Khi Trung Quốc “trổ tài” bịp thiên hạ

Đảng cộng sản Trung Quốc đang “tô son điểm phấn” sự kiện Thế vận hội Mùa Đông 2022 bằng mọi cách có thể (ảnh: Valery Sharifulin\TASS via Getty Images)

Loạt tài khoản mạng xã hội giả đã được sử dụng tích cực để kể một “câu chuyện chế tác” không giống sự thật về “Xứ sở thần tiên Olympic Mùa đông” tại Trung Quốc.

Với sự “chế tác công phu” của bộ máy tuyên truyền” nhà nước Trung Quốc, Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022 đã diễn ra “thành công ngoài sức tưởng tượng”, “tôn vinh tinh thần Olympic”… Dàn đồng ca phối hợp hoàn hảo đang cố tẩy trắng những vi phạm nhân quyền và những chỉ trích khác. Vào thời điểm diễn ra Thế vận hội, những ngọn đồi dùng thi đấu được phủ tuyết nhân tạo không còn màu nâu quen thuộc như những năm trước. Chúng được chọn góc quay khéo léo để không thấy các sườn đồi khô nâu ở hậu cảnh. Các vận động viên và nhà báo nước ngoài cũng nhất loạt “khen ngợi” những tình nguyện viên lịch sự và ngạc nhiên trước chuyến tàu lửa cao tốc Snow Dream được xây dựng để phục vụ Thế vận hội Mùa Đông. Họ thích thú trước con robot luộc bánh bao và pha đồ ​​uống và họ “sửng sốt” khi thấy các nhóm tình nguyện viên miệt mài dọn tuyết…

Tận dụng các “bot” máy tính, tài khoản giả, những người có ảnh hưởng thực sự (genuine influencers) và các công cụ khác, đảng Cộng sản Trung Quốc đã chỉnh sửa có chọn lọc cách các sự kiện xuất hiện, cả trong lẫn ngoài nước. David Bandurski, Giám đốc Dự án Truyền thông Trung Quốc (China Media Project), cho biết: “Đối với đảng Cộng sản Trung Quốc, Thế vận hội Mùa Đông phải gắn liền với mục tiêu chính trị rộng hơn là xây dựng hình ảnh quốc gia”. Theo điều tra của New York TimesProPublica, một mạng lưới gồm hơn 3,000 tài khoản Twitter “giả” đã được lập ra với mục đích chính: Quảng bá cho Thế vận hội Bắc Kinh 2022 bằng cách chia sẻ các bài đăng lấy từ phương tiện truyền thông nhà nước đi kèm những bình luận giống hệt nhau.

Tất cả được thực hiện với mục đích: Khuếch đại tiếng nói tuyên truyền chính thức của Trung Quốc nhằm đánh bại những lời kêu gọi tẩy chay Thế vận hội và chỉ trích vi phạm nhân quyền. Trong một clip hoạt hình, một tài khoản tên Spicy Panda cáo buộc chính phủ Mỹ “sử dụng vũ khí tuyên truyền dối trá để bôi bẩn Thế vận hội”. Một phân tích về 861 tài khoản ủng hộ Spicy Panda cho thấy 90% được tạo sau ngày 1 Tháng Mười Hai. Spicy Panda dường như có mối liên hệ “cha con” với iChongqing, một nền tảng đa phương tiện liên kết với truyền thông nhà nước có trụ sở tại thành phố Trùng Khánh.

Các tài khoản chia sẻ bài đăng của Spicy Panda cũng thường đăng lại bài của tài khoản iChongqing. Một số tài khoản liên tục đăng các dòng tweet có nội dung giống hệt nhau, chẳng hạn: “Việc Trung Quốc tổ chức thành công #Beijing2022 đã nâng cao niềm tin của thế giới trong việc đánh bại đại dịch”. Twitter xác nhận đã khóa hàng trăm tài khoản bị The Times và ProPublica phát hiện vi phạm các chính sách về spam và thao túng nền tảng của họ, đồng thời khẳng định “đang tiếp tục điều tra sự liên quan giữa các tài khoản này với hoạt động cung cấp thông tin do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn”. Ngay cả linh vật chính thức của Thế vận hội có tên Băng Đôn Đôn (Bing Dwen Dwen), với hình con gấu trúc mặc đồ băng, cũng trở thành chủ đề của một chiến dịch có tổ chức và phối hợp tốt trên Twitter.

Tại Thế vận hội năm nay, Trung Quốc đã tạo ra “vòng khép kín” giữ cho các vận động viên, nhà báo và những người tham gia khác bị cách ly nghiêm ngặt với công chúng. Còn bên trong “vòng lặp lại khép kín” của tuyên truyền chính thức, nhà nước quản lý mọi thứ mà người dân Trung Quốc bình thường nhìn thấy hoặc đọc được để họ có ấn tượng tốt nhất về một Thế vận hội “không tai tiếng, chỉ trích”.

Khi đội khúc côn cầu nam của Mỹ thi đấu áp đảo đội Trung Quốc, trận đấu không được chiếu trên kênh thể thao chính của Truyền hình nhà nước CCTV 5. Thất bại 8-0 cũng chỉ được đề cập thoáng qua trong các bản tin. Chương trình truyền hình trực tiếp dành cho cuộc thi trượt băng nghệ thuật nam cũng cố tình bỏ sót người đoạt huy chương vàng Nathan Chen (Trần Nguy; người gốc Hoa quốc tịch Mỹ)… Điều quan trọng nhất là đây không chỉ là một câu chuyện kể cách khác về Thế vận hội có lợi cho nước chủ nhà mà còn là bằng chứng cho thấy việc kiểm duyệt rộng rãi và thao túng dư luận đã trở thành quốc sách của đảng Cộng sản Trung Quốc”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: