất dễ thương như đôi má các cô gái xuân thì; sau chuyển sang màu trắng. Loại hoa này có nhiều màu: Trắng, hồng, đỏ, tím. Các nàng của tôi có màu trắng. Chỉ tiếc cuộc đời quá ngắn ngủi, chỉ khoảng một tuần là tàn úa. Chả bù cho hoa hồng hay phong lan. Từ đó về sau, các nàng ngoan ngoãn nở hoa, tuy không nhiều nhưng đều đặn.
Bất cứ ai vào nhà tôi, điều đầu tiên họ nhận ra ngay là bầu không khí ấm cúng, ánh sáng ngập tràn. Mùa Đông cũng như mùa Hè không hề lạnh lẽo. Một nơi chốn của tình yêu và hạnh phúc, của bình yên và tiếng cười. Lúc đó bạn hỏi tôi có còn ao ước điều gì nữa không, tôi đã trả lời là tôi ước sao cuộc sống của chúng tôi mãi mãi như thế, đừng thay đổi gì hết. Nhưng cuộc đời không giống như một quyển sách mà chúng ta có thể viết theo ý muốn. Có một câu tôi đọc được rất chí lý là:
Chúng ta sống để chết. Chúng ta chết để sống trong cõi vĩnh hằng.
Chồng tôi đột ngột bỏ tôi mà đi. Đến bây giờ tôi vẫn chưa chấp nhận được ý tưởng là mãi mãi dưới trần thế này tôi chỉ còn hội ngộ với anh bằng tâm tưởng chứ không còn bằng con người xương thịt thật sự nữa. Anh đã chết theo ý nghĩa ở dương gian nhưng sống trong cõi vĩnh hằng. Một ngày nào đó, tôi cũng sẽ gặp lại anh nơi cõi ấy. Cây Trà Hoa Nữ từ hôm anh ra đi thì cũng héo tàn rồi chết theo anh. Tôi làm mọi cách để níu kéo nó ở lại. Vô ích.
Lần lượt mấy chục chậu phong lan cũng nối đuôi nhau mà đi. Chính tôi là người chăm sóc chúng. Có lẽ chúng cảm nhận là tôi không còn thiết tha gì đến nên chúng cũng buồn mà thoát tục chăng? Số còn sống sót thì tàn tạ, héo úa không ra hoa nữa. Có phải chúng hiểu được tâm trạng của tôi? Có phải chúng chia sẻ được nỗi buồn của tôi? Tôi không biết. Nhưng tôi biết chắc rằng trái tim tôi từ đó cũng đã héo úa như những đóa trà mi. Nó không bao giờ có thể tươi đẹp như những ngày tôi cùng anh ngồi nhìn ngắm những đóa hoa trắng trong niềm hạnh phúc trong vắt vô ngần.