Buổi chiều ở Dak Pek

Horst Faas AP

Chiếc trực thăng khổng lồ Chinook chuẩn bị rời phi trường Kontum vào sáng ngày 29 Tết trong tiết lạnh cuối năm. Trời còn sương mù lãng đãng vây quanh nhà ga thưa thớt người. Những kiện hàng hóa được chuyển vội vã vào trong khoang máy bay. Gió thổi thốc nghe phần phật y như là đang trong mùa bão rớt. Lạnh tím môi. Một đoàn chừng hơn mười người bước chệch choạng lên sàn máy bay đứng ở hai bên thành, tay nắm chặt dây thòng phía trên cho khỏi ngã. Chúng tôi đang lên đường đi tiền đồn Dak Pek trong chương trình ủy lạo “Cây mùa Xuân chiến sĩ.”

Thông thường hằng năm gần giáp Tết âm lịch phòng Tâm lý chiến tiểu khu đều lo chuẩn bị người và tặng vật để đi ủy lạo một vài tiền đồn xa xôi tại địa phương, đặc biệt năm nay có sự phối hợp với Tòa hành chánh tỉnh và nhất là có sự tham gia đông đảo của các ca sĩ trong Ban văn nghệ Yaly vừa mới được thành lập trực thuộc cơ sở dân vận chiêu hồi tỉnh. 

Sau phiên họp phân công tôi được cử làm trưởng đoàn đi Dak Pek là nơi xa nhất, sát biên giới Lào. Sở dĩ tôi được cử đi nơi nầy là vì hồi mới tái lập lại quận lỵ Dak Pek sau “Mùa Hè đỏ lửa”, Thiếu tá Vương Thế C. nguyên Trưởng phòng Nhân Dân Tự Vệ tỉnh được cử đi làm Quận trưởng có đề nghị với Trung tá Tỉnh trưởng xin cho tôi đi làm Phó quận với lý do là quận mới tái lập cần người năng nổ và am tường công việc. Nhưng không được vì về quân sự là Chi khu nhưng về phương diện hành chánh như một xã đông dân, do đó chỉ cần một Phái Viên hành chánh điều hành công việc với ngạch Thư ký là đủ. Nghĩ đến mối thâm tình năm xưa nên tôi cũng muốn nhân dịp nầy đi thăm Thiếu tá C. một chuyến.

Hình minh hoạ

Suốt gần hai tiếng đồng hồ di chuyển. Chúng tôi ngồi dựa vào thành máy bay lạnh ngắt. Nhìn nhau không chuyện vãn được gì. Chỉ nghe tiếng gió hòa quyện với tiếng động cơ cánh quạt. Đến khi có tiếng loa của nhân viên phi hành báo máy bay đang hạ độ cao để chuẩn bị xuống bãi đáp chúng tôi mới đứng lên nắm chặt các dây thòng phía trên. Nhìn ra bên ngoài chỉ thấy máy bay đang lướt chui vào trong những cụm mây dầy đặc. Khoảng gần mười lăm phút sau mới dần dần thấy cảnh núi rừng xanh thẫm, bạt ngàn quyện lẫn với khói sương mù chập chờn ở bên dưới.

Máy bay đáp xuống cạnh đầu đường băng lót bằng vỉ sắt dài non một cây số. Ở cuối đường băng là một chiếc phi cơ vận tải C-130 bị gãy đôi nằm nghiêng trơ trọi giữa đám cỏ dại cao tầm hơn đầu người. Chỉ còn thấy một ngôi sao màu trắng trên thành máy bay là rõ nhất. Chúng tôi nhanh chóng nhảy xuống sàn bãi đáp và chạy băng về hướng cây cầu sắt nhỏ bắc ngang qua bên kia đường băng. Đồi cây cỏ xanh ngát thấp lững vây quanh, bóng người rải rác nhỏ xíu trên các công sự đắp bằng bao cát, chung quanh giăng hàng rào kẽm gai dầy đặc.

Thiếu tá C. cùng sĩ quan tùy tùng xuống đồi đón chúng tôi rồi cùng nhau lên quá lưng chừng đồi nơi đặt Bộ chỉ huy Chi khu Dak Pek. Không có bảng hiệu, không có sân chỉ có cột cờ cắm trên nóc công sự bao quanh bởi các nắp hầm kiên cố. Binh lính tụ tập khuân hàng hóa lên đồi, một số khác phụ giúp nhà thầu đem thực phẩm khô vào trong các dãy nhà lợp tôn dọc theo dưới chân đồi để bán ngay cho dân chúng. 

