Thử xem qua hồi ký của Kỳ nữ – Nghệ sĩ Kim Cương

Buổi ra mắt hồi ký của nghệ sĩ Kim Cương (Ảnh: báo Tuổi Trẻ)
Văn Hóa - Văn Nghệ
Văn Hóa – Văn Nghệ
Thử xem qua hồi ký của Kỳ nữ – Nghệ sĩ Kim Cương
Loading
/

Từ tháng Năm 2022, trọn hồi ký bằng audio của nghệ sĩ Kim Cương đã được tải lên các trang như YouTube, Spotify… Bản hồi ký có tên Sống Cho Người, Sống Cho Mình, nay được bà tung ra miễn phí với khán giả vào năm bà 85 tuổi, được báo chí trong nước mô tả là một hồi ký đầy cảm xúc và chân thành về cuộc đời của bà.

Cuộc đời bà Kim Cương, đặc biệt là từ sau Tháng Tư 1975, gây nhiều tranh cãi. Khác với những người như nhà văn Vũ Hạnh, người được coi là tay sai đắc lực sắt máu ngay từ đầu của Bắc Việt Cộng sản, hay với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là người bị coi là buộc phải nghiêng ngã trước các biến động thời cuộc, nghệ sĩ Kim Cương được coi là người thể hiện sự tuân phục chính quyền mới, thậm chí cứng rắn với các đồng nghiệp khác chủ kiến với mình, ngay khi “văn hóa mới cách mạng” tiếp quản.

Là một trong những nhân vật hết sức sáng giá của nền văn nghệ Việt Nam Cộng Hòa, nghệ sĩ Kim Cương đã gieo cho cộng đồng người Việt tự do sự tuyệt vọng và tức giận qua những điều chứng kiến. Và với chính quyền mới, thì bà được hân hoan đón nhận như một chiến lợi phẩm tinh thần và đắc dụng.

Cũng chính vì sự tức giận, mà trong các cộng đồng người Việt tự do đã có những tin đồn như bà Kim Cương là công an mật vụ cấp tá hay là đảng viên Cộng sản bí mật từ thời còn Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Tuy nhiên những điều này không có chứng cứ.

Nhưng trong hồi ký, bà có khéo léo mô tả cuộc đời mình là những diễn biến nằm ngoài ý muốn, chứ không phải như những người chống bà vẫn lên án – bởi cho đến lúc này, công danh và phú quý của bà Kim Cương đều có đủ ở Việt Nam. Nhưng điểm gợn lớn nhất trong cuộc đời của bà, làm lu mờ cả ánh hào quang của cuộc đời nghệ thuật: Đó là bà đi theo Việt Cộng, quay mặt lại với cả những người từng cùng đứng trên sân khấu, dù trọn phần tỏa sáng của bà trên sân khấu có được, đều là từ thời Miền Nam tự do VNCH.

Cũng có ý kiến bênh vực nói rằng quan điểm và tinh thần phục vụ chính trị là quyền tự do của mỗi người. Nhưng nghĩ lại, thì trong giai đoạn “Mỹ-Ngụy” – mà bà Kim Cương nhắc nguyên văn trong những cuộc phỏng vấn trên truyền hình Việt Nam – bà đã là một kỳ nữ – kịch sĩ nổi tiếng nhất, vang vọng đến tận Đài Loan, Nhật, Pháp… và còn là tác giả của hơn 50 kịch bản sân khấu. Nhưng sau 1975, chế độ hà khắc kiểm duyệt cũng như những cấm đoán có liên quan, khiến bà gần như chỉ loay hoay phục vụ được một thời gian, trong giai đoạn nhà nước mới cần những gương mặt tuyên truyền, rồi sau đó chìm dần.

