Tỷ phú Elon Musk không tham gia hội đồng quản trị Twitter

Elon Musk (phải) và Phó Tổng Thống Mike Pence hồi Tháng 8-2020. Ông chủ hãng xe Tesla là một trong những người phê phán Twitter nặng nề nhất nhưng cũng là người âm thầm thâu tóm tới 9.2% cổ phần của công ty và trở thành cổ đông lớn nhất. Ảnh Wikipedia.

Tối Chủ Nhật 10 Tháng Tư, Tổng Giám đốc Twitter thông báo tỷ phú Elon Musk sẽ không tham gia điều hành công ty, đảo ngược một quyết định vào tuần trước rằng ông Musk sẽ tham gia hội đồng quản trị của công ty truyền thông xã hội này sau khi ông ta đã âm thầm tích lũy được 9.2% cổ phần của Twitter.

Sự kiện ông Musk tham gia hội đồng quản trị Twitter được truyền thông Hoa Kỳ bàn tán sôi nổi vì nó có thể có ảnh hưởng tới nền chính trị Mỹ và tương lai của cựu Tổng thống Donald Trump. Ông Musk tự coi mình là một người ủng hộ mạnh mẽ quyền tự do ngôn luận, từng sử dụng Twitter để lan truyền thông tin sai lệch và chế nhạo các chính trị gia, đặc biệt là các chính trị gia đảng Dân Chủ. 

Ngay sau khi có tin ông Musk trở thành cổ đông lớn nhất của Twitter, một số người bảo thủ đã kêu gọi ông hãy giúp ông Trump quay trở lại diễn đàn mạng xã hội này. Twitter đã quyết định đình chỉ vĩnh viễn danh khoản của cựu tổng thống Trump chỉ hai ngày sau cuộc tấn công vào Điện Capitol ngày 6 Tháng Một 2021 do “nguy cơ kích động bạo lực sẽ tiếp tục” nếu vẫn để tổng thống sử dụng Twitter làm phương tiện tuyên truyền và tập hợp người ủng hộ.

Thông báo của Tổng giám đốc Twitter Parag Agrawal vào tối Chủ Nhật 10 tháng Tư 2022. Ảnh Twitter

Giám đốc điều hành Twitter Parag Agrawal vào tối Chủ Nhật đã đăng một bản ghi nhớ gửi cho nhân viên của mình. “Việc bổ nhiệm Elon vào hội đồng quản trị sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 9 tháng Tư, nhưng Elon đã chia sẻ rằng vào sáng hôm đó rằng anh ấy sẽ không tham gia hội đồng quản trị nữa. Tôi tin như vậy là tốt nhất,” ông Agrawal viết. 

Agrawal cho biết thêm rằng “công ty đã và sẽ luôn luôn coi trọng đóng góp của các cổ đông cho dù họ có ở trong hội đồng quản trị hay không. Elon là cổ đông lớn nhất của chúng tôi và chúng tôi vẫn luôn đón nhận đóng góp của ông ấy”. Tuy nhiên, trong tuần trước ông Agrawal đã khẳng định “các quyết định mà chúng tôi đưa ra và cách chúng tôi thực hiện nằm trong tay chúng tôi, không của ai khác”.

Twitter vào đêm Chủ Nhật cho biết họ sẽ không bình luận gì ngoài tuyên bố của Agrawal. Ông Musk đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận mà chỉ đăng lên Twitter một biểu tượng có hình một khuôn mặt lấy tay che miệng.

Báo The Washington Post cho biết thêm, cùng ngày với thông báo về việc bổ nhiệm mình vào hội đồng quản trị, Musk đã khởi động một cuộc thăm dò ý kiến xem Twitter có nên thêm nút chỉnh sửa (edit) hay không để cho phép người dùng chỉnh sửa các tweet sau khi đăng chúng. Twitter sau đó cho biết một tính năng như vậy đã được nghiên cứu phát triển trong nhiều tháng mà không bị ảnh hưởng bởi cuộc thăm dò.

Cuối tuần qua, Musk đã lên tiếng về nhiều khía cạnh của công ty, bao gồm sự phụ thuộc vào quảng cáo và sự phổ biến của các tài khoản đăng tin rác (spam). Vào hôm qua Thứ Bảy, ngày ông Mush chính thức được bổ nhiệm vào hội đồng quản trị, ông ta đã phê phán mạnh chính sách của Twitter cho nhân viên làm việc từ xa vô thời hạn. Ông đã khởi động một cuộc thăm dò ý kiến với câu hỏi liệu trụ sở của Twitter ở San Francisco có nên được biến thành nơi trú ẩn cho người vô gia cư hay không “vì dù sao cũng không có ai đến làm việc cả.”

Đây không phải là cuộc thăm dò đầu tiên của Musk về Twitter mà ông đã nổi lên như một trong những người phê phán công ty mạnh mẽ nhất. Trước khi các khoản đầu tư của mình vào công ty được công khai, Musk đã tiến hành một loạt các cuộc thăm dò dường như nhằm mục đích ảnh hưởng đến tương lai của Twitter. Ông đặt vấn đề có nên công khai hóa các thuật toán của Twitter hay không, Twitter có “tuân thủ nghiêm ngặt” các nguyên tắc tự do ngôn luận hay không; thậm chí “Có cần một nền tảng mới hay không?”

Sau khi ông Trump bị Twitter cấm cửa vĩnh viễn, ông Musk lập tức đặt câu hỏi về vai trò của nó trong việc hạn chế ai và ai không được tham gia mạng xã hội này. Ông viết rằng “rất nhiều người sẽ rất không hài lòng với một công ty công nghệ cao ở Bờ Tây sắm vai trọng tài trên thực tế của quyền tự do ngôn luận”.

Thông tin ông Musk tham gia hội đồng quản trị đã làm cho rất nhiều nhân viên của Twitter bất bình và Tổng giám đốc Agrawal dự định tổ chức một cuộc họp khoáng đại để ông Musk tiếp xúc và trả lời thắc mắc của nhân viên. Nhưng nay thì một cuộc họp như vậy có thể sẽ không diễn ra nữa.

Cuối cùng, dường như sự thay đổi đột ngột quyết định của ông Musk không tham gia quản trị công ty Twitter là do lợi ích kinh tế chi phối. Nếu có chân trong hội đồng quản trị công ty, ông ta chỉ được sở hữu tối đa 14.9% tổng số cổ phần của Twitter; còn nếu nằm ngoài hội đồng quản trị, ông ta có thể tiếp tục đầu tư ngoài con số đó mà không bị hạn chế.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: