Đại dịch COVID-19 đánh bại sự lãng mạn, và tình yêu đang chết dần. Đúng vậy không? Tình yêu có thực sự chết, và nếu thế, ai giết nó?
Với mỗi người, tình yêu có ý nghĩa khác nhau và thể hiện khác nhau, qua tình dục, quan hệ thân mật, chăm sóc cho nhau, và nhiều thứ khác nữa. Hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng, ở đất nước cờ hoa này, có vẻ như tình yêu đang suy giảm, một phần do đại dịch COVID-19. Ấy ấy, đừng cái gì cũng đổ lỗi cho đại dịch, vì thật ra xu hướng… giảm yêu này bắt đầu từ trước năm 2020 rồi.
Nhưng căn cứ vào đâu để nói người Mỹ bớt lãng mạn, giảm yêu? Con số được CNN đưa ra là: Tỷ lệ người Mỹ tán tỉnh người yêu bằng câu “anh mãi yêu em dài lâu” giảm tới 50% kể từ năm 1986, vì chỉ thích yêu chớp nhoáng, không phải là tình yêu bền vững. Kể từ năm 1989, dân Mỹ không còn mê sex, giảm quan hệ tình dục với tỉ lệ cao hơn bất kỳ thời điểm nào. Và từ cuối thập niên 2000, Lễ Tình Nhân không còn là ngày lãng mạn của rất nhiều người Mỹ, số người kỷ niệm ngày này giảm rõ rệt. Vậy thì cái quái gì đang diễn ra?
Trên podcast cá nhân “Margins of Error”, nhà báo Harry Enten không đồng ý, nói: “Tình yêu đâu có chết. Nếu quan sát xung quanh đi, bạn sẽ thấy ngay những sự khao khát tình yêu và lãng mạn thể hiện bằng nhiều cách khác nhau đó thôi!”
Enten nói đúng. Hãy lấy ví dụ trong lĩnh vực giải trí. Chỉ cần nhìn vào số lượng các chương trình truyền hình thực tế dành cho hẹn hò được phát sóng trong vài năm gần đây như “Love Is Blind”, “Love on the Spectrum”, “Indian Matchmaking”,… sẽ thấy tình yêu vẫn… sống tốt. Thậm chí có một chương trình mà người tham gia còn đeo những bộ phận giả “khó coi” để hẹn hò! Chương trình có tên “Sexy Beasts” (Những quái vật gợi cảm) được khá đông người theo dõi.
Trong chương trình hư cấu “Bridgerton”, người chơi cầm những quả bóng để người hâm mộ của chương trình đến lấy, kiểu như “gieo cầu tình yêu”. Đó là kinh nghiệm khá thú vị, ngay cả khi bạn không biết chuyện gì đang xảy ra cho đến hơn nửa chương trình.
Tiểu thuyết gia lãng mạn Adriana Herrera, tác giả cuốn “A Caribbean Heiress in Paris” và “American Dreamer”, nhận định: “Chính những chương trình sáng tạo như Bridgerton góp phần cổ vũ cho tình yêu. Những người đang quên dần tình yêu chắc chắn sẽ cần một chặng đường dài để khởi động lại sự lãng mạn trong ý thức. Nhưng cuối cùng họ cũng có được sự lãng mạn bởi vì cùng đích của cuộc sống con người là muốn có hạnh phúc mãi mãi. Tuy nhiên, những kỳ vọng về sự lãng mạn và tình yêu trong thời đại hiện nay có thể khác so với những thập niên trước.
Ngày nay, xã hội dễ chấp nhận hơn các kiểu quan hệ khác nhau. Trong khi đó, các phương tiện truyền thông cũng làm tốt hơn việc phản ánh những mối quan hệ liên chủng tộc và không cùng giới tính. Theo Herrera, lý do thực sự khiến nhiều người thích trì hoãn hôn nhân có thể vì họ nâng tiêu chuẩn lên cao hơn đối với người bạn đời cần tìm chăng? Có một số dữ liệu hỗ trợ luận điểm này.
Theo phân tích dữ liệu điều tra dân số Hoa Kỳ năm 2020 của Trung tâm Nghiên cứu Pew, năm 2019 chỉ có 44% người thuộc thế hệ Millennials (sinh từ 1981 đến 1996) kết hôn, so với 53% của Thế hệ Xers (sinh từ 1965 đến 1980), 61% của thế hệ Baby Boomers (sinh từ 1946 đến 1964) và 81% ở Thế hệ thầm lặng – Silent Generation (sinh từ 1928 đến 1945).
Một báo cáo trước đó của Pew cho biết khoảng 2/3 số người thuộc thế hệ Millennials hy vọng sẽ kết hôn vào một ngày nào đó, nhưng 1/4 trong số này nói họ chưa tìm được đúng “ý trung nhân.” Tỷ lệ quan hệ trai gái giảm cũng ảnh hưởng đến các khía cạnh khác của tình yêu. Nghiên cứu năm 2021 phát hiện sự giảm mạnh các mối quan hệ lãng mạn, là yếu tố hàng đầu giải thích tại sao giới trẻ ngày nay quan hệ tình dục ít hơn so với thế hệ cha anh của họ. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện rằng tình trạng thu nhập giảm, nghiện trò chơi máy tính, rượu bia,… góp phần vào sự suy giảm hoạt động tình dục.
Một nguyên nhân tiềm ẩn khác không thể bỏ qua là sự phổ cập của các ứng dụng (app) hẹn hò. Monica O’Neal, nhà tâm lý học tại thành phố Boston chuyên nghiên cứu về quan hệ trai gái nhận định: “Những người điều hành các ứng dụng này không quan tâm đến việc mọi người có thực sự tìm thấy mối quan hệ đúng hay không. Mục tiêu chính của họ là giữ chân mọi người trên ứng dụng, để kiếm tiền. Những gì xảy ra cho thấy các ứng dụng hẹn hò tạo ra một nền văn hóa ảo khiến mọi người không còn dành thời gian đầu tư vào việc làm quen trong thế giới thực”.
Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy trước đại dịch, hẹn hò trực tuyến là phương cách chính để các anh chị gặp gỡ, tìm hiều nhau. Cách này tăng lên đáng kể trong và sau đại dịch. “Nhưng dù yêu hay ghét, các ứng dụng hẹn hò đến trong cuộc sống chúng ta và sẽ còn ở lại thêm một thời gian dài nữa,” Zach Stafford, cựu giám đốc nội dung của ứng dụng hẹn hò đồng tính Grindr, nói.
Thật ra các ứng dụng hẹn hò không hề xấu, đặc biệt là đối với các nhóm từng bị phân biệt đối xử. Nó cũng cho phép chúng ta khám phá giới tính trong một không gian an toàn mà không cần phải mặt đối mặt từ đầu.
Tất nhiên, không phải ai cũng muốn độc thân và sợ quan hệ. Vấn đề là phải điều chỉnh để thích nghi với cuộc sống đương đại. Nói tóm lại, đối với tất cả những đang người khao khát sự lãng mạn, nếu không biết chính xác khi nào tiếng sét ái tình đánh trúng mình, thì hãy mở rộng trái tim của mình trước đã, còn chuyện gì đến, sẽ đến!
Đọc thêm:
-Tình yêu không thể trở thành cái cớ cho bạo lực
– เป็นไปได้ไหมที่จะเล่นสล็อตแบบฟรี