Hình minh họa (Ảnh: kto.vn)

Tôi trở về quê ngoại sau gần mười năm dài đi biệt. Gia đình đã trôi dạt về đây từ nhiều năm trước. Mặc dù bạn bè đi cùng chuyến xe mong muốn chí tình, rủ tôi ở lại Sài Gòn chơi vài ngày, nhưng tôi không theo bạn mà đi thẳng ra Xa cảng Miền Tây để về luôn vì trong lòng nôn nóng muốn gặp lại ba má và các em.

Xe đò tới ngã tư Cai Lậy trời vừa xế bóng, tôi hơi ngỡ ngàng lúc xuống xe vì phố xá bít kín không thấy đâu mấy cây dù ngoài vỉa hè trước các tiệm nước. Bến xe Lam đi Bình Phú mất tiêu. Bảng hiệu Ngã Sanh còn đó nhưng trông thật lạ hoắc vì thấp chủn. Quán “Bì Bún” nổi tiếng khắp miền Lục tỉnh mà tiền thân là “Nữ Quán” nhìn qua cũng không thấy đâu. Chỉ thấy giữa đường vào chợ, giăng ngang hết cả con đường trên cao là bảng hiệu “Thị Trấn Cai Lậy” to đùng màu bã trầu trông thật thô kệch như tựa đề trên trang bìa của cuốn truyện Tàu “Tiết Nhơn Quí Chinh Đông.”

Từ ngã tư dọc theo đường về nhà, hai bên hàng quán san sát rất khó nhận ra được các ngã ba, ngã tư. Đến khi qua cây cầu đúc nhỏ, ngó nhìn thấy nhà thầy giáo Tức bên phải thì mới biết là đã tới ngã ba Bến Cát. Qua thêm một dãy ki-ốt nữa là nhìn thấy nhà lồng chợ Cai Lậy xéo ngang Dinh quận rồi đến khu mả Bốn Ông.

Đối diện bên kia đường là bảng tên trường Trừ Văn Thố. Tôi hơi lấy làm lạ nhưng khi nhìn kỹ thì rõ đây là trường Tiểu học Cai Lậy hồi trước. Nơi đây còn ghi lại một ký ức kinh hoàng. Học sinh đang trong giờ ra chơi buổi trưa đã lãnh trọn mấy quả đạn pháo 122 ly do Việt cộng bắn vào khiến cho hơn sáu mươi em vừa chết vừa bị thương, máu tuôn lai láng khắp cả sân trường. Tiếng la thét của trẻ nhỏ vang thấu tận trời xanh. Tội tình gì đây? Có phải kẻ thù nhau càng dai dẳng càng đối xử nhau dã man và tàn bạo hơn chăng?

Bản tin trên Nhật báo Hòa Bình về vụ pháo kích trường Tiểu học Cai Lậy. Ảnh: Flickr.com

Nhà ngoại ở trong xóm ngã ba chùa Ông. Đi tới đầu đường, tôi không còn nhận ra lối về nhà vì xóm nhỏ trước đây ở mặt tiền nay đã khuất sâu vào trong hẻm. Những người mới tới xây hiên nhà lấn ra mặt đường ngang bằng với tòa nhà hai tầng bề thế nằm ngay ngã ba cua quẹo trước miếu thờ Bốn Ông, trên cao treo băng rôn màu đỏ chói Hội Liên Hiệp Phụ Nữ. Tìm quanh quất cũng không thấy đâu cái ga-ra đậu chiếc xe đò hiệu Liên Hưng chạy đường Cai Lậy – Sài Gòn của Bác Hai D. Con đường đất cát nhỏ hẹp giờ gồ ghề hơn, nước đọng vũng hai bên đường đen ngòm không biết thoát đi đâu. May gặp được Bác Hai L. ông Từ miếu Tứ Kiệt.

Khi nhận ra tôi bác nói ngay

– Con về chi đây?

– Con về nhà chứ đi đâu bác Hai.

– Về đây sống sao nổi. Trình diện rồi là kẹt cứng luôn.

Tuy nói vậy nhưng bác vẫn vui mừng dẫn tôi đi đến tận căn nhà mới dời về ở trong hốc hẻm. Tôi mời bác vào nhà chơi uống nước. Bác từ chối thở dài rồi quay đi.

