Tuổi Đôi Mươi
Tôi luôn cảm thấy sự gắn bó khắng khít với tất cả anh chị em trong nhà. Tôi tìm thấy điều đặc biệt nơi mỗi anh, chị, em. Để rồi, với từng người, tôi cảm nhận sự gần gũi khác nhau, vì mỗi điều đặc biệt riêng.
Chị lớn của tôi hơn tôi sáu tuổi. Khoảng cách tuổi tác chỉ hiện hữu, khi chị lo lắng, dìu dắt tôi. Lúc trò chuyện, tôi gọi chị, theo vai vế, nhưng cảm nhận như người bạn trang lứa với mình. Đối với chị, đại gia đình là nền tảng của cuộc sống. Mấy ngày trước 30 Tháng Tư 1975, chị ở Sài Gòn, có cơ hội rời Việt Nam. Lúc đó, anh cả đang du học ở Âu Châu. Nhưng chị dứt khoát ở lại, vì chị mất liên lạc với Ba Mạ và các em ở miền Trung. Xong tú tài toàn, chị vào Sài Gòn theo ban Văn Chương Việt Hán ở Đại Học Văn Khoa. Khi đổi đời, chị đang trong năm cuối đại học. Như các bạn sinh viên cùng thời, chị tiếp tục đến trường. Nhưng giai đoạn đó, tất cả sinh viên phải học chỉ mỗi môn chính trị.
Hai lần đầu, chị lẩn tránh không đi “lao động xã hội chủ nghĩa”. Bạn bè và nhóm trưởng “thông cảm”. Nhưng đến lần thứ ba, nhóm trưởng không thể “tha” được nữa. Sau này, chị biết, đợt lao động đó là công tác “đánh tư sản”. Thật bất ngờ, một may mắn đến với chị. Chị được giới thiệu với một người bạn cùng quê ngoài Huế với Ba, lúc ấy đang là phó giám đốc Sở Giáo Dục. Căn cứ vào bằng cấp trước năm 1975 của chị, bác đã bổ nhiệm chị về dạy trung học ở trường Nguyễn Huệ. Sau đó, chị được thuyên chuyển sang trường Lê Quý Đôn.
Mùa hè nghiệt ngã 1976, Ba đang trong trại cải tạo, nhà cửa của gia đình bị tịch thu. Chúng tôi có nguy cơ chịu cảnh thất học nếu tiếp tục ở tỉnh lỵ miền Trung. Dẫu trắng tay, Mạ vẫn quyết định cho tôi và mấy đứa em vào Sài Gòn với chị. Vô Nam, tôi chẳng màng đến đèn ngọn xanh, ngọn đỏ của Sài Gòn. Tôi chỉ mỗi khát khao được đi học, bất kể trường nào. Nhưng chị thì khác. Chị muốn xin cho tôi những trường có tiếng tăm ở Sài Gòn. Mất tiệm sách, quán cà-phê, mất nhà, Ba đâu đó trong rừng sâu, nước độc, Mạ và bầy con thành vô sản thứ thiệt.
Chị mới đi làm, lại trong nghề nghèo đói, gia đình chúng tôi không có phương tiện để lo các thủ tục “đầu tiên”, tiền đâu! Bằng lời ăn tiếng nói khéo léo, kèm thêm nhiều may mắn, chị đã xin cho tôi vào trường trung học Marie Curie, hai đứa em nhỏ vào trường tiểu học Trần Quý Cáp. Khi tôi gần cuối lớp 12, chuẩn bị hồ sơ thi phổ thông trung học, cô giáo chủ nhiệm phát giác, hồ sơ của tôi không đầy đủ. Cô giao hẹn, trong vòng mấy ngày phải nộp lý lịch có phường khóm chứng nhận thường trú tại địa phương. Nếu không, tôi phải nghỉ học.
Tôi rụng rời chân tay. Bao lâu nay, tôi và mấy đứa em ở “lậu” trong Sài Gòn. Thời ấy, chạy “hộ khẩu” Sài Gòn tốn nhiều cây vàng. Chuyện này hoàn toàn ngoài khả năng của gia đình chúng tôi lúc bấy giờ. Tôi buồn, khóc vật vã, thấy bế tắc, tuyệt vọng. Chị lại thực hiện điều kỳ diệu. Chị đem lý lịch của tôi nhờ nhà trường chị chứng nhận tôi tên tuổi như vậy, hiện đang cư trú tại số nhà… đường Nguyễn Huỳnh Đức. Tôi vui sướng không sao kể xiết, được tiếp tục cắp sách đến trường.
Như cô tiên trong truyện cổ tích, chị đã dùng chiếc đũa thần cho tôi tròn điều mơ ước. Năm ấy, chị chưa đến tuổi hai lăm.
Là Đũa Có Đôi
Ngày xưa văn nhân đà xuýt xoa:
Nàng là con gái trời cho đẹp
Tuổi mới mười lăm đã đẹp rồi
(Bùi Hạnh Cẩn)
Nhưng trong trí nhớ của tôi, chị đã đẹp từ thuở mười hai, mười ba, thuở chị vừa rời tiểu học. Nhan sắc diễm lệ theo chị hàng chục năm. Cuối thập niên 70, chị dạy trường trung học bên quận 4. Bao năm qua, bây giờ mường tượng lại thuở ấy, trong trí tôi vẫn rõ hình ảnh chị mặc áo dài tơ lụa màu vàng, màu hồng nhạt, quần trắng, đeo kính mát to kiểu hippie đi dạy. Có thể tôi thiên vị, trong mắt tôi, chị là người đẹp nhất trong những mỹ nhân.
Chị đã có những tháng ngày yêu đương, mơ mộng, có những chủ nhật uyên ương hẹn hò đây đó. Tuy vậy, chị vẫn chưa gặp đúng mối duyên nợ tơ hồng. Chị qua tuổi tam thập nhi lập từ lâu. Chị hài lòng với cuộc sống một mình mà không cô đơn. Bầy em của chị đã yên thân, ấm chỗ. Ba Mạ trăn trở, mong con gái tìm được bến trong để gởi phận, mong con có người lo lắng lúc tối lửa, tắt đèn.
Chúng tôi đùa, phân bì: “Chị không chịu lập gia đình. Vì chị muốn giữ vị trí tối huệ, luôn được Mạ dành cho những điều kiện thuận lợi nhất.” Mạ giải thích: “Đứa mô Mạ cũng thương như nhau. Mấy đứa con, đủ đôi đủ cặp, đau ốm chi, có người đỡ đần. Chứ chị con, một thân, một mình, tội nghiệp lắm.”
Có lẽ vì nghĩ vậy, khi chị và anh ấy tính chuyện trầu cau, Ba Mạ là người vui nhất. Cả nhà rộn ràng chuẩn bị đám cưới chị. Sức khỏe của Mạ đã giảm sút nhiều. Mạ không thể trực tiếp tham gia tổ chức cho ngày trọng đại này. Nhưng Mạ như bừng lên sức sống, chia sẻ với con gái niềm hạnh phúc. Bạn bè chị ở ngoại quốc và ở Việt Nam cũng hân hoan với tin chị tuyên bố sẵn sàng “đeo gông vào cổ”. Bạn bè chị háo hức tìm áo cưới và đặt làm những đôi đũa khắc tên đôi uyên ương với chủ đề “đũa có đôi”, theo sáng kiến của người thiết kế vẽ mẫu thiệp cho chị. Thấy anh chị em chúng tôi từ hội trường về, Mạ nôn nóng hỏi: “Tới đâu rồi con? Có kịp không con…”
Mấy đứa em dâu lấp ló trong bếp, nhìn ra sân quan sát anh chị sắp đặt, trang trí các bánh trái chuẩn bị hôn lễ, ríu rà, ríu rít như đôi chim non. Một cô rù rì: “Eo ui, nếu biết vậy, em chờ 50 tuổi mới lấy chồng.” Rồi cô em lắt xắt, tự bàn ra: “Mà thôi! Chị đẹp vậy, 50 tuổi còn có người ưng. Chớ mình 50 tuổi, xấu òm, ai thèm ngó.” Mạ chỉ có thể ngồi tiếp khách lúc ban đầu. Sau đó, Mạ mệt. Chúng tôi thu xếp đưa Mạ vào nằm nghỉ trong phòng bên hông hội trường. Trong chương trình văn nghệ hôm đó, sau khi người bạn thân quí của gia đình trong vai “Mõ Làng” rao tin, cô dâu chú rể lên sân khấu, anh chị em chúng tôi bắt đầu cất giọng… Và con tim đã vui trở lại… Mõ Làng dìu Ba nhập cuộc. Thật tiếc, Mạ không chứng kiến được màn hợp ca độc nhất vô nhị, cả gia đình cùng giọng trầm bổng, hát khúc hoan ca mừng chị.
Tôi trải bộ bút, cọ calligraphy lên bàn ngắm nghía. Món quà thật đẹp. Chị và anh ấy tặng tôi hôm lần đầu anh “ra mắt” đại gia đình. Tôi dự định sẽ dùng những mảnh bìa nhỏ, làm thẻ đánh dấu trang sách, như chút quà lưu niệm ngày thành hôn của anh chị. Tôi sẽ thử khả năng thư pháp của mình, vẽ vời câu ca dao:
Nay ta là đũa có đôi,
Là chim có cặp, là vôi có trầu.
Tôi muốn ghé tai muôn thiên hạ, thì thầm báo tin, mùa xuân đã về với chị. Dẫu muộn màng, nhưng đằm thắm vô ngần.
…
Ai Ngờ Giếng Cạn
Vợ chồng chị ngao du từ Âu sang Mỹ, từ Đông qua Tây, ngắm phong cảnh, thăm họ hàng, bạn bè, tham dự nhiều sinh hoạt văn hóa Mỹ, Phi, Âu, Á. Anh ấy ăn nói nhỏ nhẹ, chiều chuộng chị hết lòng. Đến đâu ai cũng trầm trồ, chị thật tốt số, duyên muộn, nhưng duyên lành. Bầy em gái tấm tắc, anh rể là người chồng mẫu mực. Riêng người em trai, vẫn giữ khoảng cách nhất định, đăm chiêu khi thấy những thái độ săn đón quá đà của anh rể. Mặc dù cả nhà đang hòa vào niềm vui của chị, người em trai đôi khi chậc lưỡi: “Em cảm thấy có điều gì không ổn”. Những băn khoăn mơ hồ của người em trai dần dà rõ nét. Không chỉ người em trai, mà cả nhà, càng ngày càng nhận ra nhiều điều lấn cấn. Những săn sóc đó, có nhiều nét màu mè hình thức, hơn là xuất phát từ lòng yêu thương.
Chị không về thăm Ba Mạ đều đặn như xưa. Chị không còn những cuộc điện thoại nói chuyện cà kê. Đôi lần cả nhà tụ tập đông vui, vào giờ chót, chị vội vàng vắn tắt, bận bất ngờ, không góp mặt. Chúng tôi nghĩ, chị đang có hạnh phúc mới, mình nên thông cảm. Mãi về sau, chúng tôi mới biết, chị không về, vì anh ấy gây chuyện. Đôi lần chị về cùng anh ấy, chị cố gắng trọn vai trong màn kịch khó diễn.
Chị không thể giấu mãi những lùng xùng, lình xình. Tuy vậy, chị vẫn cố níu kéo. Có lẽ chị sợ thấy mình thất vọng vì sự lựa chọn sai lầm. Chị tìm cách biện hộ, chẳng nhẽ vì cái mụt nhọt nơi bàn tay, mà phải bỏ cả cánh tay hay sao. Nhưng sức chịu đựng của con người hữu hạn. Giọt nước biên tế đã làm tràn ly. Ba, anh cả và bầy em xót xa nhìn chị hư hao. May thay, Mạ không thấy những tai ương anh ấy đem đến cho chị.
Tôi lật tới lui bản thảo của truyện Là Đũa Có Đôi. Tôi bắt đầu viết một tháng sau đám cưới chị. Định viết xong, như một món quà nhỏ tặng chị. Nhưng tôi không viết được thêm chữ nào cho bài, trong suốt hơn chục năm qua. Bởi, cái bong bóng hạnh phúc của chị đã vỡ quá nhanh. Tôi biết, mình không thể tìm được màu hồng của hạnh phúc, màu xanh của hy vọng để tô màu lên giấc mơ dài của chị. Tôi ngại, không muốn vẽ một bức tranh u tối, buồn bã của chân dung một hồng nhan đa truân. Tôi thương chị. Chị tưởng giếng sâu, chị đã nối sợi dây dài, thật dài. Tôi đâm tiếc hoài sợi dây tình cảm, ước mơ của chị đã mất.
Nữ Hoàng Khiêu Vũ
Mười mấy năm trước, chị cùng mấy gia đình chúng tôi đi chơi ở Hoa Kỳ. Một buổi chiều, sau khi rảo qua không biết bao nhiêu phố phường, bao nhiêu con đường của Nữu Ước, mấy chị em thơ thẩn dạo trên Broadway, thích thú đọc những bảng quảng cáo của các vở nhạc kịch nổi tiếng. Chúng tôi ngắm rạp Winter Garden, thấy người ta đang rồng rắn trước quầy vé. Nhìn bảng quảng cáo trên cao, rạp đang diễn vở Mamma Mia! Tuồng này thuở ấy chưa qua đến nước Đức. Nhưng đã nghe báo chí, truyền hình tường thuật về vở nhạc kịch với những bài hát của ABBA. Chị háo hức rủ tôi xếp hàng mua vé cho ba chị em. Chị nhỏ lo lùa lũ nhóc con về khách sạn. Hai chị em là người cuối cùng mua được ba vé cho xuất hát buổi chiều đó. Mừng hí hửng, tôi vội chạy về báo tin cho chị nhỏ.
Có lẽ chờ lâu quá, nghĩ, chắc không mua vé được, chị nhỏ rời khách sạn, đi chơi lòng vòng. Thuở ấy, chưa xài điện thoại di động, thật khó liên lạc với nhau. Sắp đến giờ trình diễn, mà vẫn không thấy tăm hơi chị nhỏ. Vé giá 80 đô-la. Hai chị em đành đứng rao bán tấm vé dư. Rất nhiều người hỏi mua vé. Nhưng chỉ muốn mua cả cặp. Tôi bắt đầu nản, bàn với chị, bán hai vé, chị vào coi một mình. Chị không đồng ý, bảo, đã đến đây, nhất định phải cả hai cùng vào coi.
Hai chị em lóng ngóng một hồi. Tôi tiếp tục điệp khúc chào hàng. Ông bà, anh chị, muốn mua vé không? Tôi có dư vé nè. Đây là chương trình tiếp thị gay go nhất, thuộc loại vô tiền khoáng hậu trong đời đi làm của tôi. Vẫn là gật đầu, rồi lại lắc đầu. Hai chị em sắp sửa “đau bụng” chịu mất mấy chục đô. Bỗng nhiên, một bà Mỹ cao tuổi, dáng sang trọng, đưa đề nghị:
-Này hai cô bé, tôi thích musical. Tôi đã xem The Phantom of the Opera, My Fair Lady. Nhưng tựa đề nhạc kịch này lạ quá. Tôi không biết như thế nào. Tôi chỉ tò mò vào xem cho biết thôi. Tôi chỉ muốn thử bỏ 50 đô, chứ không hơn. Đồng ý chứ?
Hai chị em mừng rỡ gật đầu ngay. Ba người chung vào rạp. Sau vài trao đổi ngăn ngắn, chúng tôi quen nhau thật nhanh. Không khí trong rạp nhộn nhịp, tưng bừng. Tiếng nhạc chan hòa trong không gian. Sân khấu bừng sáng, thay màn, đổi cảnh thật vui mắt. Hai chị em thưởng thức tận tình, bà khách cũng vậy. Bà cười vui tán thưởng, khi hai chị em cùng nhiều khán giả khác rời chỗ ngồi cùng nhảy múa theo Dancing Queen trên sân khấu. Giờ nghỉ giải lao, ba người bây giờ thành bạn với nhau. Bà mời hai chị em ăn nhẹ ở Sushi Bar bên cạnh rạp.
Giá cả hàng quán trên Broadway thiệt là trên trời. Như vậy, tính ra cái vé bà phải trả hơn cả trăm đô-la. Chị em tôi được một bữa tối thật thú vị và làm quen thêm một người dễ thương. Kết thúc buổi trình diễn không những là standing ovation mà còn là dancing ovation. Trên sân khấu các vũ công, nghệ sĩ cúi người cám ơn những tràng vỗ tay không dứt. Khán giả vừa vỗ tay, vừa hát, vừa đong đưa theo điệu nhạc. Quả là một chầu giải trí đáng giá đồng tiền bát gạo. Được làm dancing queen trong vài tiếng đồng hồ, tại rạp hát ở Broadway, Nữu Ước, một kỷ niệm đáng nhớ với chị.
Vài năm gần đây, chị trở lại vai dancing queen. Chị dự các lớp học khiêu vũ. Những lần chị đưa Ba về Việt Nam ăn tết, chị cùng bạn bè đến câu lạc bộ để tập dợt, biểu diễn. Vui chơi xong, chị chạy xe gắn máy về nhà. Trời tối, đường Sài Gòn bớt đông đúc, chạy khoảng đường Trần Quý Cáp quẹo ra Trương Minh Giảng, đường khuya như có hương lá cây, trời mát dìu dịu. Tâm hồn phấn chấn, chị hát nho nhỏ vài câu hát bất chợt đến trong trí. Chị tưởng như mình là cô sinh viên Văn Khoa năm nào, đang trên đường về đại học xá sau buổi tiệc với bạn bè…
Chị Em
Năm 1978, chuẩn bị thi đại học, tôi thu thập tin tức. Thời bấy giờ,“khuynh hướng thị trường” phổ biến là: nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa, bỏ qua tổng hợp. Tôi theo ban B (Văn & Anh Văn), theo kết quả trong trường, tôi sẽ thi vào trường Tổng Hợp, trường bị “bỏ qua”. Nhưng tính ra, vẫn còn “ngon” hơn ngành giáo chức, dứt cháo. Trường Sư Phạm là chốn không ai thích ngó ngàng tới. Nơi ấy mới có chỗ đứng cho những người với lý lịch hạng bét như tôi. Ban đầu, tôi định thi vào Đại Học Sư Phạm. Tôi nghe ngóng thêm kinh nghiệm từ bạn bè “học tài thi lý lịch”, tôi nao núng tinh thần.
Tôi nghĩ, nếu mình thi vào Cao Đẳng Sư Phạm, bớt gắt gao, cơ may thi đậu lớn hơn. Muốn cho chắc chắn, tôi manh nha trong đầu ý nghĩ thi vào Trung Học Sư Phạm. Nhưng chị đã khích lệ tinh thần tôi, thuyết phục tôi thi vào đại học. Chị bảo, cứ nộp đơn thi đại học, nếu bị đánh rớt, lúc đó sẽ tính. Nghe lời chị, cố quên những âu lo, tôi đã thi và đậu Đại Học Sư Phạm, khoa ngoại ngữ.
Ngày ấy, chị tặng tôi cuốn sách tiếng Anh, viết về Picasso, chị ghi: To my sister, whom I love and expect most. Tôi luôn nghĩ, mình phải đáp lại tình thương yêu, sự mong đợi chị dành cho mình. Ngày nay, những thành công tôi có được trong đời sống xã hội, nhờ những nỗ lực của tôi cộng thêm nhiều vận may. Nhưng chắc chắn cũng có phần đóng góp của chị, lát những viên gạch mở đầu cho con đường tương lai sự nghiệp của tôi mấy chục năm trước. Chị nuôi ý định hai chị em cùng soạn một cuốn tự điển thành ngữ, tục ngữ Đức Việt/Việt Đức. Thời sinh viên, tôi đã bắt đầu sưu tầm, góp nhặt chữ nghĩa. Xong đại học, cuộc sống bận rộn cuốn hút mãi, tôi đành tạm xếp dự án vào danh sách chờ.
Năm kia, tôi cùng chị du lịch ở Sri Lanka. Từ xa nhìn những người leo trên núi Sigiriya li ti như kiến. Tôi thầm khen: “Ui, thiên hạ gan góc thiệt”. Chúng tôi chung bước với những du khách khác leo đến cổng sư tử, có chỗ nghỉ chân. Tôi ngó lên cao, thấy ngợp, chùn chân. Tôi dùng dằng. Sợ lắm. Nhưng nghĩ, đã đến đây, mà chỉ nửa đường, thì tiếc biết bao nhiêu. Chị sôi nổi: “Ráng lên, chị phụ cho”. Chị leo trước, tôi từng bước, từng bước theo sau. Cuối cùng, dựa theo cánh tay tinh thần của chị, tôi đã hãnh diện ngước mặt nhìn trời trên đỉnh núi, sau khi leo hơn một ngàn bậc thang chênh vênh quanh vách núi.
Hè năm nọ, trước khi nghỉ phép, tôi bị viêm cơ cánh tay phải, một bệnh “dịch” do chuột computer gây ra. Chị cùng vợ chồng tôi đi chơi xa mấy tuần lễ. Suốt chuyến đi dài, ngang dọc nhiều tiểu bang Mỹ, chị đã là cánh tay phải thực thụ cho tôi. Xe dừng, chị xuống trước, mở cửa, tôi bước ra. Đến xe, tôi ngồi yên đâu vào đó, chị mới đóng cửa xe. Ăn uống chị cũng gắp sẵn vào chén dĩa cho tôi. Chị nhắc, tôi ráng dưỡng cánh tay, kẻo bị viêm lâu, khó chữa. Chị phụ bưng, khuân, xách cho tôi. Tay tôi giờ hết đau. Nhưng tôi vẫn mong có “cánh tay phải” đồng hành với tôi.
Giờ đây, chị đã để lại sau lưng những ngày tháng của đũa có đôi. Đôi đũa lệch lạc mang đến chị biết bao sầu khổ. Chị một mình, nhưng không cô đơn. Chị có đại gia đình chúng tôi. Chị có nhiều bạn bè. Chị vẫn yêu nghề thông dịch và hướng dẫn hội nhập văn hóa. Chị luôn năng động tìm cho mình nhiều sinh hoạt. Chị học vẽ, đàn, khiêu vũ, trau dồi ngoại ngữ, thưởng lãm thơ văn và ham thích du lịch.
Cả nhà chúng tôi vui mừng vô cùng, thấy chị đã tìm lại được quân bình trong cuộc sống một mình. Tôi ước mong chị sẽ mãi rộn ràng lướt sàn trong khúc hát thanh xuân. Tay cọ vẽ của chị sẽ mãi tô màu sắc sáng rỡ của hoa lá, đất trời. Và nét tươi nhuận nụ cười sẽ không bao giờ tàn phai trên môi chị.
_______
Trích lời ca trong các nhạc phẩm:
Trả Lại Em Yêu của nhạc sĩ Phạm Duy
Và Con Tim Đã Vui Trở Lại của nhạc sĩ Đức Huy