Trong khi quân dân Ukraine kiên cường chiến đấu chống lại cuộc chiến tàn ác của Putin, các quan chức Mỹ và châu Âu đang thảo luận về cách họ sẽ hỗ trợ một chính phủ lưu vong do Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lãnh đạo nếu ông buộc phải bỏ khỏi Kyiv. Trong các cuộc thảo luận kín của Bộ Ngoại giao, Ngũ Giác Đài và một số cơ quan khác của Mỹ có cả việc giúp Zelensky và các quan chức hàng đầu Ukraine rút lui an toàn nếu họ phải chuyển đến thành phố Lviv ở miền Tây Ukraine, hoặc bị buộc phải rời Ukraine và thành lập chính phủ lưu vong ở Ba Lan.
Hai nhà ngoại giao phương Tây cho biết, phương Tây tránh thảo luận trực tiếp về một chính phủ lưu vong với Zelensky vì Tổng thống Ukraine hiện vẫn muốn ở lại Kyiv và từ chối bàn về bất cứ điều gì khác ngoài việc giúp Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Putin. “Thậm chí có cả kế hoạch đưa một hoặc nhiều thành viên chính phủ Ukraina đến một địa điểm bí mật bên ngoài Kyiv, nơi họ có thể thành lập chính phủ khi Zelensky không muốn hoặc không thể ra khỏi thủ đô” – một nguồn tin nói.
Nếu trước đây, các quan chức Mỹ và châu Âu nghĩ rằng Tổng thống Ukraine có thể chuyển đến Lviv vì Nga sẽ không tấn công miền Tây Ukraine nhưng trong tình hình Nga leo thang mạnh mẽ như hiện nay trên khắp Ukraine, họ không chắc Nga sẽ chừa ra bất cứ khu vực nào trên lãnh thổ Ukraine. Một quan chức tình báo phương Tây nói: “Tất cả các chỉ dẫn đều cho thấy Putin sẽ tiếp tục đẩy mạnh cuộc tấn công theo đúng nghĩa đen để chiếm toàn bộ đất nước Ukraine”.
Một ý tưởng khác cũng được đưa ra nhưng rất khó trở thành hiện thực: NATO có ý định thiết lập vùng cấm bay trên một phần nhỏ miền Tây Ukraine. Lý do, làm thế cũng đồng nghĩa với việc tuyên chiến với Nga như Putin khẳng định. Về lý thuyết, thiết lập vùng cấm bay sẽ mang lại lợi ích cho chính phủ Zelensky và cho phép ông xây dựng và củng cố lực lượng nổi dậy chống lại quân Nga khi Kyiv thất thủ. “Nếu những yêu cầu của Zelensky được đáp ứng, kể cả vùng cấm bay, người Ukraine có thể duy trì cuộc chiến dù không có sự can dự trực tiếp của Mỹ” – một quan chức an ninh Mỹ nói.
Một nguồn tin khác nhận định: “Nếu vùng cấm bay được thành lập cho một số khu vực không phận Ukraine bất chấp đe dọa của Nga, nhiều khả năng nó sẽ được điều phối bởi một “liên minh ủng hộ” (coalition of the willing) chứ không phải bởi NATO. Ngoài ra, việc NATO tuyên bố sẵn sàng tài trợ và hỗ trợ lực lượng nổi dậy của Ukraine cũng được hiểu khác nhau giữa các quốc gia thành viên. Một số quốc gia miễn cưỡng vì sợ bị Nga trả đũa.
Tại Washington và các thủ đô châu Âu, đã có dự đoán quân đội Nga sẽ đảo ngược những tổn thất ban đầu, đẩy Ukraine vào thế phải bỏ các thành phố để chuyển sang cuộc chiến du kích đẫm máu kéo dài. Vì vậy phương Tây cũng phải thay đổi đối sách, chuyển từ hỗ trợ cho một chính phủ có thủ đô đến giúp đỡ cuộc kháng chiến của người Ukraine.
Nói rõ hơn là thảo luận các kế hoạch chi tiết cho một chiến thắng quân sự của Nga, dù nó chưa xảy ra, trong đó có cả việc hỗ trợ thành lập chính phủ lưu vong để chỉ đạo các hoạt động du kích chống lại lực lượng chiếm đóng. Tổng thống Zelensky sẽ là lực lượng nòng cốt, duy trì tinh thần và tập hợp những người Ukraine sống dưới sự chiếm đóng của Nga để chống lại kẻ thù được trang bị tốt. Loại vũ khí mà Mỹ đang và sẽ cung cấp cho quân đội Ukraine được xem là yếu tố quyết định cho sự thành công của cuộc chiến du kích.