        – Kính chào Thiếu tá.

        – Ông Phó sao rồi?

Vẫn như xưa, lúc nào ông cũng gọi tôi là ông Phó mặc dù lúc bấy giờ tôi đã là Trưởng ty. Không thân lắm nhưng quí trọng nhau trong chừng mực quan hệ công việc. Phòng Nhân Dân Tự Vệ nằm sát vách với Ty Nội An, nối phía sau tòa nhà chính ở tầng dưới gồm ba ty Hành Chánh, Kinh Tế và Tài chánh. Thiếu tá C. là sĩ quan duy nhất có phòng làm việc ở đây vây quanh bởi các viên chức và nhân viên dân sự ở Tòa hành chánh tỉnh.

Dáng người tầm thước, da ngăm đen sạm, gương mặt khắc khổ ít khi cười và ngồi sau bàn giấy y như một pho tượng thật. Đã vậy mà lại nói giọng Huế nặng chịch nữa thì nhân viên thuộc quyền vào trình giấy tờ cũng còn rón rén nhẹ chân huống hồ chi là người ngoài.

Phòng Nhân Dân Tự Vệ điều hành một lực lượng bán quân sự đông đảo và khó khăn nhất. Báo chí thường hay có mục chuyện dài “Nhân Dân Tự Vệ” đủ để nói lên sự phức tạp của đơn vị nầy. Kể từ khi về làm Trưởng Phòng, Thiếu tá C. xin ở luôn trong phòng trực bên Tiểu khu như người độc thân. Ít người biết về gia cảnh của ông. Cho đến khi ông đi nhậm chức Quận trưởng Dak Pek cũng khăn gói lên máy bay một mình đi ngay khi có công điện, chẳng có ai đưa tiễn hay tiệc tùng gì cả. Thói quen là vậy, không nhậu nhẹt cà phê hay quán xá. Chỉ ghé qua văn phòng tôi nói ít lời rồi chia tay. Thế thôi.

Cùng ngược dốc lên đồi tới Bộ chỉ huy Chi khu nằm lọt trong hầm sáng lù mù bởi vài ngọn đèn vàng với tiếng kêu rè rè phát ra từ một máy phát điện nhỏ đã cũ. Lạnh lắm. Một dãy bàn dài sắp dọc theo đường hầm thông qua các phòng nhỏ không có ánh sáng. Chung quanh khu vực, binh lính đi lại rộn ràng chuẩn bị dọn thức ăn cùng với mấy chai bia và các can nhựa đựng đầy rượu trắng. Tốp ca sĩ áo dài đủ màu sắc đang lất phất sau các dãy bàn tiệc cuối năm.

Bắt đầu buổi tiệc, Thiếu tá C. chỉ nói ít lời cảm ơn phái đoàn và đặc biệt mời tôi nâng ly chúc mừng năm mới. Không có nhạc đệm chỉ trừ một cây đàn guitar do một binh sĩ đang loay hoay vặn cần đàn để điều chỉnh âm thanh. Tốp ca sĩ đang chuẩn bị hát thì có tiếng ồn ào từ bên ngoài. Lính Thượng say rượu ở dưới chân đồi đang tập họp chen nhau vào trước cửa hầm. Thiếu tá C. nhanh chóng ra lệnh chuyển tất cả ra ngoài sân trước hầm chỉ huy để tránh mọi người khỏi chen lấn cố vào bên trong hầm.

Hình minh hoạ: Flickrs

Buổi văn nghệ bắt đầu, không có sân khấu ngoài trời, ca sĩ đứng trình diễn chỉ tựa vào khoảnh đất cao trước mấy lỗ châu mai ở lưng chừng đồi. Lính tráng đứng ngồi đông nghẹt vây quanh ở phía dưới. Âm thanh nghe không rõ, gió núi thổi vi vút. Thế mà khi ca sĩ cúi đầu chào chấm dứt phần trình diễn thì tiếng vỗ tay hò hét vang trời. Chưa từng thấy. Gần đến giữa chừng, người lính điều khiển chương trình yêu cầu Trung úy T. cùng vợ ra giúp vui buổi văn nghệ. Mới đầu còn do dự nhưng sau đó mọi người kêu gào dữ quá nên từ trong đám đông Trung úy T. mang đàn guitar cùng với vợ bước lên trình diễn. Tôi ngạc nhiên vô cùng khi thấy người bước lên gò đất cùng với Trung úy T. là cô giáo thuộc Sở học chánh Kontum đã tháp tùng cùng phái đoàn đi ủy lạo sáng nay. Hai người song ca một bản nhạc của Lê Uyên – Phương thật tình tứ.

Trời bắt đầu âm u, gió thổi lùa qua lưng đồi. Lạnh buốt. Mọi người bắt đầu tản ra từng nhóm vậy quanh các ca sĩ cười đùa vui vẻ. Một số vào bên trong hầm. Tôi cũng vào bên trong cùng với Thiếu tá C. và các sĩ quan chi khu. Đặc biệt cố ý đi bên cạnh Trung úy T. để biết thêm về gia cảnh. 

 Sinh ra và lớn lên ở Kontum. Năm 1968 Tết Mậu Thân, cộng sản tràn về chiếm thành phố. Lúc bấy giở Trung úy T. còn là một học sinh theo gia đình chạy giặc về Nam tạm trú ở trại tạm cư Long Thành. Trên đường tản cư quen được cô H. cũng theo gia đình về cùng trại tạm cư. Quen biết nhau từ đó. Cám cảnh gia đình cô H. cha mẹ chỉ có mỗi một cô con gái. Nhà nghèo sống chỉ bằng mấy luống rau ở Phương Nghĩa, hằng ngày hái rau đem ra chợ bán. Sau khi hồi cư trở về Kontum, họ yêu nhau và lập gia đình được một năm. Chàng theo lệnh tổng động viên lên đường nhập ngũ trường Bộ binh Thủ Đức, nàng thi đậu vào trường Sư Phạm Qui Nhơn.

Ra trường chàng chọn nhiệm sở về quê Tiểu khu Kontum và được bổ nhiệm về làm ở Phòng Nhân Dân Tự Vệ tỉnh mấy năm. Sau đó khi Thiếu Tá C. đi làm Quận trưởng Dak Pek đã xin cho Trung úy T. đi theo làm Trưởng ban 3 Chi khu. Nàng sau hai năm ở Qui Nhơn, ra trường cũng xin về Kontum hiện đang là cô giáo Tiểu học, có hai con nhỏ đang cư ngụ cùng với cha mẹ ở xã ven Phương Nghĩa.

Cuộc sống của họ an lành bên nhau cho tới khi Trung úy T. nhận nhiệm vụ lên Chi khu Dak Pek. Xa cách lâu, đôi ba tháng mới có phép về Kontum thăm gia đình vợ con một lần cũng chừng năm, ba bữa rồi lại đi. Cứ thế dòng đời trôi đi không biết ra sao. Nhưng chắc chắn một điều là họ rất hạnh phúc. Cô H. kể cứ mỗi lần về phép Trung úy T. rất vui quanh quẩn trong gia đình, sửa sang nhà cửa. Đặc biệt thích được làm phu “kéo nước giếng” cho vợ giặt đồ trận. Bên thành giếng họ kể cho nhau nghe những câu chuyện đời thường hay gặp. Hạnh phúc giản dị thế thôi.

Hình minh hoạ: AP

Từ lúc lên hát chung với chồng, cô giáo H. sau đó luôn quấn quýt bên Trung úy T. nói cười vui vẻ, thỉnh thoảng hơi e thẹn nhìn về phía các ca sĩ hơi nheo nháy mắt. Giữa núi đồi bao la xanh ngát đôi bạn bước khập khiễng bên nhau là hình ảnh dễ thương nhất trong những ngày cuối năm nơi địa đầu giới tuyến.

Đến chiều, phái đoàn ủy lạo đang chuẩn bị chờ máy bay trực thăng lên rước về thị xã, bỗng nhiên Thiếu tá C. cho biết ngày mai còn có chuyến bay lên tiếp tế cho Tiểu đoàn Biệt Động Quân biên phòng hiện đóng ở bên kia triền núi đối diện với đường băng bãi đáp trực thăng. Thiếu tá C. khẩn khoản:

        – Hay là ông Phó ở lại chơi chiều mai về. 

Vừa nói với tôi, Thiếu tá C. lại vừa liếc mắt nhìn về phía Trung úy T.

Trong khoảng thời gian buổi chiều quanh quẩn vui chơi, chuyện trò với các sĩ quan chi khu tôi được biết sơ qua về tình hình an ninh tại đây. Sáng sớm chỉ nhìn xuống con sông nhỏ chảy dưới chân đồi là biết được cường độ xâm nhập của quân Bắc Việt như thế nào. Nước đục ngầu màu đỏ quánh là họ đang bắc cầu vượt qua sông ồ ạt. Nước càng sánh là họ di chuyển liên tục kể cả xe cơ giới, nước nhạt là họ nghỉ dưỡng quân. Trước đây thường bất kể ngày đêm, không lực Hoa Kỳ phối hợp với Việt Nam thực hiện đều đặn những phi vụ thả bom phá hủy cầu, đường hành lang xâm nhập của họ. Nhưng gần đây kể từ sau khi ký Hiệp Định Paris năm 1973 không còn các phi vụ hoạt động như thế nữa nên càng lúc họ càng chuyển quân liên tục, ồ ạt và sửa sang đường xá lớn hơn mà không có một sự ngăn chận nào. Phía VNCH chỉ co cụm hoạt động an ninh quanh vòng đai đơn vị không có hành quân ra xa, chủ yếu là thu lượm tin tức tình báo để báo cáo về Tiểu khu. 

Chưa có đánh lớn ở các nơi khác thì tình hình tương đối yên ổn. Nhưng khi quân CSBV mở chiến dịch tấn công qui mô như các năm 65, 68, 72 thì coi như chi khu hoàn toàn bị xóa sổ. Sau đó khi tình hình yên ổn, địch rút đi thì phía VNCH tái lập chi khu trở lại. Cứ như thế mà chờ.

Tôi lưỡng lự chưa quyết định và im lặng. Dĩ nhiên mọi người trong phái đoàn sẽ trở về dù tôi có ở lại hay cùng về. Tôi một phần hiểu ý của Thiếu tá C.

Trong khi chưa có quyết định gì cả thì có tin báo thời tiết xấu, trực thăng có thể không lên theo đúng như lịch trình đã hẹn từ trước. Mọi người trong đoàn ủy lạo nhốn nháo. Lo sợ kẹt không về kịp tết, nhưng sợ nhất là lỡ địch pháo kích hay tấn công chi khu trong đêm thì vô cùng nguy hiểm. Lo sợ hơn nữa khi các sĩ quan chi khu cho biết trễ hẹn là chuyện bình thường có khi kéo dài cả tuần lễ do thời tiết xấu liên tục mà cũng có khi do bên không đoàn bận nhiều phi vụ khác quan trọng hơn. Chỉ biết chờ thôi và không thể làm gì khác hơn được.

Thiếu tá C. ra lệnh cho binh sĩ chuẩn bị thu xếp dọn chỗ cho phái đoàn nghỉ qua đêm. Thật phức tạp khi có đoàn nữ ca sĩ ở lại trong hầm, tuy không nhỏ lắm nhưng hơi bất tiện vì không có ngăn phòng và đa số sĩ quan binh lính ở đây đều ngủ trên ghế bố xếp dã chiến hoặc túi ngủ xếp chạy dài quanh co, luồn qua các hầm công sự. 

Hình minh hoạ: Flickrs

Trong khi mọi người đang bận rộn và lo lắng cho việc ở lại qua đêm thì bất ngờ hiệu thính viên trực máy báo cho Thiếu tá C. biết là 30 phút nữa sẽ có chuyến trực thăng đến để bốc phái đoàn ủy lạo sáng nay trở về tỉnh. 

Lúc bấy giờ mọi người lại nhao nhao lên và không còn đủ thì giờ để chia tay. Tôi hỏi Thiếu tá C. có thể cho phép một mình cô H. ở lại chờ chuyến bay kế tiếp trong một vài ngày không, ông gật đầu đồng ý. Sau đó tôi báo cho cô H. biết là cô có thể ở lại nếu muốn.

Trời nhá nhem chưa tối hẳn, chúng tôi xuống địa điểm bên nầy cây cầu sắt gần bên kia bãi đáp để chờ máy bay trực thăng đến. Từ xa nghe rõ tiếng gió rít rất dễ nhận. Đang đứng chờ lơ đễnh tôi bỗng quay lại thấy vợ chồng Trung úy T. đang vội vã chạy xuống đồi để kịp đến nhập bọn với chúng tôi. Thấy vậy tôi nhìn cô H. đang còn khóc sướt mướt. Trung úy T. quay sang nói nhỏ với vợ:

        – Em phải về, ba má và hai con đang chờ…

……

Hai tháng sau, chi khu Dak Pek thất thủ, địch tràn ngập Bộ chỉ huy. Tất cả sĩ quan, binh lính đều được ghi nhận là mất tích.

Không ngờ buổi chiều hôm ấy lại là chiều tiễn biệt. 

Giã từ Dak Pek mù sương, núi rừng thâm u và giã từ luôn người chiến sĩ đã ở lại trên đồi chi khu văng vẳng bên tai tiếng rùng mình vi vu gió núi.

        – Em phải về, phải về…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: