Liên Hiệp Quốc lập ủy ban điều tra tội ác chiến tranh Ukraine

Một khu dân cư ở thủ đô Kyiv Ukraine bị phá hủy bởi hỏa tiễn của Nga hai tuần trước. Phía Nga luôn phủ nhận quân đội của họ tấn công vào dân thường bất chấp rất nhiều hình ảnh cho thấy ngược lại. Ảnh Anastasia Vlasova/Getty Images

Hội đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc hôm Thứ Tư 30 Tháng Ba đã chỉ định một ủy ban điều tra các cáo buộc tội ác chiến tranh và xác định những người chịu trách nhiệm gây ra các tội ác đó trong cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Ủy ban điều tra được Hội đồng chỉ định hôm nay gồm có ba người, có thời gian hoạt động ban đầu khoảng một năm để “thiết lập các dữ kiện thực tế và nguyên nhân gốc rễ” của bất kỳ tội ác nào. Hồi đầu tháng này, Hội đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc đã thông qua một nghị quyết yêu cầu lập một ủy ban điều tra về cuộc chiến.

Các nhà lãnh đạo Ukraine và chính phủ Hoa Kỳ đã cáo buộc lực lượng Nga phạm tội ác chiến tranh. Chính phủ Nga phủ nhận việc quân đội của họ cố tình nhắm mục tiêu vào dân thường, bất chấp lời khai của các nhân chứng, hình ảnh chụp thực tế, video và hình ảnh vệ tinh cho thấy sự phá hủy các trung tâm dân sự, bao gồm cả các tòa chúng cư, bệnh viện, nhà hát, trường học và cơ sở tôn giáo.

Việc thành lập ủy ban điều tra của Liên Hiệp Quốc nằm trong một loạt hoạt động quốc tế nhằm tìm kiếm và quy trách nhiệm về các tội ác quốc tế đã xảy ra ở Ukraine. Tòa án Hình sự Quốc tế (International Criminal Court – ICC), Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (Organization of Security and Cooperation in Europe – OSCE) và khoảng 10 quốc gia đã bắt đầu các cuộc điều tra riêng của họ về cuộc chiến.

Chính phủ Ukraine đã tán thành một đề nghị được rất nhiều cựu lãnh đạo chính phủ và luật sư quốc tế đưa ra vào đầu Tháng Ba, kêu gọi thành lập một tòa án quốc tế đặc biệt để bảo đảm rằng giới lãnh đạo của Nga sẽ không thể trốn tránh trách nhiệm cho hành vi xâm lược của mình.

Trong báo cáo trước Hội đồng Nhân Quyền hôm nay Thứ Tư, bà Michelle Bachelet, người đứng đầu cơ quan nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, cho biết kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu cuối tháng trước đã có ít nhất 1,189 dân thường thiệt mạng, hơn 10 triệu người phải di tản khỏi nhà cửa và hơn bốn triệu người đã tị nạn ở các nước láng giềng ở phía Tây Ukraine. Các quan chức Liên Hiệp Quốc cho biết, con số nhân mạng bị thiệt hại trong thực tế có thể cao hơn nhiều.

“Nỗi kinh hoàng và nỗi thống khổ của người dân Ukraine có thể cảm nhận được và đang được cảm nhận trên khắp thế giới,” bà Bachelet nói và nhấn mạnh, các cuộc tấn công nhằm vào hơn 50 bệnh viện Ukraine và các cuộc bắn phá bừa bãi có thể cấu thành tội ác chiến tranh.

Hội đồng Nhân Quyền đã chọn ông Erik Mose, một thẩm phán người Na Uy và là Cựu chủ tịch Tòa án Hình sự Quốc tế – nơi đã truy tố những thủ phạm gây ra tội ác diệt chủng ở Rwanda – làm người chủ trì cuộc điều tra của ủy ban hội thẩm mới. Các thành viên khác bao gồm Jasminka Dzumhur, một Cựu thẩm phán và hiện là thanh tra nhân quyền ở Bosnia, và Pablo de Greiff của Colombia, một Cố vấn kỳ cựu về các vấn đề tư pháp cho các tổ chức quốc tế, và giám đốc chương trình tư pháp tại Đại học New York.

Giống như các ủy ban điều tra khác về các cuộc khủng hoảng phần lớn công việc của ủy ban hội thẩm dự kiến sẽ tập trung vào tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người. Nhưng nhiệm vụ của nó cũng bao gồm việc điều tra các tội ác “trong bối cảnh cuộc xâm lược Ukraine”, nghĩa là ủy ban sẽ xem xét và cung cấp bằng chứng về tội xâm lược – một hành vi phạm tội trong luật quốc tế đã từng được xét xử tại các phiên tòa ở Nuremberg năm 1945.

Điều tra và truy tố tội phạm chiến tranh và tội ác chống lại loài người là một quá trình có thể kéo dài nhiều năm, và thường chỉ có thể truy tố các chỉ huy cấp trung ở chiến trường. Còn tội xâm lược, “là tội duy nhất dẫn thẳng đến giới lãnh đạo”, theo nhận định với báo New York Times của Giáo sư Philippe Sands – giáo sư Luật tại University College London và là một luật gia quốc tế nổi tiếng. 

Tuy nhiên, đối với tội xâm lược trong trường hợp của Ukraine, Tòa án Hình sự Quốc tế không đủ thẩm quyền tài phán. Nhiều luật sư nói rằng ủy ban điều tra do Hội đồng Nhân quyền chỉ định chỉ có thể giúp củng cố các lập luận về việc thành lập một tòa án quốc tế đặc biệt để truy tố tội xâm lược của giới lãnh đạo Nga hiện nay. 

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: