Steven Seagal, ngôi sao phim võ thuật nổi tiếng một thời, đã tổ chức tiệc sinh nhật lần thứ 70 tại một nhà hàng sang trọng ở Moscow, vào ngày 10 Tháng Tư 2022. Bấp chấp diễn biến chiến sự Ukraine với những màn thảm sát ghê rợn của quân Nga tại Ukraine, diễn viên Mỹ Steven Seagal vẫn “một lòng một dạ” trung thành và bày tỏ ủng hộ Vladimir Putin.
“Mọi người ở đây là gia đình và bằng hữu của tôi. Tôi yêu tất cả các bạn. Chúng ta sát cánh cùng nhau, trong bất kỳ hoàn cảnh nào” – Steven Seagal nâng ly nói trong tiệc sinh nhật (dẫn lại từ The Guardian ngày 11-4-2022). Ngồi ở bàn bên cạnh Seagal là vài người Nga khác vốn nổi tiếng nhiệt tình ủng hộ Kremlin, trong đó có Margarita Simonyan (tổng biên tập tập đoàn truyền thông nhà nước RT) và Vladimir Soloviev, một trong những cái loa tuyên truyền khét tiếng của Putin.
Chẳng ai còn lạ gì mối quan hệ giữa Steven Seagal với Vladimir Putin. Sinh tại Lansing (Michigan), Steven Seagal nhập tịch Nga vào Tháng Mười Một 2016. Nếu Putin có một người Mỹ trung thành tuyệt đối thì đó là Steven Seagal. Nhân vật này từng nói rằng việc Putin sáp nhập Crimea là “rất hợp lý”. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2013 với Đài truyền hình RT, Steven Seagal khẳng định Putin là “một trong những nhà lãnh đạo thế giới vĩ đại nhất, nếu không muốn nói là nhà lãnh đạo thế giới vĩ đại nhất còn sống hiện nay”. Đương sự – vốn là võ sư đệ thất huyền đai Aikido – kể tiếp: “Lần đầu tiên đến nhà ông ấy, tôi bước vào và thấy bức tượng Kano Jigoro, sáng lập viên Judo, bằng người thật. Ngay lập tức tôi bị ấn tượng và thực sự muốn tìm hiểu sâu hơn về nhân vật này”.
Vài năm sau, năm 2017, Seagal xuất hiện trên chương trình Good Morning Britain phát trực tiếp từ Moscow để bảo vệ Putin trước những cáo buộc Putin thao túng cuộc bầu cử Mỹ. Steven Seagal gặp Vladimir Putin thông qua Bob Van Ronkel, một doanh nhân Mỹ có công ty Doors to Hollywood chuyên giới thiệu các ngôi sao phương Tây đến Nga trong suốt hai thập niên kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Năm 2018, Steven Seagal được Putin tin cậy đến mức tay diễn viên này được giao trọng trách làm công sứ đặc biệt nhằm tạo cầu nối cải thiện quan hệ với Mỹ và các nước phương Tây…
Kremlin và các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát luôn thổi phồng “tình bạn” của Putin với những người nổi tiếng phương Tây, những kẻ như Seagal, nhằm nâng cao hình ảnh Putin trong lẫn ngoài nước. Mark Galeotti, tác giả cuốn We Need to Talk About Putin, cho rằng “Mục tiêu chính của tất cả những điều này là để chứng minh rằng mô hình xã hội của nước Nga đang hấp dẫn người ngoài”.
Năm 2010, trong một chương trình gây quỹ dành cho trẻ em ở St.Petersburg, Vladimir Putin đã tiếp loạt ngôi sao: Sharon Stone, Kevin Costner, Kurt Russell, Goldie Hawn, Gérard Depardieu, Vincent Cassel và Monica Bellucci… Nhắc đến ngôi sao điện ảnh lẫy lừng Pháp Gérard Depardieu, người ta hẳn còn nhớ việc ông nhập tịch Nga để tránh chính sách thuế của nước mình. Gérard Depardieu từng nói rằng Nga là “một nền dân chủ vĩ đại”; và tại một liên hoan phim Latvia năm 2014, Depardieu tuyên bố Ukraine là “một phần của Nga”. Đích thân Putin đã ký sắc lệnh cấp quyền công dân Nga cho Depardieu. Ông diễn viên Pháp đáp lại bằng cách viết một thư ngỏ: “Tôi yêu đất nước của các bạn, nước Nga – con người, lịch sử, các tác giả. Tôi yêu nền văn hóa và sự thông thái của các bạn”.
Năm 2013, Depardieu đến Nga để được chính thức cấp hộ chiếu Nga và có cuộc gặp riêng với Putin. Họ bắt tay và ôm nhau tại Sochi. Gérard Depardieu sau đó được mời đến sống ở vùng Mordovia, miền Trung nước Nga, nơi nổi tiếng có các trại tù thời Stalin. Thống đốc địa phương Vladimir Volkov nói rằng Depardieu có thể chọn một căn hộ hoặc một nơi để xây nhà – theo hãng tin Interfax. Sau khi đến thành phố Saransk (Mordovia), Gérard Depardieu khoe hộ chiếu mới và nói: “Tôi rất hạnh phúc, ở đây rất đẹp. Những con người xinh đẹp và có tâm hồn đẹp”.
Năm 2015, chính phủ Ukraine thậm chí đưa Gérard Depardieu vào danh sách những nhân vật văn hóa được xem là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia! Năm 2016, Depardieu gây phẫn nộ ở quê nhà Pháp khi xuất hiện trong một quảng cáo “buồn nôn”, trong đó ông khoe việc bắn một con nai và nói mình “tự hào là một người Nga”. Tuy nhiên, giờ đây, không như Steven Seagal, Gérard Depardieu đã công khai bày tỏ bất bình về cuộc chiến Ukraine. “Tôi chống lại cuộc chiến huynh đệ tương tàn này” – ông nói – Hãy dừng bắn giết và thương lượng”. Báo chí nhà nước Nga đang chỉ trích Gérard Depardieu gay gắt, gọi ông là thứ “ăn cháo đá bát”, “vô ơn bội tín”…
Tương tự Gérard Depardieu, Mickey Rourke cũng đã thay đổi cái nhìn về Putin. Hồi Nga xâm chiếm Crimea, Mickey Rourke thấy “chẳng có vấn đề gì”. Năm 2014, khi đến Moscow, Rourke còn mua cái áo thun in hình Putin. “Tôi đã gặp ông ấy vài lần và nhận thấy rằng ông ấy là người rất tuyệt” – Mickey Rourke nói với Sky News. Giờ đây, tài tử này (từng được đề cử Oscar Nam diễn viên chính cho phim The Wrestler-2008) – dù không bày tỏ chỉ trích Putin – nhưng nói rằng mình cầu nguyện cho cuộc chiến Ukraine sớm kết thúc…
Một trong những nhân vật từng “mê” Putin nữa là đạo diễn Oliver Stone. Ông đã đến Nga và phỏng vấn Tổng thống Nga cho bộ phim tài liệu The Putin Interviews được phát trên kênh Showtime vào năm 2017. Đầu Tháng Hai 2022, Stone nói với Robert Scheer của Đài KCRW: “Mỹ và các đồng minh NATO đã khiêu khích Nga từ hai năm nay, thực tế là ba năm, chung quanh vấn đề Ukraine…”.
Trong cùng cuộc phỏng vấn, Oliver Stone chỉ trích việc đưa tin “khát máu” của giới truyền thông Mỹ khi nói “họ không có bằng chứng cho thấy Nga có ý định xâm lược Ukraine. Tôi nghi ngờ việc Nga xâm chiếm Ukraine. Tôi nghĩ rằng Nga chỉ quan tâm khu vực Donbass”.
Từng thực hiện các phim về cuộc chiến Việt Nam, Oliver Stone cũng xây dựng “nhân vật điện ảnh” cho một số gương mặt thế giới vốn gây tranh cãi như Fidel Castro và Lula da Silva. Không chỉ phim The Putin Interviews, Oliver Stone còn sản xuất bộ phim tài liệu Ukraine on Fire vào năm 2016 nói về cuộc cách mạng Maidan lật đổ chính phủ Ukraine thân Nga. Tờ The Hollywood Reporter bình luận rằng Ukraine on Fire dù miêu tả cuộc cách mạng của người Ukraine nhưng được thể hiện theo góc nhìn Moscow, bóng gió ám chỉ rằng cuộc cách mạng Maidan của Ukraine có Mỹ đứng sau giật dây. Bây giờ, hơn một tháng sau cuộc xâm lược tàn bạo của Putin, Oliver Stone bắt đầu thay đổi quan điểm, khi nhận định muộn màng rằng “Nga đã sai khi xâm lược”.