Olivia Rodrigo vừa đoạt Grammy Nghệ sĩ mới xuất sắc nhất, một trong bốn hạng mục giải được xem là giá trị nhất của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Ghi âm Mỹ. Chiến thắng của cô là xứng đáng và không gây ngạc nhiên vì dường như đã có tiền lệ, cứ là tài năng trẻ, là nữ, hát hay lại có tài sáng tác thì xem như cầm chắc cỗ máy đĩa vàng. 20 năm trở lại đây, hạng mục Grammy này đã được trao cho tài năng nữ nhiều hơn. Nhưng liệu Olivia Rodrigo (vừa mừng sinh nhật thứ 19 ngày 20 Tháng Hai 2022) có thoát được… “lời nguyền”. Và “lời nguyền” đó là gì?
Từ năm 1959 – thời điểm đầu tiên có hạng mục Grammy “New Artist” – đến gần đây, trong giới nghệ sĩ ca nhạc Mỹ thường râm ran về “lời nguyền”, rằng ai được giải Nghệ sĩ mới xuất sắc nhất thì xem như sự nghiệp đàn ca sẽ sớm nở chóng tàn, thậm chí trở thành “one-hit wonder”, tức thành công lớn với một bài ca và sau đó là thất bại liên tiếp.
Cái gọi là “lời nguyền” được nhắc đến nhiều từ năm 2002, khi trả lời phỏng vấn VH1, Mary Catherine “Taffy” Nivert-Danoff, thành viên nữ cũ của nhóm Starland Vocal Band kể rằng, “Lúc được giải Nghệ sĩ mới ở Grammy 1977 là lúc chúng tôi nhận… ‘Nụ hôn thần chết’. Từ khi ấy tôi thấy… thương cho những bạn nào cũng được giải này”. Năm 1976, nhóm pop Mỹ này thành công vang dội với đĩa Afternoon Delight và sau đó “tắt đài” luôn. Họ nào có phải là nghệ sĩ tầm thường. Thành viên trong nhóm Bill Danoff là tác giả nhiều ca khúc rất thành công, được ghi âm bởi nhiều nam nữ danh ca, chẳng hạn bài Country Road Take Me Home được thể hiện với giọng country tuyệt vời John Denver.
“Lời nguyền” trở nên nặng ký hơn với việc nhóm State of Honey nhanh chóng vắng bóng sau khi đoạt Nghệ sĩ mới xuất sắc nhất năm 1979, năm có nhiều ứng cử viên sáng giá hơn, trong đó phải kể đến Chris Rea, Toto, Elvis Costello và nhóm The Cars. Debby Boone, Christopher Cross, Rickie Lee Jones cũng đều không tồn tại lâu trong ánh hào quang vì chẳng có thêm cống hiến giá trị nào cho làng nhạc. Nay nhớ lại nhiều người vẫn ấm ức vì năm mà Debby Boone thắng là năm mà nhóm rock Anh Dire Straits thực sự tỏa sáng lên hàng siêu sao.
Đáng buồn nhất trong số tài năng thắng giải New Artist hồi thập niên 1980 là Christopher Cross. Anh đoạt luôn bốn Grammy 1981 giá trị nhất với đĩa Sailing; sau đó có thêm Oscar 1982 giải Ca khúc (với bài Best That You Can Do, phim Arthur). Tuy nhiên, từ năm 1985 trở về sau, Christopher Cross gần như biến mất. Hạng mục này càng đúng với cái gọi là “lời nguyền” sau khi nhóm Milli Vanilli bị tước mất Grammy 1990 Nghệ sĩ mới vì bị phát hiện hát nhép chứ không hát thật bài Girl You Know It’s True.
Nhiều người nhớ rằng thời trước khi Starland Vocal Band đoạt giải, hạng mục Nghệ sĩ mới xuất sắc nhất hầu như luôn trao đúng tài năng đích thực. Đó là thời của những Bobby Darin (đoạt giải năm 1960), The Beatles (năm 1965), Tom Jones (năm 1966), Bobbie Gentry (năm 1968), The Carpenters (năm 1971), Carly Simon (năm 1972), Bette Midler (năm 1974) và Natalie Cole (năm 1976). Những năm 1980-1990 cũng có những nghệ sĩ hoàn toàn xứng đáng với cỗ máy đĩa vàng, như Sade, Mariah Carey, Toni Braxton và Sheryl Crow…
Thập niên 2010, theo giới quan sát kết quả Grammy, có hai lần các viện sĩ chọn sai rất đáng buồn là năm 2011, khi họ trao giải cho cô nàng đàn hát nhạc jazz Esperanza Spalding; và năm 2013 khi họ vinh danh Macklemore & Ryan Lewis mà quên hẳn Ed Sheeran – người mới thực sự là tài năng xứng đáng.
Dù sao cũng phải công nhận rằng từ năm 2000, các viện sĩ Hàn lâm Ghi Âm Mỹ cũng chọn ra được tài năng đích thực để trao Grammy Nghệ sĩ mới xuất sắc nhất. Đó là Christina Aguilera, Alicia Keys, Maroon 5, John Legend, Carrie Underwood, Sam Smith và không thể quên Amy Winehouse (qua đời ba năm sau khi chiến thắng Grammy 2008) và Adele. Nhưng năm 2001 thì là một sai lầm lớn. Đúng ra phải dành cho nam nghệ sĩ country Brad Paisley thì tượng vàng lại được trao cho Shelby Lynne, người chẳng hề là “new artist” vì đã có cả một sự nghiệp 10 năm đàn ca (album giúp cô đoạt Grammy 2001 – I am Shelby Lynne – là album thứ sáu của cô).
Theo dòng thời gian, hạng mục Grammy Nghệ sĩ mới xuất sắc nhất dường như trở thành một giải ưu tiên dành cho tài năng nữ. Từ năm 2000 đến nay, có tổng cộng 14 cô gái trẻ chiến thắng trong khi chỉ có ba nam nghệ sĩ (John Legend, Sam Smith và Chance the Rapper) và sáu nhóm (Evanescence, Maroon 5, Zac Brown Band, Bon Iver, Fun và Macklemore & Ryan Lewis). Có vẻ như khi “âm thịnh dương suy” thì “lời nguyền” cũng bắt đầu nhạt dần. Bốn đàn chị trước Olivia Rodrigo (vẫn còn rất trẻ) hiện vẫn có cống hiến mới, vẫn tỏa sáng, từ Alessia Cara người Canada, Dua Lipa người Anh gốc Albania qua Billie Eilish người Mỹ đến Megan Three Stallion người Mỹ gốc Phi. Các fan của Olivia Rodrigo hy vọng thần tượng của họ tiếp tục trổ tài để xóa bỏ cái gọi là “lời nguyền” Grammy Nghệ sĩ mới xuất sắc nhất.
_________
Tài không đợi tuổi: Olivia Rodrigo, nghệ sĩ sáng tác ca khúc của năm