Thông tin nền kinh tế Mỹ bất ngờ suy thoái trong quý đầu tiên của năm 2022 là đòn giáng mạnh vào Đảng Dân chủ vốn đang quay cuồng lo ngại sức khoẻ của nền kinh tế sẽ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022. Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) của Mỹ đã giảm 1.4% trong khoảng thời gian từ Tháng Một đến Tháng Ba, một sự đảo ngược hoàn toàn bất ngờ so với mức tăng trưởng ấn tượng GDP 6.9% trong quý cuối cùng của năm 2021.
GDP được xem là chỉ dẫn cho sức khỏe tổng thể của nền kinh tế của một quốc gia. Khi GDP giảm tức là sức khoẻ nền kinh tế có vấn đề. Suy giảm GDP là dấu hiệu tồi tệ nhất chứng minh các biện pháp kích thích kể từ khi nền kinh tế đi vào suy thoái do phong toả vì Covid-19 từ mùa Xuân năm 2020 đã không thành công. Thêm vào những lo ngại về suy thoái kinh tế, ngày Thứ Năm 28 ThángTư, Tổng thống Joe Biden còn có một nhận xét khó hiểu: “Tôi không lo suy thoái. Ý tôi là, bạn luôn lo lắng về suy thoái, nhưng GDP, bạn biết đấy, đã giảm xuống còn 1.4%”!
Tin tức xấu về GDP được đưa ra sau khi dữ liệu thăm dò Tháng Tư của Viện Gallup cho thấy niềm tin vào nền kinh tế đang xuống rất thấp trong công chúng Mỹ. Cứ 10 người Mỹ được hỏi, có hơn bốn người (42%) đánh giá tình hình kinh tế của Mỹ là “kém”, trong khi 38% khác nói là “bình bình”. Chỉ có 2% đánh giá “tuyệt vời”, 18% khác đánh giá “tốt”. Hơn 3/4 (76%) người Mỹ tin rằng kinh tế ngày càng tồi tệ so với 20% nói đang được cải thiện. Chỉ số Niềm tin Kinh tế (Economic Confidence Index-ECI) của Gallup (dùng đo lường cảm nhận của người được hỏi về nền kinh tế với thang điểm từ +100 rất cao đến -100 rất thấp), hiện đứng ở mức -39, giảm sáu điểm so với Tháng Bảy 2021.
Kinh tế hiện là vấn đề quan tâm hàng đầu của nhiều người Mỹ nhưng cử tri có thể mong đợi gì từ những con số tồi tệ đó? Khoảng 4/10 người Mỹ nói với Gallup, các vấn đề kinh tế là lớn nhất mà đất nước phải đối mặt (lạm phát đứng đầu danh sách “các vấn đề”). Chỉ số giá tiêu dùng (Consumer Price Index-CPI) vọt lên 8.5% vào Tháng Ba, lập kỷ lục mới trong 40 năm qua. Cộng tất cả các yếu tố u ám trên sẽ tạo thành một môi trường chính trị hoàn toàn độc hại mà Đảng Dân chủ và Tổng thống Biden phải đối mặt khi chuẩn bị bảo vệ thế đa số tại Hạ viện và Thượng viện trong cuộc bầu cử Tháng Mười Một. “Đây là môi trường chính trị tồi tệ nhất mà tôi từng trải qua trong 30 năm làm tư vấn chính trị” – John Anzalone, nhà thăm dò ý kiến nhận xét.
Các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đầu tiên của một tổng thống thường có hại cho đảng của ông ta trong Quốc hội. Nhưng xu hướng đó đang trở nên tồi tệ hơn trước tình hình hiện nay. Nhìn lại cuộc thăm dò ý kiến quý đầu tiên của Gallup, xếp hạng chấp thuận công việc của Biden cũng chỉ ở mức 41%. Có hai yếu tố làm phức tạp bất kỳ nỗ lực nào của Biden nhằm xoay chuyển nền kinh tế (và quan trọng hơn là xoay chuyển nhận thức của cử tri về nó):
1.Dù ở vị trí quyền lực cao nhất nước, Biden lại bị hạn chế về khả năng kích thích nền kinh tế đang gặp khó khăn. Kỳ vọng xây dựng lại chương trình lập pháp tốt hơn của ông cũng chết từ trong trứng nước, mà trở ngại chính là Thượng nghị sĩ Dân chủ Joe Manchin, tiểu bang West Virginia, người mà tờ The Washington Post xem là “gần như chuyển đảng”. Thêm vào đó, Biden được các cử tri đánh giá rất thấp về cách xử lý nền kinh tế khi chỉ 33% người Mỹ tán thành trong cuộc thăm dò công bố đầu tuần này của Đại học Quinnipiac.
2.Chỉ còn 194 ngày sẽ đến Tháng Mười Một. Về mặt chính trị, đó là một thời gian rất ngắn để xoay chuyển nhận thức của cử tri về nền kinh tế, đặc biệt là khi lạm phát (và giá xăng) vẫn không thay đổi ở mức hiện nay. Nếu không có chuyển biến thực chất từ các thước đo kinh tế như GDP, CPI đến nhận thức của người dân Mỹ về tình trạng kinh tế đất nước, các đảng viên Dân chủ sẽ trải qua một trận đại hồng thủy tại các điểm bỏ phiếu vào mùa Thu này. Câu hỏi không còn là liệu Đảng Dân chủ còn giữ được thế đa số “mỏng như tờ giấy” tại Hạ viện và Thượng viện, mà là chiến thắng cách biệt của Đảng Cộng hoà sẽ lớn đến mức nào để họ phải lấp đầy trong hơn một thập niên tới.