Đà Nẵng được mệnh danh là thành phố của những cây cầu, trong đó có cây cầu được xem là già lão nhất nhì của xứ này từng mang tên Nguyễn Hoàng. Đây là cây cầu độc đáo hiếm gặp với lối kiến trúc đặc trưng riêng.
Có thể nói, người Đà Nẵng luôn gắn bó với các cây cầu. Vị trí địa lý tự nhiên với con sông Hàn chia đôi thành phố đã khiến những cây cầu hiện tại hay ký ức là những kỷ niệm khó quên đối với người dân thành phố. Bây giờ, khi xe bon bon qua các cây cầu nối hai bờ thành phố, mấy ai còn nhớ thuở đò giang cách trở, cả thành phố có mỗi một cây cầu để “gái quận 3” qua làm “bà già quận 1” (cách nói vui ví von “con gái quận 3 không bằng bà già quận 1” ám chỉ một cách hình tượng sự cách biệt giữa hai quận của thành phố dù chỉ cách nhau một dòng sông).
Cây cầu độc đáo của miền Trung
Cầu Trịnh Minh Thế ra đời trước nhưng bị phá dỡ hoàn toàn để xây mới nên cầu Nguyễn Hoàng trở thành cây cầu già lão nhất của Đà Nẵng mà đến nay còn giữ được hình dáng ban đầu. Năm xưa, quyết định xây dựng cầu Nguyễn Hoàng được thông qua vào Tháng Sáu 1966. Các bộ phận của cầu được chế tạo trước tại Poro Point, Philippines, rồi chở đến Đà Nẵng để lắp dựng. Hai mố cầu và các trụ cầu được khởi công xây dựng vào Tháng Chín 1967, và toàn bộ cây cầu được hoàn thành trong vòng 10 tháng.
Đây là cây cầu do hãng thầu xây dựng RMK của Mỹ xây dựng và là một trong hai cây cầu gần như duy nhất ở Việt Nam có kiến trúc vòm bằng thép roni. Cầu kia là cầu Long Hồ, nằm trên đường từ Cam Ranh vào sân bay Cam Ranh-Khánh Hòa (cũng do hãng RMK xây dựng những năm 1960). Cầu gồm 14 nhịp giàn thép roni có tổng chiều dài 513.8m; khổ cầu 10.5m; phần xe chạy 8.5m; không có lề dành cho người đi bộ. Tổng chiều dài giữa hai mố cầu là 504m và có 13 trụ cầu dưới sông. Các trụ cầu đều có khung bảo vệ trụ cầu như một biện pháp ngăn chặn các cuộc tấn công phá hoại hoặc làm hỏng cấu trúc cầu.
Trong hai người em song sinh này thì cầu Long Hồ nằm khá khuất nẻo. Cầu Nguyễn Hoàng nổi tiếng hơn và được khen ngợi như một điểm nhấn kiến trúc góp phần quan trọng góp vào bức tranh tổng thể của thành phố biển xinh đẹp Đà Nẵng. Ký ức cho những ai sống ở xứ Đà hay những ai từng đến thành phố này là 13 trụ cầu với 13 nhịp cầu cầu duyên dáng như chiếc kẹp lá cài ngang qua sông Hàn, duyên dáng không kém cầu Tràng Tiền xứ Huế. Chỉ có điều cầu Nguyễn Hoàng ít được đi vào thơ ca hơn mà thôi.
Đôi bờ của những vui lo
Thời chiến tranh, cầu Nguyễn Hoàng với xe nhà binh xầm xập chạy qua lại. Ngoại tôi kể mỗi lần chạy mobylette qua cầu nhằm lúc đi chung xe lớn là mặt sàn cầu rung như muốn thử thách tay lái vậy. Sau này cầu đổi tên, trở thành cầu dân dụng và phải cõng trên lưng toàn bộ nhu cầu lưu thông của người dân Đà Nẵng ở đôi bờ sông Hàn. Năm 1978, mặt cầu gỗ được dỡ bỏ, thay bằng bê tông cốt thép.
Năm 1996, mặt cầu lại được thay bằng các tấm thép để giảm trọng lượng (do kết cấu móng bị yếu). Thời ấu thơ của nhiều người xứ Đà khi ấy, khi cả thành phố còn đi xe đạp thì chuyện đạp xe qua cầu là kỷ niệm khó quên không chỉ với lũ học trò, mà cả với những chú xích lô, anh xe lô, dì bán rau, chị bán thịt, cô công nhân… Hầu như ai cũng nhiều lần xuống xe đẩy bộ lên cái dốc cầu cao ấy. Cái dốc khó quên của những mùa mưa bão, khi qua cầu là nỗi ám ảnh, hứng cơn gió tạt qua, như muốn thổi tung mọi thứ.
Hồi nhỏ, nhà ở quận 3, phường An Hải Đông, thỉnh thoảng tôi được mẹ chở qua quận 1 đến chỗ làm hay đi loanh quanh mua sắm. Tôi luôn nhìn cây cầu với sự thích thú và chen chút hồi hộp âu lo. Vì hai bên thành cầu là những nhịp thép to tròn hình ống, có cảm giác trơn tuột; giữa các nhịp là khe hở. Có những lan can cầu cũ kỹ có song chắn rất thưa, nhiều cái lại rớt đâu mất. Cũng may sau này người ta cho hàn các lan can cầu lại. Các chấn song gần nhau hơn chứ không thưa như trước, khi qua cầu có cảm giác an toàn hơn.
Mùa mưa bão, cây cầu là nỗi ám ảnh của tất cả ai lưu thông qua nó. Có những hôm ngoại tôi ra cửa ngóng con về. Ngoại biết mẹ cũng đang sốt ruột phía bên kia. Những cơn bão miền Trung khi càn quét qua xứ Đà đều luôn nguy hiểm, lúc nào cũng chực hất cả người lẫn xe qua cầu! Có không ít lần, người từ quận 3 qua quận 1 đi làm đành phải ngủ lại đêm nhà người quen vì bão to, không về được.
Giờ thì cây cầu già vẫn đứng đó, trầm mặc. Cây cầu già, sau khi chứng kiến bao biến động thời cuộc, đã trở thành cầu đi bộ. Nhưng xem ra chẳng mấy người chọn nó để đi bộ. Những người trẻ tìm đến chủ yếu để chụp ảnh, quay phim rồi thôi. Thảng hoặc cũng có người, rất ít, lứa trung niên như tôi, đến chụp vài tấm lưu làm kỷ niệm. Cầu vẫn đấy, sông vẫn đây, nước vẫn trôi theo dòng Hàn ra biển. Chỉ có những kẻ qua cầu là già đi cùng kỷ niệm.