Quốc hội Mỹ được dự báo sẽ thông qua gói viện trợ nhân đạo và quân sự trị giá $10 tỷ với sự ủng hộ hiếm có của lưỡng đảng. Nghị quyết Liên Hợp Quốc lên án cuộc xâm lược, thu hút được 141 phiếu ủng hộ được xem là một trong những yếu tố “đặt nền móng” để công nhận chính quyền Zelensky là chính phủ hợp pháp và giữ cho nó tồn tại ngay cả khi chính phủ này không còn kiểm soát lãnh thổ.
Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine từ chối bàn về bất kỳ kế hoạch dự phòng nào trong trường hợp lực lượng Nga chiếm thủ đô Kyiv. Ông nhấn mạnh: “Các bạn chỉ nên nói đến việc Ukraine bảo vệ Kyiv và việc quân Nga chuẩn bị cho cuộc tấn công tổng lực vào Kyiv. Cuộc chiến này đã trở thành cuộc chiến của nhân dân Ukraine và chúng tôi phải giành chiến thắng. Ngoài ra, không còn lựa chọn nào khác!”.
Volodymyr Ariev, nghị sĩ thuộc đảng Đoàn kết châu Âu đối lập, tin tưởng Rada (Quốc hội Ukraine), sẽ tiếp tục họp bất chấp chiến sự và lưu ý nhiều nhà lập pháp vẫn còn ở Kyiv. “Đảng chúng tôi không thảo luận về bất kỳ kế hoạch sơ tán nào, bởi vì chúng tôi không muốn bỏ thủ đô – Ariev nói – Dù không có chân trong chính phủ nhưng chúng tôi có vũ khí, và sẽ chiến đấu chống lại những kẻ xâm lược cùng người dân. Đây là kế hoạch duy nhất của chúng tôi. Không sơ tán và không có kế hoạch gì khác!”.
Trong khi đó, Mỹ cho biết Nga đã lập danh sách những người Ukraine sẽ bị giết hoặc bị đưa đến các trại tập trung sau chiếm đóng. Mới đây, các quan chức Ukraine than phiền với các nhà lập pháp Mỹ là họ thất vọng vì Mỹ không gửi tên lửa Harpoon để hạ tàu Nga và tên lửa Stinger để bắn máy bay Nga. Mỹ đã giao cho Ukraine một số viện trợ quân sự định gửi tới Afghanistan trước khi rút quân, chủ yếu là vũ khí nhỏ, đạn dược và dụng cụ y tế. Dự đoán, quân dân Ukraine sẽ liên tục tấn công các tuyến tiếp tế của Nga. Nhưng để làm được điều đó, họ cần một nguồn cung cấp vũ khí ổn định. Dân biểu Seth Moulton, đảng Dân chủ, từng là Thủy quân lục chiến tại Iraq, ủng hộ việc gửi Harpoon và Stinger cho Ukraine nhưng phải huấn luyện trước.
Các chuyên gia về chiến tranh đô thị cho biết quân Nga chiếm đóng sẽ tìm mọi cách cắt đứt đường dây tiếp tế cho các thành phố. Rita Konaev, Giám đốc phân tích của Trung tâm An ninh và Công nghệ của Đại học Georgetown, nhận định: Ukraine nên chuẩn bị trước nguồn cung cấp lương thực và hàng hóa thiết yếu sau khi quân Nga bắt đầu đi vào thành phố (vì lực lượng Nga có thể sẽ phá lưới điện và nguồn nước) và nên xây dựng các điểm an toàn dưới lòng đất để chống ném bom trên không.
Người Ukraine có lợi thế hơn là biết rõ địa hình để xây dựng các tường chắn, phá hủy các cây cầu để làm chậm đà tiến và đặt các tay súng bắn tỉa trên các mái nhà. Trong chiến tranh đô thị, phòng thủ có lợi thế hơn. Một số lãnh đạo châu Âu tin rằng Putin sẽ đi theo kịch bản: Để cho miền Tây Ukraine độc lập. Phần còn lại sẽ được sáp nhập vào Nga hoặc tuyên bố độc lập, như Điện Kremlin đã làm với hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk. Tuy nhiên, tính toán chiến lược của Putin sẽ bị ý chí của người dân Ukraine cản trở. Vì thế, ngay cả khi Nga chiếm được Kyiv, cuộc chiến cũng chưa kết thúc và nhà nước Ukraine vẫn tồn tại. Nga không thể chiếm toàn bộ lãnh thổ hay xóa bỏ nhà nước Ukraine.