Tối 26 Tháng Hai, Tòa Bạch Ốc cùng Ủy ban Châu Âu (EC), Pháp, Đức, Ý, Vương quốc Anh và Canada, thông báo họ đang tiến hành những thảo luận cuối cùng để trục xuất một số ngân hàng của Nga khỏi SWIFT (Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication), mạng lưới bảo mật cao kết nối hàng ngàn tổ chức tài chính trên khắp thế giới, với cam kết chung “cuộc xâm lược này cần được bảo đảm là một thất bại chiến lược đối với (Tổng thống Nga Vladimir) Putin”.
Đòn quyết định
“Điều này có nghĩa các ngân hàng (Nga) bị trục xuất không còn được kết nối với hệ thống tài chính quốc tế và khả năng hoạt động của chúng trên Tòan cầu sẽ bị tổn thương – tuyên bố chung do Tòa Bạch Ốc công bố viết – Đi kèm là các biện pháp ngăn không cho Ngân hàng Trung ương Nga huy động dự trữ quốc tế để làm giảm tác động của các lệnh trừng phạt và xiết cấp ‘hộ chiếu vàng’ (golden passport), vốn có thể tạo điều kiện cho các nhà tài phiệt Nga thoát ảnh hưởng trừng phạt”.
Đây là bước đi chưa có tiền lệ đối với một nền kinh tế tầm cỡ như Nga. Nhắm mục tiêu vào ngân hàng trung ương sẽ là làm thất bại nỗ lực nhiều năm qua của Putin nhằm bảo vệ nền kinh tế Nga trước các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, chưa có quyết định cuối cùng về SWIFT và cấu trúc của các biện pháp trừng phạt vẫn chưa rõ ràng vì còn chờ thảo luận thêm. Dù sao, động thái này một lần nữa cho thấy Mỹ và châu Âu đã phối hợp với tốc độ nhanh chưa từng thấy để theo kịp đà tiến quân của Nga tại Ukraine. Tổng thống Biden đã đối mặt với những kêu gọi từ Ukraine và các nhà lập pháp tại Quốc hội Hoa Kỳ, yêu cầu loại bỏ Nga khỏi SWIFT. Vương quốc Anh, Lithuania, Estonia và Latvia là những quốc gia đầu tiên ủng hộ Kyiv về việc loại Nga khỏi SWIFT.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock và Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cảnh báo về tác động lớn đối với hoạt động kinh doanh của Đức nếu Nga bị cấm hoàn toàn tham gia SWIFT. Đức chịu nhiều thiệt hại nhất nếu Nga bị ngắt kết nối, bởi vì ngân hàng của họ sử dụng SWIFT thường xuyên để liên lạc với các ngân hàng Nga. Kho dự trữ ngoại hối trị giá hơn $600 tỷ của Nga chỉ mạnh nếu Putin có thể sử dụng nó, nếu không Ngân hàng Trung ương của Putin sẽ mất khả năng bù đắp tác động từ các lệnh trừng phạt. Việc trục xuất các ngân hàng Nga khỏi mạng SWIFT sẽ khiến các giao dịch với các ngân hàng bị trục xuất (de-SWIFTed) trở nên bất khả thi nên hầu hết các ngân hàng khác sẽ dừng giao dịch hoàn toàn với chúng.
Mục tiêu: Ngân hàng Trung ương Nga
Nga có dự trữ ngoại tệ lớn thứ tư thế giới và đang chuyển hướng dần khỏi sự lệ thuộc vào đồng đôla Mỹ. Cả hai chiến thuật này nhằm tạo ra một bước đệm an toàn trước các lệnh trừng phạt. Đánh vào Ngân hàng Trung ương Nga được xem là cách hiệu quả để “giải giáp pháo đài Nga” bằng cách phá hỏng “kho chiến tranh khổng lồ” của nước này.
Việc loại bỏ Nga khỏi SWIFT sẽ gây thiệt hại cho Nga cũng như các nền kinh tế lớn ở châu Âu và tác động đến xuất khẩu năng lượng sang châu lục này. Nó sẽ khiến các giao dịch tài chính quốc tế trở nên khó hơn, gây cú sốc cho các công ty Nga và khách hàng nước ngoài của họ, đặc biệt những người mua dầu và khí đốt bằng đôla Mỹ. Các nhà lập pháp Nga cảnh báo: Dầu hỏa, khí đốt và kim loại đến châu Âu sẽ dừng lại. “Nếu Nga bị ngắt kết nối với SWIFT, chúng tôi sẽ không nhận được ngoại tệ, và người mua châu Âu cũng sẽ không nhận được hàng hóa của chúng tôi như dầu, khí đốt, kim loại và các thành phần quan trọng khác” – Nikolai Zhuravlev, phó chủ tịch Thượng viện Nga nói.
SWIFT được thành lập năm 1973 và hiện có hơn 11,000 tổ chức tài chính sử dụng để gửi các tin nhắn và lệnh thanh toán. Chưa có giải pháp thay thế được nhiều quốc gia chấp nhận nên đây là hệ thống cần thiết để vận hành suôn sẻ tài chính toàn cầu. Việc loại Nga khỏi SWIFT sẽ khiến các tổ chức tài chính gần như không thể gửi tiền vào hoặc ra khỏi Nga. SWIFT có trụ sở tại Bỉ và được điều hành bởi một hội đồng 25 thành viên, trong đó có Eddie Astanin, chủ tịch hội đồng quản trị tại trung tâm Central Counterparty Clearing Centre của Nga. Ngày 24 Tháng 12, SWIFT ra thông báo viết: “SWIFT là một hợp tác toàn cầu trung lập được thành lập và hoạt động vì lợi ích chung của cộng đồng. Mọi quyết định áp đặt biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia hoặc tổ chức cá nhân hoàn toàn thuộc về các cơ quan chính phủ có thẩm quyền và các nhà lập pháp hiện hành”.
Nga đã thực hiện các bước trong những năm gần đây để giảm thiểu chấn thương nếu họ bị loại khỏi SWIFT. Moscow đã thành lập hệ thống thanh toán riêng, SPFS (Система передачи финансовых сообщений, Sistema peredachi finansovykh soobscheniy – Hệ thống chuyển thông báo tài chính), sau khi bị phương Tây trừng phạt vào năm 2014 sau khi họ tấn công và sáp nhập Crimea (kinh tế Nga thiệt hại 5% do bị tạm ngắt khỏi SWIFT vào thời điểm đó).
Theo Ngân hàng Trung ương Nga, SPFS hiện có khoảng 400 ngân hàng sử dụng. 20% chuyển tiền trong nước hiện được thực hiện thông qua SPFS nhưng kích thước tin nhắn bị hạn chế và hoạt động bị giới hạn theo giờ. Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới CIPS (Cross-Border Interbank Payment System; thành lập năm 2015) non trẻ của Trung Quốc có thể là một giải pháp thay thế khác cho SWIFT nhưng CIPS còn quá yếu để Nga có thể dựa vào đó thực hiện tất cả giao dịch của họ.