Lãnh đạo Giáo hội Chính thống giáo Ukraine (OCU) cho biết hàng trăm nhà thờ Chính thống giáo ở Ukraine đã từ chối quyền giám quản của Tòa Thượng phụ Moscow.
Chính thống giáo Nga bị chối từ
Khoảng 150 nhà thờ ở Ukraine đã rút khỏi quyền giám quản của “Giáo hội Chính thống Ukraine” (Ukrainian Orthodox Church-UOC hay Russia Orthodox Church-ROC) trực thuộc Toà Thượng phụ Moscow và tham gia “Nhà thờ Chính thống Ukraine” (Orthodox Church of Ukraine-OCU) hoặc đang chuẩn bị tham gia. Lãnh đạo OCU, Giám mục Epiphanius của thủ đô Kyiv cho biết như thế.
“Trong những ngày gần đây, chúng ta đang chứng kiến sự khởi đầu của một làn sóng chuyển đổi từ UOC sang Giáo hội OCU” – Giám mục Epiphanius, người đứng đầu OCU hiện cai quản nhà thờ chính toà Kyiv cho biết trên một kênh truyền hình quốc gia – Trong vài ngày gần đây, chúng tôi đã chuyển đổi cho hơn 50 cộng đồng. Khoảng 100 cộng đồng đã có quyết định và đang trong quá trình chuyển đổi. Dần dần những người Ukraine bị ảo tưởng về UOC bắt đầu nhìn thấy sự thật. Hết cộng đồng này đến cộng đồng khác, trên khắp Ukraine, ở mọi khu vực, không chỉ ở phía Tây, mà còn ở Trung tâm, ở phía Đông và ở phía Nam đất nước”.
Mỗi ngày, OCU báo cáo có thêm một hoặc vài cộng đồng rút khỏi hệ thống nhà thờ chính thống Nga có trụ sở tại Moscow. Sự thay đổi này tương tự với việc một cộng đồng bảo thủ rời bỏ Giáo đoàn Episcopal Church tự do để tham gia Anglican Communion ở Vương quốc Anh. “Theo luật, mọi cộng đồng đều có quyền thay đổi giáo hội – Giám mục Epiphanius nói – Vì vậy, tôi kêu gọi các cộng đồng thuộc UOC do Tòa Thượng Phụ Moscow chỉ huy sớm có quyết định thích hợp, đừng im lặng mà hãy tham gia vào OCU”.
Mới thành lập vào năm 1995, OCU có trụ sở tại Kyiv và “thuần Ukraine” được công nhận chính thức tại một hội nghị đồng cấp của Chính thống giáo thế giới Tháng 10, 2018 tổ chức ở thành phố Constantinople, Hy Lạp. Epiphanius đăng quang Thượng phụ OUC tại Nhà thờ St. Sophia ở Kiev vào ngày 3 Tháng Hai, 2019. Năm 2019, OCU tách khỏi “Giáo hội Chính thống Ukraine” (UOC-MP). Các cuộc khảo sát mới nhất cho thấy, phần lớn dân số Ukraine theo “Cơ đốc giáo Chính thống phương Đông” (Eastern Orthodox Christian), trong khi một số ít người “Công giáo Ukraine” (Ukrainian Catholics) tuân theo nghi lễ Byzantine tương tự Chính thống giáo nhưng trung thành với Đức Giáo hoàng.
Một cuộc khảo sát năm 2018 cho thấy khoảng 67.3% dân số Ukraine nói mình thuộc “Cơ đốc giáo Chính thống” (Orthodox Christianity), với 28.7% thuộc OCU có trụ sở tại Kyiv, 23.4% chỉ đơn giản là “Chính thống” (Orthodox) và 12.8% thuộc UOC-MP.
7.7% dân số khác xác định mình là Cơ đốc giáo (Christian); trong khi người “Công giáo theo nghi thức Byzantine” (Ukrainian Byzantine Rite Catholics) chiếm 9.4%; người theo đạo Tin lành chiếm 2.2%; người “Công giáo theo nghi thức Latin” (Latin Rite Catholics) chiếm 0.8%; người Hồi giáo chiếm 2.5% và đạo Do Thái (Judaism) chiếm 0.4%. 11% khác tuyên bố không theo tôn giáo nào.
Chiến thắng của Nga là thảm hoạ cho nhiều tôn giáo
Mới đây, các nhà lãnh đạo nhân quyền cảnh báo: “Chiến thắng của Nga ở Ukraine sẽ là thảm họa hoàn toàn về tự do tôn giáo”. Hiện các khu vực ly khai ủng hộ Putin đã buộc các nhà thờ, nhà thờ Hồi giáo và giáo đường Do Thái phải đăng ký lại với chính quyền. Họ cũng sử dụng các thánh đường hay nơi hành lễ trước đây làm căn cứ quân sự.
Tina Ramirez, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của tổ chức nhân quyền Hardwired Global có trụ sở tại Richmond, Virginia, nói: “Nếu Ukraine sụp đổ, sẽ là một thảm họa nghiêm trọng về tự do tôn giáo đối với các cộng đồng tín ngưỡng. Bằng chứng là những gì đang diễn ra ở Nga và ở các khu vực do Nga kiểm soát, Luhansk và Donetsk”.
Thực tế cho thấy các phương tiện truyền thông tôn giáo, các nhà hoạt động tự do tôn giáo, OCU, người Hồi giáo, nhà thờ Tin lành và Jehovah’s Witnesses than phiền là chính quyền do Nga hậu thuẫn ở Donetsk và Luhansk đang gây áp lực lên các nhóm tôn giáo thiểu số (theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2020 về tự do tôn giáo ở Ukraine). Chính quyền của cái gọi là Cộng hòa Nhân dân Luhansk (LPR) đã ban hành lệnh cấm Jehovah’s Witnesses vì xem đây là một tổ chức cực đoan. Tòa án Tối cao ở cái gọi là Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) cũng có lệnh cấm tương tự.
Chính quyền LPR và DPR còn ban hành luật yêu cầu tất cả các tổ chức tôn giáo ngoại trừ Giáo hội Chính thống Ukraine của Tòa Thượng phụ Moscow (UOC-MP) phải trải qua cuộc đánh giá của chuyên gia tôn giáo nhà nước và phải đăng ký lại. Theo Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc, hầu hết các nhóm tôn giáo được công nhận theo luật pháp Ukraine đều không thể đăng ký lại do các yêu cầu pháp lý nghiêm ngặt của luật Nga. Tất cả trừ một nhà thờ Hồi giáo vẫn bị đóng cửa ở Donetsk.
Nhiều cộng đồng tôn giáo, chẳng hạn Seventh-Day Adventists, Jehovah’s Witnesses, những người theo đạo Baptist, Pentecostal, và người Hồi giáo, đã bị tấn công, bị bắt và trấn áp. Nếu Nga chiếm Ukraine, cuộc bách hại sẽ lan rộng. Bà Tina Ramirez nói thêm: “Chúng ta bắt buộc phải đứng lên chống lại những thế lực xấu xa, độc ác đang phủ nhận nhân phẩm và quyền cơ bản nhất của con người”. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Nga đã sử dụng một chiến dịch thông tin sai lệch để kích thích xung đột giữa UOC-MP và OCU.