Đứng trước ngõ mà lòng đau như thắt. Cảnh vật tiêu điều im ắng. Nhà cửa xác xơ chìm trong bóng chiều ảm đạm. Má tôi ra mở cửa và rồi chỉ còn là nước mắt.

Được mấy hôm, tôi lên trình diện công an khu vực, Trung sĩ H. bảo thuộc diện quản chế của Huyện và chỉ ra đồn trình diện. Tại đây tôi được yêu cầu mua một cuốn sổ tay để ghi rõ tên họ và ngày giờ đi đâu làm gì trong tuần. Hằng tuần trình diện vào buổi sáng ngày Thứ Tư. Không được đi đâu ngoài vòng năm cây số, nếu muốn đi phải xin phép nêu rõ lý do. Thế thôi.

Hôm đầu tiên ra đồn, lúc bấy giờ còn đóng gần Dinh quận trong dãy nhà ngói trước đây là Chi Cảnh Sát Quốc Gia, bên trái cách con đường lộ cái là phòng Thông tin quận hồi trước. Khi đến nơi tôi thấy đông người đã tập họp ngồi xổm trên sân cát, xếp thành hàng ngang hướng về hiên nhà. Sau khi nộp sổ, tôi xuống ngồi theo hàng. Điều đầu tiên, người ngồi bên cạnh thấy tôi là người mới nên ghé tai dặn nhỏ không được ngồi xệp xuống đất và chỉ đứng lên khi được gọi tên, không được nói chuyện hay hỏi han bất cứ điều gì nếu muốn về sớm.

Trước khi gọi tên từng người lên để trả sổ, thường thì Sáu H. hoặc Mười N. mặc thường phục thuộc công an huyện đứng trên hàng ba nói vọng xuống lời sỉ nhục mọi người khoảng độ mười lăm phút. Có hôm còn gọi cả tên tộc để mạt sát những sĩ quan chi khu Cai Lậy trước đây đã từng chỉ huy những cuộc hành quân truy đuổi càn quét “cách mạng.” Mọi người im lặng, mười năm rồi, đâu có gì mới dù trong Nam hay ngoài Bắc, cán bộ quản giáo trại giam hay công an cũng có bấy nhiêu bài, lập đi lập lại hoài để kể tội và sỉ nhục kẻ thù, chỉ có điều khác nhau là tùy theo giọng nói mà thôi.

Từ đó, làm gì cũng phải nhớ ngày Thứ Tư tuyệt đối không được vắng mặt dù có bị bệnh nặng đến đâu cũng phải ra đồn trình diện, trừ phi liệt giường liệt chiếu đi không nổi người nhà phải ra đồn báo cáo. Chưa xong, có hôm công an huyện còn chỉ thị cho công an khu vực, nhất là vào những ngày lễ lớn gom các thành phần đang bị quản chế lại để lao động “xã hội chủ nghĩa” dọn vệ sinh khắp thị trấn.

Ty Bưu Điện Cai Lậy 1969. Ảnh Flickr.com

Những hôm như thế tôi thường được anh em phân chia xuống khu vực bến đò sầm uất gần cầu đúc lớn. Đùa rằng “trai khôn tìm vợ chợ đông.” Con đường ngắn nên có dư thì giờ đi lang thang dọc theo hai bên phố bờ sông. Kỷ niệm ngày xưa ùa về. Tôi thường hay đánh vần chữ quốc ngữ qua những cái tên của các tiệm buôn nghe như truyện kiếm hiệp thần kỳ Lâm Thoại Hưng hay Lâm Hoành Cơ cao chót vót trên lan can sân thượng chạm trổ phù điêu thật tuyệt vời. Sau nầy lớn lên tôi yêu thích tiểu thuyết Kim Dung khi liên tưởng đến những cái tên như thế.

Từ chợ cá dưới bờ sông đi ngược lên phía Dinh quận là dãy phố Tàu, Xương Xương, Châu Đức Hiền, Quảng Phát, Xuân Đức Đường… tới con đường phân chia giữa hai nhà lồng chợ, bên phải đi thẳng tới chùa Bà ở cuối đường, bên trái đi một đoạn là tới tiệm thuốc tây của chú Tám Lọ bên cạnh khu phố thầy giáo Nam. Khúc đường nầy đã ghi lại biết bao kỷ niệm thời thơ ấu. Tôi thường hay theo gia đình về quê ngoại ăn tết.

Nhà lồng chợ vắng hoe, các quầy bán đồ hàng xén còn đóng cửa vào những ngày Tết nên bạn hàng thường hay bày bán khô mực nướng thơm phức được đập nhè nhẹ trên cối đá xanh, rồi sau đó trét tương cay và phủ lên một ít đồ chua. Kế bên cạnh là những thúng đựng trấu màu vàng nghệ, bên trong vùi hột vịt lộn lấy ra còn nóng hổi. Chúng tôi sau khi được tiền lì xì của ông bà ngoại và các cậu là dong thẳng ra đây. Năm nào cũng vậy, chỉ có mấy ngày tết mới được ăn no những thứ nầy.

Qua khỏi đoạn đường nầy là tới đầu nhà lồng chợ phía trên. Nhìn lên mấy cây cột quanh góc chợ mà còn rùng mình nhớ lại bài học lịch sử năm xưa, lính Tây bắt sống được nghĩa quân chống Pháp đã cắt đầu “Bốn Ông” đem thủ cấp ra treo ở bốn góc chợ để thị uy và cho dân chúng xem. Ngày nay vẫn còn mả “Bốn Ông” sau Dinh quận.

Lúc nầy ở địa phương có phong trào đi làm thủy lợi, chính quyền vận động mọi người còn trong độ tuổi lao động bất kể nam hay nữ đều phải tham gia hoàn thành chỉ tiêu do chính quyền đề ra, chỉ trừ cán bộ công nhân viên chức nhà nước được miễn. Tất cả đều phải đích thân đùm túm quần áo, lương thực đi sâu vào trong vùng giáp ranh Đồng Tháp đắp bờ làm thủy lợi, không được thuê mướn người làm thế. Thời gian lao động “xã hội chủ nghĩa” chia làm nhiều đợt, mỗi đợt trung bình khoảng gần tháng mới xong. Thành phần cải tạo đang bị quản chế được xếp ưu tiên. Thà vào trong kênh nước phèn đào đắp thủy lợi mà đỡ điều tiếng hơn là dọn vệ sinh ngoài thị trấn.

Hằng tháng các tổ dân phố đều có tổ chức họp để kiểm điểm và thảo luận các sự việc xảy ra trong khu phố. Các tổ trưởng ngoài thành phần cơ sở cách mạng cũ, nay còn có thêm các thành phần mới cũng là “ngụy quân, ngụy quyền” nhưng lại bắt đầu lên lớp với những luận điệu từ ngoài miền Bắc đưa vào: “Đế quốc Mỹ là kẻ thù số một. Ngụy quân, ngụy quyền là tay sai của đế quốc Mỹ”. Tôi đâu có lạ gì với họ, cùng ở trong xóm mà, cô sáu H., Hai L., Hai A. … Thường thì kết thúc buổi họp dân phố bằng những lời tự kiểm của các thành phần “đáng lưu ý” trong khu phố, trong đó có tôi. Lâu dần rồi cũng quen, toàn là nói dối với nhau. Nhưng điều đặc biệt là ai ai cũng biết là không thật nhưng vẫn cứ tin cho xong buổi họp để rồi về nhà yên thân, yên phận. Thế thôi.

Trong thời gian quản chế, thỉnh thoảng công an khu vực còn dẫn theo du kích khám nhà, rọi đèn pin vào tận giường ngủ để kiểm soát. Nửa đêm mà nghe tiếng chó sủa là mẹ tôi thức suốt đêm cho tới sáng vì lo sợ không biết sáng mai tôi có bị gọi lên làm việc chầu chực cả buổi để viết bản tự kiểm, kê khai hôm qua đi đâu làm gì, kể cả khi đi đám tang của người thân. Thập thò tin đồn, không chấp hành tốt thì chẳng những không được trả quyền công dân mà còn bị bắt đi cải tạo lại là hết đời.

Người dân chạy ra Vũng Tàu trốn cộng sản khi Sài Gòn thất thủ (ảnh: Jacques Pavlovsky/Sygma/CORBIS/Sygma via Getty Images)

Công ăn việc làm không có, đời sống vô cùng túng quẫn. Quản chế tại địa phương là một sự giam lỏng và hạ nhục người cải tạo trở về khiến cho không ít người sợ liên lụy không dám quan hệ. Đã khó lại càng khó hơn để tìm kiếm việc làm mưu sinh.

Quản chế được một năm, sau đó công an huyện còn gia hạn thêm ba tháng nữa để thử thách và sau cùng họ lại diễn tuồng lần cuối là thể theo đề nghị của tổ dân phố tôi được đề nghị xóa quản chế có biểu quyết một trăm phần trăm của nhân dân địa phương để trở thành công dân hạng thứ trong một buổi lễ được tổ chức tại trụ sở khu phố rất trịnh trọng, tất cả không phải vì cờ xí hay bảng hiệu màu đỏ sặc sỡ mà chính là nhờ vào điệu bộ của ông Trưởng khu phố đang cố gắng pha nhại tiếng sao cho giống âm điệu của người miền Bắc. Thế mới là người cách mạng chân chính, cộng sản nhà nghề. Vỗ tay cho thật lâu và thật lớn mới được nhận quyết định. Dì Ba L. kề tai nói nhỏ với tôi như vậy.

Sống gần nửa đời người không có đoạn đường nào bi thương đến như thế nầy. Chiều tối mẹ chạy chợ về ra sau võng tìm con, móc trong túi áo bạc màu chìa ra cho con mấy điếu thuốc Đà Lạt mới mua trên đầu ngõ trước khi về nhà. Không còn gì để nói được nữa. Tôi vĩnh viễn bỏ thuốc lá. Thầm nghĩ chỉ còn có một con đường.

Chúng tôi bắt đầu âm thầm tổ chức vượt biên theo đường biển qua ngã sông Cửa Tiểu giáp ranh Chợ Gạo, quê tôi.

Ghe được đăng ký theo số hiệu thuộc tỉnh Tiền Giang, chủ ghe là thân nhân của một gia đình khá giả có nhà máy xay lúa lớn và lâu đời ở cù lao Tân Thới. Xăng dầu được dự trữ trong nhà máy xay. Khởi hành, anh B. con ông chủ nhà máy, giáo viên ở xã sẽ chở xăng dầu ra cùng lúc với hai chiếc taxi (xuồng ba lá) đưa khách ra ghe lớn. Đứa em gái của anh là Sáu P. cùng chồng đã vượt biển thành công mấy tháng trước. Tài công sẽ đưa ghe chúng tôi ra cửa biển về hướng Mã Lai.

* * *

Chuyến xe đò chở khách rời ga Diêu Trì rẽ theo đường quốc lộ 19 lên Pleiku vào những ngày mùa Hè nóng bức. Ngọn Tháp Chàm vẫn trơ gan cùng năm tháng. Qua khỏi cầu Bà Di trời bắt đầu mát dịu, xe chạy bon bon, đường đi buổi sáng rất vắng. Tiếng máy xe nổ đều đều. Tôi quay mặt ra phía ngoài cửa sổ ngóng gió phả vào mặt, gió thổi ù ù nghe vui tai. Xa xa những xóm nhà nằm dưới chân núi nổi bật lên giữa đồng rộng mênh mông ở cuối chân trời. Lòng rộn vui khi qua đây, theo đường lên cao nguyên, trở lại Kontum sau mười năm.

Một ụ lô cốt trên đường phố Kontum trước 1975. Ảnh: Corbis

Đến Pleiku trời vừa chạng vạng thay vì nghỉ lại ở nhà trọ, may mắn có chuyến xe hàng lên Kontum, tôi xin quá giang đi ngay trong đêm. Trời tối đen khi xe vừa ra khỏi thị trấn, dọc theo hai bên đường rải rác nhà cửa mọc lên thành từng cụm, đèn điện sáng choang. Không nhận ra đèo Chu Pao ở đâu. Đoạn đường như ngắn lại vì xe chạy nhanh mà cũng có khi do cảm giác vì đã đi qua những đoạn đường dài Nam Bắc. Nay trở về chốn cũ thấy mọi thứ đều nhỏ hẹp chăng?

Gió đêm cao nguyên lạnh buốt, vệt ánh sáng đèn xe phía trước rọi thủng màn sương khói dầy đặc, không thấy được gì cả ngoài mặt đường và chỉ canh theo đồng hồ mà đoán chừng là xe đi đến đâu. Biết là sắp đến nơi khi có khách quá giang xuống ngã ba Phương Hòa. Nhìn thấy dãy phố chen chúc vây quanh ngã ba mà xúc động dâng trào. Nhớ những ngày đầu tiên lên Kontum cách nay hơn mười năm tôi đã từng ở nơi đây với gia đình bạn Q. Những cái tên thân quen cả đời mình vẫn nhớ. Giờ không biết ra sao, sau cuộc bể dâu.

Khi xe đến đầu cầu Dakbla, đèn điện hai bên thành cầu sáng mờ đục soi bóng lờ mờ phố núi Kontum rực sáng ở phía trước. Cảnh vật khác xưa nhiều nhưng vẫn còn nhận ra dãy phố cũ đầu đường nhà Bác T. Tôi xuống xe đi dọc theo đường Nguyễn Huệ ngang qua nhà thờ Tân Hương là tới dốc xuống nhà. Ngõ cũ giăng hàng rào kẽm gai thưa trống, cột gỗ xiêu vẹo, bóng dài ngã theo vệt sáng lù mù từ trong cửa sổ chiếu hắt ra, gần cây vú sữa bên hông nhà. Tôi đứng trước nhà gọi vọng vào một hồi lâu. Trâm ra mở cửa ngỡ ngàng ôm chầm lấy tôi mà nước mắt như mưa…

Đường qua ngõ nhà em mười năm trước
Dốc Tân Hương vằng vặc bóng trăng soi.

Lần nầy khi tôi về lại Kontum, các cha vẫn còn sống trừ cha N. chính xứ Phương Nghĩa đã mất trong vụ án Nhà thờ Vinh Sơn. “Sự gì Thiên Chúa kết hợp loài người không thể phân chia.” Lễ cưới của chúng tôi đã được cử hành tại Giáo đường Tân Hương do chính cha Luca BT. làm chủ tế. Tiệc ở nhà, ngoài đông đảo bạn bè thân hữu còn lại là nhân viên cũ và hầu hết là các cha quen biết thuộc địa phận Kontum. Trong tiệc mừng, cha H. tặng bức ảnh nhà thờ Tân Hương với dòng chữ nhỏ viết tay ở góc phía dưới “Nhìn thấy ánh sáng qua rừng cây ta biết có mặt trời. Qua đời sống hôn nhân Thu-Trâm người nhận biết có Thiên Chúa.”

Nhà thờ gỗ Kontum 1967. Ảnh của Rick Jepson

Thời gian lưu lại Kontum chỉ trong hơn mười ngày đã để lại trong tôi một niềm vui vô bờ bến. Họ hàng nhà gái thật vui mừng với sự trở về của tôi cũng như hãnh diện về sự chờ đợi của cô Trâm đã trở thành đề tài cho mọi người ở phố kể nhau nghe với lòng đầy ngưỡng mộ. Ở đâu được quí mến và kính trọng ở đấy có hạnh phúc. Thắm thoát rồi cũng đến ngày chia tay.

Buổi tối hôm trước khi rời Kontum, chúng tôi ra cầu Dakbla đi bộ dọc theo thành cầu. Gió thổi mát dịu. Hai đứa lặng thinh không nói gì cả chỉ cúi nhìn dòng sông nước chảy ngược về phía tây. Cuối cùng, nước mắt ràn rụa qua tiếng nấc nghẹn ngào em nói:

– Em đi với anh.

Cả gia đình cha già mẹ yếu và sáu đứa em còn nhỏ chỉ sống dựa vào sạp guốc dép ngoài chợ. Giờ em ra đi mà lòng không đành. Hy vọng mỏng manh là đứa em gái kế có thể tiếp tục mua bán, nhưng không biết có được không. Ban đầu gia đình dự định sau đám cưới em ở lại giúp gia đình một thời gian rồi sẽ tính sau nhưng khi tôi cho em biết sự thật là tôi đã chuẩn bị để hai vợ chồng về Nam đi ngay chuyến tàu vượt biên đã sẵn sàng. Không còn đủ thời giờ để trì hoãn. 

Hôm đi, sáng sớm trời còn sương lạnh, mẹ và mấy đứa em đưa hai vợ chồng tôi ra bến xe đò về Sài Gòn. Mẹ dặn về tới nơi nhớ nhắn tin cho gia đình biết. Nhớ năm xưa một lần đưa tiễn là mười năm. Xa xôi quá… Cứ nghĩ tới là nước mắt lại tuôn trào. Tôi nắm chặt tay em không muốn rời ra cho đến khi xe chạy. Khói xe mịt mùng pha lẫn với sương mù lãng đãng làm mờ nhạt hình ảnh của mẹ và các em đang còn đứng vẫy tay theo khiến em ngất lịm.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: