Những ngày đầu mới định cư ở Mỹ sao tôi gặp lắm chuyện không may. Chẳng biết đó có phải là chuyện xui xẻo không, mà sao nó cứ xảy ra hết chuyện này đến chuyện khác, thậm chí có lần tôi còn phải ra tòa làm nhân chứng nữa. Có phải là họa vô đơn chí không?
Chuyện không may đầu tiên của tôi là phải thi hai lần mới đậu được bằng thi viết lái xe. Chuyện này thì cũng bình thường, chẳng có gì gọi là xui vì có nhiều người cũng từng bị như vậy. Nhưng rồi tới khi đi thi thực hành, mặc dù đã từng lái xe jeep ở Việt Nam vậy mà tôi cũng vẫn phải hai lần thi mới đậu.
Có được bằng lái xe rồi, tôi ráng gom góp tiền mua một chiếc xe Toyota Corolla cũ làm phương tiện di chuyển để không phải nhờ vả những người thân đưa đi nơi này nơi kia. Ở Mỹ, không có một chiếc xe hơi riêng để đi lại thì có biết bao điều bất tiện mặc dù những phương tiện di chuyển công cộng như xe buýt, xe điện, taxi, uber,v.v… không thiếu. Không có xe riêng thì cũng khó mà tính chuyện đi làm. Chính nó là cái cầu nối giúp ta bước vào những nẻo đường mới trên đất Mỹ.
Thế nhưng xui xẻo làm sao, mới có bằng lái được ba tháng thì tôi đã bị… mất xe trong lúc đi học ở San Bernardino College để trau dồi Anh ngữ. Lý do tôi bị mất xe cũng chỉ vì tôi đậu xe ngoài lề đường vì muốn tiết kiệm tiền parking ở trong bãi đậu xe của trường; tuy nhiên may mắn chỉ mấy ngày sau cảnh sát đã tìm thấy chiếc xe của tôi bị bỏ ở một nơi khá xa cách chỗ mất xe tới hơn 20 miles.
Tôi phải trả tiền thuê kéo xe về và phải bỏ tiền túi ra tu bổ lại vì xe bị đập cửa kính, bị thủng bánh xe và hư công tắc. Vừa sửa xe xong chưa được bao lâu thì tôi lại bị tai nạn làm cho chiếc xe của tôi bị hư hại khá nặng; đó là chưa kể có lần tôi còn bị cảnh sát chận lại cảnh cáo vì lái xe đến ngã tư dừng đèn đỏ lâu quá không di chuyển vì mải ‘lo ra’ không thấy đèn hiệu đã đổi qua màu xanh.
Tai nạn xảy ra khi buổi sáng hôm ấy trên đường đưa vợ đi chợ, đến một ngã tư tôi ngừng lại chờ rẽ phải và nhường đường cho mấy người đang đi bộ băng qua thì bất ngờ tôi bị một bà già Mỹ lạc tay lái đâm ngay vào đuôi xe. Chiếc xe của bà Mỹ là xe Mỹ hiệu Cadillac to kềnh càng nên hầu như không bị hề hấn gì, trong khi cái xe Toyota cũ mèm của tôi bị móp méo cái cản sau (bumper) thành hình chữ V trông thật thê thảm. Mặc dù hơi bất ngờ nhưng tôi vẫn còn đủ bình tĩnh để trao đổi những thông tin liên hệ với bà Mỹ.
Nhưng có lẽ vì mới đến Mỹ chưa bao lâu nên tôi đã lính quýnh quên không ghi cái số xe của bà ấy, một chi tiết quan trọng không thể thiếu trong một tai nạn xe. Mãi đến lúc về nhà tôi mới nhận ra cái thiếu sót này. Thế là ngay ngày hôm sau, tôi vội tìm tới địa chỉ nhà bà Mỹ với ý định ‘thám thính’ ghi trộm số xe.
Trong lúc tôi đang ngơ ngác tìm nhà bà ấy ở trong một khu mobile home thì gặp ngay bà ta đang đứng trước cửa nhà. Tôi bèn giả lả cười trừ nói xin lỗi vì hôm qua tôi quên chưa ghi số xe, nên hôm nay tôi đến để hỏi xin bà số xe. Cũng may tôi gặp một bà Mỹ biết điều, bà vui vẻ chỉ vào chiếc xe của bà đang đậu trong carport và nói tôi cứ tự nhiên. Tôi cám ơn bà và vội lấy giấy bút ghi số xe.
Vì chiếc xe của tôi bị va chạm quá mạnh nên ngoài việc xe bị hư hại nặng, tôi và vợ tôi cũng bị chấn thương cả về tâm lý lẫn thể chất. May cho tôi là bà Mỹ đã nhận lỗi nên việc sửa xe của tôi không gặp khó khăn gì; tuy nhiên việc chữa chấn thương cho chúng tôi đòi hỏi một thời gian lâu hơn. Chúng tôi được giới thiệu đến gặp một bác sĩ chiropractor người Mỹ để điều trị chấn thương. Ông là một người Mỹ gốc Nam Mỹ có nước da ngăm ngăm đen trông giống như một người Mễ.
Thời gian đầu khám bệnh, ông bác sĩ coi tôi như một bệnh nhân bình thường, nhưng dần dần khi đã thân mật, ông gọi tôi khi thì “buddy” khi thì “brother” mỗi khi gặp nhau. Biết tôi là một cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa, ông nói ông cũng là một cựu binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ từng tham chiến ở Việt Nam.
Sau khi bị thương từ chiến trường Việt Nam trở về, ông được giải ngũ và đã đi học trở lại lấy được bằng bác sĩ chiropractor. Có lần ông còn cho tôi xem một ít hình trong một cuốn album cũ của ông trong đó có một bài báo cắt từ tờ báo Stars and Stripes của quân đội Mỹ. Bài báo có in hình Đại tướng Westmoreland đang đi duyệt một hàng quân nhân Mỹ ở Việt Nam trong đó có ông. Lần sau cùng, lúc tạm biệt khi đóng hồ sơ, ông đã ôm tôi rồi đưa cho tôi một lá thư ngắn trong đó ông viết:
My Vietnamese Brother,
You are the first I’ve ever hugged and welcome to America. I was real bitter for many years. I’m 50 years old now, and it’s time I put all the hate behind. I respect you as an officer but most of all as a man… We warriors must live together for we both have lost a lot of friends over there.
May God Bless You and Your Family…
From: Chuck Bass
_______
Anh bạn Việt Nam của tôi,
Anh là người đầu tiên mà tôi đã ôm vào lòng và chào đón đến nước Mỹ. Tôi đã thực sự nhiều năm cay đắng. Năm nay tôi đã 50 tuổi, và nay là lúc để tất cả những sự thù ghét lại phía sau. Tôi ngưỡng mộ anh như là một sĩ quan nhưng trên hết còn như một con người… Chúng ta là những chiến sĩ phải sát cánh bên nhau vì cả hai chúng ta đã từng mất mát nhiều bạn bè ở đó.
Cầu xin Thượng Đế phù hộ cho Anh và Gia Đình…
Chuck Bass
________
Kèm theo lá thư, ông còn đưa cho tôi một bản photocopy tấm hình chân dung ông với mấy dòng chú thích trên đó như một đoạn nhật ký mà tôi thấy ông trưng trong phòng làm việc của ông. Đoạn nhật ký đó viết:
I was that which others did not want to be. I went where others feared to go, and did what others failed to do. I asked nothing from those who gave nothing, and reluctantly accepted the thought of eternal loneliness… should I fail.
I have seen the face of terrors; felt the stinging cold of fear; and enjoyed the sweet taste of a mother’s love. I have cried; pained, and hoped… but most of all, I have lived times others would say were best forgotten. At least someday I will be able to say that I was proud of what I was… a soldier.
Viet Nam 68-71
Có lẽ vì biết tôi cũng từng là một người lính ở nơi mà ông đã từng đến nên ông đã có cảm tình đặc biệt với tôi. Khi biết tôi mới đến Mỹ chưa có việc làm, ông đã sốt sắng giới thiệu tôi đến làm việc bán thời gian ở một tiệm ‘liquor’ gần phòng mạch của ông. Sự giúp đỡ của ông tuy không to tát gì nhưng vẫn làm tôi cảm động vì nó thể hiện cái tình chiến hữu, tình đồng minh giữa những người từng chiến đấu trong cùng một chiến tuyến.
Chủ nhân tiệm liquor mà ông Chuck giới thiệu là một người gốc Nam Hàn. Ông chủ này cũng giỏi tài bóc lột, trước khi nhận tôi vào làm, ông nói tôi phải thử việc trong hai ngày không lương, còn thời gian làm việc chính thức mỗi đêm sẽ từ 7 giờ tới 11 giờ, làm 5 ngày trong tuần, với mức lương tối thiểu $4.25/ giờ. Công việc của tôi mỗi ngày là ‘refill’ hàng lên các kệ và các tủ lạnh freezer; đồng thời dọn dẹp, hút bụi và đổ rác trước khi tiệm đóng cửa. Vì muốn có việc làm để có thêm thu nhập bớt lệ thuộc vào trợ cấp khi mới đến Mỹ, vừa để học hỏi rút kinh nghiệm nên tôi đã nhận lời.
Công việc thực ra cũng không có gì nặng nhọc, có điều tôi sợ và ngán nhất khi phải vào làm việc trong cái phòng lạnh dưới 0 độ C phía sau mấy tủ freezer. Mới từ một xứ nhiệt đới sang, tôi chưa quen với cái lạnh thấu xương ở trong phòng này mặc dù đã được chủ giao cho một cái áo jacket dày mỗi khi đi vào phòng. Tuy nhiên, tôi mới làm việc ở đó được khoảng hơn một tháng thì xảy ra một vụ cướp có súng ở một tiệm liquor khác ở San Bernardino gần đó khiến cho một nhân viên làm việc ở đây thiệt mạng.
Vụ cướp này có một vài đài truyền hình Mỹ đến làm phóng sự đưa tin và phỏng vấn khiến cho vợ tôi và mấy người em tôi ai cũng sợ khuyên tôi thôi đừng làm ở tiệm liquor nữa vì có thể nguy hiểm đến tính mạng. Sẵn thấy ông chủ không mấy thân thiện nên tôi đã nghe lời khuyên của người thân mà xin nghỉ việc tại đây.
Ít lâu sau, cũng giống như công việc trước, trong lúc chưa tìm được một công việc thích hợp với khả năng, tôi được người quen giới thiệu vào làm thu ngân cho một tiệm 99+ cents ở Riverside mà chủ nhân là người Việt. Nhưng tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, ông chủ người Việt này cũng chẳng tử tế gì hơn ông chủ người Đại Hàn nếu không nói là đồng hương bắt chẹt đồng hương. Tuy nhiên, vì cần việc làm tôi vẫn chấp nhận làm việc 10 giờ mỗi ngày, một tuần làm 6 ngày, lương khoán $1,000/tháng, không có nghỉ lễ nghỉ phép gì cả. Tôi làm ở đó được mấy tháng thì xảy ra một biến cố khiến cho tôi một lần nữa phải bỏ việc.
Hôm đó là một ngày Thứ Sáu sau ngày Lễ Tạ Ơn – Thanksgiving’s Day. Vào ngày này tiệm rất vắng khách có lẽ vì mọi người đang mải lo đi đến các cửa hàng lớn như Walmart, Macy’s, Nordstrom,… để mua hàng đại hạ giá sau Lễ Tạ Ơn ‘Black Friday Sales’. Lúc đó khoảng hơn 6 giờ chiều, có một thanh niên da trắng khoảng ngoài hai mươi tuổi bước vào tiệm. Anh ta đi một vòng qua các kệ hàng rồi đến trước quầy thu ngân ra dấu với tôi anh ấy câm và điếc và hỏi xin một tờ giấy và cây viết. Sau đó, anh ta lấy một cái xe đẩy đi đến các kệ lấy khá nhiều hàng chất lên xe.
Tiệm này vì là tiệm 99 Cents Plus nên có khá nhiều món hàng bán trên giá 99 cents, thậm chí có cái giá tới 40, 50 đôla như máy cassette, điện thoại để bàn, đồng hồ treo tường, bàn ủi, quần áo, giầy dép… Một lát sau, khi không có một người khách nào khác trong tiệm, anh ta đẩy chiếc xe có đầy hàng đến quầy tính tiền. Thấy anh này lấy quá nhiều hàng không biết anh có đủ tiền mặt để thanh toán không, tôi chỉ vào cái bảng thông báo của tiệm viết bằng tiếng Anh: “Cash Only – No Checks Accepted”. Anh ta gật đầu ra dấu hiểu và đồng ý.
Tôi bấm máy tính tiền cho anh ta mà hồi hộp vì tôi ước tính số tiền phải trả sẽ rất lớn không biết anh ta có đủ tiền mặt để trả hay không. Tổng cộng số tiền đó lên tới trên 500 đôla, một cái hóa đơn chưa từng có ở tiệm này. Khi tôi chỉ vào số tiền trên máy tính, anh ta chìa ra mảnh giấy mà anh ta hỏi xin lúc nãy nay có mấy dòng chữ viết nguệch ngoạc đại ý anh ấy đã gài một trái bom trong tiệm có kết nối kiểm soát từ xa (remote control) do một người bạn của anh ta ở bên ngoài điều khiển, tôi hãy mau mau gom hết tiền trong máy đưa cho anh.
Tôi cầm tờ giấy giả bộ ra dấu không hiểu tiếng Anh thì bỗng nhiên anh ta đột ngột lên tiếng: “Give me all the money in cashier. Hurry up! I have a gun”. Thì ra anh này giả câm và điếc. Tôi nghĩ trong đầu, chắc anh ta thấy tôi là người Á châu hiền lành nên ‘hù’ tôi thôi chứ nếu có súng thật thì anh ta đã móc ra rồi và anh ta làm gì có bom mà đặt trong tiệm vì trong lúc anh ta đi lấy hàng tôi đứng trên bục cao theo dõi qua những tấm gương an ninh của tiệm đâu có thấy anh ta gài đặt cái gì khả nghi đâu.
Tuy suy nghĩ như thế nhưng vì đã được người chủ dặn trước nên tôi nói “OK” và mở ngăn kéo cashier cho anh ta thò tay vào hốt hết những tờ tiền giấy, chỉ chừa lại những đồng tiền cắc. Sau đó, anh ta xách mấy túi hàng và đi nhanh ra khỏi tiệm. Sau khi người này đã đi khỏi, tôi gọi điện thoại thông báo sự việc cho người chủ. Ông ta nói tôi gọi số 911 báo cáo cho cảnh sát. Nghe lời ông, tôi gọi số 911. Ở đâu dây bên kia, người nữ tổng đài viên hỏi tôi rất nhiều câu hỏi nào là sự việc xảy ra lúc nào, nghi can khoảng bao nhiêu tuổi, cao thấp như thế nào, là da trắng da đen, Hispanic, hay Asian,… và quần áo ra sao.
Tôi lấy cớ lúc đó vừa sợ, vừa hồi hộp nên không quan sát kỹ nhưng trong tiệm có camera, xin cho cảnh sát đến để xem sẽ rõ hơn sự mô tả của tôi. Tôi cũng hơi bực mình, thắc mắc trong tình thế cấp bách nguy khốn người dân bị cướp như thế này mà tổng đài cứ đòi mô tả chi tiết về nghi can làm sao mà tôi báo cáo được. Tuy vậy, chỉ khoảng hơn 15 phút sau, có hai xe cảnh sát chớp đèn đến đậu phía trước rồi có mấy người cảnh sát bước vào tiệm. Cùng lúc đó, ông chủ tiệm cũng đã đến có mặt ở tiệm.
Theo yêu cầu của cảnh sát, tôi kể lại diễn tiến sự việc và đưa mảnh giấy mà anh thanh niên đã viết, đồng thời in lại tờ hóa đơn các món hàng mà anh ta đã lấy đi. Sau đó, cũng theo yêu cầu của cảnh sát, chúng tôi đã chiếu lại đoạn băng video có anh thanh niên này ở trong tiệm. May mắn sao trong số những cảnh sát quan sát đoạn phim có một người lên tiếng nói ông ta biết anh thanh niên này ở một nơi rất gần tiệm. Ngay lập tức, tất cả các người cảnh sát trở lại xe của họ lái đi theo sự hướng dẫn của người cảnh sát đó.
Chỉ khoảng nửa giờ sau, có một chiếc xe cảnh sát quay lại cùng với hai người cảnh sát bước vào tiệm. Họ nói họ đã bắt được anh thanh niên nghi can và muốn tôi đi cùng họ đến để nhận diện xem có đúng đó là thủ phạm hay không. Tôi theo họ ra xe ngồi vào băng ghế sau của xe cảnh sát được ngăn cách với hàng ghế trước bằng một tấm lưới thép dầy có nhiều lỗ thông. Họ đưa tôi đến một con đường ở giữa hai dãy nhà để xe của một khu nhà cho thuê ở gần đó rồi ngừng lại. Chiếc xe cảnh sát này rọi đèn pha cực sáng ra phía trước.
Từ trong xe nhìn ra, tôi thấy anh thanh niên nọ đã bị còng tay đứng bên mấy túi hàng tang vật. Anh vẫn mặc chiếc áo sơ mi ca rô màu nâu xám và chiếc quần jeans bạc màu như lúc vào tiệm. Theo lệnh của cảnh sát, anh ta xoay một vòng cho tôi nhận diện. Tôi nói với hai người cảnh sát ở trong xe rằng anh này chính là thủ phạm vừa cướp ở tiệm với chính quần áo mà anh ta đang mặc. Họ cám ơn sự hợp tác của tôi và đưa tôi trở về tiệm.
Khoảng một tháng sau ngày đó, tôi nhận được trát đòi của tòa sơ thẩm Riverside yêu cầu tôi ra làm nhân chứng cho vụ cướp nói trên. Đến ngày xử, khi tôi đến tòa bước vào phòng xử đã thấy một số phạm nhân mặc bộ quần áo tù màu cam ngồi ở hàng ghế bị can phía bên trái. Trên bàn chủ tọa, tôi thấy còn trống, chưa có vị chánh án và các viên chức tòa án.
Trong lúc tôi đang quan sát số phạm nhân xem có anh thanh niên nghi can kia không thì một chị thông dịch trợ giúp pháp lý cho tôi đến mời tôi đi ra ngoài phòng xử. Bà nói, tôi chưa cần có mặt ở trong để tránh cho nghi can và đồng bọn có thể nhận diện trả thù tôi sau này. Khoảng hơn nửa giờ sau khi tôi đã bước ra ngoài phòng xử thì bà thông dịch ra báo cho tôi biết, vì có quá nhiều tang chứng không thể chối cãi nên anh nghi can đã nhận tội, tuy nhiên bản án tuyên xử anh sẽ diễn ra trong một phiên tòa khác. Như vậy tôi không cần phải xuất hiện trước tòa làm nhân chứng nữa…
Sau này tôi được biết anh thanh niên đó đã bị tòa tuyên án 1 năm tù giam và 1 năm quản chế (probation). Thật đáng tiếc cho một người trẻ như anh mà đã sớm bị vướng vào vòng lao lý. Riêng về phần tôi, cũng nhờ sự kiện này tôi đã quyết tâm đi tìm một công việc khác, vừa đỡ nguy hiểm vừa an toàn cho bản thân, vì giả sử như vụ cướp đó có súng thiệt thì không biết số phận tôi đã ra sao.
Tôi nghĩ công việc mới mà tôi cần là có một thu nhập tạm đủ sống kèm theo những phúc lợi cần thiết, và nhất là ít ra nó cũng tương đối tương xứng với khả năng tri thức của mình. May mắn tôi đã tìm được việc làm ở một công ty lớn chuyên sản xuất phụ tùng máy bay của Mỹ nên dù chỉ là một thư ký quèn nhưng tôi vẫn có đủ những phúc lợi cần thiết như bảo hiểm sức khỏe, tiền hưu liễm (pension) và quỹ tiết kiệm 401K. Tôi hài lòng với công việc này vì nhờ nó mà cuộc sống của tôi dần dần ổn định không còn những gian nan như những ngày đầu mới đến Mỹ.