Theo mô tả của báo chí nhà nước, bà hoàn toàn hài lòng với những gì thuộc về chế độ mới sau 1975. Nhắc lại vụ bắt cóc con trai bà vào năm 1977, nghệ sĩ Kim Cương nói bà còn nhớ tiếng của người bắt cóc đòi tiền chuộc, qua điện thoại là “Bà Kim Cương à, tôi với bà là hai con ốc trong hai bộ máy khác nhau. Cả hai chúng ta đều phải quay theo, không thể ngừng lại được”.

Bà Kim Cương tự hỏi trong hồi ký là “bộ máy của chúng là gì?”. Chi tiết này trong hồi ký giúp cho nhiều người chợt nhận ra rằng sự đắc lực của bà Kim Cương sau Tháng Tư 1975 đã khiến đa số công chúng nghiễm nhiên coi bà là Cộng sản. Câu hỏi của bà Kim Cương “bộ máy của chúng là gì?” hóa ra là một câu hỏi tu từ: Họ là những người của chế độ VNCH có tư duy bất phục hiện trạng và nay đã trở thành kẻ vô pháp luật.

Trong hồi ký, bà Kim Cương không nói nhiều về cuộc hôn nhân của bà với ông Túc, Trung úy Hải Quân thuộc lực lượng trừ bị của quân đội VNCH. Chỉ biết sau đó ông ra tù và đi định cư ở Canada. Bà Kim Cương giành phần nuôi con về sau. Cũng không thấy nói đến giai đoạn bà có mối quan hệ tình cảm sâu đậm với ông Trần Trọng Tân, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung Ương của chính quyền Bắc Việt (mất năm 2016), như lời thì thầm của dân trong nghề sân khấu.

Câu chuyện tình yêu duy nhất được bà Kim Cương tô đậm trong hồi ký, đó là tình yêu của ông Bùi Giáng với bà. Nhà thơ Bùi Giáng được coi là một nhân vật độc đáo của văn chương miền Nam, mà hầu như ai cũng có yêu mến. Và dù chỉ là một nhà thơ hiền lành, một triết gia lang thang nhưng nhà cầm quyền mới cũng chỉ cho phép in lại tập thơ Mưa Nguồn của ông vào năm 1998. Có người nói chuyện ông Bùi Giáng, có thể là một điểm giúp bà thêm ít nhiều huyền thoại và được cảm tình từ công chúng.

Đặc biệt trong trọn phần hồi ký, bà Kim Cương không đá động gì về chế độ kiểm duyệt của Nhà nước Cộng sản Việt Nam, vốn khắc nghiệt gấp trăm lần những gì mà bà đã đối diện trong thời kỳ chiến tranh, với hai nền cộng hòa miền Nam. Bà cũng không nhắc gì đến những đồng nghiệp khốn khó vì chế độ mới.

Trong một bài viết của ký giả người Nhật Komori Yoshihisa, người có dịp tiếp xúc và phỏng vấn bà Kim Cương nhiều lần, trước và sau năm 1975. Ông kể lại rằng lúc đỉnh cao vinh quang của bà vào năm 1973, chính quyền của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu có mời bà đến dự buổi tiếp tân với phái đoàn văn hóa Nhật Bản ở Pen Club, một hội trường nằm trong trung tâm Sài Gòn. Đại diện phái đoàn Nhật Bản lúc đó là ông Morita và ông Miura. Qua buổi đó, ông Komori xin được đến nhà bà để phỏng vấn riêng.

Trong cuộc trò chuyện riêng tư đó, nghệ sĩ Kim Cương nói rằng bà không thể nào có được một chút thiện cảm với Hoa Kỳ và bà cũng lên tiếng phê phán sự hạn chế kịch nghệ của chính quyền ông Thiệu. “Tôi hoàn toàn không có một hy vọng gì ở tương lai cả. Cho nên, nếu tôi chết bất cứ lúc nào đi nữa thì cũng là một điều tốt thôi”, bà Kim Cương thố lộ. Ký giả Komori Yoshihisa kể rằng lúc đó ông bị sửng sốt, vì một nghệ sĩ đang trên tuyệt đỉnh danh vọng sao lại mang những điều bi quan vậy.

Sau Tháng Tư 1975, vị ký giả người Nhật này lại đến Sài Gòn để quan sát tình hình. Trong bài ký sự, ông ghi:

“Sau ngày Sài Gòn thất thủ đúng một tuần lễ, tôi lại gặp Kim Cương vào ngày 7 Tháng Năm 1975 tại Dinh Độc Lập cũ trong một buổi tập họp để chào mừng chiến thắng của quân miền Bắc. Lúc này, hầu hết những nghệ sĩ tài tử nổi tiếng của miền Nam đã đi ra ngoại quốc nên sự hiện diện của Kim Cương trở thành một khuôn mặt gây nhiều chú ý cho các ký giả ngoại quốc như chúng tôi. Kim Cương xuất hiện trong chiếc áo dài màu xanh đậm và qua những tia nắng gắt chiếu rọi từ ngoài sân, tôi đã nhìn thấy những vết nhăn ẩn hiện nơi khoé mắt trên khuôn mặt của cô. Khi nhìn thấy tôi, Kim Cương nở một nụ cười, và phía trên chỗ cô đang đứng là một tấm băng rôn có ghi hàng chữ: “Hội Liên Hiệp Nghệ Sĩ Yêu Nước. Sau đó, tôi cũng có gặp hai vợ chồng Kim Cương một vài lần. Qua đó, cô thường tỏ lời hoan nghệnh sự chiến thắng của chính quyền mới nên tôi không hiểu là cô có thực tâm khi nói như vậy không?”.

Ký giả Komori Yoshihisa cũng tìm hiểu và xác nhận rằng sau Tháng Tư 1975, nghệ sĩ Kim Cương rất được chính quyền mới trọng dụng qua việc cô được tuyển chọn là thành viên của Ủy ban quân quản Sài Gòn trước đó và Ủy ban nhân dân cách mạng thành phố sau này. Từ đó, những lời đồn về việc Kim Cương là một cán bộ cộng sản nằm vùng, trên thực tế đã mang cấp bậc trung tá của lực lượng quân đội miền Bắc ngày càng lan rộng.

Trên thực tế, sự sụp đổ của miền Nam đã khiến nhiều người Việt Nam phải sống hai mặt trong những ngày tháng vô cùng bất an đó. Cũng có thể là bà Kim Cương ra vẻ ủng hộ chế độ để được yên thân. Tuy nhiên, vai trò đắc lực của bà, là một trong những vấn đề mà giới nghệ sĩ cùng thời vẫn còn nhớ và phẫn nộ. Ký giả Komori Yoshihisa cũng kết bài của ông bằng câu, khi gặp lại bà vào năm 1998 “Thật sự bà ta là ai và đã nghĩ những gì?”.

Trong tâm tình với báo chí năm 2016, nhân dịp ra mắt hồi ký, bà Kim Cương nói rằng “có lần tôi qua Mỹ, có những người bạn rất thân mời tôi về nhà ăn cơm nên bị những phần tử chống đối phản đối quyết liệt…”. Bà cũng giải thích là việc bà ở lại sau ngày 30 Tháng Tư 1975 là do bà yêu khán giả Việt Nam. Trong lời đầu của tập hồi ký mà bà Kim Cương gửi đến người đọc, có câu khẳng định đáng nghiền ngẫm: “Tôi cũng may mắn (hay là rủi ro đây) sinh ra và lớn lên trong một đất nước Việt Nam đầy bom đạn lửa khói, từ kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ, chứng kiến những tao loạn từ lúc còn là đứa bé con cho đến ngày thống nhất đất nước. Vì lẽ đó, cuốn hồi ký này có thể xem như một nhân chứng khiêm nhường bên dòng lịch sử vĩ đại của dân tộc, cho dẫu tôi có một chỗ đứng khép nép nào đó trong dòng chảy lớn của cuộc đời”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: