Khi thường dân định hình câu chuyện về cuộc chiến

Những gì đang được ghi lại là bằng chứng tố cáo tội ác chiến tranh của Putin (ảnh: Thi thể một thường dân bị giết hại ở Bucha – Narciso Contreras/Anadolu Agency via Getty Images)

Những cảnh ghi trong thời gian thực được chia sẻ trực tuyến bởi những con người bình thường trong các cuộc xung đột của thời đại kỹ thuật số đã cung cấp cái nhìn trực quan về cuộc sống đang bị bao vây, đặc biệt là ở những khu vực mà các nhà báo và nhân viên cứu trợ không thể tiếp cận. Cảm nhận đầu tiên về nỗi kinh hoàng ở Bucha, vùng ngoại ô Kyiv mà lực lượng Nga đã rút khỏi tuần trước, được hình thành qua những thước phim rùng rợn do dân thường ghi lại trước khi quân đội Ukraine quay về. Các nhà quan sát quốc tế cho rằng những câu chuyện đời thường từ thực tế sống như vậy đã giúp công chúng phương Tây hiểu rằng cuộc xâm lược Ukraine là một cuộc chiến ác mộng đối với Moscow.

Được ghi lại trong thời gian thực

Những câu chuyện ráp nối bằng hình và video gây ra sự phẫn nộ, tạo áp lực lên các đồng minh nhằm giúp cung cấp cho Ukraine những vũ khí mạnh hơn. “Chúng tôi nhìn thấy hiện tượng này lần đầu tiên trong cuộc chiến ở Syria và ở Gaza năm 2014, và nay được chứng kiến ở Ukraine” – Olga Boichak, một giảng viên và học giả về chiến tranh kỹ thuật số tại Đại học Sydney, Úc nhận định – “Động lực sức mạnh đã thay đổi, theo một cách nào đó, quân đội đã mất vai trò thống trị trong việc dàn dựng cuộc chiến, mà chính dân thường mới xác định phần lớn những gì xảy ra trên thực địa và chứng cứ của họ sẽ đi vào lịch sử”.

Thường dân luôn có vai trò nhất định trong việc ghi lại các cuộc xung đột và khủng hoảng nhân đạo, nhưng sự ra đời của các nền tảng truyền thông xã hội đã đẩy cao tốc độ và phạm vi tiếp cận chưa từng có. Trong thập niên qua, giới phân tích quân sự và truyền thông chứng kiến “truyền thông và nhà báo công dân” phát triển thành một lực lượng hùng mạnh nhờ đa phần công chúng không còn thờ ơ như trước đây mà chủ động “kiểm tra những thông tin tuyên truyền chính thức” đồng thời tạo ra kho bằng chứng kỹ thuật số phong phú cho các cuộc điều tra tội phạm chiến tranh sau này.

Tuy nhiên, các nhà phân tích thừa nhận “truyền thông công dân” cũng có những hạn chế, kể cả khó khăn trong việc xác minh tài liệu để xem những hình ảnh và post vụn vặt từ những điểm nóng có phải là “đại diện khả tín” hay không. Dù thế nào, cái gọi là “lịch sử của nhân dân” về cuộc chiến được viết từ mặt đất, trong thời gian thực, thông qua hàng ngàn bài đăng trên mạng xã hội là một điều phi thường. Các học giả truyền thông đang theo dõi “các nhân chứng dân sự” Ukraine và cân nhắc tính đạo đức trong bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật, về cách nội dung được hiển thị trực tuyến và tính dễ bị tổn thương khi khai thác chúng.

Từ trận sóng thần ở Đông Nam Á năm 2004

Các video và bài đăng của “nhà báo công dân” được theo dõi chặt chẽ bởi một cộng đồng các nhà điều tra khoa học chuyên nghiệp, những người lược qua những các bài đăng mà họ gọi là “OSINT”, hoặc thông tin tình báo nguồn mở, để sàng lọc thông tin chi tiết về bom, đạn Nga và những bằng chứng vi phạm nhân quyền. Robert Cardillo, Cựu giám đốc U.S. National Geospatial-Intelligence Agency hiện là Giám đốc điều hành cấp cao của Planet, một bộ phận thương mại tham gia vào OSINT về Ukraine (từng là quan chức tình báo cấp cao thời Obama) nhớ lại, một ngày Tháng Tám 2013, khi ông đang ngồi ở Liberty Crossing, một doanh trại tình báo Mỹ ở Virginia, thì nhìn thấy một phóng sự truyền hình chiếu đoạn phim trên YouTube về những người Syria co giật mà sau đó được xác nhận là bị tấn công bằng khí độc chết người ở ngoại ô Damascus. Cardillo nói: “Dấu hiệu đầu tiên, cảnh báo đầu tiên chính là từ YouTube!”.

Ý tưởng “báo chí công dân” bắt đầu được phổ biến sau trận sóng thần năm 2004 ở Đông Nam Á, nơi những người sống sót ghi lại sự tàn phá tại các khu vực ngập lụt thông qua các trang mạng xã hội. Kể từ đó, giới phân tích giới thiệu thuật ngữ “sự chứng kiến ​​của công dân” để chỉ các cảnh quay được thực hiện bởi những người chỉ đơn giản “đến sai nơi vào đúng thời điểm” với nỗ lực ghi lại thảm kịch. Hoạt động này đã trở thành “vũ khí” để những người biểu tình chia sẻ câu chuyện của họ trong các cuộc nổi dậy Mùa Xuân Ả-rập và các cuộc chiến ở Libya và Syria. Nhóm hoạt động “Raqqa Is Being Slaughtered Silently” ở Syria đã giành được giải thưởng tự do báo chí năm 2015 từ Ủy ban Bảo vệ các nhà báo (Committee to Protect Journalists) với những gì họ ghi lại cho thấy hành vi tàn bạo của các tay súng Nhà nước Hồi giáo (IS).

Ngày nay, “sự chứng kiến ​​của người dân” một lần nữa lại phát triển chóng mặt cùng với cuộc chiến ở Ukraine, nơi các cảnh quay chiến trường khốc liệt cạnh tranh với truyền thông dòng chính được chuyên nghiệp hóa với việc lồng nhạc và phụ đề. Những câu chuyện kèm hình ảnh trên các kênh Telegram đang được hàng triệu người khắp thế giới truy cập để tìm kiếm các thông tin cập nhật chưa được đọc. Một lý do khác giải thích sự phổ biến của “nhân chứng thường dân” là xuất phát từ nhận thức mới, đặc biệt ở giới trẻ, về việc các hãng tin truyền thống có khi đưa tin sai lệch và che giấu có lợi cho một bên.

Các nhóm nhân đạo đang lên tiếng kêu gọi các công ty truyền thông xã hội minh bạch hơn về cách lọc hình ảnh cho công chúng và những cảnh quay được cho là quá phản cảm để đăng tải. Ukraine có một điểm khác biệt so với các chiến trường khác như Libya hoặc các vùng do phiến quân nắm giữ ở Syria là chính quyền trung ương vẫn kiểm soát thông tin. Tổng thống Volodymyr Zelensky là bậc thầy sử dụng mạng xã hội để tập hợp sự ủng hộ cho quốc gia vì ông hiểu rõ giá trị của những nhân chứng tại chỗ. Chính phủ Ukraine cũng khuyến khích chụp ảnh các lực lượng vũ trang Nga cho mục đích tình báo. Mọi người xem đây là nghĩa vụ công dân vì biết rằng tất cả ghi lại từ các nhân chứng đều có ý nghĩa quan trọng trong cuộc chiến sinh tồn của Ukraine…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: